Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 13/03/2020, 13:15 (GMT+7)
Sư đoàn 372 nâng cao chất lượng huấn luyện, bảo đảm an toàn bay

Sư đoàn Không quân 372, Quân chủng Phòng không - Không quân có nhiệm vụ tổ chức huấn luyện chiến đấu, trọng tâm là huấn luyện bay và bảo đảm an toàn bay; phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, đảo, biên giới khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Nhận thức rõ yêu cầu nhiệm vụ, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Đơn vị phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi tổ chức, lực lượng, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và bảo đảm an toàn bay, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Phi Công trao đổi, rút kinh nghiệm, giảng  bình sau chuyến bay

Trước yêu cầu nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu, công tác huấn luyện, bảo đảm an toàn bay được Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn xác định là nhiệm vụ chính trị trung tâm, thường xuyên và là trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp cũng như của mọi cán bộ, chiến sĩ. Cùng với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, tổ chức huấn luyện bay, Sư đoàn còn đảm nhận đào tạo học viên bay, huấn luyện các khoa mục ứng dụng chiến đấu cho phi công tốt nghiệp Trường Sĩ quan Không quân trước khi điều động về đơn vị. Do được trang bị nhiều loại máy bay hiện đại, yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện bay, bảo đảm an toàn bay đòi hỏi rất cao, chặt chẽ, nghiêm ngặt, nên Thường vụ Đảng ủy, Ban Chỉ huy Sư đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ trong chấp hành các biện pháp bảo đảm an toàn bay. Tập trung vào công tác quán triệt, duy trì nghiêm các chế độ, nền nếp, quy trình công tác, Điều lệ, giáo trình tổ chức huấn luyện bay, bảo đảm an toàn bay; huấn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ chỉ huy bay, giáo viên bay, đào tạo các khoa mục ứng dụng chiến đấu trên không, trên biển, trên đất liền, trong các điều kiện khí tượng ngày, đêm, phức tạp.

Trên cơ sở nắm chắc đặc điểm nhiệm vụ, vũ khí, trang bị kỹ thuật và trình độ, năng lực tổ chức chỉ huy, trình độ bay của từng phi công, Sư đoàn chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch bay hằng năm, từng tháng và từng ngày hết sức chặt chẽ, hợp lý, khoa học, phù hợp từng điều kiện khí tượng. Đồng thời, duy trì nghiêm túc nền nếp, chế độ học tập, nghiên cứu, tăng cường kiểm tra đối với phi công, cán bộ, nhân viên kỹ thuật, nhằm nâng cao khả năng quản lý, khai thác, sử dụng thành thạo máy bay, vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có. Sư đoàn yêu cầu các đơn vị duy trì nghiêm chế độ, nền nếp 3 giai đoạn bay, 4 giai đoạn công tác bảo đảm kỹ thuật, chế độ, nền nếp công tác đảng, công tác chính trị trong từng giai đoạn bay theo đúng quy định, hướng dẫn của Cục Chính trị Quân chủng, nhất là chế độ thể thao hàng không, bảo đảm định lượng dinh dưỡng đối với phi công, tổ bay. Đảng ủy Sư đoàn phân công rõ trách nhiệm từng cấp ủy viên và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt phương châm: “Đổi mới tác phong công tác, nâng cao chất lượng huấn luyện, siết chặt kỷ cương, chú trọng nêu gương, an toàn, quyết thắng”.

Cùng với nâng cao chất lượng huấn luyện bay, Sư đoàn tập trung mọi nỗ lực nhằm hạn chế tối đa các yếu tố uy hiếp an toàn bay; gắn nâng cao chất lượng huấn luyện với phòng ngừa tai nạn bay, thực hiện đúng phương châm: “phòng ngừa, ngăn chặn”, phấn đấu không để xảy ra tai nạn có cấp, xử lý tốt các bất trắc xảy ra. Vì vậy, từ năm 2016 đến nay, Sư đoàn được Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng đánh giá là đơn vị tiêu biểu trong công tác bảo đảm an toàn bay, riêng Trung đoàn 929 đã có 20 năm liền bảo đảm tuyệt đối an toàn bay, được Quân chủng tặng Cờ thi đua “Đơn vị bảo đảm an toàn bay vững chắc”.

Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đặt ra yêu cầu xây dựng Quân chủng, Sư đoàn theo hướng hiện đại, có chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao, thực sự xứng đáng là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đối không trong thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Do đó, Sư đoàn đặc biệt coi trọng việc nâng cao chất lượng huấn luyện, bảo đảm an toàn bay, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Để thực hiện được điều đó, thời gian tới, Sư đoàn tập trung làm tốt một số nội dung cơ bản sau.

Một là, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác huấn luyện, bảo đảm an toàn bay. Thường xuyên giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nâng cao chất lượng huấn luyện, bảo đảm an toàn bay là một hoạt động quan trọng góp phần xây dựng Đơn vị, xây dựng Quân chủng vững mạnh về chính trị; tập trung quán triệt các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về công tác huấn luyện bay và bảo đảm an toàn bay tới mọi cán bộ, chiến sĩ, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Theo đó, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quán triệt nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao trình độ nhận thức về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; điều lệ, quy định trong bay và bảo đảm an toàn bay, nhiệm vụ của Sư đoàn trong từng thời kỳ; không ngừng đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, xây dựng ý thức thường trực sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, lãnh thổ của Tổ quốc.

Hai là, duy trì và thực hiện quy trình công tác, giáo trình huấn luyện bay theo đúng hướng dẫn, quy định của trên. Căn cứ vào tình hình thực tế, cấp ủy các cấp xây dựng nghị quyết chuyên đề lãnh đạo sát, đúng trong từng giai đoạn huấn luyện, bảo đảm an toàn bay; tập trung nâng cao năng lực của chỉ huy bay, trình độ đội ngũ giáo viên bay. Sư đoàn yêu cầu cán bộ chỉ huy các cấp phải xây dựng kế hoạch huấn luyện bay - bảo đảm an toàn bay hằng năm, quý, tháng và từng ban bay khoa học, chặt chẽ, phù hợp với Điều lệ bay, Điều lệ an toàn bay, Giáo trình huấn luyện chiến đấu và trình độ của từng phi công, đảm bảo sát với đặc điểm tình hình và công tác bảo đảm máy bay, vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có, đưa công tác huấn luyện vào nền nếp vững chắc, bảo đảm tiến độ, giờ bay và an toàn tuyệt đối. Trong huấn luyện, các đơn vị thường xuyên quán triệt và thực hiện đúng quan điểm, phương châm lấy huấn luyện bay làm trung tâm, huấn luyện cán bộ là then chốt, huấn luyện các thành phần, chỉ huy bay là quan trọng; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát với tình huống, phương án, đối tượng tác chiến và chức năng, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động của đơn vị. Tổ chức hội nghị giảng bình, rút kinh nghiệm sau từng chuyến bay, ban bay, tuần bay kịp thời, chặt chẽ, nghiêm túc. Đồng thời, quan tâm chỉ đạo xây dựng kế hoạch học tập, nghiên cứu cho đội ngũ phi công, cán bộ, nhân viên kỹ thuật nâng cao trình độ, nắm chắc việc quản lý, khai thác, sử dụng thành thạo máy bay và vũ khí, trang bị kỹ thuật.

Ba là, nâng cao trình độ phi công và các thành phần bay. Sư đoàn chỉ đạo các cơ quan, phi đội bay thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện; tập trung vào củng cố, nâng cao trình độ kỹ thuật lái, dẫn đường và ứng dụng chiến đấu bảo vệ các mục tiêu được phân công, nhất là đối với đội ngũ phi công trẻ; huấn luyện cơ động, tham gia diễn tập, bay đêm, bay biển, bay biển xa và chuyển sân; tích cực tổ chức huấn luyện kết hợp các bài bay, khoa mục bay theo đúng quy định của giáo trình, nâng cao khả năng xử lý các tình huống bất trắc, giữ giãn cách bay cho phi công, duy trì lực lượng mũi nhọn làm nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ và quản lý vùng trời trong mọi tình huống. Cùng với đó, duy trì nghiêm chế độ kiểm tra của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ phi đội đối với phi công; chỉ huy bay kiểm tra cán bộ phi đội, cán bộ trung đoàn kiểm tra kíp chỉ huy và giáo viên bay. Đối với phi công, luôn tích cực học tập, nghiên cứu kỹ nội dung, đặc điểm của từng bài bay, các tình huống có thể xảy ra và biện pháp khắc phục; đồng thời, làm tốt công tác chuẩn bị bay. Riêng đội ngũ phi công mới, phi công trẻ phải xây dựng kế hoạch phân công cụ thể từng cán bộ, phi công có kinh nghiệm kèm cặp đưa vào huấn luyện ngay sau khi về đơn vị với phương châm 3 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng bay; bảo đảm trong quá trình đào tạo, phi công phải đạt điểm giỏi mới cho bay đơn khoa mục và đào tạo tiếp khoa mục khác.

Bốn là, bảo đảm tốt kỹ thuật hàng không, kỹ thuật mặt đất. Trước thực trạng máy bay, vũ khí, trang bị kỹ thuật ngày một xuống cấp, thường xuyên phát sinh hỏng hóc, lãnh đạo, chỉ huy từ Sư đoàn đến các đơn vị cơ sở thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, chuẩn bị máy bay và hệ thống thông tin liên lạc, ra-đa dẫn đường, v.v. Căn cứ vào nhiệm vụ bay và chất lượng kỹ thuật hàng không để chuẩn bị và tăng cường công tác kiểm tra của cán bộ các cấp, kịp thời phát hiện và khắc phục những hỏng hóc của kỹ thuật hàng không, kiên quyết không để xảy ra hỏng hóc trước khi bay và đảm bảo độ tin cậy chắc chắn của hệ số kỹ thuật đối với các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật, đặc biệt là máy bay; thường xuyên bảo đảm tốt thông tin, khí tượng.

Quán triệt phương châm: “Mọi thắng lợi trên không bắt nguồn từ mặt đất”, Sư đoàn chỉ đạo các cấp phải nắm vững trình độ, tiến độ bay của từng phi công; nắm chắc các mặt công tác bảo đảm để chỉ đạo xây dựng kế hoạch huấn luyện cụ thể, tỉ mỉ, chính xác; điều hành các ban bay một cách khoa học, linh hoạt, bình tĩnh và có tính nguyên tắc cao. Tuyệt đối không chủ quan, nóng vội, gượng ép trong tổ chức thực hành bay; chuẩn bị các phương án, dự kiến các tình huống bất trắc có thể xảy ra, giúp phi công xử lý thành công các bất trắc trong quá trình bay. Để thực hiện tốt vấn đề này, Sư đoàn tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với cấp trên và Trung tâm khí tượng thủy văn khu vực, nắm chắc diễn biến tình hình và xu hướng của thời tiết để lập kế hoạch bay hợp lý, tổ chức bay vững chắc, an toàn. Đồng thời kiểm tra chặt chẽ, hiệu chỉnh, sửa chữa kịp thời các sai sót, hỏng hóc của các phương tiện thông tin liên lạc và chỉ huy dẫn dắt máy bay trong huấn luyện bay; kiểm tra bảo đảm vững chắc hệ thống thông tin, ánh sáng cho phục vụ huấn luyện bay đêm, kể cả hệ thống dự phòng, v.v.

Năm là, thực hiện tốt chế độ, chính sách đãi ngộ, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Quan tâm thực hiện tốt chính sách đãi ngộ cho đội ngũ phi công và các lực lượng phục vụ, bảo đảm ở các đơn vị bay có tác động rất lớn đến tâm tư, tình cảm và là động lực quan trọng để cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhận thức rõ điều đó, Sư đoàn thường xuyên làm tốt công tác bảo đảm các mặt, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng. Đây cũng là yếu tố căn cốt, tạo nền tảng cho công tác giáo dục, rèn luyện nhằm phát triển những phẩm chất tốt đẹp, năng lực công tác của bộ đội; đồng thời, là động lực thúc đẩy tính tích cực, tự giác của bộ đội, làm cho họ yên tâm, có trách nhiệm với công việc. Ngược lại, nếu đời sống vật chất, tinh thần thấp, gặp khó khăn sẽ gây tâm lý chán nản, giảm lòng tin, kìm hãm sự sáng tạo, triệt tiêu tính tích cực, tự giác và làm hạn chế đến các mặt công tác, chất lượng huấn luyện, an toàn bay.

Trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Không quân 372 nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, bảo đảm an toàn bay, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, đảo, biên giới khu vực miền Trung, Tây Nguyên trong mọi tình huống.

Đại tá VŨ HNG SƠN, Sư đoàn trưởng

Ý kiến bạn đọc (0)