Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 07/01/2019, 07:58 (GMT+7)
Sóc Trăng đẩy mạnh xây dựng tiềm lực quốc phòng

Nắm vững đường lối, quan điểm xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Đảng, tỉnh Sóc Trăng chú trọng nâng cao chất lượng tiềm lực quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Sóc Trăng là tỉnh ven biển thuộc Đồng bằng sông Cửu Long - địa bàn có vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh trong thế trận phòng thủ của Quân khu 9 và cả khu vực Tây Nam Bộ. Vì vậy, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, Tỉnh thường xuyên coi trọng công tác quốc phòng, an ninh trên từng địa bàn; trong đó, việc tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc có sự phát triển theo chiều sâu, đạt nhiều kết quả quan trọng. Những năm gần đây, mặc dù trên địa bàn có tới 61% xã, phường trọng điểm về quốc phòng và an ninh; gần 35% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều; các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá,… nhưng nhờ thường xuyên chăm lo xây dựng nền quốc phòng, an ninh vững mạnh, Tỉnh đã kịp thời xử lý tốt các tình huống xảy ra, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo cơ sở, nền tảng để Sóc Trăng phát triển nhanh, bền vững.

Đảng ủy Quân sự Tỉnh thông qua Quyết tâm chiến đấu trong diễn tập
khu vực phòng thủ n
ăm 2018

Để có được kết quả đó, cùng với triển khai các mặt công tác khác, Tỉnh hết sức coi trọng xây dựng tiềm lực quốc phòng, trước hết là xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, “thế trận lòng dân” vững chắc. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa bàn, Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy các cấp tăng cường xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, hệ thống chính quyền vững mạnh toàn diện, nhất là cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ven biển. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững về bản lĩnh chính trị, trong sạch về đạo đức, lối sống, chuẩn về năng lực, khoa học về phong cách lãnh đạo, chỉ huy; tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ. Nhờ đó, năm 2018, Đảng bộ Tỉnh đã xây dựng được 77,92% tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; 87,87% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Đi liền với xây dựng các tổ chức đảng, Tỉnh chú trọng thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở theo phương châm “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra” đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Đồng thời, kiện toàn bộ máy hành chính tinh, gọn, mạnh; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, với tiêu chí “kiến tạo, liêm chính, phục vụ nhân dân”, nâng cao hiệu quả quản lý các mặt công tác, nhất là quản lý nhà nước về quốc phòng. Chú trọng thực hiện tốt chính sách xã hội, phát huy hiệu quả các phong trào “Xóa đói giảm nghèo”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Xây dựng nông thôn mới”; giúp đỡ và làm nòng cốt cho nhân dân trong phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, v.v. Qua đó, bồi đắp thêm tình quân - dân trong thời kỳ mới; củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, làm cơ sở để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

Bên cạnh đó, Tỉnh phát huy tốt vai trò tham mưu, nòng cốt của cơ quan quân sự các cấp cho cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng. Với chức năng là cơ quan thường trực của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, phù hợp yêu cầu, tình hình thực tế của địa phương. Với nhiệm vụ này, Tỉnh đã kết hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng, giáo dục kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng theo phân cấp với mở rộng đối tượng bồi dưỡng cho các chủ phương tiện tàu thuyền, chức sắc, chức việc các tôn giáo. Công tác tuyên truyền kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân thường xuyên được đẩy mạnh, bằng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp, nhất là phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Qua đó, nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh phòng, chống có hiệu quả chiến lược “Diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh còn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực tham gia củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ, phát triển đảng viên; làm tốt công tác dân vận, nhất là trên các địa bàn trọng điểm. Những việc làm đó đã góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.

Trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng, lợi thế của địa phương, Tỉnh đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, lấy đó làm nền tảng vật chất để xây dựng tiềm lực quốc phòng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tăng trưởng bình quân của Tỉnh giai đoạn 2008 - 2018 vẫn đạt mức 12,30%/năm. Đến nay, Tỉnh đã hoàn thành và vượt 18 chỉ tiêu kinh tế mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh (khóa XIII) nhiệm kỳ 2016 - 2020 đã đề ra; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, hiệu quả trên cơ sở áp dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất và chủ động hội nhập quốc tế. Trong quá trình thực hiện, Tỉnh phát huy vai trò tham mưu của cơ quan quân sự các cấp trong việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh, đảm bảo mỗi bước phát triển kinh tế là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng. Theo đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh hoàn thiện và triển khai toàn diện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh đến năm 2020 và nhiều kế hoạch, dự án phát triển khác. Sự kết hợp đó không chỉ trong quy hoạch, kế hoạch mà còn được cụ thể hóa và đẩy mạnh thực hiện trong thực tế, nhất là các chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng có tính lưỡng dụng, như: hệ thống giao thông, bưu chính - viễn thông, y tế, cảng biển, v.v. Nhiều công trình trọng điểm, khu công nghiệp đã được đầu tư, nâng cấp, như: tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ Nam sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp; khu, cụm công nghiệp An Nghiệp, cảng biển Trần Đề; hình thành các cụm, tuyến dân cư, khu đô thị mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và bảo đảm cho các hoạt động của khu vực phòng thủ khi có tình huống xảy ra. Trong sản xuất nông nghiệp, các địa phương, doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất hiện đại, gắn với tổ chức lại các tổ hợp tác, hợp tác xã phù hợp; thúc đẩy, tạo điều kiện quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh; thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng sạch. Về kinh tế biển, Tỉnh chỉ đạo các địa phương tích cực trồng rừng phòng hộ và xây dựng hơn 400km đê, kè ven biển, nâng cấp hệ thống cảng biển, phát triển dịch vụ logistics, du lịch; tổ chức đội tàu thuyền đánh bắt xa bờ công suất lớn, sẵn sàng huy động cho nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Chỉ tính riêng năm 2018, Tỉnh đạt sản lượng lúa hơn 2,2 triệu tấn, thủy sản hơn 250.000 tấn. Những kết quả đó không chỉ góp phần nâng cao đời sống nhân dân mà còn đóng góp một phần cho dự trữ quốc phòng, xây dựng tiềm lực kinh tế của khu vực phòng thủ.

Huấn luyện dân quân biển

Xây dựng tiềm lực quân sự được Tỉnh xác định là nội dung cốt lõi của xây dựng tiềm lực quốc phòng. Vì thế, Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều chủ trương, biện pháp kiện toàn tổ chức biên chế cơ quan quân sự các cấp, các đơn vị dân quân tự vệ, dự bị động viên theo hướng tinh, gọn, mạnh, đồng bộ, phù hợp với với tình hình thực tế địa phương. Đến nay, lực lượng bộ đội thường trực của Tỉnh đạt 101,6% so với biên chế; lực lượng dân quân tự vệ đạt tỷ lệ trên 1,46% dân số; lực lượng dự bị động viên sắp xếp vào các đơn vị đạt gần 98%. Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện theo Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương; sát với đối tượng, yêu cầu nhiệm vụ và phù hợp với địa hình sông nước, ven biển. Chú trọng gắn huấn luyện với xây dựng chính quy và rèn luyện kỷ luật, chấp hành pháp luật nhà nước cho mọi quân nhân. Đồng thời, tổ chức tốt công tác diễn tập khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự ở các cấp, các ngành, nhằm kiểm nghiệm năng lực vận hành cơ chế lãnh đạo, điều hành, chỉ huy, động viên lực lượng, cơ sở vật chất trong các trạng thái quốc phòng và thực hiện các nhiệm vụ khác. Từ năm 2008 đến 2018, Tỉnh đã tổ chức 227 cuộc diễn tập khu vực phòng thủ các cấp, trong đó có cuộc diễn tập khu vực phòng thủ Tỉnh năm 2018, với quy mô lớn, toàn diện, được Quân khu đánh giá cao. Ngoài ra, Tỉnh còn chỉ đạo thực hiện nghiêm quy chế phối hợp, hiệp đồng giữa lực lượng Quân sự, Công an, Biên phòng, Vùng 2 Hải quân, Cảnh sát biển trong nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời, có hiệu quả các vụ việc, tình huống quốc phòng, an ninh, không để xảy ra “điểm nóng” trên địa bàn, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và chủ quyền trên biển.

Cùng với đó, Tỉnh hết sức coi trọng xây dựng thế trận quân sự vững chắc trong khu vực phòng thủ, trọng tâm là các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, hệ thống sở chỉ huy, trận địa, đường cơ động, các cơ sở bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, dự trữ vật chất của Tỉnh, Quân khu. Để đạt hiệu quả cao, phù hợp với tình hình kinh tế, Tỉnh chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát địa bàn, lập quy hoạch chi tiết, trên cơ sở đó huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng thế trận theo lộ trình đã xác định. Trước mắt, Tỉnh tập trung đầu tư các công trình cấp thiết, mang tính lưỡng dụng, như: hệ thống giao thông huyết mạnh, các tuyến đê, kè ven sông, ven biển, vừa đảm bảo cơ động lực lượng, tạo lập thế trận liên hoàn, chuyển hóa thế trận vừa để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, các công trình quân sự quan trọng, phục vụ trực tiếp và thường xuyên cho hoạt động của khu vực phòng thủ được xây dựng trước, như: hệ thống cụm điểm tựa ven biển, thao trường huấn luyện, trụ sở đồn biên phòng, cơ quan quân sự cấp xã, v.v. Quá trình thực hiện, Tỉnh triệt để tận dụng hệ thống cơ sở hạ tầng có sẵn, địa hình tự nhiên để giảm bớt chi phí và bảo vệ môi trường. Tuy là địa phương có tiềm lực kinh tế chưa lớn, nhưng những năm qua, Tỉnh đã cân đối ngân sách hợp lý, đầu tư đúng mức, dành hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các công trình quốc phòng và an ninh, đạt hiệu quả thiết thực.

Những kết quả đạt được về xây dựng tiềm lực quốc phòng vừa là kinh nghiệm, đồng thời cũng là động lực để Sóc Trăng tiếp tục vươn lên phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh xây dựng địa phương vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng và an ninh, góp phần cùng cả nước bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tá TRẦN VĂN LÂU, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh

Ý kiến bạn đọc (0)