Thứ Bảy, 23/11/2024, 03:40 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Sư đoàn Không quân 370 là một trong những đơn vị được đầu tư tiến thẳng lên hiện đại, có nhiệm vụ chính trị trọng tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời, vùng biển, đảo, thềm lục địa từ vĩ tuyến 14 vào đến cực Nam của Tổ quốc. Bên cạnh đó, Sư đoàn còn tham gia đào tạo chuyển loại phi công các loại; bay tìm kiếm cứu nạn; bay chuyên cơ phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội thăm, kiểm tra các địa bàn trọng điểm và thực hiện một số nhiệm vụ đột xuất khác. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, Sư đoàn được tiếp nhận một số máy bay, vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại. Điều đó giúp nâng cao một bước khả năng sẵn sàng chiến đấu, tạo sức mạnh chiến đấu mới cho Sư đoàn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ, Sư đoàn gặp không ít khó khăn do phải huấn luyện trên nhiều chủng loại máy bay, cho nhiều đối tượng, cường độ huấn luyện và yêu cầu đặt ra rất cao, trong khi Đơn vị chưa có giáo viên chuyên trách; các đơn vị đóng quân phân tán, phạm vi hoạt động và mục tiêu Sư đoàn bảo vệ rộng. Bên cạnh các phương tiện, khí tài thế hệ mới hiện đại, Sư đoàn quản lý nhiều loại máy bay đã qua khai thác, sử dụng nhiều năm, tính đồng bộ, ổn định kỹ thuật không cao, hay phát sinh hỏng hóc; công tác bảo đảm trang bị, vật tư thay thế hạn chế; hậu phương gia đình của cán bộ, chiến sĩ còn khó khăn, v.v.
Trước thực tế đó, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, Sư đoàn đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu và bảo đảm an toàn bay, đạt được những kết quả tích cực, được Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân đánh giá cao.
Đặc thù huấn luyện của lực lượng không quân là sử dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại, tốc độ cao, hoạt động với cường độ lớn, căng thẳng về tâm lý, tình huống diễn ra rất nhanh, đòi hỏi thao tác hết sức thuần thục, chính xác, tính độc lập cao, điều kiện thời tiết, khí tượng trên không phức tạp, nguy cơ mất an toàn rất lớn. Bởi vậy, trước hết Sư đoàn coi trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện. Để đạt hiệu quả, Sư đoàn chỉ đạo các đơn vị tích cực đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục; kết hợp chặt chẽ giáo dục cơ bản, thường xuyên với giáo dục theo nhiệm vụ; giáo dục những nội dung, yêu cầu mới với truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động thi đua, gắn phong trào Thi đua Quyết thắng với Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, v.v. Qua đó, thống nhất nhận thức, xây dựng động cơ, quyết tâm, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, nhất là phi công trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện; củng cố niềm tin của bộ đội vào vũ khí, trang bị hiện có, phát huy truyền thống “Dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng” trong điều kiện mới; khắc phục khó khăn, vươn lên làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại và khắc phục tư tưởng ỷ lại, giản đơn, chủ quan trong chấp hành các quy định bảo đảm an toàn, thực hiện nền nếp chế độ huấn luyện.
Cùng với đó, Sư đoàn tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ huấn luyện, bảo đảm an toàn bay. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên về công tác huấn luyện, trọng tâm là Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương; Nghị quyết số 877-NQ/ĐU, ngày 09/3/2023 của Đảng ủy Quân chủng và Mệnh lệnh huấn luyện của Tư lệnh Quân chủng, Đảng ủy Sư đoàn đã ban hành Nghị quyết số 803-NQ/ĐU, ngày 22/3/2023 về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo. Nghị quyết nhấn mạnh: “Coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, theo nhiệm vụ, sát với tình huống, đối tượng, địa bàn tác chiến, khai thác sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị hiện có; lấy huấn luyện bay là trung tâm, huấn luyện cán bộ là khâu then chốt; bảo đảm an toàn bay vững chắc là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, yếu tố sống còn, quyết định đến sức mạnh chiến đấu của Sư đoàn”. Để thực hiện tốt chủ trương trên, Sư đoàn yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cấp đề cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, trọng tâm là huấn luyện bay và bảo đảm an toàn bay. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp coi trọng làm tốt các khâu, bước từ xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch gắn với kiểm tra, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, khắc phục bệnh thành tích trong huấn luyện. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình, kế hoạch huấn luyện, đầu bài, tưởng định, các văn kiện chỉ đạo, đạo diễn diễn tập sát đặc điểm đơn vị; gắn nâng cao chất lượng huấn luyện với bảo đảm an toàn bay. Chú trọng đầu tư, làm tốt công tác chuẩn bị; thông qua cấp ủy chặt chẽ, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể đến từng cấp ủy viên phụ trách.
Những năm gần đây, nhiệm vụ huấn luyện của Sư đoàn có nhiều phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với các loại máy bay, vũ khí, khí tài, trang bị hiện có và phương thức, thủ đoạn tác chiến mới của đối phương, Sư đoàn tập trung đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác huấn luyện. Trước hết là đổi mới cơ chế chỉ đạo, quản lý, điều hành, đẩy mạnh phân cấp, quy rõ trách nhiệm của cơ quan, chỉ huy các cấp và nâng cao hiệu quả phối hợp, hiệp đồng giữa các cơ quan, đơn vị trong việc tham mưu, chỉ đạo, điều hành huấn luyện, phát huy sức mạnh tổng hợp, ý thức tự lực, tự cường, huy động mọi nguồn lực phục vụ công tác huấn luyện. Về nội dung, Sư đoàn tập trung vào khoa mục bay mới, phức tạp, giúp nâng cao trình độ cho phi công, tổ bay, như: bay đội hình 4 chiếc cơ bản và ứng dụng chiến đấu trên Su-22, Su-30; các bài bay ứng dụng chiến đấu cơ động phức tạp trên đất liền, trên biển, chặn ép máy bay vi phạm, bay đường băng ngắn hẹp, bay hạ cánh trên nhà giàn DK1-10, tàu LST, hạ cánh trên nhà cao tầng và hạ cất cánh trên các đảo, bay treo cứu hộ, cứu nạn trên biển, v.v. Trong đó, hết sức coi trọng huấn luyện nâng cao kỹ năng xử lý tình huống bất trắc trong quá trình bay. Đồng thời, tổ chức cho giáo viên bay tham gia huấn luyện bay theo chương trình nâng cao với chuyên gia, làm nòng cốt để huấn luyện cho đơn vị. Sư đoàn đã có nhiều bước đổi mới, đột phá trong huấn luyện sử dụng vũ khí. Từ mỗi chuyến bay chỉ sử dụng 1 loại vũ khí, các đơn vị đã huấn luyện và thực hiện sử dụng nhiều loại vũ khí; sử dụng nhiều đội hình chiến thuật khác nhau đối với 01 máy bay, 02 máy bay và 04 máy bay thực hành bắn, ném bom trên đất liền, trên biển ban ngày, ban đêm để sát với thực tiễn chiến đấu. Sư đoàn tăng cường huấn luyện các bài bay củng cố kỹ thuật nhào lộn phức tạp độ cao thấp, kỹ thuật nhào lộn cao cấp, bay không chiến; huấn luyện sử dụng các loại bom, tên lửa có điều khiển và sẵn sàng thực hành bắn, ném bom trên biển ban đêm cho phi công, tổ bay trực thăng. Chú trọng huấn luyện nâng cao trình độ giữ giãn cách bay, làm chủ các trang bị, vũ khí, khí tài mới và ứng dụng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, công nghệ cao vào hoạt động bay. Về phương pháp huấn luyện, Sư đoàn tập trung đổi mới theo hướng trực quan, sáng tạo, linh hoạt, không dập khuôn máy móc, lấy thực hành làm chính; bảo đảm sát với nhiệm vụ, địa bàn, đối tượng tác chiến. Tăng cường bay buồng tập và học tập, ôn tập lý thuyết, xử lý các tình huống bất trắc cho phi công. Sư đoàn đã mạnh dạn đưa phi công phản lực vào bay những bài bay khó, như: bay bằng bắn, ném bom, phóng rocket ban đêm ở độ cao thấp và cực thấp, các bài cơ động chiến thuật bay thấp, kéo cao kết hợp bắn các loại đạn nhiễu nhiệt, nhiễu vô tuyến vượt hỏa lực phòng không địch. Nhờ đó, chất lượng huấn luyện bay của Sư đoàn đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ. Qua kiểm tra các khoa mục, bài bay mới có sử dụng vũ khí, ném bom trong những năm gần đây, đều đạt khá, giỏi, đơn vị an toàn tuyệt đối.
Để đảm bảo lực lượng sẵn sàng chiến đấu, Sư đoàn chú trọng công tác huấn luyện, đào tạo chuyển loại phi công; thành lập các tổ trợ giáo để kèm cặp, giúp đỡ phi công trẻ, bố trí giáo viên có nhiều kinh nghiệm để bay kèm học viên; tổ chức các chuyến bay mẫu của giáo viên để thống nhất nội dung, phương pháp bay. Khi kết thúc chương trình đào tạo, tổ chức bay nâng cao để đưa phi công vào làm nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu. Bên cạnh đó, Sư đoàn thường xuyên hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị trên địa bàn khu vực phía Nam thực hành huấn luyện hiệp đồng và diễn tập chi viện hỏa lực, đổ quân chiến thuật trong các tình huống chiến đấu, chống bạo loạn lật đổ, khủng bố, chặn ép máy bay xâm phạm vùng trời; tổ chức diễn tập đối kháng giữa các đơn vị trong và ngoài Quân chủng. Thông qua các đợt diễn tập để rút kinh nghiệm, điều chỉnh cách đánh, phương pháp hoạt động chiến đấu, hoàn thiện kỹ thuật, chiến thuật, làm cơ sở để nâng cao khả năng, sức mạnh chiến đấu cho các lực lượng.
Đi đôi với huấn luyện bay, việc huấn luyện mặt đất cả chuyên môn, chuyên ngành, điều lệnh, rèn luyện thể lực được duy trì chặt chẽ, nền nếp. Sư đoàn chú trọng huấn luyện các kíp trực sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện buồng tập cho phi công, huấn luyện cán bộ và nhân viên kỹ thuật. Đồng thời, thường xuyên giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nắm chắc và thực hiện nghiêm túc pháp luật Nhà nước, chỉ thị, quyết định của Bộ Quốc phòng và hướng dẫn của cấp trên về xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật và bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, Sư đoàn chỉ đạo làm tốt công tác bảo đảm cho huấn luyện; chú trọng bảo đảm kỹ thuật, bảo đảm chuyên ngành hàng không, thông tin, v.v. Những năm qua, Sư đoàn quán triệt nghiêm và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về công tác kỹ thuật, nhất là Cuộc vận động 50, thiết thực nâng cao độ tin cậy khí tài hàng không, hạn chế tối đa các yếu tố uy hiếp an toàn bay, đảm bảo hệ số trang bị, hệ số kỹ thuật cao nhất cho nhiệm vụ. Duy trì nghiêm nền nếp, quy trình công tác kỹ thuật trong tổ chức bay; tăng cường kiểm tra theo phân cấp nhằm thực hiện đầy đủ các nội dung công tác bảo đảm kỹ thuật, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, bảo quản, cấp phát, sử dụng bom, đạn, xăng dầu, vật chất và tài liệu huấn luyện. Phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các ngành chức năng trong điều động, sử dụng vũ khí, vật chất, trang bị; quan tâm chăm lo sức khỏe và các chế độ, tiêu chuẩn cho bộ đội, bảo đảm tỉ lệ quân số khỏe cao phục vụ huấn chiến đấu.
Trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Không quân 370 tiếp tục nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, bảo đảm an toàn bay, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, đảo, lãnh thổ phía Nam của Tổ quốc trong mọi tình huống.
Đại tá CÙ ĐỨC HƯỜNG, Sư đoàn trưởng
Sư đoàn Không quân 370,huấn luyện chiến đấu,bảo đảm an toàn bay,đột phá nâng cao
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm