Thứ Sáu, 22/11/2024, 20:43 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, kinh tế với yêu cầu ngày càng cao và bảo đảm đời sống cho cán bộ, công nhân, Đảng ủy, Ban Giám đốc nhà máy Z129 triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm; trong đó, lấy đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ là khâu đột phá.
Nhà máy Z129 thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng có nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa các loại ngòi đạn và tham gia sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Những năm gần đây, trước yêu cầu xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng; chủ trương sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội,… đặt ra cho Nhà máy nhiều vấn đề cần giải quyết. Để hội nhập, phát triển, Nhà máy không ngừng tìm kiếm các giải pháp; trong đó, ưu tiên đột phá phát triển công nghệ mới tiên tiến, hiện đại.
Thực hiện khâu đột phá, trước hết, Nhà máy đẩy mạnh triển khai các dự án đổi mới công nghệ. Ngòi đạn là sản phẩm quốc phòng chủ đạo của Nhà máy, có kết cấu phức tạp với độ chính xác về cơ khí rất cao. Để ngòi đạn hoạt động tin cậy ở mọi điều kiện thời tiết, bảo đảm phát bắn an toàn, chính xác, uy lực lớn, quá trình sản xuất cần ứng dụng công nghệ cao, quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. Nhận thức rõ điều đó, một mặt, Nhà máy nâng cấp, khai thác sử dụng trang thiết bị công nghệ hiện có; tiếp nhận, chạy thử, nghiệm thu các thiết bị nâng cao năng lực sản xuất; thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm quốc phòng. Mặt khác, tận dụng cơ hội tham gia các dự án theo Chương trình thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 16/7/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo, để đổi mới phát triển công nghệ; tiêu biểu là: Dự án Ngòi đạn pháo và Dự án “I”. Đây là các dự án có độ phức tạp cao về kỹ thuật - công nghệ ở 3 lĩnh vực: cơ khí chính xác, điện tử, hóa nổ. Do đó, để bảo đảm mục tiêu của các dự án, Nhà máy xây dựng Nghị quyết số 100-NQ/ĐU, ngày 22/6/2016, “Về lãnh đạo thực hiện Dự án Ngòi đạn pháo” và Nghị quyết số 123-NQ/ĐU, ngày 25/8/2016, “Về lãnh đạo thực hiện Dự án I” để lãnh đạo thực hiện. Đồng thời, thành lập Ban Quản lý dự án, ban hành quy chế hoạt động; các quy định xử lý văn bản của đối tác nước ngoài; quản lý chất lượng công trình; nghiệm thu, trình duyệt, lưu trữ hồ sơ; lựa chọn nhà thầu, v.v. Trên cơ sở đó, Nhà máy tích cực thiết kế dự toán, lập hồ sơ dự án; phối hợp với các đơn vị tư vấn lập quy hoạch chi tiết các khu vực thực hiện dự án, như: khu sản xuất cơ khí, khu tổng lắp thử nghiệm, kho thuốc nổ, hỏa cụ,… trình các cấp phê duyệt.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, Nhà máy chủ động phối hợp với các nhà thầu thi công trước một số hạng mục; quyết liệt trong đàm phán, lựa chọn đối tác cung cấp dây chuyền sản xuất và chuyển giao công nghệ theo mục tiêu đề ra; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị, đào tạo, nhận chuyển giao công nghệ; chủ động chế thử các chi tiết phục vụ, v.v. Đến nay, Nhà máy đã cơ bản hoàn thành xây dựng nhà xưởng, hạ tầng kỹ thuật; mua mới và sửa chữa trang thiết bị nâng cao năng lực đối với dây chuyền hiện có; tiếp nhận xong dây chuyền mới, đồng bộ, hiện đại của đối tác nước ngoài, đáp ứng tốt yêu cầu chế tạo chi tiết, lắp ráp, kiểm tra ngòi đạn. Đồng thời, tích cực huy động các nguồn lực đầu tư bổ sung một số máy móc thiết bị thế hệ mới, độ chính xác cao, giải quyết khâu thắt của quá trình sản xuất và đảm bảo an toàn cho người lao động trong gia công cơ khí, tổng lắp, nghiệm thu sản phẩm. Tăng cường đầu tư, cải tiến trang thiết bị công nghệ theo hướng cơ khí hoá, tự động hoá, tăng độ chính xác để từng bước hạn chế lao động thủ công, giảm sự tiếp xúc của người lao động với các yếu tố nguy hiểm, độc hại; sửa chữa, nâng cấp các trang thiết bị nhà xưởng, môi trường tổng lắp, hệ thống truyền dẫn điện, hơi, nước phục vụ cho sản xuất; hoàn thiện hệ thống quy định, phương án về an toàn, phòng, chống cháy nổ,... nâng cao năng suất, đa dạng hóa cơ cấu, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm và bảo đảm an toàn trong sản xuất. Từ năm 2015 đến nay, Nhà máy đã chủ động đầu tư, bổ sung thiết bị mới phục vụ sản xuất với tổng kinh phí trên 52 tỉ đồng.
Cùng với đổi mới dây truyền công nghệ, Nhà máy tập trung xây dựng nguồn nhân lực. Trước thực tế đội ngũ cán bộ chủ trì của Nhà máy có nhiều thay đổi; nhân lực thực hiện dự án thiếu về số lượng và cơ cấu ngành nghề, chất lượng chưa tương xứng; cán bộ, nhân viên kỹ thuật kiêm nhiệm nhiều công việc, thiếu kinh nghiệm làm dự án; mặt bằng khoa học công nghệ trong nước còn hạn chế, v,v. Vì thế, trong thực hiện dự án, bên cạnh việc tăng cường cán bộ, Nhà máy chú trọng tuyển chọn nhân sự tại chỗ, ưu tiên thu hút, bố trí cán bộ có trình độ cao, đào tạo cơ bản; mời giáo viên, chuyên gia mở các lớp đào tạo tiếng Anh cơ bản và nâng cao, làm cơ sở lựa chọn cán bộ đi học tập, chuyển giao công nghệ ở nước ngoài. Phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về đấu thầu và quản lý chất lượng xây dựng công trình; bảo vệ an ninh và đối ngoại quân sự; nghiệp vụ quản lý dự án,... cho cán bộ tham gia dự án. Bên cạnh việc tổ chức các cuộc hội thảo chuyên ngành, Nhà máy mời chuyên gia từ các nhà trường, viện nghiên cứu kết hợp với đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ cao để tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, công nhân viên công nghệ mới về chế tạo ngòi đạn; lập trình cho máy công nghệ; kiểm tra chất lượng sản phẩm, v.v. Đặc biệt, Nhà máy chú trọng kết hợp huấn luyện, bồi dưỡng cho cán bộ tham gia dự án ngay trong quá trình lắp đặt trang thiết bị công nghệ thông qua đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước; tranh thủ thời gian để chạy máy và giải đáp vướng mắc phát sinh trong quá trình vận hành hệ thống. Hiện nay, Nhà máy có 09 đồng chí được tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ về chế tạo ống phóng tên lửa, ngòi đạn tại Liên bang Nga; 40 đồng chí được bồi dưỡng về công nghệ lắp ráp ống phóng tên lửa tại Nhà máy. Đây là nguồn nhân lực cơ bản bảo đảm cho thực hiện dự án và làm chủ công nghệ sản xuất mới của Nhà máy.
Đẩy nhanh tốc độ thu hồi vốn, tạo ra sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn trong sản xuất,... từ các nguồn lực công nghệ đã được đầu tư là mục tiêu xuyên suốt và cấp thiết của mỗi dự án. Với nhận thức đó, Nhà máy đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phụ trợ nhằm khai thác có hiệu quả các dây chuyền công nghệ mới. Thường xuyên phối hợp với Viện Công nghệ, Viện Vũ khí tổ chức nhiều hội thảo khoa học đánh giá phương án, lựa chọn giải pháp để đầu tư, phát triển công nghệ theo hướng đồng bộ, hiện đại, nâng cao tiềm lực công nghệ. Tập trung nghiên cứu phương án ứng dụng các công nghệ đã được chuyển giao để xây dựng và hoàn thiện tiềm lực nghiên cứu khoa học - công nghệ, đảm bảo chế tạo được các loại ngòi đạn hiện đại, tiên tiến trong tương lai, các sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Cùng với đó, Nhà máy chú trọng nghiên cứu, phát triển và đưa vào sản xuất một số sản phẩm mới, như: ngòi mìn TM-62M; ngòi đạn M79 huấn luyện 548T1; ngòi CX-30; ngòi hẹn giờ PK16-VN-1; ngòi FMV-B1; ngòi PD-M557,… đáp ứng yêu cầu huấn luyện, chiến đấu của Quân đội. Trong phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nhiều đề tài nghiên cứu được ứng dụng, có giá trị kinh tế cao. Điển hình như: Thay đổi trang bị công nghệ làm nóng chảy thuốc nổ TNT đối với đạn 548D; Khử tĩnh điện, chống tĩnh điện cho trang thiết bị, mặt bằng công nghệ ép thuốc ngòi NAĐ-94, VP-9…; Đồ gá che chắn an toàn cho các chặng tổng lắp có nguy cơ cháy nổ, v.v. Để hỗ trợ, thúc đẩy tiến độ dự án, Nhà máy tích cực triển khai, thực hiện tốt nhiều đề tài, nhiệm vụ kỹ thuật; nghiên cứu, chế tạo 694 loại dụng cụ chuyên dùng phục vụ chế tạo ngòi đạn và 644 loại dụng cụ chuyên dùng phục vụ chế tạo ống phóng tên lửa. Từ năm 2015 đến nay, Nhà máy đã rà soát, sửa đổi tài liệu thiết kế cho 22 sản phẩm; hoàn thiện 27 loại quy trình công nghệ chế tạo chi tiết và tổng lắp; hoàn thiện 35 bộ định mức kinh tế kỹ thuật, chỉ tiêu chất lượng vật tư; chủ trì và phối hợp thực hiện 41 đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học các cấp; có 322 sáng kiến được khen thưởng các cấp, giá trị kinh tế trên ba tỉ đồng.
Cùng với các giải pháp trên, Nhà máy chú trọng nâng cao năng lực quản lý sản xuất và quản trị doanh nghiệp. Nhà máy vừa triển khai các dự án trọng điểm gắn với sản xuất, kinh doanh, vừa thực hiện đề tài, nhiệm vụ kỹ thuật, nghiên cứu, chế thử sản phẩm quốc phòng có yêu cầu cao về chất lượng và tiến độ nên lao động phân tán, kiêm nhiệm nhiều công việc; tính chất công việc phức tạp, nhiều nội dung mới, liên quan đến nhiều cơ quan, v.v. Vì vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Nhà máy chú trọng nghiên cứu, xây dựng kế hoạch sản xuất sát với thực tế về nhân lực, thiết bị của từng phân xưởng, xí nghiệp; tăng cường áp dụng tiêu chuẩn ISO, Kaizen, 5S; tái bố trí mặt bằng công nghệ, dồn dịch, sắp xếp lại máy móc thiết bị; chủ động bảo đảm các yếu tố phục vụ, linh hoạt trong điều hành, tổ chức sản xuất; khai thác triệt để thiết bị mới của dự án,.... để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm hao phí. Cùng với đó, Nhà máy xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp với thế mạnh, nguồn lực hiện có; bổ sung chức năng, chức trách, nhiệm vụ của các bộ phận, cán bộ, người lao động; cơ cấu lại biên chế, tổ chức nhân lực; tinh gọn bộ máy quản lý; giảm tỉ lệ lao động gián tiếp, bổ trợ,... hoàn thiện mô hình tổ chức, quản trị gọn, nhẹ, bảo đảm tính năng động và cạnh tranh cao. Đồng thời, đổi mới quy chế lương, thưởng; đẩy mạnh thi đua; cải thiện môi trường làm việc, khuyến khích nghiên cứu khoa học,… tạo động lực cho người lao động say mê sáng tạo, không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Với quyết tâm chính trị cao và bằng các giải pháp tích cực, đồng bộ, đến nay, Nhà máy có năng lực công nghệ sản xuất và sửa chữa trên 70 loại ngòi đạn các loại; tham gia sản xuất kinh tế đa dạng trên các lĩnh vực: đúc, rèn, dập, cán, ép, luyện bột, xử lý, tráng phủ kim loại, gia công cơ khí, bao bì sản phẩm; đồ gỗ; trồng rừng và khai thác gỗ,… và hàng trăm sản phẩm kinh tế có chất lượng cao (cấu kiện bằng kim loại; thùng, bể, dụng cụ chứa đựng bằng kim loại; thiết bị điện chiếu sáng và đồ điện dân dụng; phụ tùng xe, máy, v.v.). Năm 2019, giá trị sản xuất, kinh doanh đạt trên 567 tỉ đồng; bảo đảm việc làm, thu nhập của người lao động gần 11 triệu đồng/người/tháng. Đây là nền tảng cơ sở để Nhà máy Z129 vững bước phát triển và hội nhập.
Thượng tá, ThS. PHAN DƯƠNG MINH* Thượng tá, ThS. NGUYỄN HỮU NGỌC ______________
* - Giám đốc Nhà máy.
Nhà máy Z129,Đổi mới công nghệ
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm