Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 19/04/2013, 18:35 (GMT+7)
Nhà máy Z153 tích cực đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất

Nhà máy Z153 (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 153 - Chiến Thắng) là doanh nghiệp quốc phòng - an ninh trực thuộc Tổng cục Kỹ thuật (TCKT) được thành lập ngày 20-4-1968. Nhà máy có nhiệm vụ sửa chữa lớn xe tăng, thiết giáp (TTG); sửa chữa, sản xuất vật tư kỹ thuật (VTKT) bảo đảm cho ngành TTG toàn quân; cơ động sửa chữa TTG tại các đơn vị theo yêu cầu, nhiệm vụ cấp trên giao và tham gia sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ kỹ thuật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Trải qua 45 năm xây dựng, phục vụ chiến đấu và chiến đấu, với nỗ lực phấn đấu bền bỉ của các thế hệ cán bộ, nhân viên (CB,NV), Nhà máy đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt gần đây, Nhà máy có bước phát triển nhanh, vững chắc; phát huy tốt vai trò tự chủ về tài chính; chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, kinh tế được nâng lên rõ nét1; bước đầu tạo lập và khẳng định được vị thế, thương hiệu trên thị trường, nhất là ở các lĩnh vực thế mạnh, như: sửa chữa động cơ điêzen; gia công các sản phẩm cơ khí có độ chính xác cao; sản xuất phụ tùng xe, máy công trình cho các ngành: xi măng, dầu khí, giao thông, v.v.. 

Với những thành tích đạt được, Nhà máy vinh dự được Nhà nước tặng thưởng 02 Huân chương Quân công hạng Nhì, 08 Huân chương Chiến công (03 hạng Nhất, 02 hạng Nhì, 03 hạng Ba), 01 Huân chương Lao động hạng Ba… và được Bộ Quốc phòng, TCKT, Tổng cục Hậu cần, Binh chủng TTG tặng nhiều phần thưởng cao quý khác.

 

Thượng tướng Trương Quang Khánh, Thứ trưởng BQP thăm và kiểm tra hoạt động của Nhà máy

Những năm gần đây, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, CNH,HĐH đất nước và xây dựng Quân đội trong thời kỳ mới, nhiệm vụ của Nhà máy có sự phát triển và yêu cầu đặt ra cao hơn. Trong khi đó, do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát, lãi suất ngân hàng và giá các loại vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất tăng cao; nguồn vốn lưu động của Nhà máy hạn chế; lao động trực tiếp có bậc thợ cao biến động mạnh; nguồn xe, máy vào xưởng hầu hết hư hỏng nặng, mất đồng bộ và qua sửa chữa nhiều lần, vật tư, phụ tùng bảo đảm thay thế khan hiếm; việc tạo nguồn hàng kinh tế gặp nhiều khó khăn… ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của Nhà máy, cũng như việc làm, thu nhập của người lao động. Không chỉ vậy, đây cũng là giai đoạn Nhà máy thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động, nhiều vấn đề mới, thách thức đặt ra cần giải quyết.

Trước bối cảnh đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất của Nhà máy; coi đây là mục tiêu xuyên suốt, nhân tố quyết định sự phát triển của Nhà máy cả trước mắt và lâu dài. Thực hiện mục tiêu trên, Nhà máy đã triển khai đồng bộ nhiều chủ trương, biện pháp đổi mới công tác quản lý, điều hành sản xuất, đầu tư, kỹ thuật, công nghệ và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn thể CB,NV, người lao động trong thực hiện nhiệm vụ.

Trước hết, Nhà máy tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, xác định đây là yếu tố then chốt, quyết định chất lượng, hiệu quả sản xuất, nhất là khi công nghệ, trang bị, thiết bị của Nhà máy ngày càng hiện đại. Thực hiện điều đó, Nhà máy đã đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại lực lượng lao động theo hướng “tinh, gọn, hiệu quả”, phù hợp với mô hình hoạt động; chủ động rà soát, lập quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đảm bảo nguồn nhân lực có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuẩn hóa về trình độ, tay nghề theo từng vị trí công tác; trong đó, chú trọng đào tạo lại để cân đối lực lượng sản xuất, xây dựng đội ngũ kỹ sư, thợ kỹ thuật trẻ, lành nghề làm nòng cốt ở các lĩnh vực chuyên môn. Những năm qua, Nhà máy đã thực hiện đa dạng các hình thức tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện, bồi dưỡng tại chỗ với cử CB,NV đi đào tạo chuyên sâu. Với phương châm “thiết thực, hiệu quả”, Nhà máy coi trọng huấn luyện, kèm cặp, bồi dưỡng qua thực tiễn sản xuất, qua tiếp nhận chuyển giao công nghệ; đồng thời, khuyến khích người lao động tự học, tự bồi dưỡng cho nhau để nâng cao trình độ, tay nghề, vươn lên làm chủ công nghệ, kỹ thuật mới. Mặt khác, Nhà máy thường xuyên quan hệ chặt chẽ với các cơ sở đào tạo để tạo nguồn nhân lực và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách nhằm tuyển dụng nhân lực có chất lượng cao vào làm việc, cũng như bảo đảm tốt đời sống cho CB,NV, người lao động, tạo điều kiện để họ yên tâm sản xuất, gắn bó với Nhà máy.
 

Đại hội Đại biểu quân nhân - công nhân viên chức năm 2013

Cùng với xây dựng nguồn nhân lực, Nhà máy đẩy mạnh đầu tư, đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang bị, thiết bị, tạo nền tảng kỹ thuật, công nghệ đáp ứng yêu cầu sản xuất. Quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 382-NQ/ĐUQSTƯ của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và Nghị quyết số 35-NQ/ĐU-KT của Đảng ủy TCKT về nâng cao chất lượng sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) và sản xuất VTKT, Nhà máy đã tích cực huy động các nguồn lực, triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa trang bị, phương tiện, đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại; đột phá vào công nghệ sửa chữa, chế tạo các sản phẩm có yêu cầu kỹ thuật cao, mở rộng công nghệ phục hồi, nhất là phục hồi VTKT theo xe mà trong nước không có khả năng sản xuất. Thời gian qua, Nhà máy đã thực hiện tốt các dự án: đầu tư cải tạo mặt bằng; đầu tư chiều sâu giai đoạn 1 về công nghệ sửa chữa lớn xe BMP-1, giai đoạn 2 về công nghệ sản xuất VTKT; tiến hành cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa các dây chuyền công nghệ sửa chữa và sản xuất VTKT hiện có…; đồng thời, mua sắm bổ sung nhiều thiết bị chuyên dùng công nghệ cao phục vụ cho việc sửa chữa, thiết kế, chế tạo, kiểm tra chất lượng sản phẩm. Vì thế, năng lực kỹ thuật, công nghệ của Nhà máy được nâng lên rõ rệt. Một số kỹ thuật, công nghệ trước đây Nhà máy chưa làm được, đến nay đã được triển khai thuần thục, đạt chất lượng cao. Hiện nay, Nhà máy đang tiếp tục triển khai Dự án đổi mới công nghệ sửa chữa, hiện đại hóa xe TTG giai đoạn 2013 - 2015, nhằm thực hiện tốt hơn nữa vấn đề này.

Xe tăng T54B trước và sau khi cải tiến, hiện đại hóa tại Nhà máy

Trước yêu cầu cao trong sửa chữa, sản xuất, Nhà máy chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; chủ động thiết kế và sản xuất các loại trang bị, VTKT. Trong đó, tập trung mũi nhọn vào nghiên cứu, cải tiến, phục hồi các cụm cơ khí, cụm máy chuyên ngành TTG, sản xuất VTKT, phụ tùng đồng bộ chuyên dùng, quý hiếm, phục vụ sửa chữa tại Nhà máy và các đơn vị trong toàn quân. Do làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, động viên, khen thưởng kịp thời, nên đã thu hút được đông đảo CB,NV tham gia. Nhiều đề tài, sáng kiến có giá trị cao, áp dụng thành công trong sửa chữa, sản xuất VTKT, góp phần thiết thực giải quyết khó khăn, nâng cao năng suất lao động, được TCKT và các đơn vị, bạn hàng đánh giá cao. Từ năm 2006 đến nay, đã có gần 1.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trên 100 đề tài do CB,NV của Nhà máy nghiên cứu được ứng dụng trực tiếp vào sản xuất. Nổi bật là các đề tài: bán dẫn hóa đài thông tin P123; chế tạo trục xoắn xe T54, T55 từ phôi đúc điện xỉ; chế tạo giảm chấn thủy lực, gối đỡ trục cân bằng xe T54, T55; phần mềm quản lý trang bị, thiết bị và đo tiêu hao dầu nhờn động cơ V2, V6. Nhà máy cũng phát huy hiệu quả của đầu tư chiều sâu, ứng dụng công nghệ mới để chế tạo, sản xuất thành công nhiều sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, phục vụ có hiệu quả việc sửa chữa xe TTG và khí tài tên lửa đặc chủng. Các sản phẩm tiêu biểu, như: mắt xích xe T54, BMP-1; trục xoắn các loại xe TTG; vỏ hộp số xe T54B; két mát xe T54, T55, K63; pít-tông động cơ V2, V6, UTĐ-20; công tắc hành trình xe BMP-1; tấm thiết giáp trên động cơ; đèn pha, van điều chỉnh áp suất xe BTR 152... Nhờ đó, Nhà máy đã từng bước khắc phục tình trạng khan hiếm phụ tùng, VTKT thay thế, hạn chế phải nhập khẩu và mua ngoài thị trường, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ.

Cùng với các biện pháp trên, Nhà máy đã chú trọng đổi mới công tác kế hoạch, quản lý, điều hành sản xuất; đặc biệt là quản lý chất lượng sản phẩm. Hằng năm, Nhà máy luôn chủ động xây dựng kế hoạch tạo nguồn xe, máy vào sửa chữa; trong đó, chú trọng kết hợp cân đối nguồn hàng cấp trên giao với tạo nguồn hàng kinh tế, quốc phòng ngoài chỉ tiêu để bảo đảm đủ việc làm ở các ngành nghề, bộ phận; đồng thời, xây dựng đồng bộ các kế hoạch bảo đảm tài chính, vật tư… phục vụ tốt nhất cho sản xuất. Công tác điều hành sản xuất của Nhà máy được đổi mới, thực hiện theo đúng quy trình công nghệ, tiến độ đề ra, chặt chẽ từ khâu tạo nguồn đến sản xuất, sửa chữa, tiêu thụ và thanh toán. Đặc biệt, Nhà máy đã triển khai thành công việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm, cải cách hành chính, nâng cao một bước hiệu quả các công tác này.

Quản lý chất lượng sản phẩm là một nhiệm vụ quan trọng, trực tiếp quyết định nâng cao chất lượng sửa chữa, sản xuất và sự sống còn của Nhà máy. Bởi vậy, Nhà máy luôn duy trì nghiêm kỷ luật công nghệ; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng sản phẩm trên tất cả các công đoạn sửa chữa, sản xuất; thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra kỹ thuật và nghiệm thu theo quy định. Để làm tốt vấn đề này, bên cạnh đẩy mạnh kiện toàn tổ chức, tăng cường đầu tư trang bị đo, kiểm hiện đại cho lực lượng KCS, Nhà máy đã xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo bộ tiêu chuẩn ISO 9001-2008; xây dựng, hoàn thiện 132 bộ tiêu chuẩn TCQS cùng hàng trăm bộ định mức kinh tế - kỹ thuật, phiếu công nghệ, phục vụ cho sửa chữa, nghiệm thu sản phẩm. Do đó, chất lượng các mặt hàng thương phẩm quốc phòng, kinh tế của Nhà máy luôn bảo đảm theo tiêu chuẩn TCVN/QS và TCQS, mỹ thuật công nghiệp được nâng cao; tỉ lệ sản phẩm hồi tu, phản tu sau sửa chữa và hàng sản xuất không đạt chất lượng phải xử lý luôn ở dưới mức cho phép.
 

Chăm lo cho thế hệ tương lai

Là một doanh nghiệp quân đội, Nhà máy luôn quan tâm xây dựng vững mạnh toàn diện (VMTD), xác định đây là một yếu tố để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhà máy đã quán triệt và thực hiện Chỉ thị 917/CT-BQP của Bộ Quốc phòng, Chỉ thị 50/CT-TCKT của TCKT về xây dựng đơn vị VMTD bằng các biện pháp phù hợp với đặc thù của một đơn vị sản xuất. Cùng với thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục pháp luật cho các đối tượng theo quy định, Nhà máy đã đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TCKT của TCKT về tăng cường quản lý tư tưởng, quản lý kỷ luật và bảo đảm an toàn; tích cực xây dựng nền nếp chính quy, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn minh công nghiệp; đồng thời, duy trì nghiêm các chế độ sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống cháy nổ; đẩy mạnh xây dựng các phòng, ban, phân xưởng và Nhà máy an toàn tuyệt đối… Nhà máy đã triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; tập trung kiện toàn các cấp ủy, tổ chức đảng phù hợp với tổ chức của Nhà máy theo mô hình mới; gắn xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng Nhà máy VMTD, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng trong sản xuất, kinh doanh. Mọi hoạt động của Nhà máy đều tuân thủ pháp luật và chấp hành nghiêm quy định của Bộ Quốc phòng, TCKT.  Mặt khác, Nhà máy đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; chăm lo xây dựng, phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng và thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người lao động… Do đó, Nhà máy luôn ổn định về tư tưởng, tổ chức, nội bộ đoàn kết, thống nhất cao. Từ năm 2005 đến nay, Đảng bộ Nhà máy luôn đạt trong sạch, vững mạnh; Nhà máy VMTD, không để xảy ra cháy nổ, mất an toàn lao động, an toàn giao thông.

Không thỏa mãn với những gì đã đạt được, Nhà máy Z153 đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phương châm “Đổi mới, hiện đại, chất lượng, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ quốc phòng, kinh tế, giữ vững uy tín, thương hiệu “153 - Chiến thắng” và xứng đáng là một doanh nghiệp, cơ sở bảo đảm kỹ thuật cấp chiến lược của Quân đội.

 

Đại tá, KS. LÊ XUÂN KHANH

Giám đốc Nhà máy

 

                  

1 - Từ năm 2007 đến năm 2010, giá trị sản lượng của Nhà máy tăng 24%, thu nhập bình quân của người lao động tăng 53%.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.