Thứ Sáu, 22/11/2024, 15:16 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Tháng 7/1950, theo sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ra đời trên cơ sở hợp nhất Nhà xuất bản Vệ quốc quân (thuộc Chính trị Cục) và Nhà xuất bản Quân du kích (thuộc Cục Dân quân). Đây là cơ quan xuất bản tổng hợp chuyên ngành về quân sự của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, do Tổng cục Chính trị trực tiếp quản lý, chỉ đạo và là trung tâm xuất bản của toàn quân trong hệ thống xuất bản của Đảng và Nhà nước, hoạt động theo Luật Xuất bản.
Những ngày đầu thành lập, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất, song cán bộ, nhân viên Nhà xuất bản luôn đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Hàng trăm đầu sách, chủ yếu là các tác phẩm, tài liệu quan trọng về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa,… phục vụ sự nghiệp xây dựng lực lượng vũ trang, động viên quân và dân cả nước vừa tham gia kháng chiến, vừa kiến quốc đã được xuất bản trong giai đoạn này. Đó là những tài liệu, sản phẩm quý, không chỉ được cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đón đọc, mà còn được đông đảo nhân dân cả nước quan tâm, vận dụng hiệu quả vào công cuộc đấu tranh cách mạng, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nhà xuất bản đã tăng cường xuất bản những tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin về chiến tranh - quân đội và những tác phẩm lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng các đồng chí: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh,… góp phần quán triệt, hướng dẫn hành động cho quân và dân cả nước thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối, nhiệm vụ chính trị, quân sự của Đảng. Đồng thời, phổ biến rộng rãi kiến thức quân sự phổ thông, kinh nghiệm chiến đấu, giáo dục nhiệm vụ cách mạng, vạch trần âm mưu, thủ đoạn, tội ác của Mỹ, ngụy ở miền Nam,... tạo nên sức mạnh tổng hợp để đánh cho “Mỹ cút, ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thời kỳ cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nhà xuất bản tiếp tục cho ra đời nhiều loại sách, tài liệu, đa dạng nội dung, nhất là trên trận địa văn hóa, tư tưởng nhằm đấu tranh vạch mặt kẻ thù, quán triệt đường lối, nhiệm vụ chính trị, quân sự của Đảng và trang bị những tri thức cần thiết cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị và nhân dân trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc thời kỳ mới.
Trong suốt quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành, Nhà xuất bản đã cho ra đời hàng vạn đầu sách, với nhiều thể loại phong phú, nội dung tốt, hình thức ngày càng đẹp, hấp dẫn, góp phần khẳng định tính cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, đóng góp tích cực giữ vững định hướng chính trị; bảo vệ, nâng cao uy tín của Đảng, Quân đội và công tác tư tưởng; tham gia tích cực vào việc đổi mới trong ngành xuất bản, báo chí, cùng với toàn Đảng, toàn dân làm nên những thắng lợi vang dội trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Những đóng góp to lớn đó đã tạo nên giá trị cốt lõi của của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân: “Bản lĩnh - Trách nhiệm; Phục vụ - Cầu thị; Chủ động - Nhạy bén; Kỷ luật - Sáng tạo; Đoàn kết - Hợp tác”, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng, của Quân đội trong tình hình mới.
Thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, hoạt động xuất bản chung trong cả nước chịu sự tác động của các yếu tố vĩ mô, như: kinh tế, văn hóa - xã hội, chính sách, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, phải đối mặt với những khó khăn, nhất là trong điều kiện internet và các loại hình truyền thông khác phát triển mạnh mẽ, lấn át loại hình xuất bản sách,... đòi hỏi hoạt động xuất bản phải có sự đổi mới. Để công tác biên tập, xuất bản, nhất là trong lĩnh vực quân sự thực sự phát triển bền vững, chất lượng đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà xuất bản tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các mặt công tác với một số nội dung trọng tâm:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác xuất bản quân sự. Đây là vấn đề quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản nói chung, đối với Nhà xuất bản Quân đội nhân dân nói riêng. Vì thế, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà xuất bản tiếp tục đẩy mạnh công tác quán triệt, giáo dục cho đội ngũ cán bộ, nhân viên nắm chắc các văn bản, nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, Quân đội về công tác xuất bản, phát hành. Đồng thời, chỉ đạo các bộ phận, trong mọi hoạt động phải hướng vào thực hiện đúng Luật Xuất bản năm 2012; Thông báo số 19-TB/TW, ngày 29/12/2016 của Ban Bí thư (khóa XII) về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư (khóa IX) về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản; Thông tư số 98/2014/TT-BQP, ngày 22/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về Ban hành Quy chế xuất bản trong Quân đội nhân dân Việt Nam, v.v. Trên cơ sở đó, từng đơn vị, bộ phận và mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức Nhà xuất bản nêu cao tinh thần quyết tâm, trách nhiệm đối với nhiệm vụ biên tập, xuất bản sách, bảo đảm giữ vững tôn chỉ, mục đích, định hướng chính trị, không để sai sót về nội dung, quan điểm, phục vụ kịp thời các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, Quân đội và các cơ quan, đơn vị.
Hai là, tập trung nâng cao chất lượng cả về nội dung và hình thức các xuất bản phẩm. Hằng năm, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của Quân đội, của Tổng cục Chính trị, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà xuất bản xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch xuất bản, bảo đảm sát định hướng, sự chỉ đạo của trên. Tập trung xuất bản những bộ sách trọng điểm, phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, Quân đội và các cơ quan, đơn vị. Trong đó, tập trung đẩy mạnh hai khâu cơ bản là nâng cao năng lực tổ chức bản thảo, biên tập, đọc duyệt, chế bản và phát hành, tuyên truyền, quảng bá (chú trọng các bộ sách lớn, có giá trị cao, tạo dấu ấn). Để đạt hiệu quả, Ban Giám đốc giao chỉ tiêu cụ thể cho các phòng biên tập và từng biên tập viên; coi trọng việc phát huy vai trò trách nhiệm của từng cá nhân kết hợp với chế độ chính sách thù lao trong công tác biên tập, xuất bản, phù hợp. Quá trình thực hiện, phải bảo đảm giữ đúng tôn chỉ, mục đích, không có sai sót về nội dung; thực hiện tốt phương châm “cách mạng, chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại” trong công tác xuất bản; đồng thời, giữ vững định hướng tư tưởng, tích cực tham gia đấu tranh có hiệu quả trên mặt trận chính trị, tư tưởng văn hóa, phòng chống “diễn biến hòa bình”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch.
Ba là, tích cực đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ biên tập viên bảo đảm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của hoạt động xuất bản. Đây là nhân tố có ý nghĩa quyết định đảm bảo chất lượng, hiệu quả biên tập xuất bản. Thực trạng chung hiện nay là các cơ quan nghiên cứu có sự chuyển giao thế hệ cán bộ biên soạn, Nhà xuất bản cũng có sự thay đổi thế hệ biên tập viên và cán bộ quản lý. Điều đó đặt ra yêu cầu phải chú trọng công tác bồi dưỡng kinh nghiệm, cập nhật kiến thức rất cụ thể, như: yêu cầu hàng đầu là phải xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ biên tập viên, cán bộ quản lý có lập trường quan điểm vững vàng, hiểu biết sâu sắc về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tình hình nhiệm vụ của Quân đội, công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội; tinh thông về nghiệp vụ biên tập xuất bản; có đạo đức nghề nghiệp trong sáng (thực hiện tốt 10 tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp). Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo tại chỗ, thông qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ biên tập - xuất bản, tin học và ngoại ngữ; tăng cường tập huấn nâng cao tính chuyên nghiệp, kỹ năng tổ chức bản thảo, biên tập, kỹ năng giới thiệu và tuyên truyền sách. Trong đó, chú trọng đội ngũ biên tập viên trẻ và mới về công tác; kịp thời động viên về vật chất - tinh thần, cải thiện đời sống của cán bộ, nhân viên, người lao động; huy động tối đa sự nỗ lực của mọi thành viên trong cơ quan nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Hằng năm, chủ động tổ chức gặp mặt cộng tác viên; giao lưu, giới thiệu sách nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 bảo đảm ý nghĩa, thiết thực. Tiếp tục tổ chức chặt chẽ, chu đáo, an toàn, hiệu quả Trại sáng tác văn học về đề tài Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng; chủ động phối hợp tham gia các triển lãm, hội sách. Cùng với đó, tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ; chú trọng cử cán bộ đi đào tạo tại các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội, nhằm chuẩn hóa đội ngũ biên tập viên.
Bốn là, chủ động thích ứng với xu thế của xuất bản điện tử trong tương lai. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển như hiện nay, xu hướng số hóa và các ích lợi của phương thức xuất bản điện tử là rõ ràng và không thể đảo ngược. Các sản phẩm của xuất bản điện tử hiện tại đã không chỉ giới hạn ở ebook, audio books, mà đã mở rộng nội hàm, bao gồm elearning, video,... thậm chí kết hợp tất cả dạng thức trong một xuất bản phẩm: sách in có tích hợp video (quét QR code để xem) và audio (bút chấm đọc). Thị trường thế giới cũng như ở Việt Nam đã có một số hình thức phát hành sách điện tử phổ biến, như: bán lẻ, bán buôn theo gói, cho thuê đọc sách điện tử,… với nhiều ưu việt không thể phủ nhận. Vì thế, theo dự báo, trong một tương lai không xa, sách điện tử tuy không thể thay thế hoàn toàn sách giấy, nhưng xu hướng sẽ chiếm ưu thế vượt trội. Từ thực tế trên, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà xuất bản đã đề ra chủ trương, xây dựng kế hoạch, xác định hướng đi cụ thể cho xuất bản điện tử và chuyển đổi số. Trước mắt, thực hiện số hóa tất cả các xuất bản phẩm của Nhà xuất bản để lưu trữ những thành quả mà các thế hệ cán bộ, biên tập viên đã dày công xây đắp trong gần 75 năm qua và khai thác, phát huy hệ thống xuất bản điện tử hiện có (với 2 đường truyền qua Internet và mạng quân sự). Bên cạnh đó, tích cực ứng dụng những lợi ích của xuất bản điện tử phối hợp với các cơ quan chức năng, Thư viện Quân đội, các công ty, nhà sách trên toàn quốc để tăng cường quảng bá, tuyên truyền hình ảnh của Nhà xuất bản, giới thiệu nhiều hơn những tác phẩm văn học đã từng gắn với tên tuổi, thương hiệu Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cho bạn đọc trong và ngoài nước. Qua đó, kịp thời đáp ứng nhu cầu của độc giả, lôi cuốn nhiều tác giả mới, tác giả trẻ, tác giả có triển vọng hơn, góp phần ngày càng nâng cao chất lượng, giữ vững vị thế là nhà xuất bản hàng đầu về lĩnh vực xuất bản quân sự.
Đại tá, Nhà văn PHẠM VĂN TRƯỜNG, Giám đốc - Tổng Biên tập
Nhà xuất bản Quân đội nhân dân,công tác xuất bản quân sự,xuất bản phẩm,xuất bản điện tử,đội ngũ biên tập viên
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm