Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 15/06/2020, 10:13 (GMT+7)
Sơn La xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc

Sơn La là tỉnh miền núi, có diện tích rộng đứng thứ 3 cả nước, tiếp giáp với 7 tỉnh nội địa và có đường biên giới trải dài trên 274 km với nước bạn Lào; địa hình phức tạp, núi cao, suối sâu, đặc biệt có 02 sông lớn: sông Đà và sông Mã chảy qua, nối liền các tỉnh Tây Bắc với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Do kiến tạo của địa hình, Sơn La vừa có cao nguyên, vừa có cánh đồng rộng bằng phẳng,… thuận lợi cho phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự; trong đó, tập trung xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc, tạo tiền đề cơ sở bảo vệ quê hương, đất nước.

Trước hết, Tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng, toàn dân, trong đó phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Theo đó, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản liên quan đến công tác này, như: Nghị quyết số 28-NQ/TW, của Bộ chính trị (khóa X); Nghị định 152/2007/NĐ-CP; Nghị định 02/2016/NĐ-CP; Nghị định số 21/2019/NĐ-CP của Chính phủ; Chương trình số 19-Ctr/TU, ngày 09/12/2008, Chương trình số 20-CTr/TU, ngày 10/02/2014 và Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 20/02/2013 của Tỉnh ủy về xây dựng khu vực phòng thủ giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, soạn thảo hệ thống kế hoạch, đề án, dự án tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương1. Hằng năm, Tỉnh ban hành nghị quyết, chỉ thị về công tác quốc phòng, quân sự; chỉ đạo các cấp ủy đảng xác định rõ chủ trương, mục tiêu, biện pháp thực hiện nghị quyết lãnh đạo; chính quyền các cấp kiện toàn, duy trì hoạt động có hiệu quả Ban Chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chức năng thường xuyên cập nhật hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác xây dựng khu vực phòng thủ; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ. Chú trọng điều chỉnh những nội dung bất cập, nhất là các dự án kinh tế liên quan đến quốc phòng, an ninh; quy định việc đầu tư, sử dụng ngân sách, huy động các nguồn lực; xác định lộ trình xây dựng công trình quân sự; có kế hoạch tích lũy, cơ chế sử dụng hợp lý nguồn dự trữ quốc phòng,… đáp ứng yêu cầu hoạt động của khu vực phòng thủ trong mọi tình huống. Trong quá trình triển khai, Tỉnh coi trọng phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan Quân sự, Công an, Biên phòng, phối hợp cùng các ngành, đoàn thể trong tham mưu, tổ chức thực hiện. Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, làm tốt công tác huấn luyện, diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập cụm tác chiến biên phòng, phòng, chống lụt, bão, bảo vệ rừng, tìm kiếm, cứu nạn, v.v. Qua đó, kịp thời rút ra các bài học kinh nghiệm, phát hiện những vấn đề mới để có biện pháp giải quyết phù hợp, góp phần vận hành thông suốt, đồng bộ, có hiệu quả cơ chế lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo xây dựng, hoạt động khu vực phòng thủ.

Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị giao ban 3 Đảng ủy: Quân sự
Công an, Biên phòng (quý III năm 2019)

Do đặc thù miền núi, dân cư thưa, đa phần là người dân tộc thiểu số, dân trí thấp; trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ cơ sở còn nhiều hạn chế, để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh tập trung xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh và tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và toàn dân. Đồng thời, chỉ đạo các cấp thường xuyên củng cố, kiện toàn cấp ủy, xây dựng chi bộ, không để thôn, bản trắng đảng viên. Đổi mới phương thức lãnh đạo, chủ động sắp xếp bộ máy hành chính, luân chuyển cán bộ; tăng cường, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ cho cán bộ, chú ý cán bộ nữ, người dân tộc thiểu số,… bảo đảm cho cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở vùng cao, biên giới, đủ khả năng lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh bồi dưỡng, giáo dục, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ, đảng viên, nhân dân để họ nhận thức đúng đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng; nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ trong từng giai đoạn; âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch. Thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại; phòng, chống văn hóa xấu, độc xâm nhập vào địa phương; nêu cao cảnh giác, kịp thời đấu tranh với các luận điểm sai trái, thù địch; tăng cường phổ biến kinh nghiệm, cách làm hay để nhân rộng ở các cấp2. Trong lúc còn khó khăn về kinh tế, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh chủ động, tích cực huy động các nguồn lực, thực hiện tốt chính sách an sinh, xã hội, xóa đói giảm nghèo; chính sách dân tộc, tôn giáo và hậu phương quân đội, v.v. Từ đó, tạo sự đồng thuận giữa Đảng, chính quyền và nhân dân, từng bước củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc.

Nhằm tạo nguồn lực vật chất cho khu vực phòng thủ, Tỉnh đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, gắn với quốc phòng, an ninh và đối ngoại, bảo đảm mỗi bước phát triển kinh tế là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Theo đó, việc kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh được Tỉnh chủ động triển khai ngay từ trong chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các sở, ban, ngành và địa phương. Trong phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, Tỉnh tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển toàn diện, nhưng có chiều sâu; đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi; sử dụng giống mới có năng suất cao, ưu tiên phát triển các loại cây có thế mạnh, phù hợp thổ nhưỡng, thời tiết; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao số lượng, chất lượng sản phẩm,… từng bước tăng khả năng tích lũy, bảo đảm an ninh lương thực (cả thời bình và thời chiến), nâng cao đời sống nhân dân. Để thực hiện tốt chủ trương này, Tỉnh triển khai nhiều phong trào: nâng bước em tới trường, bò giống giúp người nghèo nơi biên giới, trồng cây ăn quả trên đất dốc, trồng chanh leo, nuôi dê sinh sản,… giúp dân xóa đói, giảm nghèo, bám trụ nơi biên giới. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, từng bước nâng độ che phủ rừng trên địa bàn lên gần 43%.

Cùng với đó, Tỉnh tích cực huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển cơ sở hạ tầng, duy trì, phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế3, các dự án công nghiệp lưỡng dụng và làng nghề, chuyển dịch nhanh hơn cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, giữ vững ổn định chính trị từ cơ sở. Tổ chức mạng lưới giao thông liên hoàn, nâng cấp thủy lợi, phủ rộng lưới điện dân sinh gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới4. Quan tâm phát triển hệ thống bưu chính - viễn thông rộng khắp, triển khai thiết bị vô tuyến, mạng VSAT cho vùng sâu, vùng xa; bố trí cột VIBA trong các khu căn cứ chiến đấu và căn cứ hậu phương, bảo đảm sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh khi có tình huống. Tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ động viên quốc phòng đối với các cơ sở công nghiệp; xây dựng kế hoạch phòng, chống tác chiến điện tử khi chiến tranh xảy ra. Duy trì thực hiện tốt chương trình quân dân y kết hợp ở tuyến cơ sở, bảo đảm 100% xã, phường, thị trấn đều có cơ sở y tế; từng bước nâng cấp hệ thống bệnh viện, mở rộng dịch vụ khám, chữa bệnh, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ y tế. Trong quá trình triển khai, Tỉnh chỉ đạo cơ quan Quân sự, Công an thẩm định, giám sát chặt chẽ các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhất là ở những khu vực trọng điểm.

Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh và củng cố, phát triển thế trận quân sự là một nội dung quan trọng trong xây dựng khu vực phòng thủ, được Tỉnh chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, toàn diện, thống nhất. Đối với lực lượng thường trực, Tỉnh thường xuyên kiện toàn tổ chức biên chế theo hướng tinh, gọn, linh hoạt giữa các địa bàn, ưu tiên địa bàn trọng điểm; tập trung xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở; tổ chức huấn luyện tốt cho các đối tượng, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp. Thực hiện luân chuyển cán bộ các cấp, tăng cường lực lượng cho các đơn vị cơ sở, đơn vị trực tiếp chiến đấu, nhất là củng cố, kiện toàn lực lượng cấp xã; làm tốt việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ, coi trọng thử thách và rèn luyện trong thực tiễn công tác. Tỉnh chỉ đạo lực lượng vũ trang thực hiện nghiêm quy chế công tác; từng bước hoàn thiện các phương án chiến đấu, trình độ diễn tập, khả năng hiệp đồng công tác giữa các lực lượng vũ trang của Tỉnh với các lực lượng đóng quân trên địa bàn. Đối với lực tượng dân quân, tự vệ, tập trung xây dựng theo phương châm, “ở đâu có tổ chức đảng, ở đó có lực lượng dân quân, tự vệ” và theo hướng “dân bầu, dân cử, dân chăm lo”. Trong đó, ưu tiên xây dựng lực lượng dân quân cơ động làm nòng cốt; thường xuyên củng cố, kiện toàn dân quân ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng cao biên giới. Đến nay, lực lượng dân quân tự vệ của Tỉnh đạt trên 2% dân số, đảng viên đạt gần 23%, chất lượng tốt, đáp ứng khả năng sẵn sàng chiến đấu và giải quyết các vấn đề phức tạp nảy sinh từ cơ sở. Lực lượng dự bị động viên được xây dựng theo hướng gần, gọn địa bàn và sẵn sàng huy động; chú trọng huấn luyện đơn vị binh chủng, gắn huấn luyện với làm công tác dân vận, xây dựng cơ sở chính trị ở những địa bàn xung yếu.

Cùng với xây dựng lực lượng, Tỉnh chỉ đạo cơ quan Quân sự nghiên cứu, quy hoạch chi tiết một số hạng mục của thế trận quân sự làm cơ sở phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh và tổ chức xây dựng các hạng mục đã được phê duyệt, như: đường hầm sở chỉ huy cơ bản cấp tỉnh, thao trường huấn luyện cấp tỉnh, huyện, xã, trận địa phòng không, v.v. Đồng thời, quản lý, tận dụng tốt các địa hình hiểm trở, hang động; chú trọng xây dựng công trình quốc phòng, giao thông, thủy lợi,… vừa phục vụ sản xuất trong thời bình, vừa đáp ứng yêu cầu sản xuất và chiến đấu trong thời chiến.

Để xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc, đi vào chiều sâu, thời gian tới, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, triển khai toàn diện các nội dung xây dựng khu vực phòng thủ cả về tiềm lực, lực lượng và thế trận, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

HOÀNG QUỐC KHÁNH, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh
_______________

1 - Giai đoạn 2008 - 2018, Tỉnh ban hành 06 chương trình hành động, 13 chỉ thị, 45 kế hoạch, 12 đề án,… về xây dựng khu vực phòng thủ và công tác quốc phòng, quân sự.

2 - Giai đoạn 2008 - 2018, Tỉnh bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho 48.641 lượt người; bồi dưỡng nghiệp vụ trên 29.000 lượt cán bộ, công chức; đào tạo được 443 chỉ huy trưởng quân sự xã, phường; thực hiện trên 4.000 chuyên trang, chuyên mục, tin, bài tuyên truyền về công tác quốc phòng, quân sự địa phương, v.v.

3 - Hiện nay, Tỉnh có 42 nhà máy thuỷ điện nhỏ với tổng công suất 473,5 MW, tổng sản lượng điện khoảng 1.870 triệu KWh, nộp ngân sách tỉnh khoảng 310 tỷ đồng.

4 - Cứng hóa đường ô tô tới trung tâm của 182 xã, đang thi công đường tới 22 xã; gần 92% số hộ có điện lưới.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.