Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Ba, 04/10/2011, 01:19 (GMT+7)
Quân đoàn 4 đẩy mạnh công tác khoa học, công nghệ và môi trường

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Quân uỷ Trung ương đề ra chủ trương Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thực hiện chủ trương trên, ngày 24-9-1976, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 ra Quyết định thành lập Phòng Tổng kết, thuộc Bộ Tham mưu, tiền thân của Phòng Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Quân đoàn hiện nay. Trải qua 35 năm xây dựng và trưởng thành, ngành KH,CN&MT của Quân đoàn đã có những đóng góp thiết thực: chỉ đạo công tác tổng kết, bổ sung, hoàn thiện và phát triển lý luận về một số vấn đề nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; hoàn thành một số đề tài khoa học sát với thực tiễn hoạt động trên các địa bàn Nam Bộ và Đông Nam Bộ, phù hợp với yêu cầu của Quân đoàn chủ lực cơ động, được Hội đồng nghiệm thu Bộ Quốc phòng đánh giá đạt loại xuất sắc. Nhiều kết quả nghiên cứu, bài học kinh nghiệm có tính khả thi cao đã được biên soạn thành tài liệu đưa vào phục vụ huấn luyện, diễn tập, đào tạo các đối tượng học viên trong nhà trường và chiến sĩ ở các đơn vị của Quân đoàn. Các công trình lịch sử của Ngành có giá trị trong giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Quân đoàn; đồng thời, là tài liệu quý để tiếp tục vận dụng vào quá trình xây dựng, huấn luyện phù hợp với mỗi loại hình đơn vị.

Để góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ KH,CN&MT, Quân đoàn chú trọng xây dựng cơ quan KH,CN&MT phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác KH,CN&MT có số lượng hợp lý, chất lượng cao và tâm huyết với nghề nghiệp. Thực tế cho thấy, có tổ chức biên chế ổn định, phù hợp và đội ngũ cán bộ có năng lực, say mê, tâm huyết với nghề thì hoạt động KH,CN&MT sẽ có chất lượng; ngược lại, nếu cán bộ không có được những phẩm chất đó thì hoạt động KH,CN&MT sẽ khó có hiệu quả và không hoàn thành được nhiệm vụ. Trong mối quan hệ giữa cán bộ với tổ chức, thì cán bộ quyết định sức mạnh của tổ chức; tổ chức mạnh thì mới xây dựng được đội ngũ cán bộ mạnh; ngược lại, đội ngũ cán bộ mạnh thì tổ chức mới mạnh, mới hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Xuất phát từ điều đó, những năm qua, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân đoàn và cấp uỷ, chỉ huy các cấp đã thường xuyên quan tâm xây dựng hệ thống tổ chức của cơ quan chuyên trách ngành KH,CN&MT và bộ phận kiêm nhiệm phù hợp với nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Vì vậy, mặc dù trải qua nhiều thay đổi về tên gọi, nhiệm vụ, biên chế tổ chức, nhưng Phòng KH,CN&MT Quân đoàn luôn nắm vững chức năng, nhiệm vụ là cơ quan nghiên cứu, tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn về hoạt động KH,CN&MT; là cơ quan đầu ngành giúp Tư lệnh Quân đoàn thực hiện quản lý nhà nước đối với các tổ chức và hoạt động KHC,N&MT trong Quân đoàn. Không những thế, Phòng KH,CN&MT còn tích cực giúp đỡ, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các bộ phận, cán bộ kiêm nhiệm ở các cơ quan, đơn vị trong Quân đoàn nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong lĩnh vực hoạt động này. Cấp uỷ, chỉ huy các cấp, kể cả chuyên trách và kiêm nhiệm của Ngành đã nâng cao nhận thức đối với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác KH,CN&MT; có bước đổi mới phương pháp nghiên cứu, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và xác định phương hướng hoạt động của Ngành, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao. Cùng với đó, Quân đoàn đã chỉ đạo củng cố kiện toàn, duy trì có nền nếp và tăng cường hoạt động của Hội đồng Khoa học – Công nghệ; nâng cao chất lượng các cuộc hội thảo khoa học, vai trò của Hội đồng nghiệm thu ở từng cấp. Ngoài việc điều động, bổ nhiệm, bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng cán bộ làm công tác KH,CN&MT, Quân đoàn đang tích cực lựa chọn, gửi đi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác KH,CN&MT, bảo đảm cho số cán bộ nghiên cứu khoa học (NCKH) có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Quân đoàn luôn cổ vũ, động viên tinh thần tự học, tự rèn luyện kỹ năng và coi trọng việc bồi dưỡng tại chỗ; chú trọng xây dựng và sử dụng nguồn kế cận hợp lý; phấn đấu, đến năm 2015, có 10-15% cán bộ NCKH của Quân đoàn có trình độ sau đại học.

Cùng với đó, Quân đoàn chỉ đạo cơ quan chức năng xác định đúng nhu cầu, chọn lọc và hoàn thành các dự án, đề tài NCKH sát thực tiễn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Quân đoàn. Do yêu cầu ngày càng phát triển, nên công tác nghiên cứu KH,CN&MT không chỉ dừng lại ở tổng kết các trận đánh, chiến dịch, các mặt hoạt động, công tác bảo đảm khác, mà còn phải tham mưu cho Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân đoàn về công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, xây dựng nền nếp chính quy, bảo vệ môi trường, công nghệ thông tin; các hoạt động NCKH nghệ thuật quân sự, khoa học xã hội - nhân văn quân sự, khoa học kỹ thuật quân sự và y - dược quân sự,... Vì vậy, trong từng giai đoạn và hằng năm, công tác KH,CN&MT luôn bám sát yêu cầu thực tế, xác định mục tiêu, phương hướng, kế hoạch NCKH đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm; các đề tài nghiên cứu phải được ứng dụng có hiệu quả trong hoạt động thực tiễn.

Những năm gần đây, Quân đoàn đã hoàn thành một số đề tài NCKH; qua đó, góp phần bổ sung, phát triển làm phong phú thêm lý luận nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong các đề tài đó, có một số nội dung đã được biên soạn thành tài liệu phục vụ công tác đào tạo các đối tượng cán bộ tại các học viện, nhà trường Quân đội; trong huấn luyện, diễn tập ở các đơn vị trong Quân đoàn và toàn quân. Nhiều bài tham luận có giá trị được đánh giá cao trong các hội nghị, hội thảo từ cấp Quân đoàn đến các học viện, nhà trường và Bộ Quốc phòng. Các công trình nghiên cứu về lịch sử của Ngành có giá trị về giáo dục truyền thống; nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật tham gia thi cấp Bộ đạt giải cao, được chỉ đạo nhân rộng, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, tiết kiệm trong sản xuất. Công nghệ thông tin đã có bước phát triển, trong đó có mạng Misten phục vụ kịp thời yêu cầu nắm bắt tình hình, điều chỉnh kế hoạch, điều hành mọi hoạt động của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị. Một số đề tài nghiên cứu trên lĩnh vực y - dược mang lại hiệu quả thiết thực trong việc khám và chăm sóc sức khoẻ của quân nhân; nhiều đề xuất, giải pháp phù hợp đã giúp Bộ Tư lệnh Quân đoàn kịp thời chỉ đạo ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường, không để ảnh hưởng tới hoạt động của các đơn vị và đời sống nhân dân trên địa bàn đóng quân...

Do các cơ quan, đơn vị trong Quân đoàn có chức năng, nhiệm vụ khác nhau, nên Bộ Tư lệnh Quân đoàn đã chỉ đạo công tác KH,CN&MT thời gian tới không chỉ bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Quân đoàn, mà còn phải phù hợp với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Đối với những cơ quan, đơn vị tập trung nhiều cán bộ có hàm lượng trí tuệ cao như: Trường Quân sự, Bệnh viện 4, Quân đoàn sẽ chỉ đạo tập trung thực hiện và hoàn thành một số đề tài khoa học nghiên cứu về các lĩnh vực: nghệ thuật quân sự, xã hội nhân văn quân sự, kỹ thuật quân sự, y - dược quân sự,... phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ chính trị trung tâm của Quân đoàn. Một số vấn đề mới đặt ra trong nghiên cứu là: xây dựng sức mạnh chính trị - tinh thần của một Quân đoàn chủ lực cơ động của Bộ tác chiến trong chiến tranh hiện đại, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao; khả năng cơ động của các đơn vị trên địa bàn đóng quân có nhiều khu công nghiệp, mật độ dân cư đông nếu xảy ra chiến tranh; thời gian làm Nghĩa vụ quân sự từ 24 tháng nay giảm còn 18 tháng, thì phải làm gì để giữ vững và nâng cao chất lượng huấn luyện cho bộ đội; những biện pháp ngăn chặn sự tác động mặt trái nền kinh tế thị trường tới các quan hệ xã hội trên lĩnh vực đạo đức  quân nhân của Quân đoàn hiện nay; kết hợp kinh tế với quốc phòng; phối hợp quân - dân trong xây dựng hệ thống chính trị địa phương,... Cùng với đó, Quân đoàn chỉ đạo cơ quan chức năng đổi mới, nâng cao chất lượng NCKH, cũng như việc thẩm định, nghiệm thu, đánh giá dự án, đề tài; có chính sách động viên khích lệ những cán bộ có nhiều đóng góp trí tuệ, say mê nghiên cứu, đề xuất những giải pháp có giá trị, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, xây dựng đơn vị.

Những năm qua, Quân đoàn luôn duy trì và mở rộng mối quan hệ hợp tác với các học viện, viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ quan KH,CN&MT trong và ngoài Quân đội trên địa bàn để tạo bước phát triển mới về chất trong công tác NCKH. Theo đó, Quân đoàn chỉ đạo Phòng KH,CN&MT xây dựng kế hoạch, phương hướng hợp tác trên từng lĩnh vực nghiên cứu. Ngoài những đề tài, dự án có tính đặc thù về quân sự của Quân đoàn phải được bảo mật đúng quy định, Quân đoàn tăng cường hợp tác, khai thác tiềm năng, thế mạnh của các ngành, trung tâm nghiên cứu, của các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sĩ; các cán bộ nguyên là lãnh đạo, chỉ huy của Quân đoàn qua các thời kỳ để được tư vấn một số vấn đề phù hợp trên từng lĩnh vực nghiên cứu. Trong hoạt động NCKH, Quân đoàn coi trọng gắn chặt giữa lý luận với thực tiễn để quá trình nghiên cứu, tổng kết, biên soạn các công trình, đề tài khoa học thực sự có chất lượng, đưa vào áp dụng có hiệu quả trong các lĩnh vực hoạt động của Quân đoàn và yêu cầu các đề tài nghiên cứu phải thiết thực, sát với thực tiễn đặt ra, bảo đảm có thể áp dụng một cách hiệu quả trong các hoạt động của Quân đoàn, từng bước nâng cao chất lượng để có thể phổ biến, vận dụng trong toàn quân. Đồng thời, tích cực động viên, khuyến khích, khơi dậy ý thức tự giác, tư duy sáng tạo của các tập thể và từng cá nhân nhằm đưa các hoạt động sáng kiến, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật vào nền nếp, tạo ra nhiều sáng kiến mới có giá trị phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và bảo đảm đời sống vật chất, văn hóa của bộ đội, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Quân đoàn.

Đại tá TRẦN TRỌNG NGỪNG

Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn

 

Ý kiến bạn đọc (0)