Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 25/07/2011, 08:22 (GMT+7)
Sư đoàn 315 thực hiện "ba đột phá" trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện

Sư đoàn 315 là một trong những đơn vị chủ lực của Quân khu 5. Nhiệm vụ chính trị của Sư đoàn là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), tham gia phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, xây dựng, củng cố, bảo vệ địa bàn và một số nhiệm vụ khác. Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đó, Sư đoàn xác định vấn đề quan trọng hàng đầu là phải thường xuyên quan tâm xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện (VMTD) theo Chỉ thị số 917/CT-BQP, ngày 22 tháng 6 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị, Sư đoàn đã có bước chuyển biến toàn diện trên cả 5 mặt xây dựng. Kết quả đó đã phản ánh sự nỗ lực và bước trưởng thành mới của Sư đoàn trong xây dựng đơn vị, nhất là về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, thực tiễn xây dựng đơn vị VMTD của Sư đoàn cũng còn những mặt hạn chế, như: một số cấp ủy, chỉ huy đơn vị nhận thức chưa sâu sắc về tầm quan trọng của việc xây dựng cơ quan, đơn vị VMTD; việc xây dựng một số mục tiêu, tiêu chí còn chưa cụ thể; các biện pháp thực hiện chưa đồng bộ, trong đó có biện pháp chưa thật phù hợp; một số cấp ủy, chỉ huy thiếu kiên quyết trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện; một bộ phận cán bộ, chiến sĩ còn có biểu hiện thỏa mãn, hoặc ngại khó khăn. Bên cạnh những hạn chế đó, cơ quan các cấp cũng chưa thật chủ động trong việc tham mưu giúp cấp ủy, chỉ huy chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các chỉ thị, quy định của trên về xây dựng đơn vị VMTD và công tác kiểm tra, giám sát đôi khi còn đơn giản, chưa thật thường xuyên, nên chưa kịp thời phát hiện và ngăn chặn những vấn đề nảy sinh, hoặc để những mặt yếu, khâu yếu tồn tại kéo dài.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân; trong đó, quyết tâm, trách nhiệm chưa cao của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ, cùng với cách thức chỉ đạo và tổ chức thực hiện chưa hiệu quả là nguyên nhân chủ yếu. Vì vậy, đi đôi với việc tăng cường giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức về nhiệm vụ và trên cơ sở kế thừa kết quả xây dựng đơn vị VMTD, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh trong những năm vừa qua, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn xác định "ba đột phá" xây dựng đơn vị VMTD trong năm 2011 và những năm tiếp theo; đó là: “nâng cao chất lượng huấn luyện và SSCĐ; nâng cao chất lượng xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật, bảo đảm an toàn giao thông; nâng cao đời sống bộ đội”. Thực chất đây là những nội dung chủ yếu trong xây dựng đơn vị VMTD, nhưng với yêu cầu cao hơn, sát với đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị, nhằm tạo sự chuyển biến căn bản và vững chắc về chất lượng huấn luyện và trình độ SSCĐ của Sư đoàn trước yêu cầu mới. Để thực hiện thắng lợi "ba đột phá" đó, Sư đoàn đề ra phương châm "Dân chủ, đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm"; trong đó, lấy phát huy vai trò của cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, đảng viên làm động lực, vai trò của Đoàn Thanh niên làm mũi xung kích, tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện bằng được "ba đột phá" đã đề ra. 

Nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ được Sư đoàn xác định là khâu đột phá trung tâm, xuyên suốt. Mục tiêu Sư đoàn đặt ra là, tổ chức huấn luyện đúng quy định, hằng năm có 90% nội dung, đề mục kiểm tra đạt yêu cầu, trong đó có trên 70% khá, giỏi; biên chế lực lượng, phương tiện, vũ khí trang bị SSCĐ đạt 100%; thường xuyên xây dựng, bổ sung và luyện tập các phương án, đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ SSCĐ và chiến đấu. Để đạt được mục tiêu đó, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cấp đề cao dân chủ,  lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ và khơi dậy, phát huy cao độ trí tuệ tập thể; qua đó, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của toàn đơn vị trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và duy trì các chế độ luyện tập SSCĐ.

Trong quá trình tổ chức huấn luyện, khác những năm trước, ngoài các nội dung tập huấn cán bộ, xây dựng chương trình, giáo án bài giảng, chuẩn bị vật chất, thao trường, bãi tập, Sư đoàn tập trung chỉ đạo vào ba mặt cụ thể.Một là, duy trì chặt chẽ thời gian và phương pháp bám lớp của cán bộ theo phân cấp. Cách làm của Sư đoàn là, cán bộ từng cấp xây dựng kế hoạch bám lớp, bám thao trường và báo cáo kế hoạch này lên cấp trên. Đây là cơ sở để duy trì thực hiện kế hoạch và để cấp trên trực tiếp tiện theo dõi, kiểm tra. Khi bám lớp, cán bộ không chỉ theo dõi, giám sát và quản lý phân đội, đơn vị, mà còn có nhiệm vụ đánh giá kết quả huấn luyện và rút kinh nghiệm sau mỗi khoa mục huấn luyện. Việc làm này, trên thực tế, vừa rèn luyện và nâng cao trách nhiệm của cán bộ chủ trì, vừa nâng cao ý thức chấp hành nhiệm vụ huấn luyện của cán bộ, chiến sĩ.Hai là, tập trung bồi dưỡng cán bộ phân đội, đảm bảo 100% cán bộ huấn luyện được theo phân cấp; trong đó, có 90% cán bộ tiểu đoàn và tương đương, 75% cán bộ trung đội, đại đội trở lên đạt cán bộ huấn luyện khá, giỏi. Với chỉ tiêu đó, Sư đoàn thực hiện đồng thời hai nội dung: bồi dưỡng trình độ tổ chức huấn luyện và bồi dưỡng trình độ quản lý đơn vị; trong mỗi nội dung, lại kết hợp nhiều hình thức bồi dưỡng, mà trọng tâm là bồi dưỡng theo phân cấp; trong đó, quy định cán bộ cấp trên chịu trách nhiệm về trình độ huấn luyện và quản lý đơn vị của cán bộ dưới một cấp. Ba là, phát huy nội lực trong công tác đảm bảo huấn luyện. Thực hiện mặt công tác này, không chỉ tăng cường quản lý kinh phí và vật tư do trên cấp, mà Sư đoàn còn tự đầu tư, bổ sung kinh phí đến cấp đại đội, kết hợp phát huy công sức, trí tuệ của bộ đội để mua sắm vật tư, tự chế mô hình học cụ, cải tạo, nâng cấp thao trường, bãi tập. Đó là ba “điểm nhấn” thể hiện quyết tâm, tính chủ động, gắn với các biện pháp cụ thể trong khâu đột phá trung tâm của Sư đoàn.

Nâng cao chất lượng xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật, bảo đảm an toàn giao thông được Sư đoàn xác định là khâu then chốt để giải quyết dứt điểm khâu yếu, mặt yếu trong xây dựng đơn vị VMTD. Mục tiêu của khâu đột phá này là: toàn Sư đoàn duy trì và thực hiện nghiêm chế độ nền nếp chính quy; quản lý chặt chẽ con người, vũ khí, trang bị và tài sản công; tỷ lệ vi phạm kỷ luật thông thường dưới 0,2%, không có quân nhân vi phạm kỷ luật nghiêm trọng và không có tai nạn giao thông do lỗi quân nhân gây ra. Để hiện thực hóa các mục tiêu, bên cạnh việc giáo dục, tuyên truyền với khẩu hiệu "mỗi tuần học từ một đến hai điều luật", Sư đoàn tiến hành đồng bộ các giải pháp, như: phân cấp quản lý con người, vũ khí, trang bị và tài sản công. Riêng về con người, thực hiện quản lý trên cả ba mặt: tư tưởng, trách nhiệm với nhiệm vụ và mối quan hệ; tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện các biểu hiện có thể dẫn đến vi phạm kỷ luật để chấn chỉnh, ngăn ngừa kịp thời. Cùng với các giải pháp đó, bằng nguồn vốn địa phương hỗ trợ và quỹ vốn cân đối, Sư đoàn đã mua 1 xe ô-tô (loại 29 chỗ ngồi) để đưa đón cán bộ và mua 1 xe vận tải (loại 1,5 tấn) để chuyên chở vật chất phục vụ huấn luyện, diễn tập. Ngoài ra, Sư đoàn còn tự đầu tư kinh phí, công sức để xây dựng hệ thống nhà để xe máy cho cán bộ, sĩ quan; đồng thời, quy định cán bộ đi công tác tập trung thì đơn vị đảm bảo chở bằng phương tiện ô-tô, khi cán bộ đi công tác lẻ trên 10 km thì phải đón xe khách, hạn chế tối đa việc đi công tác đường dài bằng phương tiện xe máy. Đặc biệt, do tính chất phức tạp của việc rèn luyện, quản lý kỷ luật, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn yêu cầu cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, phải thật sự nghiêm túc trong xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật để nêu gương sáng cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền. Trong quản lý bộ đội, cán bộ phải có thái độ thương yêu, giúp đỡ cấp dưới, lấy các biện pháp giáo dục, thuyết phục, phòng ngừa làm chính, khắc phục triệt để biểu hiện độc đoán, gia trưởng, quân phiệt, thiếu quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ.

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội được Sư đoàn xác định là khâu đột phá quan trọng, không tách rời hai khâu đột phá trên. Bởi suy đến cùng, có nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội thì cán bộ, chiến sĩ mới có đủ sức khỏe, mới yêu mến đơn vị và do đó, bộ đội mới dành toàn bộ tâm huyết và sức lực để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ và xây dựng đơn vị. Để việc nâng cao đời sống bộ đội thật sự trở thành khâu "đột phá", Sư đoàn đề ra chỉ tiêu: 10-12 m2 đất tăng gia sản xuất/người; 15-20 con lợn/đại đội độc lập, 120-150 con lợn/tiểu đoàn, 150-160 con lợn/trung đoàn; duy trì và phát triển Trạm chế biến nước mắm, Trạm sản xuất nước lọc tinh khiết, đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu cho bộ đội trong sinh hoạt, huấn luyện và từng bước đưa sản phẩm của đơn vị ra thị trường.

Sau khi xác định chỉ tiêu và thống nhất từ trên xuống dưới, Sư đoàn tiến hành quy hoạch khu tăng gia sản xuất tập trung, hệ thống chuồng trại chăn nuôi tập trung (ở ba cấp: đại đội độc lập, tiểu đoàn, trung đoàn); đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm đối với việc sản xuất nước mắm và nước lọc tinh khiết; đẩy mạnh các mô hình sản xuất (nuôi nhím thí điểm, trồng sắn cao sản, trồng bí đỏ, trồng rừng, nuôi cá, v.v.); rà soát, củng cố hệ thống nhà ở, nhà ăn. Đồng thời với các biện pháp trên, Sư đoàn còn thành lập câu lạc bộ quân nhân và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, tạo sân chơi lành mạnh và trí tuệ phù hợp với lứa tuổi thanh niên và môi trường quân sự cho cán bộ, chiến sĩ.

Mặc dù thời gian thực hiện "ba đột phá" chưa dài, song Sư đoàn đã nhận được những kết quả rất tích cực. Rõ nhất là "ba đột phá" đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi và rộng khắp trong toàn Sư đoàn. Nhờ vậy, chất lượng huấn luyện, SSCĐ của Sư đoàn đã được nâng lên một bước; xây dựng nền nếp chính quy, nhất là tình hình chấp hành kỷ luật và ý thức tham gia giao thông của mọi quân nhân đã có bước chuyển biến rõ nét (qua sơ kết 6 tháng đầu năm 2011, Sư đoàn không có quân nhân vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong huấn luyện và không để xảy ra mất an toàn giao thông). Đặc biệt, từ kết quả của khâu đột phá nâng cao đời sống bộ đội, Sư đoàn đã nâng cao chất lượng bữa ăn của bộ đội, đưa vào ăn thêm vượt định mức 20%, góp phần đảm bảo quân số khỏe thường xuyên đạt 99,31%. Ngoài ra, từ thu nhập của việc tăng gia sản xuất, Sư đoàn đã dành hàng trăm triệu đồng để mua sắm trang, thiết bị phục vụ sinh hoạt, huấn luyện và chăm lo công tác chính sách, đền ơn, đáp nghĩa. Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong thời gian qua đối với Sư đoàn mới chỉ là bước đầu. Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn xác định "ba đột phá" trên sẽ phải trở thành hoạt động thường xuyên, xuyên suốt của mọi cán bộ, chiến sĩ trong xây dựng đơn vị VMTD những năm tới. Đó là cơ sở quan trọng để đảm bảo cho Sư đoàn vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đủ sức hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.

Đại tá NGUYỄN NGỌC CẢ

Sư đoàn trưởng

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.