Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 17/01/2019, 10:27 (GMT+7)
Nhà máy Z189 phát huy truyền thống, vững bước phát triển

Nhà máy Z189 (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 189) là doanh nghiệp quốc phòng - an ninh, thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, có nhiệm vụ: đóng mới, sửa chữa các phương tiện thủy phục vụ nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và tham gia sản xuất kinh tế.

Trước yêu cầu nhiệm vụ được giao, những năm gần đây, bên cạnh các điều kiện thuận lợi, Nhà máy đứng trước không ít khó khăn, thách thức, như: ngành công nghiệp đóng tàu trong nước và thế giới rơi vào suy thoái; sự biến động của tỷ giá ngoại tệ và giá cả đầu vào nguyên vật liệu làm ảnh hưởng tới tình hình sản xuất của Nhà máy; nhiệm vụ sản xuất quốc phòng chưa có kế hoạch trung và dài hạn, ngân sách nhà nước bố trí cho đóng tàu quân sự còn hạn hẹp, nên tỷ trọng hàng quốc phòng của Nhà máy thấp, v.v. Nhận rõ điều đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy đã có nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp, tập trung đổi mới, đầu tư công nghệ, nhạy bén trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường, phát huy sản phẩm thế mạnh, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh để đáp ứng yêu cầu phát triển. Nhờ vậy, Nhà máy không những vượt qua khó khăn, thách thức, mà còn vững bước phát triển khá toàn diện; giữ được tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài so với mặt bằng chung của các cơ sở đóng tàu trong nước, trở thành một trong những đơn vị đóng tàu hàng đầu của Việt Nam, khẳng định uy tín, thương hiệu vững chắc ở trong nước và quốc tế. Nhà máy đã thực sự là “điểm sáng” trong ngành đóng tàu quân sự, bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định ở mức khá cao cho người lao động; đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng. Nhiều sản phẩm của Nhà máy đạt giải thưởng Sao vàng đất Việt, giải thưởng VIFOTES, Cúp vàng, Huy chương Vàng tại các hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế, v.v. Đảng bộ Nhà máy nhiều năm liên tục đạt trong sạch, vững mạnh, Nhà máy vững mạnh toàn diện. Với thành tích đạt được trong 30 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Nhà máy được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đại tá Vũ Đình Ninh trao thưởng cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào Thi đua Quyết thắng giai đoạn 2012 - 2017

Có được thành tích trên, trước hết, Đảng ủy Nhà máy thường xuyên coi trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Đây là nhân tố quan trọng hàng đầu, bảo đảm cho Nhà máy phát triển đúng định hướng trong cơ chế thị trường. Theo đó, Nhà máy đã tập trung kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng phù hợp với loại hình doanh nghiệp và đặt mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, toàn diện, thống nhất của Đảng ủy, Ban Giám đốc, cấp ủy, chỉ huy các xí nghiệp, phân xưởng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho mọi cán bộ, nhân viên, người lao động nhận thức đúng, đồng thuận, nhất trí cao về chủ trương sắp xếp, chuyển đổi mô hình hoạt động của Nhà máy. Quán triệt chỉ thị, nghị quyết của trên, trực tiếp là Nghị quyết 520-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020”; Nghị quyết 425-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương “Về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”,... Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn cơ cấu tổ chức, chuyển đổi cơ chế quản lý; xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh; thực hiện các dự án đầu tư nâng cao năng lực sản xuất; nghiên cứu mở rộng, phát triển thị trường; xây dựng thương hiệu sản phẩm, phù hợp, hiệu quả, v.v. Với nhận thức: sản xuất quốc phòng là nhiệm vụ chính trị trung tâm, sản xuất kinh tế là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết và phát huy truyền thống “làm giàu, đánh thắng” (Nhà máy Z189 tiền thân thuộc Quân khu 3), Nhà máy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ưu tiên các nguồn lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất quốc phòng. Đồng thời, tận dụng tối đa công năng dôi dư, trình độ công nghệ, trang thiết bị để đẩy mạnh sản xuất hàng kinh tế, ưu tiên trọng tâm hàng đầu là nâng cao chất lượng sản phẩm, triệt để tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm mang tính đặc trưng, ưu thế về công nghệ đóng tàu bằng hợp kim nhôm. Những điều đó đã tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường (đến nay, chưa cơ sở nào có thể cạnh tranh được với Nhà máy về công nghệ đóng tàu vỏ nhôm). Hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhà máy luôn đảm bảo đúng pháp luật Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng; chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, kinh tế được nâng lên rõ rệt1.

Tài sản quý nhất của doanh nghiệp là con người, nhất là trong xu thế hội nhập, phát triển kinh tế tri thức hiện nay, sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào chất lượng nguồn nhân lực. Nhận thức về điều đó, Đảng ủy Nhà máy đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Để đạt hiệu quả, Nhà máy đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại lực lượng lao động phù hợp với mô hình hoạt động; xây dựng quy chế đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật với những chính sách cụ thể để khuyến khích mọi người tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề. Ngoài ra, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy còn chú trọng công tác tuyển dụng đầu vào, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là sinh viên các trường đại học trên cả nước theo các chuyên ngành mà đơn vị đang cần và còn thiếu; thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ2, nâng cao tay nghề, như: bồi dưỡng kiến thức ngắn ngày, mời các chuyên gia về công tác quản lý, kỹ thuật đào tạo cho đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động hội thi, hội thao, gắn với phong trào thi đua “Luyện tay nghề - Thi thợ giỏi” ở tất cả các ngành, nghề. Đến nay, hầu hết cán bộ, kỹ sư, công nhân của Nhà máy được đào tạo cơ bản ở các trường có uy tín, chất lượng trong và ngoài Quân đội, một số được đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài; trong đó, có 01 tiến sĩ, 25 thạc sĩ, 198 kỹ sư và cử nhân các chuyên ngành, trên 150 đồng chí có trình độ cao đẳng, trung cấp, thợ bậc cao 4/7 chiếm trên 30%. Nguồn nhân lực của Nhà máy được đánh giá có phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề vững vàng nhất trong Tổng cục Công nghiệp quốc phòng; đã và đang phát huy tốt vai trò, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Nhà máy.

Tàu Trường Sa (HQ-571) là tàu vận tải lớp K122 do Nhà máy đóng mới

Để nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm, Nhà máy tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang, thiết bị; đẩy mạnh phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Phát huy tính chủ động, sáng tạo của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, Nhà máy tích cực huy động các nguồn lực, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất đồng bộ và hiện đại, ngang tầm khu vực, như: công nghệ nâng hạ tàu bằng hệ thống sàn nâng Rollroyce của Mỹ, có sức nâng 3.000 tấn; cầu cảng dài 270m cho tàu có tải trọng đến 10.000 tấn; công nghệ dịch chuyển tàu bằng hệ thống xe và đường chuyền đồng bộ từ xưởng đóng tàu ra sàn nâng; công nghệ đóng lắp vỏ tàu và gia công tổng đoạn trong nhà xưởng có mái che; triển khai phóng dạng, thiết kế thi công đóng tàu bằng phần mềm Shipcontructor; gia công chi tiết cơ khí có độ chính xác cao, bằng máy phay vạn năng CNC, v.v. Hiện nay, Nhà máy đã có đủ năng lực đóng mới các tàu quân sự có trọng lượng tới 2.500 tấn, tàu vận tải có trọng tải 5.000 DWT; các loại tàu, xuồng tuần tra cao tốc với tốc độ tới 40 hải lý/giờ. Cùng với đó, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được cán bộ, nhân viên tích cực hưởng ứng. Từ năm 2013 đến nay, Nhà máy có 01 đề tài cấp Bộ, 02 đề tài cấp Tổng cục, 03 đề tài cấp cơ sở và 251 sáng kiến, giải pháp hợp lý hóa được áp dụng vào sản xuất, làm lợi cho Nhà máy trên 50 tỷ đồng. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có ý nghĩa thực tiễn được áp dụng vào quá trình quản lý, sản xuất đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao hàm lượng công nghệ của các sản phẩm quốc phòng, kinh tế, như: Đề tài “Nghiên cứu, tính toán, ứng dụng tự động hóa trong triển khai thi công tàu Quân y K123” cho Quân chủng Hải quân - đạt giải Nhất giải thưởng VIFOTEC; Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy hút bùn khu vực sàn nâng Nhà máy” - đạt giải Nhất giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội, v.v.

Nhằm đáp ứng xu hướng phát triển chung của các doanh nghiệp khi tham gia kinh tế thị trường, Nhà máy tích cực đa dạng hóa các sản phẩm, tăng cường tiếp thị mở rộng thị trường và nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong quản lý doanh nghiệp. Trong thực hiện, Nhà máy tập trung nguồn lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu, đóng mới thành công nhiều loại tàu quân sự hiện đại, có yêu cầu kỹ thuật cao, phức tạp, trang bị vũ khí, khí tài hiện đại, hoạt động dài ngày trên biển, lần đầu tiên được đóng mới tại Việt Nam. Nhà máy chủ động nghiên cứu, phát triển thị trường, hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với các đối tác, khách hàng truyền thống; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tập trung phát triển, khai thác công nghệ và các dòng sản phẩm là thế mạnh của Nhà máy, đặc biệt là công nghệ nhôm và các sản phẩm bằng vật liệu hợp kim nhôm; chú trọng phát triển các sản phẩm gia công cơ khí chính xác cao; các gam tàu khách, du thuyền cao cấp, xây dựng được các dòng sản phẩm chiến lược, có ưu thế vượt trội. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác, đóng mới xuất khẩu được hàng chục loạt tàu có giá trị kinh tế cao sang thị trường châu Âu, châu Úc, châu Mỹ,… trong đó, có những loại tàu chuyên dụng hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật và tiến độ thi công.

Trong bối cảnh thị trường mở và tính cạnh tranh cao, Nhà máy đã áp dụng nhiều phương pháp quản lý tiên tiến, hiện đại để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, giảm chi phí quản lý, như: áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 (Nhà máy là đơn vị đầu tiên trong Quân đội được cấp giấy chứng nhận TCVN ISO 9001:2015); tiêu chuẩn đánh giá rủi ro JH143 của Liên hiệp Ủy ban chung quốc tế về đóng tàu (Nhà máy được xếp hạng B trong thang điểm từ A-E của tiêu chuẩn); hệ thống phần mềm chuyên dụng quản lý vật tư, tài chính; hệ thống máy chấm công vân tay tự động, v.v. Cùng với đó, Nhà máy không ngừng chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân viên và người lao động, tạo được niềm tin và sự an tâm, gắn bó xây dựng Đơn vị.

Với tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và ý chí vươn lên, thời gian tới, Nhà máy Z189 tiếp tục phấn đấu, vững bước phát triển, khẳng định thương hiệu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành Công nghiệp quốc phòng và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, tô thắm thêm truyền thống “Đoàn kết vượt khó, năng động, sáng tạo” của Nhà máy Anh hùng.

Đại tá VŨ ĐÌNH NINH, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Nhà máy

___________

1 - Thu nhập và đời sống người lao động thường xuyên được cải thiện, nâng cao; mức tăng trưởng hằng năm trung bình đạt 7%; từ năm 2013 đến 2017 doanh thu tăng 1,4 lần, nộp ngân sách tăng 1,3 lần; lợi nhuận tăng 1,3 lần, thu nhập bình quân tăng gấp 2 lần. Năm 2018, ước tổng doanh thu đạt hơn 1.095 tỷ đồng, tăng 100,91% so với năm 2017; nộp ngân sách 79 tỷ đồng; giá trị tăng thêm 170 tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế 40 tỷ đồng; thu nhập bình quân 12,25 triệu đồng/người/tháng.

2 - Trong 5 năm (2013 - 2017), Nhà máy đã tổ chức được trên 50 lớp bồi dưỡng, đào tạo tại chỗ cho gần 2.000 lượt người.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.