Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 27/04/2018, 16:22 (GMT+7)
Sư đoàn 312 tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu

Huấn luyện là nhiệm vụ chính trị trung tâm thường xuyên và là yếu tố trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của đơn vị. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 312 luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, đảm bảo hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong đội hình Quân đoàn 1 - binh đoàn chủ lực cơ động chiến lược của Bộ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ, Sư đoàn đứng trước không ít khó khăn về trình độ cán bộ, chất lượng vũ khí, trang bị, nhất là một số mặt bảo đảm chưa đáp ứng kịp sự phát triển nhiệm vụ và yêu cầu ngày càng cao trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, v.v.

Đại tá Doãn Thái Đức, Tư lệnh Quân đoàn (người đứng thứ 3 từ bên phải sang) kiểm tra công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Sư đoàn

Để khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ tác chiến trong tình hình mới, trước hết, Sư đoàn tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ huấn luyện. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương; Nghị quyết 449-NQ/ĐU của Đảng ủy Quân đoàn và các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về công tác huấn luyện, Đảng ủy Sư đoàn đã ra Nghị quyết 258-NQ/ĐU, ngày 06-5-2013 về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo” để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả đối với công tác này. Trong đó, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp khắc phục khâu yếu, mặt yếu; tăng cường đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành huấn luyện và đổi mới nội dung, tổ chức, phương pháp huấn luyện, diễn tập. Trên cơ sở đó, định kỳ hằng năm, Sư đoàn chỉ đạo 100% cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện tốt việc phân công, gắn trách nhiệm của cấp ủy viên, người chỉ huy với kết quả huấn luyện của đơn vị. Đồng thời, đẩy mạnh giáo dục, quán triệt cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của công tác huấn luyện đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Sư đoàn; nắm vững nội dung, mục tiêu, yêu cầu cần đạt được trong huấn luyện; hiểu rõ những khó khăn, thách thức đặt ra; từ đó, xây dựng cho bộ đội có ý chí, quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ. Để công tác giáo dục, tuyên truyền đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực, Sư đoàn sử dụng đa dạng hình thức, biện pháp; thực hiện giáo dục, quán triệt sâu, kỹ, toàn diện cho các đối tượng; chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục cơ bản, thường xuyên, với giáo dục theo nhiệm vụ và giáo dục truyền thống; tăng cường phát huy dân chủ, nhất là thông qua Ngày Chính trị và văn hóa, tinh thần ở cơ sở để phát huy trí tuệ của bộ đội hướng vào nâng cao chất lượng huấn luyện. Mặt khác, Sư đoàn luôn coi trọng công tác quản lý, rèn luyện bộ đội, kiên quyết ngăn ngừa, khắc phục tư tưởng bảo thủ, thỏa mãn dừng lại, biểu hiện ngại khó, ngại khổ, “bệnh thành tích” trong huấn luyện, v.v.

Bên cạnh đó, Sư đoàn đã đẩy mạnh đổi mới công tác chỉ huy, điều hành huấn luyện theo hướng: “tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo”, thông qua việc xây dựng, quản lý chặt chẽ kế hoạch, tăng cường phân cấp huấn luyện, gắn phân cấp với phân rõ trách nhiệm của cơ quan Sư đoàn, các trung đoàn và chỉ huy các cấp trong tham mưu, chỉ đạo, phối hợp, hiệp đồng, tổ chức huấn luyện. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan tác huấn và các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, phúc tra kết quả, nhằm đánh giá thực chất công tác huấn luyện của đơn vị, tổ chức rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục kịp thời những hạn chế, khuyết điểm.

Chuẩn bị huấn luyện là nội dung quan trọng, luôn được Sư đoàn quan tâm tiến hành một cách chủ động, chu đáo và tương đối toàn diện; trong đó, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ được xác định là khâu then chốt. Hiện nay, do đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia huấn luyện còn thiếu so với nhu cầu; cán bộ trải qua chiến đấu ngày một giảm; trong khi đó, số cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản nhưng kinh nghiệm, kỹ năng, phương pháp tổ chức, điều hành huấn luyện, chỉ huy đơn vị còn hạn chế,... đã tác động không nhỏ tới chất lượng huấn luyện của Sư đoàn. Vì thế, hằng năm, trước khi bước vào huấn luyện, Sư đoàn luôn chủ động rà soát, kiện toàn đủ đội ngũ cán bộ huấn luyện ở các cấp, nhất là cán bộ cơ quan tham mưu tác chiến, cán bộ trực tiếp huấn luyện ở cấp trung đội, đại đội và ưu tiên đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới; đồng thời, chỉ đạo tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho 100% cán bộ từ cấp tiểu đội trưởng trở lên theo phân cấp1. Nội dung tập huấn, bồi dưỡng đi sâu vào tổ chức, phương pháp huấn luyện; nội dung mới, chưa thống nhất; những vấn đề còn yếu của năm trước chưa khắc phục được; bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, nhất là cán bộ tham mưu các cấp trong xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, tiến trình biểu huấn luyện v.v. Cùng với làm tốt công tác tập huấn, Sư đoàn chỉ đạo các đơn vị duy trì nghiêm chế độ huấn luyện tại chức (02 ngày/tháng), bồi dưỡng cán bộ vào ngày thứ sáu hằng tuần theo đầu mối cấp tiểu đoàn và khuyến khích cán bộ tự học tập, nghiên cứu để nâng cao năng lực, trình độ huấn luyện. Bằng các biện pháp đồng bộ, đến nay, 100% cán bộ của Sư đoàn huấn luyện được theo phân cấp; trong đó, gần 93% cán bộ cấp tiểu đoàn, trên 86% cán bộ cấp đại đội và gần 82% cán bộ cấp trung đội huấn luyện đạt khá và giỏi. Đây là cơ sở quan trọng để Sư đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Song song với công tác huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ, việc chuẩn bị mô hình, học cụ, thao trường, bãi tập,… phục vụ huấn luyện được Sư đoàn hết sức coi trọng. Thời gian qua, Sư đoàn đã củng cố 15 thao trường chiến thuật, 28 thao trường huấn luyện kỹ thuật chiến đấu bộ binh, 23 thao trường huấn luyện kỹ, chiến thuật binh chủng; bảo đảm mỗi đại đội có 01 bãi tập bắn súng AK bài 1, 01 bãi ném lựu đạn, đánh thuốc nổ; mỗi tiểu đoàn có 01 thao trường huấn luyện tổng hợp, cùng với sân, bãi huấn luyện điều lệnh, thể lực đủ theo quy định, v.v. Năm 2017, Sư đoàn đã đầu tư kinh phí để sửa chữa và làm mới gần 7.000 bia các loại, hơn 8.500 mô hình, học cụ, 8.400 quyển sổ, giáo án,.. phục vụ công tác huấn luyện. Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã có nhiều sáng kiến cải tiến mô hình học cụ được áp dụng trong huấn luyện, như: bộ điều khiển từ xa máy vô tuyến điện PRC-25; thiết bị ẩn hiện bia; lựu đạn khói; bộc phá phát tiếng nổ, v.v. Sư đoàn đặc biệt quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào huấn luyện, như: sử dụng phầm mềm trình chiếu trong giảng dạy chính trị, huấn luyên cấu tạo binh khí, kỹ thuật chiến đấu bộ binh; sử dụng mạng LAN để truyền hình, gửi văn kiện tác chiến trong diễn tập; bộ luyện bắn súng bộ binh điện tử, v.v.

Rút kinh nghiệm từ thực tiễn, nhất là qua tổng kết công tác huấn luyện giai đoạn 2011 - 2015 và trước yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đoàn trong tình hình mới, Sư đoàn luôn bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, thực hiện “sai đâu sửa đó, cấp trên dạy cấp dưới, chỉ huy huấn luyện cho đơn vị”, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện, đảm bảo huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu, địa bàn hoạt động, đối tượng tác chiến, phù hợp với tổ chức biên chế, trang bị của Sư đoàn và yêu cầu chiến đấu trong điều kiện chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Để bộ đội “chiến đấu giỏi bằng vũ khí có trong biên chế và thành thạo khi được tăng cường binh khí kỹ thuật”, Sư đoàn tập trung huấn luyện bộ đội thuần thục về kỹ thuật, chiến thuật; giỏi tác chiến độc lập, tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng và nâng cao khả năng phối hợp trong tác chiến phòng thủ tỉnh, quân khu. Các đơn vị vận dụng linh hoạt hình thức, phương pháp huấn luyện đảm bảo phù hợp với từng lực lượng; coi trọng huấn luyện chuyên sâu; tăng cường huấn luyện ban đêm, dã ngoại, huấn luyện theo nhiệm vụ, phương án tác chiến, huấn luyện nâng cao khả năng cơ động đột kích, hiệp đồng chiến đấu và ngụy trang, nghi binh giữ bí mật trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, v.v. Nhằm đưa bộ đội vào sát thực tiễn chiến đấu, Sư đoàn chỉ đạo các đơn vị duy trì thời gian huấn luyện chiến thuật đêm từ 25 - 30%; luân phiên huấn luyện dã ngoại gọn từng khoa mục; tập trung huấn luyện bộ đội giỏi kỹ thuật chiến đấu bộ binh, chiến thuật cá nhân, tổ, tiểu đội, đến tiểu đoàn; chú ý huấn luyện đồng bộ ở các bộ phận; nghiên cứu, tổ chức huấn luyện theo tình huống chiến đấu và đạt được kết quả bước đầu, rút ra nhiều kinh nghiệm quý. Mặt khác, để đáp ứng yêu cầu tác chiến của đơn vị chủ lực trong điều kiện chiến tranh hiện đại, Sư đoàn chú trọng huấn luyện, luyện tập nâng cao khả năng cơ động cho bộ đội, như: huấn luyện thể lực; hành quân dã ngoại, hành quân mang vác nặng; cơ động trên các loại địa hình, trong điều kiện thời tiết phức tạp. Nhiều năm qua, Sư đoàn duy trì thực hiện nghiêm nền nếp luyện tập cơ động cự ly 10 - 20 km, với cấp đại đội 1 lần/tuần, cấp tiểu đoàn 1 lần/tháng, cấp trung đoàn mỗi quý 1 lần và tăng cường báo động đơn vị di chuyển đột xuất. Đặc biệt, Sư đoàn hết sức coi trọng đổi mới, nâng cao chất lượng diễn tập, nhất là diễn tập vòng tổng hợp, diễn tập chiến thuật có bắn đạn thật ở các cấp. Năm 2017, Sư đoàn tổ chức bắn chiến đấu cho 162 tiểu đội bộ binh; diễn tập chiến thuật cho 9 trung đội, diễn tập vòng tổng hợp cho 3 đại đội và 2 tiểu đoàn có bắn đạn thật; diễn tập chỉ huy, cơ quan 1 bên 2 cấp trên bản đồ; diễn tập chiến đấu hiệp đồng binh chủng. Thông qua các đợt diễn tập, có 100% đơn vị đạt giỏi về kỹ thuật, khá về chiến thuật; trình độ tham mưu tác chiến, huấn luyện, tổ chức chỉ huy, quản lý bộ đội, tổ chức phương pháp huấn luyện, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ các cấp được nâng lên rõ rệt; trong đó, có 80-82 % đạt khá, giỏi. Cùng với đó, Sư đoàn đẩy mạnh huấn luyện các chuyên ngành bảo đảm, như: thông tin, công binh, hậu cần, kỹ thuật,... giúp nâng cao năng lực bảo đảm cho các hoạt động tác chiến. Nội dung huấn luyện tập trung vào việc khai thác các khí tài thông tin, tác chiến điện tử mới, bảo dưỡng phân đoạn, sửa chữa vũ khí, trang bị trong chiến đấu, cứu chữa thương binh,... nhất là khả năng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm theo hiệp đồng của bộ binh. Sư đoàn xác định, bên cạnh các nội dung huấn luyện theo kế hoạch thì việc bảo đảm cho các hoạt động thực tế của bộ binh, nhất là trong dã ngoại, diễn tập là hình thức huấn luyện đầy đủ nhất; song phải đáp ứng tốt các yêu cầu của bộ binh và đúng ý định của người chỉ huy, có nhiều mặt phải vượt trước. Nhờ đó, những năm gần đây, Sư đoàn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện; kết quả kiểm tra huấn luyện các nội dung, có 100% đạt yêu cầu trở lên; cụ thể là: chính trị, 80%; chiến thuật, 81%; điều lệnh, 82,5%; thể lực, 81,6%; binh chủng, 78% và hậu cần, kỹ thuật có 100% các đơn vị đều đạt khá, giỏi.

Cùng với các nội dung, biện pháp trên, Sư đoàn chú trọng tổ chức hoạt động hội thao, hội thi sau mỗi khoa mục, giai đoạn huấn luyện ở các cấp; đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, xây dựng các đơn vị điểm, nhân rộng điển hình tiên tiến, kịp thời khen thưởng, động viên những tập thể, cá nhân có thành tích cao trong huấn luyện. Gắn huấn luyện với xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật; xây dựng địa bàn an toàn và tham gia các hoạt động của khu vực phòng thủ. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực làm tốt công tác bảo đảm huấn luyện, nhất là bảo đảm về hậu cần, kỹ thuật và bảo đảm an toàn trong huấn luyện, v.v.

Phát huy kết quả đã đạt được, Sư đoàn 312 tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện năm 2018, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, xây dựng Sư đoàn vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đại tá NGUYỄN TRUNG HIẾU, Sư đoàn trưởng
___________

1- Năm 2016, 2017, Sư đoàn đã tổ chức 47 lớp tập huấn cho 2.710 lượt cán bộ từ cấp tiểu đội trưởng trở lên.

Ý kiến bạn đọc (0)