Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 07/06/2021, 09:53 (GMT+7)
Sư đoàn 10 đột phá nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

Quán triệt, thực hiện chủ trương của Đảng ủy Quân đoàn 3 về đột phá nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 10 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Đảng ủy Sư đoàn đã ra Nghị quyết số 1008-NQ/ĐU, ngày 23/8/2019 về “Lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ trong Sư đoàn, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”; trên cơ sở đó, cấp ủy các cấp đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo sát, đúng, xây dựng kế hoạch “đột phá nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ”, triển khai đồng bộ, thống nhất bằng nhiều hình thức, biện pháp; lấy đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp làm đối tượng đột phá, tập trung vào ba nội dung:

Nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng; phẩm chất đạo đức, lối sống; ý thức tổ chức kỷ luật. Thực hiện nội dung này, Sư đoàn tăng cường giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng; đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, quy định ở từng đơn vị; qua đó, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, nhận thức nhiệm vụ, ổn định tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trung đội, đại đội, cán bộ mới ra trường. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên. Cùng vói đó, Sư đoàn thường xuyên rà soát, quản lý chính trị nội bộ, nắm rõ lập trường tư tưởng, thái độ chính trị, động cơ phấn đấu, đạo đức, lối sống của từng cán bộ; chủ động phòng ngừa, phát hiện, kịp thời định hướng, uốn nắn những trường hợp có nhận thức chưa đúng, không để biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” xảy ra. Thực hiện tốt Quy chế Dân chủ cơ sở; nâng cao chất lượng các hình thức sinh hoạt dân chủ; xây dựng thói quen phát biểu ý kiến trong hội nghị, nền nếp báo cáo theo phân cấp; kịp thời nắm, hiểu tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của cán bộ để có hướng giải quyết phù hợp; đồng thời, thực hiện tốt công tác chính sách, hậu phương gia đình cán bộ.

Trao quyết định nhân sự cán bộ

Cùng với việc duy trì nghiêm nền nếp xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật, Sư đoàn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, gia đình cán bộ nắm tình hình, dự lường các nguy cơ dễ dẫn đến vi phạm kỷ luật, như: vay nợ quá khả năng chi trả, mối quan hệ gia đình, xã hội phức tạp,… để có giải pháp chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát, phân loại cán bộ để xác định các nội dung, biện pháp giáo dục, quản lý phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, yêu cầu các chi bộ thực hiện nghiêm việc nhận xét, đánh giá cán bộ hằng tháng; tập trung vào những cán bộ có hạn chế khuyết điểm, chỉ rõ nguyên nhân, đề ra biện pháp khắc phục, quy định thời gian để cán bộ sửa chữa; giao nhiệm vụ cho cán bộ cấp trên trực tiếp kèm cặp, giúp đỡ. Cán bộ nào được chỉ ra cùng một khuyết điểm, hạn chế mà không khắc phục trong ba tháng liên tục thì kiểm điểm, xử lý nghiêm. Đối với cán bộ chưa an tâm công tác, xin phục viên, các cơ quan, đơn vị phối hợp với gia đình nắm tình hình, kiên trì động viên, thuyết phục, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ phấn đấu trưởng thành; đồng thời, kiên quyết đề nghị chuyển ra đối với những trường hợp cố tình vi phạm, tái phạm nhiều lần.

Sư đoàn thực hiện có nền nếp việc xây dựng, thực hiện kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của cá nhân gắn với nội dung của Chỉ thị số 103/CT-BQP, ngày 28/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giáo dục, chấp hành kỷ luật và bảo đảm an toàn trong Quân đội, các quy định của Quân đoàn, Sư đoàn. Phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp; xây dựng tình đồng chí, mối đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ.

Nâng cao năng lực, uy tín, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ với mục tiêu: 100% cán bộ huấn luyện được theo phân cấp, trong đó có 90% cán bộ tiểu đoàn, 70% cán bộ đại đội, trung đội đạt khá, giỏi; 100% cán bộ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ, trên 85% hoàn thành tốt và xuất sắc. Để đạt mục tiêu trên, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác giáo dục, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ; đây là việc làm thường xuyên, liên tục, toàn diện tất cả các mặt, nhưng có trọng tâm, trọng điểm. Cấp ủy các cấp căn cứ vào tình hình cụ thể của từng đơn vị, từng thời điểm, từng cán bộ để có hướng đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Trong kế hoạch và biện pháp bồi dưỡng cán bộ, Sư đoàn chủ trương: bồi dưỡng trước, sử dụng sau hoặc vừa sử dụng, vừa bồi dưỡng; bồi dưỡng rộng nhưng sử dụng theo kế hoạch, nhu cầu. Trước hết là nâng cao chất lượng lựa chọn, đề nghị nguồn đào tạo, bồi dưỡng; tập trung vào cán bộ được quy hoạch nguồn phát triển, năng lực còn hạn chế, mới ra trường hoặc được bổ nhiệm trên cương vị công tác mới. Trong xét nguồn đề nghị đào tạo, ngoài bảo đảm các tiêu chí theo quy định, Sư đoàn xác định rõ khả năng phát triển, hướng sử dụng sau đào tạo để lựa chọn, cử cán bộ đi học. Chú trọng giao nhiệm vụ mới, khó, yêu cầu cao để rèn luyện, thử thách, nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật, phương pháp, tác phong công tác cho đội ngũ cán bộ; thực hiện nơi nơi là giảng đường, người người là giáo viên, mỗi cán bộ vừa là học trò, vừa là thầy dạy. Coi trọng truyền thụ kinh nghiệm huấn luyện, chỉ huy, quản lý bộ đội, bồi dưỡng kỹ năng công tác thực tiễn cho cán bộ; mỗi việc làm thực tiễn là một bài học kinh nghiệm, mỗi kinh nghiệm sẽ làm tăng hiệu quả của việc làm thực tiễn. Cùng với đó, Sư đoàn còn động viên, khuyến khích tinh thần tự học tập, nghiên cứu của cán bộ; tìm hay để học, tìm kém để bỏ, tìm khó để làm, qua khó khăn mà rèn luyện, trưởng thành, nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực công tác. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; thực hiện “3 mẫu mực”1 trong mọi hoạt động với phương châm “tự soi, tự sửa”, “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”. Thực hiện tốt việc luân chuyển cán bộ giữa cơ quan và đơn vị để thử thách, tạo nguồn cán bộ.

Để phát huy mặt tích cực, nhưng cũng kiên quyết khắc phục mặt tiêu cực, khuyết điểm của mỗi cán bộ, cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng, Sư đoàn thực hiện nghiêm các nguyên tắc, quy chế, quy trình về công tác cán bộ; đề cao tự phê bình và phê bình trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, phát huy dân chủ trong cấp ủy, đơn vị. Đối với đơn vị mạnh, cán bộ tốt, cùng với việc biểu dương, khen thưởng, bổ nhiệm lên cương vị cao hơn, phải làm rõ mặt yếu của họ để tránh chủ quan, thỏa mãn dừng lại. Đối với đơn vị yếu, cán bộ yếu, phải chỉ ra cho họ thấy mặt mạnh, thấy triển vọng, khả năng phấn đấu để tránh bi quan, an phận. Căn cứ tình hình thực tiễn, từng cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, đánh giá đúng thực chất tinh thần, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, chỉ rõ những tập thể, cá nhân có biểu hiện làm việc cầm chừng, trung bình chủ nghĩa,… xác định thời gian cụ thể để khắc phục dứt điểm; phân công cấp ủy viên, cán bộ tốt kèm cặp, giúp đỡ cán bộ yếu, kém. Phát huy trách nhiệm của cấp ủy, bí thư, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị trong nhận xét, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, nhất là cấp trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ. Trong nhận xét, đánh giá phải “khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể, phát triển”; gắn đánh giá, xếp loại cán bộ với kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên hằng năm. Đồng thời, chú trọng sàng lọc, lựa chọn cán bộ đủ điều kiện, tiêu chí, tiêu chuẩn, tiêu biểu, được kiểm nghiệm, thử thách qua thực tiễn để bổ nhiệm vào các vị trí chủ trì, chủ chốt. Kết hợp chặt chẽ giữa bổ nhiệm tuần tự với bổ nhiệm vượt chức đối với cán bộ có trình độ, năng lực nổi trội; thận trọng, chắc chắn tạo nguồn cán bộ trẻ; ưu tiên bổ nhiệm cán bộ có nhiều thành tích trong thi đua, tham gia hội thi, hội thao.

Thực hiện đúng biên chế mới và sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về xây dựng điểm sư đoàn bộ binh được trang bị hỏa lực mạnh, với nguồn cán bộ cho một số chức danh thừa, như: trung đội trưởng, phó đại đội trưởng bộ binh, trong khi chính trị viên phó đại đội, trung đội trưởng binh chủng còn thiếu nhiều, Sư đoàn chủ động rà soát, điều chỉnh hợp lý từ thừa sang thiếu, giữa cơ quan với đơn vị; tạo nguồn đào tạo chuyển loại cán bộ, đề nghị cấp trên điều động cán bộ về đơn vị,… bảo đảm hợp lý cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu cán bộ giữa các đơn vị.

Bồi dưỡng phương pháp, tác phong công tác, phong cách, lề lối làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm, sâu sát đơn vị, gần gũi bộ đội, dân chủ, đoàn kết, giữ vững kỷ luật, kỷ cương. Thực hiện hiệu quả phương châm “4 không, 3 có, 3 nên”, “5 chủ động”2 trong công tác tư tưởng ở các cấp, không để các biểu hiện trung bình chủ nghĩa, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ hoặc chủ quan, đơn giản, nóng vội của đội ngũ cán bộ. Xử lý nghiêm các cán bộ quan liêu, mất dân chủ, dân chủ hình thức, độc đoán, gia trưởng, quân phiệt, bệnh thành tích.

Sư đoàn chú trọng duy trì đúng chức trách, nhiệm vụ theo phân cấp, cán bộ ở từng cấp phải thành thạo chức trách, nhiệm vụ của cấp dưới, giỏi chức trách, nhiệm vụ cấp mình, biết chức trách, nhiệm vụ của cấp trên; cán bộ ở cơ quan phải giỏi ngành mình, biết việc của ngành khác để sẵn sàng luân chuyển, thay thế, giúp đỡ nhau. Chống biểu hiện làm việc tùy tiện, “chủ nghĩa kinh nghiệm”, “chủ nghĩa cá nhân”, mệnh lệnh hành chính,… gắn trách nhiệm của cán bộ đối với từng nội dung, nhiệm vụ được đảm nhiệm. Đồng thời, phát huy tốt vai trò của chỉ huy, cơ quan các cấp trong công tác kiểm tra, chấn chỉnh; duy trì có nền nếp việc cán bộ cấp trên tổ chức huấn luyện, dự sinh hoạt, giao ban để kịp thời bồi dưỡng, hướng dẫn cấp dưới khắc phục khuyết điểm.

Nhờ những đột phá trên, đội ngũ cán bộ của Sư đoàn có bước phát triển vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Năm 2020, trên 91% hoàn thành tốt và xuất sắc; gần 30% cán bộ được bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn; độ tuổi chênh lệch giữa lớp kế cận với lớp kế tiếp trung bình từ 03 đến 05 tuổi. Kết quả đó, là tiền đề quan trọng để xây dựng Sư đoàn vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Đại tá NGUYỄN ĐỨC HÀ, Chính ủy Sư đoàn
_________________

1 - Bản lĩnh chính trị; Phẩm chất đạo đức, lối sống, lời nói, việc làm; Tác phong sinh hoạt, làm việc.

2 - 4 không: Không quát mắng, dọa nạt bộ đội; Không áp đặt, rập khuôn máy móc; Không phân biệt đối xử giữa các chiến sĩ; Không làm trái quy định trong quản lý bộ đội. 3 có: Tinh thần trách nhiệm cao; Kỷ Iuật nghiêm; Có tình, có lý trong quản lý, giáo dục. 3 nên: Gần gũi, quan tâm, động viên, giúp đỡ bộ đội; Tôn trọng, tiếp thu ý kiến của bộ đội; Cụ thể, tỉ mỉ trong hướng dẫn bộ đội. 5 chủ động: Nắm; Quản lý; Dự báo; Định hướng; Giải quyết tư tưởng.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.