Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 20/07/2020, 13:46 (GMT+7)
Quân đoàn 4 chăm lo thực hiện tốt công tác chính sách hậu phương Quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”

Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long) được thành lập ngày 20/7/1974 tại khu căn cứ Suối Bà Chiêm, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh (nay là xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh). Trải qua 46 năm xây dựng, chiến đấu và trư­ởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn đã lập nhiều chiến công vang dội, xây đắp nên truyền thống: “Trung thành, đoàn kết, anh dũng, sáng tạo, tự lực, quyết thắng”. Sau khi góp phần vào thành công của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam và nghĩa vụ quốc tế cao cả ở nước bạn Campuchia, Quân đoàn bước vào thời kỳ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đây cũng là thời kỳ mà Quân đoàn có điều kiện để chăm lo thực hiện tốt công tác chính sách hậu phương Quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.

Đại tá Trương Ngọc Hợi (nay là thiếu tướng), Chính ủy Quân đoàn tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Xy, ấp Chà Là, xã Thanh Bình, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước

Quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, những năm qua, bên cạnh việc thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ tại ngũ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đoàn vững mạnh toàn diện, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo cho đối tượng chính sách luôn được Quân đoàn quan tâm, xác định là một nhiệm vụ chính trị quan trọng. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách hậu phương Quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” bằng nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với đặc điểm địa bàn, đạt hiệu quả thiết thực. Các cơ quan, đơn vị của Quân đoàn thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân về truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng; đồng thời, phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu, phối hợp, tổ chức thực hiện. Cơ quan chính trị các đơn vị trong Quân đoàn đã chủ động nghiên cứu, đề xuất nhiều nội dung có giá trị, góp phần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các chế độ, chính sách đối với hậu phương Quân đội, ưu đãi người có công với cách mạng; huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, cá nhân, các nguồn lực xã hội cho phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Qua đó, thiết thực góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, bồi đắp tiềm lực chính trị - tinh thần, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với trách nhiệm chính trị và nghĩa tình đồng đội sâu đậm, Quân đoàn đã triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với hậu phương Quân đội, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Các đơn vị thường xuyên thăm hỏi, động viên cán bộ Quân đội nghỉ hưu; hỗ trợ gia đình quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, chiến sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo; hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm cho quân nhân xuất ngũ. Với phương châm không để sót đối tượng có công, Quân đoàn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố giải quyết một khối lượng lớn những vướng mắc, tồn đọng về chính sách sau các cuộc chiến tranh, đảm bảo chính xác, công bằng, công khai, dân chủ, đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, chế độ. Do đặc điểm chiến tranh kéo dài, các đơn vị chiến đấu độc lập sâu trong lòng địch, nên phần lớn cán bộ, chiến sĩ hy sinh đ­ược đơn vị hoặc nhân dân địa phương chôn cất, nhiều liệt sĩ không xác định đư­ợc tên, tuổi, quê quán. Hơn nữa, do đặc điểm của đơn vị chủ lực, chiến đấu cơ động liên tục, một số đơn vị sát nhập, giải thể nhiều lần, nên việc bảo quản hồ sơ, danh sách liệt sĩ bị thất lạc nhiều, gây không ít khó khăn cho công tác tìm kiếm, quy tập. Tr­ước thực trạng đó, Quân đoàn chỉ đạo cơ quan chức năng chú trọng công tác quản lý hồ sơ mộ liệt sĩ và danh sách quân nhân hy sinh, từ trần, mất tin, mất tích. Đến nay, Quân đoàn đã hoàn thành công tác giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị, hoàn thiện cơ sở dữ liệu cho 47.719 hồ sơ liệt sĩ, đưa vào quản lý thống nhất bằng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để thân nhân liệt sĩ đến viếng, tìm mộ. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chính sách các cấp tiếp tục tổ chức s­ưu tầm hồ sơ, sơ đồ mộ liệt sĩ trên các địa bàn. Việc làm đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và cho thân nhân các gia đình đến tìm mộ, cũng như thực hiện các chế độ, chính sách khác. Bên cạnh đó, Quân đoàn tích cực liên hệ với những cán bộ, cựu chiến binh đã từng chiến đấu, công tác trên các chiến truờng để tổ chức khảo sát và cất bốc hài cốt liệt sĩ; phối hợp với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương nơi Quân đoàn chiến đấu để khảo sát, tìm kiếm, quy tập, bốc cất hài cốt liệt sĩ về các nghĩa trang. Điển hình là việc phối hợp cùng với Ủy ban nhân dân, Phòng Lao động - Th­ương binh - Xã hội huyện Bình Long, tỉnh Bình Phư­ớc tổ chức quy tập được một mộ tập thể, với 117 bộ hài cốt liệt sĩ thuộc Đơn vị M.41, Công trường 7 hy sinh ngày 29/11/1967. Bộ T­ư lệnh Quân đoàn đã cùng địa phương khắc bia đá tập thể, tổ chức lễ an táng và lễ truy điệu trọng thể, trang nghiêm.

Đối với công tác th­ương binh, Quân đoàn chú trọng chỉ đạo quản lý tốt hồ sơ, bởi đó là một nội dung quan trọng, không những bảo đảm quyền lợi của các đối tư­ợng đang công tác, mà còn giải quyết quyền lợi cho các đối t­ượng đã chuyển ra ngoài Quân đội. Tính đến nay, hơn 7.000 thương binh của Quân đoàn đư­ợc cấp giấy chứng nhận thư­ơng binh đúng thủ tục quy định của Bộ Quốc phòng và ngành Lao động - Th­ương binh - Xã hội. Do quản lý tốt hồ sơ gốc, nên trong số th­ương binh đã chuyển ra ngoài Quân đội, có một số đồng chí bị mất giấy chứng nhận th­ương binh, hoặc chư­a chuyển thủ tục hồ sơ th­ương binh về địa ph­ương, đã đ­ược Quân đoàn giải quyết chu đáo. Hiện tại, 100% thương binh đang công tác ở Quân đoàn đã có hồ sơ l­ưu trữ chính xác, đầy đủ.

Quân y Bệnh viện 4 (Quân đoàn 4) khám, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chình sách

Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Ăn quả nhớ ngư­ời trồng cây”, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, hăng hái đóng góp cả về vật chất và tinh thần để chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách. Nhân các ngày lễ, tết hằng năm, các đơn vị trong Quân đoàn trích hàng trăm triệu đồng từ quỹ đóng góp của cán bộ, chiến sĩ để thăm hỏi tặng quà, khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình thư­ơng binh, liệt sĩ, trẻ em nghèo nhiễm chất độc da cam/điôxin, ng­ười có công trên địa bàn. Các cơ quan, đơn vị tích cực giúp đỡ, hỗ trợ cho thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng để các đối tượng này khắc phục khó khăn, có cuộc sống ổn định, đảm bảo thấp nhất là bằng mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú. Đối với đội ngũ thương binh đang công tác tại Quân đoàn, được cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ này cố gắng vươn lên, vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Để phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” phát triển sâu rộng, hiệu quả, Quân đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng nội dung, chương trình cụ thể, thiết thực, phù hợp với thực tế của đơn vị và địa phương; huy động mọi lực lượng cùng tham gia. Đoàn thanh niên các cơ quan, đơn vị đã phối hợp với Đoàn thanh niên địa phương nơi đóng quân tu sửa, tôn tạo, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ, tổ chức các hoạt động dâng hương, dâng hoa, thắp nến tri ân vào các ngày lễ, tết, kỷ niệm, v.v. Hội phụ nữ, tổ chức công đoàn tích cực tham gia các hoạt động chăm sóc, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng; xây dựng, tu sửa “Nhà đồng đội”, “Nhà tình nghĩa”, “Mái ấm tình thương”; tặng quà, tặng sổ tiết kiệm, công cụ sản xuất,... cho các đối tượng chính sách. Bằng trái tim, tấm lòng nhân ái và sự sẻ chia, từ năm 2012 đến nay, Quân đoàn đã đóng góp hơn 10 tỷ đồng vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; nhận phụng dưỡng 10 Mẹ Việt Nam anh hùng; xây tặng 173 Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội, Nhà đại đoàn kết; tặng nhiều phương tiện, thiết bị y tế, trang thiết bị dùng chung cho các trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh nặng, v.v. Ngoài ra, các đơn vị còn tổ chức các hoạt động về nguồn, khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho các đối tượng chính sách nơi căn cứ cách mạng, chiến khu, đồng bào biên giới, biển, đảo, v.v.

Để góp phần giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, tôn vinh, ghi công các anh hùng liệt sĩ, Quân đoàn còn phối hợp với Quân đoàn 3 và các địa phương trên địa bàn xây dựng nhiều công trình có giá trị văn hóa, như: Nhà bia tưởng niệm tại căn cứ Đồng Dù, huyện Củ Chi; Tượng đài chiến thắng Tàu Ô-Xóm Ruộng (được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia); Bia tưởng niệm liệt sĩ Đồng Rùm, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh; Bia tưởng niệm liệt sĩ Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, v.v. Trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh - Liệt sĩ, được sự hỗ trợ của các địa phương trên địa bàn, Quân đoàn đã xây dựng “Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ” tại Bộ Tư lệnh Quân đoàn.

Trong thời gian tới, Quân đoàn tập trung hoàn thành cơ bản chính sách thương binh, liệt sĩ tồn đọng sau chiến tranh; hoàn thành giải quyết chế độ, chính sách đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, sớm hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ, mộ liệt sĩ, kết luận địa bàn, v.v. Các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương động viên mọi nguồn lực, chú trọng thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc đối với người có công với cách mạng, phát huy sức mạnh tổng hợp, đưa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trở thành hoạt động thường xuyên; gắn công tác này với công tác dân vận và phong trào “Xây dựng nông thôn mới”. Cùng với đó, Quân đoàn tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nhà đồng đội”, “Nhà tình nghĩa”; chăm sóc, giúp đỡ thương, bệnh binh nặng, bố, mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, v.v. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương triển khai thực hiện toàn diện, có chất lượng công tác chính sách đối với Quân đội, hậu phương Quân đội; chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, góp phần tô thắm thêm bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Thiếu tướng TRƯƠNG NGỌC HỢI, Chính ủy Quân đoàn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.