Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:53 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Sư đoàn 309 - Đoàn Bắc Sơn (Quân đoàn 4) thành lập ngày 27-9-1978 tại địa bàn Tây Nguyên trong bối cảnh đất nước mới trải qua cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử dân tộc, lại phải bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Khi đó, trong đội hình của Sư đoàn chỉ có Trung đoàn bộ binh 31 là đơn vị thường trực sẵn sàng chiến đấu, còn lại hầu hết các đơn vị đang làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế, mặc dù đã có bề dày truyền thống vẻ vang trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Để hoàn thành nhiệm vụ, Sư đoàn đã tập trung xây dựng quyết tâm, khẩn trương ổn định về mọi mặt, phối hợp cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương vừa tham gia khôi phục kinh tế, vừa trực tiếp chiến đấu bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Thực hiện nhiệm vụ quốc tế mà Đảng và Nhà nước giao cho, Sư đoàn đã có hơn mười năm chiến đấu, công tác và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên nước bạn Cam-pu-chia (1978 - 1989); tham gia 09 chiến dịch, 1.267 trận đánh; loại khỏi vòng chiến đấu 12.084 tên địch; thu giữ 6.744 súng, pháo các loại, 113 xe ô tô, hàng chục tấn đạn dược, lương thực và đồ dùng quân sự khác; giải phóng hơn một trăm nghìn dân khỏi vòng kìm kẹp của địch. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song với tinh thần quốc tế cao cả, Sư đoàn vẫn giành nhiều trí tuệ, công sức để giúp đỡ nhân dân Cam-pu-chia cả về vật chất và tinh thần1. Đặc biệt, Sư đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng cách mạng Cam-pu-chia xây dựng, củng cố chính quyền cơ sở, hoạt động có hiệu quả2. Có thể nói, dấu chân của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã in đậm trên các nẻo đường của Cam-pu-chia, từ Ra Ta na Ki Ri, Môn Đun Ki Ri, S’Tung Treng, Pua Sát, Bát Đam Boong đến Si Sô phôn, Ca Mê Lai và Pai Lin, v.v. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn đã không tiếc máu xương để chiến đấu, công tác, bảo vệ thành quả cách mạng và hồi sinh đất nước Cam-pu-chia; thể hiện nghĩa cử cao đẹp của một đội quân “Nhà phật”, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần tô thắm tình đoàn kết, hữu nghị lâu đời giữa hai dân tộc Việt Nam - Cam-pu-chia.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, tháng 9-1989, Sư đoàn về nước, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ đột xuất khác. Phát huy truyền thống “Chiến đấu dũng cảm, giúp bạn tận tình, tự lực, sáng tạo”, cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Sư đoàn vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Nhà nước Cam-pu-chia tặng Huân chương Ăng-co-vat và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Hiện nay, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bên cạnh những thuận lợi, Sư đoàn còn gặp không ít khó khăn, như: đóng quân trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp xen kẽ đô thị, mật độ dân số cao; hệ thống thao trường, vật chất đảm bảo cho huấn luyện còn hạn hẹp. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến nhận thức, tư tưởng bộ đội, v.v. Nhận thức rõ điều đó, để hoàn thành nhiệm vụ, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn tập trung xây dựng Đơn vị vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trước hết, để tập trung xây dựng vững mạnh về chính trị, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch. Sư đoàn yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện hiệu quả Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị cơ sở trong giai đoạn mới”; trong đó, chú trọng đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục, sát với yêu cầu nhiệm vụ và nhận thức của bộ đội; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục cơ bản với giáo dục truyền thống, giáo dục thường xuyên theo nhiệm vụ; giáo dục pháp luật, kỷ luật, đạo đức lối sống cho cán bộ, chiến sĩ, tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động. Đồng thời, gắn thực hiện phong trào Thi đua Quyết thắng với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, xây dựng môi trường văn hóa phong phú, lành mạnh trong đơn vị. Quan tâm tạo điều kiện cho Hội đồng quân nhân thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, phát huy có hiệu quả Quy chế Dân chủ ở cơ sở và hoạt động của Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Cùng với đó, các đơn vị tăng cường thông tin, tuyên truyền, định hướng và giải quyết tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị cho bộ đội, theo phương châm: công tác tư tưởng phải đi trước một bước; chủ động đấu tranh với các quan điểm, tư tưởng, luận điệu xuyên tạc, sai trái; những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai thực hiện tốt phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, tham gia hiệu quả phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng Nhà Tình nghĩa, Nhà Đồng đội, góp phần xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh ở địa phương. Bên cạnh đó, Sư đoàn luôn chú trọng đảm bảo đầy đủ chế độ cho các đối tượng, nhất là giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh; quan tâm giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ gặp hoàn cảnh khó khăn, kịp thời động viên họ an tâm công tác3. Nhờ đó, cán bộ, chiến sĩ trong toàn Sư đoàn có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, nhận thức sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ, trách nhiệm bản thân, luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kết quả kiểm tra nhận thức chính trị hằng năm của Sư đoàn: 100% đạt yêu cầu, trong đó, trên 80% đạt khá, giỏi.
Nhằm nâng cao chất lượng tổng hợp, Sư đoàn đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện và xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật. Quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị, quy định của cấp trên về nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, trọng tâm là Nghị quyết 765 của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Nghị quyết 278/NQ-ĐUQĐ của Quân đoàn 4 về lãnh đạo nhiệm vụ huấn luyện, Sư đoàn có nghị quyết 313/NQ-ĐUSĐ về “Lãnh đạo nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”. Đối với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, Sư đoàn lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các văn kiện tác chiến A, A2, A3, A4; xây dựng, điều chỉnh quyết tâm A; kế hoạch sẵn sàng chiến đấu bảo vệ khu vực đóng quân và kế hoạch phòng, chống cháy nổ, cháy rừng, phòng, chống lụt bão, tìm kiếm, cứu nạn. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức luyện tập, diễn tập đầy đủ theo phương án, kế hoạch đã xác định, đảm bảo đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra; chủ động phối hợp với các lực lượng trên địa bàn đóng quân nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý các tình huống, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Để không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, Sư đoàn chỉ đạo các đơn vị thường xuyên rà soát, sắp xếp tổ chức, biên chế phù hợp với nhiệm vụ, đối tượng huấn luyện; củng cố, nâng cấp thao trường, bãi tập, đầu tư làm mới, sửa chữa mô hình, học cụ; thực hiện phân cấp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, thông qua, phê duyệt giáo án, tiến trình huấn luyện chặt chẽ. Quá trình huấn luyện, Sư đoàn yêu cầu các đơn vị bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, “dự bị như thường trực”, chú trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, vận dụng các quan điểm, nguyên tắc, mối kết hợp trong từng khoa mục; huấn luyện cơ bản từ từng người đến cấp tiểu đoàn, trọng tâm là cấp trung đội, đại đội. Các đơn vị chú trọng huấn luyện, diễn tập chiến thuật, diễn tập vòng tổng hợp có sử dụng đạn hơi, thuốc nổ và bắn đạn thật sát với yêu cầu, nhiệm vụ, đối tượng tác chiến và vũ khí trang bị trong biên chế. Phối hợp với địa phương tổ chức phúc tra nắm nguồn, xây dựng đầu mối đơn vị dự bị động viên theo đúng mẫu biểu biên chế của Bộ Quốc phòng. Tổ chức tiếp nhận, huấn luyện lực lượng dự bị động viên đúng kế hoạch, nội dung, chương trình quy định; quân số năm sau cao hơn năm trước. Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, xây dựng chính quy, quản lý, rèn luyện kỷ luật, tác phong, điều lệnh và thể lực cho bộ đội. Do đó, kết quả huấn luyện của Sư đoàn ngày càng nâng lên. Năm 2017, kết quả kiểm tra chung: 100% đạt yêu cầu, trong đó có 75,6% đạt khá, giỏi; Trung đoàn bộ binh 31 nhiều năm liên tục được Bộ Quốc phòng công nhận “Đơn vị huấn luyện Giỏi”.
Sư đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đảm bảo tốt hậu cần, tài chính cho nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất, chế độ, tiêu chuẩn cho bộ đội. Tích cực tăng gia, sản xuất, đảm bảo đủ chỉ tiêu về thịt, rau, cá,… giữ vững ổn định và từng bước cải thiện đời sống bộ đội; làm tốt công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm, không để dịch bệnh xảy ra. Quản lý chặt chẽ ngân sách, quỹ vốn, tài sản, xăng, dầu, điện, nước, sử dụng có hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí. Các cơ quan, đơn vị tập trung xây dựng doanh trại “chính quy, xanh, sạch, đẹp”, bảo đảm tính thống nhất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Là đơn vị quản lý huấn luyện nhiều đối tượng, hằng năm sử dụng khối lượng vũ khí trang bị nhiều chủng loại, Sư đoàn đã thực hiện tốt công tác kỹ thuật. Theo đó, các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 382-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương “về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới”; Cuộc vận động 50 “Quản lý, khai thác vũ khí trang bị tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”; ưu tiên đảm bảo đủ số lượng, có chất lượng, thực hiện đồng bộ vũ khí trang bị đối với Trung đoàn 31. Đồng thời, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn ở các cấp làm nòng cốt trong việc quản lý, bảo quản, bảo dưỡng, niêm cất vũ khí trang bị, không để mất mát, hư hỏng, xuống cấp; đảm bảo an toàn kho tàng, nhà xưởng và xe máy quân sự khi tham gia giao thông; chú trọng bổ sung vật chất, dụng cụ phòng, chống cháy nổ, xử lý kịp thời các tình huống. Do đó, công tác bảo đảm kỹ thuật của Sư đoàn luôn đạt hệ số Kbđ=1, Kt=1; được Quân đoàn đánh giá cao.
Những kết quả đạt được trong 40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành sẽ là tiền đề quan trọng để Sư đoàn 309 tiếp tục xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xứng đáng với truyền thống Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, góp phần cùng Quân đoàn bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.
Đại tá NGUYỄN MINH CHIẾN, Chính ủy Sư đoàn _______________
1 - Giúp nhân dân Cam-pu-chia 43 tấn lúa giống, gần 17.000 tấn gạo, xây dựng 35 trạm xá, 68 trường học, v.v.
2 - Xây dựng: 01 tỉnh đội, 01 thị đội, 01 huyện đội và 43 xã, 09 xí nghiệp.
3 - Tính đến tháng 6-2018, Sư đoàn thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ, gia đình chính sách trong dịp lễ, Tết với số tiền 1.680.000.000đ.
Sư đoàn 309,vững mạnh toàn diện
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm