Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 11/05/2023, 06:27 (GMT+7)
Sư đoàn bộ binh 8 “chung sức xây dựng nông thôn mới”

Tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng; củng cố cơ sở chính trị địa phương vững mạnh là những hoạt động thiết thực của Sư đoàn bộ binh 8 trong hưởng ứng phong trào “Lực lượng vũ trang Quân khu 9 chung sức xây dựng nông thôn mới”.  Qua đó, diện mạo nông thôn khởi sắc, tình cảm quân dân thêm bền chặt, cán bộ, chiến sĩ đơn vị được nhân dân địa phương tin tưởng, yêu mến.

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta và đã, đang trở thành phong trào sâu rộng trên phạm vi cả nước, nhằm tạo sức bật mới, nền tảng vững chắc cho khu vực nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo phát triển nhanh, bền vững. Đây là nhiệm vụ quan trọng; là trách nhiệm của các cấp, ngành, lực lượng, địa phương và toàn dân, của cả hệ thống chính trị; trong đó, Quân đội là một trong những lực lượng xung kích. Đối với Quân khu 9 nói chung, Sư đoàn 8 nói riêng việc thực hiện phong trào này có nhiều thuận lợi; đó là tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội nơi đây cơ bản ổn định; kinh tế có bước phát triển, đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ngày càng được cải thiện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc, “thế trận lòng dân” được củng cố, tăng cường, v.v. Tuy nhiên, bên cạnh mặt thuận lợi, điều kiện cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội và đời sống của một bộ phận nhân dân trên địa bàn đóng quân vẫn còn gặp khó khăn; kinh phí hoạt động và cơ sở vật chất để thực hiện còn hạn chế; tình hình dịch bệnh, thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp đã tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân và kết quả thực hiện nhiệm vụ của Sư đoàn.

Thấu suốt tình hình nhiệm vụ, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn cùng tập thể cán bộ, chiến sĩ đã nỗ lực phấn đấu, vượt mọi khó khăn, triển khai thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” đạt nhiều kết quả thiết thực, góp phần quan trọng cùng các địa phương hoàn thành nhiều tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào trên địa bàn, xây dựng thế trận và tiềm lực khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc.

Để đạt kết quả cao, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của trên về xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo, tổ công tác, bộ phận giúp việc; từng cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch và tổ chức phát động thi đua. Hằng năm và trong từng giai đoạn, Sư đoàn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương khảo sát thực tế địa bàn, thống nhất lựa chọn một số tiêu chí mang tính đột phá; nắm rõ những thuận lợi, khó khăn của từng địa phương, từ đó xây dựng kế hoạch, xác định những nội dung công việc và cách làm bảo đảm thiết thực, có hiệu quả, phù hợp với khả năng của đơn vị cũng như địa phương. Quá trình triển khai thực hiện, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn nhận thức đúng đắn về mục địch, ý nghĩa, nội dung, tầm quan trọng và các tiêu chí, bước đi của việc xây dựng nông thôn mới, làm cho ý nghĩa phong trào đi sâu vào nhận thức, hành động, ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm để tích cực tham gia thực hiện. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp, nhất là vai trò của các cơ quan tham mưu; phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể địa phương và lực lượng trên địa bàn, tạo “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với nhân dân; khắc phục các hành vi vi phạm kỷ luật quan hệ quân - dân, làm ảnh hưởng đến uy tín và giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Với chủ trương hướng về cơ sở, bám sát địa bàn, Sư đoàn tích cực, chủ động tham gia phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo các tiêu chí nâng cao đã được xác định, từ năm 2010 đến nay, Sư đoàn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng; cải tạo, nâng cấp giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế; tham gia Chương trình “Thắp sáng đường quê”; hỗ trợ hàng nghìn ngày công giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh1,… tạo chuyển biến mạnh mẽ về hạ tầng cơ sở ở nông thôn. Sư đoàn đã ký kết và hỗ trợ xã Tân Nghĩa và Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp đạt chuẩn nông thôn mới, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang và xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp đạt 15/19 tiêu chí, hướng tới đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Sư đoàn còn tích cực giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, tập trung vào việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động, chuyển giao kỹ thuật, chuyển đổi giống, vật nuôi, cây trồng có hiệu quả kinh tế cao2; từng bước xóa bỏ tập tục làm ăn cũ, hiệu quả thấp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn tích cực quyên góp ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ đồng đội, ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam,… với số tiền trên 6 tỉ đồng; trao tặng 1.168 phần quà cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; tặng quà cho trẻ em nghèo hiếu học trị giá 44.800.000 đồng vào các dịp khai giảng, lễ, Tết; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 700 lượt người, trị giá 200.000.000 đồng. Các đơn vị của Sư đoàn còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; tổ chức phát quang, khơi thông cống rãnh với hơn 45.000 ngày công lao động. Cùng với đó, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn luôn là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là vào những thời điểm xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, lốc xoáy, triều cường, hạn hán, xâm nhập mặn; kịp thời điều động lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn, hạn chế những thiệt hại, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Những việc làm đó được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, làm cho hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” thêm tỏa sáng.

Thực hiện phương châm “nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn tích cực tham gia củng cố các tổ chức, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, cùng địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Các cơ quan, đơn vị vận dụng nhiều hình thức tuyên truyền, làm cho nhân dân nắm vững nhiệm vụ của địa phương, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh trên địa bàn; yêu cầu xây dựng và bảo vệ địa phương, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng “ấp, xã đạt chuẩn văn minh đô thị” và “gia đình văn hóa”; xóa bỏ các hủ tục, giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc; không nghe, không tin lời của kẻ xấu, yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Bên cạnh đó, Sư đoàn đã chủ động tham mưu đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết kịp thời, hiệu quả nhiều vụ việc khiếu kiện liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo; tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo hoạt động đúng pháp luật, đáp ứng nhu cầu tinh thần của người theo đạo. Trong các dịp lễ hay khi tổ chức các sự kiện của đất nước, nhất là của các tôn giáo, Sư đoàn tổ chức thăm hỏi các chức sắc, chức việc, gia đình tín đồ tôn giáo có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước, động viên họ sống “tốt đời, đẹp đạo”, chấp hành nghiêm quy định của địa phương, tạo sự đoàn kết, gắn bó trong các khu dân cư, cùng nhau xây dựng địa phương vững mạnh, địa bàn đóng quân an toàn.

Trên cơ sở Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xây dựng cơ sở chính trị ở các xã, phường, thị trấn vững mạnh. Trong đó, tập trung vào các địa phương đã ký kết xây dựng nông thôn mới với Sư đoàn; giúp đỡ địa phương xây dựng, củng cố các tổ chức đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể quần chúng vững mạnh, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và làm tốt công tác phát triển Đảng, nhất là trong lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên và đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, giúp các địa phương duy trì nền nếp hoạt động của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, giữ vững nguyên tắc tổ chức và không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động. Sư đoàn luôn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong đào tạo cán bộ dự nguồn cơ sở là hạ sĩ quan, chiến sĩ người dân tộc thiểu số đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh.

Từ thực tiễn phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ở Sư đoàn 8, đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, có chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, như: “Thắp sáng đường quê”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, v.v. Thông qua đó, khơi dậy ý chí quyết tâm, sức sáng tạo, tình đoàn kết quân dân gắn bó, góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện phong trào ở từng cơ quan, đơn vị.

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác này, bên cạnh việc nâng cao trách nhiệm chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng và năng lực, phương pháp công tác, vấn đề đang được Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn hết sức quan tâm là:

1. Tiếp tục quán triệt cho mọi cán bộ, chiến sĩ nắm vững mục đích, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quân đội và của cấp ủy, chính quyền địa phương về thực hiện nhiệm vụ này. Trên cơ sở đó, động viên tinh thần trách nhiệm của mọi người trong tham gia xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đã được xác định; khắc phục mọi biểu hiện vô cảm, ngại khó, ngại khổ, làm việc cầm chừng, “nước sông công lính”, hiệu quả thấp.

2. Luôn quán triệt và nắm vững chủ trương của trên, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và điều kiện của từng địa phương; có kế hoạch phối hợp cụ thể, chặt chẽ, xác định phần việc trọng tâm, trọng điểm, chủ động tạo cầu nối giữa địa phương với đơn vị, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và nhân dân cùng chung sức.

3. Kết hợp chặt chẽ giữa phong trào Thi đua xây dựng nông thôn mới với phong trào Thi đua Quyết thắng, các cuộc vận động, phong trào hành động cách mạng ở địa phương, cơ sở; bám sát các tiêu chí và yêu cầu phải đạt được của từng phong trào để có kế hoạch, biện pháp tổ chức phù hợp với khả năng của đơn vị và đặc điểm của từng địa bàn.

4. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, các đơn vị Quân đội trên địa bàn cùng thực hiện

tốt 05 nhóm nội dung chính giai đoạn còn lại. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, xác định nội dung công việc, chương trình tham gia xây dựng nông thôn mới phù hợp với thực tế của đơn vị và địa phương, góp phần cùng địa phương đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Đại tá NGUYỄN VĂN HOA, Chính ủy Sư đoàn
______________

1 - Hỗ trợ hơn 40.000 ngày công với gần 12.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang và 03 xã: Tân Nghĩa, Phong Mỹ, Ba Sao, huyện Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp. Làm 106 km đường bê tông; nâng cấp 03 cầu dân sinh; lắp đặt 260 trụ điện bê tông, thắp sáng 09 km đường liên ấp; sửa chữa 61 phòng học, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, v.v.

2 - Trong 12 năm qua, Sư đoàn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương hỗ trợ gần 8.000 cây giống, gần 6.000 con gia súc, gia cầm, gần 40.000 cá giống, giúp tăng thêm thu nhập, nâng cao mức sống của người dân.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.