Thứ Bảy, 23/11/2024, 07:00 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Nhà máy A32 là đơn vị sửa chữa, hồi phục, tăng tổng niên hạn các loại máy bay phản lực chiến đấu; sản xuất phụ tùng, vật tư kỹ thuật hàng không hàng đầu của Quân chủng Phòng không - Không quân. Với tinh thần nỗ lực vượt khó, sáng tạo, chủ động đi trước đón đầu, không ngừng vươn lên, Nhà máy luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; là doanh nghiệp quốc phòng phát triển bền vững, có uy tín. Đó là kết quả tổng hợp của nhiều giải pháp lãnh đạo thiết thực; trong đó, đẩy mạnh đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào Thi đua Quyết thắng, tạo động lực quan trọng để cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức quốc phòng phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy xác định là một nội dung trong tâm.
Thực hiện điều đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng và phong trào Thi đua Quyết thắng. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp nhận thức đúng đắn, quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác thi đua, khen thưởng; tập trung xây dựng và từng bước hoàn thiện Quy chế công tác thi đua, khen thưởng. Thường xuyên nắm chắc sự chỉ đạo, định hướng của trên, đánh giá đúng tình hình đơn vị, xác định nội dung, chỉ tiêu thi đua sát đúng, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung đột phá vào những khâu yếu, mặt yếu; gắn công tác thi đua, khen thưởng, phong trào Thi đua Quyết thắng với nhiệm vụ chính trị của Nhà máy. Từng phân xưởng, phòng, ban, trung tâm, trạm và các tổ chức quần chúng cụ thể hóa các nội dung, mục tiêu phong trào Thi đua Quyết thắng thành những nội dung, chỉ tiêu sát yêu cầu, nhiệm vụ, đặc thù công việc, vị trí công tác của từng cá nhân. Để tránh hiện tượng có “phát” mà không “động”, Đảng ủy, Ban Giám đốc chỉ đạo cơ quan chính trị, Hội đồng thi đua, khen thưởng, tổ thi đua các phân xưởng thực hiện tốt việc tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra sâu sát; duy trì nền nếp phong trào Thi đua Quyết thắng ngay từ khâu tổ chức phát động, đăng ký giao ước thi đua đến theo dõi, đánh giá, sơ kết, khen thưởng, biểu dương, bảo đảm chặt chẽ, kịp thời, nhất là chọn thời điểm để đẩy mạnh cao trào với những nội dung, chỉ tiêu đột phá. Đồng thời, thực hiện tốt việc lồng ghép phong trào thi đua của các ngành với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, tạo động lực thúc đẩy đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Động lực mà phong trào Thi đua Quyết thắng mang lại được biểu hiện trước hết và cốt lõi nhất ở chất lượng chính trị, tư tưởng của các tập thể và cá nhân. Đó là lòng trung thành, trình độ giác ngộ chính trị, bản lĩnh vững vàng trước những khó khăn, ý chí quyết tâm cao, tinh thần vượt khó vươn lên, thái độ, trách nhiệm chính trị trong thực hiện nhiệm vụ. Việc sửa chữa, lắp ráp, hiệu chỉnh, kiểm thử, bay thử máy bay đòi hỏi cán bộ, kỹ sư, công nhân viên hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ trong từng thao tác, thực hiện nghiêm quy trình, kỷ luật công nghệ, kỷ luật lao động, với tinh thần “tất cả vì những chuyến bay an toàn”. Trong điều kiện nhân lực, phương tiện, vật tư còn nhiều khó khăn, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sửa chữa, bảo dưỡng, tăng tổng niên hạn các loại máy bay phản lực chiến đấu của Quân chủng, nội dung, mục tiêu phong trào thi đua của Nhà máy tập trung hướng vào nâng cao năng lực sửa chữa máy bay; sản xuất phụ tùng, vật tư thiết bị hàng không. Từ chỗ chỉ sửa chữa đơn thuần, những năm gần đây, Nhà máy chú trọng đầu tư, nâng cao năng lực sửa chữa lớn, vừa, cục bộ, tăng hạn và sửa chữa dự phòng các loại máy bay thế hệ mới, như: Su-22, Su-27, Su-30; sửa chữa hơn 5.000 phụ tùng, thiết bị lẻ, trong đó gần 2.000 phụ tùng, thiết bị của máy bay Su-27, Su-30. Đặc biệt, từ năm 2016, Nhà máy sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng thành công cho máy bay Su-27UBK. Điều đó, không chỉ khẳng định năng lực làm chủ khoa học - kỹ thuật của đội ngũ cán bộ, công nhân viên Nhà máy, mà còn giảm chi phí, rút ngắn đáng kể thời gian sữa chữa, không làm ảnh hưởng đến hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị Không quân. Đến nay, Nhà máy đã cơ bản thực hiện xong giai đoạn III của Dự án “Đầu tư công nghệ sửa chữa lớn máy bay Su-27, sửa chữa cục bộ máy bay Su-30”, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân đã hoàn toàn làm chủ dây chuyền công nghệ sửa chữa các loại máy bay trong biên chế của Quân đội ta, góp phần giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài. Ngoài ra, Nhà máy còn sửa chữa, gia công chi tiết cho một số đơn vị Phòng không; sửa chữa các hệ thống tên lửa và một số hệ thống trên tàu cho Hải quân; nghiên cứu sửa chữa một số hệ thống của tổ hợp S-300; sửa chữa bơm dầu cao áp hệ thống nhiên liệu của tổ hợp АИП trên xe bệ phóng QH36-58; sản xuất bộ giằng néo máy bay Ka-28. Kiểm định, sửa chữa hơn 20 nghìn phương tiện đo; gia công chế tạo mới, sửa chữa hồi phục hơn 4.000 mặt hàng trị giá hơn 20 nghìn tỉ đồng; sửa chữa hàng quốc phòng, kinh tế thường xuyên đạt trên 100% kế hoạch hằng năm. Những thành công đó, góp phần nâng vị thế của Nhà máy lên tầm cao mới; là cơ sở để Nhà máy mở rộng quy mô đầu tư, nâng cấp, thực hiện những dự án lớn trong thời gian tới.
Cùng với việc tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản ở nước ngoài, các trường trong và ngoài Quân đội vào làm việc, Nhà máy thường xuyên quan tâm đến công tác huấn luyện, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, nhân viên; coi đây là nền tảng vững chắc để Nhà máy hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong đó, tập trung huấn luyện chuyển loại theo chương trình của Bộ Quốc phòng, Quân chủng và yêu cầu, nhiệm vụ của từng vị trí công việc, nhất là huấn luyện chuyển đổi, chuyển loại sửa chữa máy bay Su-27, Su-30, sửa chữa các vi mạch điện tử, thiết bị Diana, v.v. Tổ chức huấn luyện chuyển đổi, chuyển loại cho các kỹ sư, nhân viên kỹ thuật mới nhận công tác; thi nâng bậc thợ, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngang tầm nhiệm vụ. Nội dung, chương trình huấn luyện bảo đảm cân đối, hài hòa giữa lý thuyết và thực hành trên máy, học đến đâu thực hành đến đó. Hằng năm, 100% nội dung huấn luyện đạt khá, giỏi (có trên 60% đạt giỏi). Nhờ đó, đội ngũ thợ kỹ thuật của Nhà máy không ngừng trưởng thành, phát huy tốt tay nghề, chủ động, sáng tạo trong công việc.
Phong trào thi đua là động lực để cán bộ, công nhân viên, kỹ sư của Nhà máy phát huy trí tuệ, tinh thần nhiệt huyết, lòng hăng say yêu nghề trong giải quyết khâu “căng”, việc khó; xung kích trong sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, biên dịch, biên soạn tài liệu, quy trình công nghệ. Trước đây Nhà máy phải nhập toàn bộ phụ tùng thay thế, đến nay Nhà máy đã sản xuất được nhiều vật tư, phụ tùng phục vụ sửa chữa, giảm đáng kể nhập ngoại. Hiện nay, Nhà máy đang tiếp tục đầu tư, liên doanh, liên kết với các hãng hàng không trong nước và các đối tác nước ngoài để tiến tới tự chủ sản xuất khoảng 35% vật tư kim loại và 95% vật tư phi kim loại trên máy bay. Hiện thực hóa điều đó, Nhà máy đẩy mạnh phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; phát huy vai trò của các tổ khoa học, tổ sáng tạo trẻ. Từ năm 2012 đến nay, Nhà máy đã có hàng trăm sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nhiều sáng kiến đạt giải Tuổi trẻ sáng tạo cấp Quân chủng, toàn quân và Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; hàng nghìn bản vẽ cơ khí được áp dụng, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, sửa chữa kỹ thuật hàng không, giảm đáng kể kinh phí nhập khẩu thiết bị công nghệ và vật tư kỹ thuật, tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng ngân sách. Năm 2021, Nhà máy tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở Đề tài khoa học về sản xuất vật tư kỹ thuật cấp Bộ Quốc phòng để phục vụ công tác sửa chữa máy bay Su-27; bảo vệ thành công trước Hội đồng khoa học, công nghệ Quân chủng Đề tài nghiên cứu, cải tiến khối thiết bị oxy БКО-2M, БКО-3.B2 và khung chứa bộ dự trữ cứu nạn НAЗ trên ghế phóng máy bay Su-22 để sử dụng cho ghế phóng máy bay Su-30MK2; xét công nhận 43 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cấp Nhà máy.
Với tinh thần say mê nghiên cứu, vừa học, vừa làm, Nhà máy tích cực sưu tầm, biên dịch, biên soạn, đảm bảo nhu cầu tài liệu quy trình, công nghệ phục vụ công tác. Công tác quản lý hồ sơ công nghệ, hồ sơ sửa chữa, phiếu công nghệ sửa chữa các loại máy bay được chú trọng; mỗi công đoạn ở các phân xưởng đều được ghi chép cẩn thận, chi tiết, bảo đảm tuân thủ quy trình hết sức nghiêm ngặt. Đến nay, Nhà máy biên soạn 22 bộ Quy trình công nghệ sửa chữa vừa, lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng các loại máy bay MiG-21, Su-22M/UM, Su-22M3/UM3K, Su-27SK/UBK với gần 25 nghìn trang; biên soạn hơn 130 giáo trình, giáo án phục vụ công tác huấn luyện chuyển loại máy bay Su-27, Su-30.
Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để bảo đảm cho hoạt động sản xuất, sửa chữa đúng kế hoạch, Nhà máy đã có nhiều biện pháp để thực hiện “mục tiêu kép”: xác định chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm song không để gián đoạn việc sản xuất, sửa chữa; bảo vệ sức khỏe của cán bộ, công nhân viên. Ngoài việc đầu tư mua sắm vật tư, như: khẩu trang y tế, thuốc cấp cứu, cloraminB, cồn sát khuẩn; thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, Nhà máy còn chú trọng các biện pháp sử dụng lực lượng lao động hợp lý, tổ chức làm việc khoa học; duy trì thường xuyên 50% quân số thực hiện “3 tại chỗ” ở cơ quan, phân xưởng để làm việc, bảo đảm nơi ăn, ở, sinh hoạt và làm việc cách ly hoàn toàn với bên ngoài. Đối với lực lượng cơ động thực hiện nhiệm vụ sửa chữa tại các đơn vị, Nhà máy bảo đảm các phương án di chuyển an toàn tuyệt đối. Để kịp tiến độ, kế hoạch, các phân xưởng chủ động các phương án tăng ca, phát động khí thế thi đua mỗi người làm việc bằng hai, đảm nhiệm nhiều công việc để bù vào những phần việc của quân số nghỉ. Nhờ đó, Nhà máy đã hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch năm 2021. Nổi bật là: kiểm tra, kiểm soát, công nhận chất lượng sửa chữa, bay thử và bàn giao cho đơn vị 03 máy bay Su-22M4, 01 máy bay Su-27UBK; tháo dỡ, xếp bộ và tiến hành sửa chữa 01 máy bay Su-30MK2; kiểm tra tăng hạn sử dụng, sửa chữa nâng cao độ tin cậy các hệ thống điều khiển máy bay và động cơ, hệ thống cất hạ cánh, hệ thống nhiên liệu, thùng chứa nhiên liệu của 04 máy bay Su-22M4; kiểm tra trọng điểm và bài trừ hỏng hóc kết cấu 42 máy bay Su-27SK/UBK, Su-30MK2; sửa chữa xong và nghiệm thu 12 xe máy đặc chủng, v.v.
Phát huy kinh nghiệm và kết quả đạt được, thời gian tới, Nhà máy A32 tiếp tục đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực; khắc phục triệt để khâu yếu, mặt yếu, tạo động lực nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác, góp phần hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Đại tá PHẠM NGỌC BÔN, Chính ủy Nhà máy
Nhà máy A32,Thi đua Quyết thắng
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm