Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 05/09/2016, 09:06 (GMT+7)
Nhà máy Z121 phát huy truyền thống, vững bước phát triển, hội nhập

Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 7-9-1966, Nhà máy Z1211 - tiền thân từ một Phân xưởng Bộ lửa trực thuộc ngành Quân giới - được thành lập. Nhà máy có nhiệm vụ sản xuất các loại bộ lửa, tinh chế hóa chất, thuốc cháy, sản xuất các loại hạt nổ, chế tạo các sản phẩm hỏa cụ,... phục vụ cho sản xuất vũ khí, đạn của Quân đội. Trải qua 50 năm xây dựng, trưởng thành, các thế hệ cán bộ, công nhân viên Nhà máy luôn nêu cao tinh thần tự lực tự cường, vừa xây dựng, vừa sản xuất, chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng nên truyền thống “Đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, vượt khó vươn lên làm chủ khoa học, công nghệ”, góp phần tích cực vào xây dựng, phát triển ngành Công nghiệp Quốc phòng, cũng như sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, những năm gần đây, Nhà máy có bước phát triển nhanh, vững chắc; đi đầu trong kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng; thực hiện tốt tự chủ về tài chính; chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được nâng lên rõ rệt (là một trong số ít các đơn vị trong Tổng cục Công nghiệp quốc phòng có doanh thu trên một nghìn tỉ đồng). Bước đầu Nhà máy đã tạo lập và khẳng định được vị thế, thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế, nhất là ở các lĩnh vực thế mạnh, như: sản xuất các loại hỏa cụ, thuốc nổ công nghiệp, phụ kiện nổ và pháo hoa.

Với những thành tích đạt được, Nhà máy vinh dự 02 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới; có 04 lượt tập thể và 02 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 37 lượt đơn vị được tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba.

Những năm gần đây, nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, xây dựng Quân đội, cũng như yêu cầu của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đặt ra cho Nhà máy những mục tiêu cao hơn, trong khi Nhà máy còn có không ít khó khăn. Các yếu tố đảm bảo cho sản xuất thiếu đồng bộ, trang thiết bị, dây chuyền công nghệ sản xuất hỏa cụ phần lớn đã cũ, lạc hậu; quá trình sản xuất tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. Trong nền kinh tế thị trường, các sản phẩm vật liệu nổ có sự cạnh tranh quyết liệt; giá vật tư nguyên liệu tăng cao, nguồn cung ứng một số chủng loại vật tư nhập khẩu không ổn định; đơn vị có quân số đông, áp lực về việc làm, thu nhập cho người lao động ngày càng gay gắt, v.v.

Trước thực tế đó, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy đã phát huy truyền thống, thực hiện đồng bộ các nội dung, biện pháp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trước hết, Nhà máy tập trung đẩy mạnh thực hiện Chương trình cơ khí hóa - tự động hóa, đổi mới công nghệ. Đây là điều kiện quan trọng để tạo nền tảng kỹ thuật, công nghệ, đáp ứng yêu cầu sản xuất, phát triển công nghiệp quốc phòng trong tình hình mới. Theo đó, Nhà máy thực hiện “đi trước đón đầu”, tích cực huy động các nguồn lực, triển khai nhiều dự án đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa trang bị, phương tiện, đổi mới công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu. Trong đó, tập trung đột phá vào công nghệ sản xuất các loại hỏa cụ, thuốc nổ công nghiệp, phụ kiện nổ và pháo hoa. Với quyết tâm cao và biện pháp đồng bộ, thời gian qua, Nhà máy đã hoàn thành nhiều dự án quan trọng, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, tiến độ. Nổi bật là các dây chuyền công nghệ: Tự động hóa sản xuất kíp nổ; Sản xuất thuốc ướt; Tự động hóa sản xuất dây nổ; Sản suất thuốc hỏa thuật, v.v. Cùng với đầu tư mua sắm dây chuyền công nghệ hiện đại của nước ngoài, Nhà máy coi trọng phát huy vai trò của đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật trong việc nghiên cứu hợp lý hóa các quá trình sản xuất; cải tiến quy trình công nghệ, tính năng hoạt động của thiết bị, nhằm tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Nhà máy đã tự nghiên cứu, chế tạo, lắp đặt thành công thiết bị dây chuyền tự động sản xuất dây nổ; nhân đôi dây chuyền sản xuất liều phóng; máy chế tạo sợi PP; máy cuốn dây cháy chậm cải tiến; máy trộn thuốc hỏa thuật; máy chế tạo dây cháy nhanh, v.v. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực kỹ thuật, công nghệ của Nhà máy và tiết kiệm chi phí hàng trăm tỉ đồng. Phát huy kết quả đó, hiện nay, Nhà máy tiếp tục triển khai các dự án: “Dây chuyền sản xuất pháo hoa và kho chứa vật tư quốc phòng”, “Dây chuyền sản xuất thuốc nổ nhũ tương năng lượng cao”, v.v.

Cùng với đổi mới công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật, Nhà máy đẩy mạnh xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, sắp xếp, tổ chức lại lực lượng lao động theo hướng “tinh, gọn, hiệu quả”, phù hợp với mô hình hoạt động. Theo đó, Nhà máy chủ động rà soát, lập quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nhằm phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, năng lực toàn diện, chuẩn hóa về trình độ, tay nghề theo từng vị trí công tác; trong đó, chú trọng xây dựng đội ngũ kỹ sư, thợ kỹ thuật trẻ, lành nghề làm nòng cốt ở các lĩnh vực chuyên môn. Nhà máy thường xuyên phối hợp với Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội để tuyển chọn kỹ sư và kỹ thuật viên cho các chuyên ngành cơ khí, hóa nổ, điện - điện tử; đồng thời, tích cực tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại để cân đối lực lượng sản xuất, nâng cao trình độ tay nghề cho cán bộ, công nhân. Để đạt hiệu quả cao, Nhà máy đã vận dụng đa dạng các hình thức bồi dưỡng, đào tạo; trong đó, coi trọng bồi dưỡng thông qua thực tiễn sản xuất, thi nâng bậc, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ mới; đưa cán bộ, chuyên gia đầu ngành đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở nước ngoài, v.v. Đến nay, Nhà máy đã xây dựng được nguồn nhân lực có cơ cấu phù hợp, chất lượng cao; trong đó, đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học và sau đại học đạt trên 90%. Lực lượng này đã và đang phát huy tốt vai trò nòng cốt cho sự phát triển của Nhà máy.

Từ năm 1993, Nhà máy chuyển đổi mô hình hoạt động tự chủ về tài chính. Để đứng vững và phát triển trong điều kiện kinh tế thị trường, cùng với việc sản xuất các loại hỏa cụ phục vụ quốc phòng theo định mức trên giao, Nhà máy tích cực đa dạng hóa các sản phẩm, tăng cường tiếp thị mở rộng thị trường. Trên cơ sở thế mạnh về nhân lực, trang bị kỹ thuật, Nhà máy xây dựng định hướng chiến lược phát triển các mặt hàng lưỡng dụng, có thế mạnh, như: thuốc nổ công nghiệp, phụ kiện nổ, pháo hoa, pháo hỏa thuật,... vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, vừa phục vụ nhu cầu kinh tế - xã hội. Do làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, động viên, khen thưởng kịp thời, nên Nhà máy đã thu hút được đông đảo cán bộ, nhân viên tham gia nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. Nhiều đề tài, sáng kiến có giá trị cao, áp dụng thành công trong sản xuất, kinh doanh, được thị trường đón nhận và đánh giá cao. Tiêu biểu là các sản phẩm thuộc Đề án KCI, các loại thuốc hỏa thuật quân dụng, thuốc nổ A-IX-1, thuốc nổ A-IX-2, hạt lửa KBM-3SK, mồi lửa đạn pháo 155mm, hỏa cụ cho tên lửa Igla; ống nổ, hạt lửa cho kíp nổ ngư lôi 53-BA, kíp chậm nổ phi điện LP-15, dây nổ 40g/m, v.v.

Qua nghiên cứu, đánh giá, Nhà máy nhận thấy các dòng sản phẩm của mình sẽ dần bị bão hòa trong nước. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, một mặt, Nhà máy thực hiện tốt các giải pháp kích cầu tiêu thụ đối với khách hàng truyền thống trong nước, nhất là mặt hàng vật liệu nổ; mặt khác, đẩy mạnh quảng bá, tìm kiếm đối tác, khách hàng và thị trường xuất khẩu có giá trị lớn. Với chiến lược phát triển thị trường phù hợp, nhiều sản phẩm kinh tế của Nhà máy không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường các nước trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, mỗi tháng Nhà máy sản xuất trung bình từ 17 đến 20 loại sản phẩm xuất khẩu đi Mỹ, Nhật và các nước Đông Nam Á, mang lại doanh thu hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.

Do tính chất đặc thù nên hoạt động của Nhà máy tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. Vì vậy, Nhà máy xác định: an toàn là điều kiện sống còn. Theo đó, cùng với đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị sản xuất, giảm thiểu nguy cơ gây mất an toàn, độc hại, Nhà máy đặc biệt quan tâm làm tốt công tác bảo đảm an toàn trong sản xuất. Từ bài học xương máu rút ra qua thực tiễn sản xuất, Nhà máy thường xuyên coi trọng tuyên truyền, giáo dục, tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, công nhân viên về công tác bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ. Đồng thời, thường xuyên kiện toàn tổ chức lực lượng phòng chống cháy nổ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm. Ngoài ra, Nhà máy tích cực điều chỉnh, bổ sung mặt bằng nhà xưởng, kho, ụ chắn nổ,... đảm bảo an toàn và phù hợp với quy mô phát triển của Đơn vị.

Quản lý chất lượng sản phẩm là một nhiệm vụ quan trọng, trực tiếp tác động đến kết quả sản xuất, kinh doanh. Bởi vậy, Nhà máy luôn duy trì nghiêm kỷ luật công nghệ; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng sản phẩm trên tất cả các công đoạn, từ khâu kiểm tra vật tư đầu vào, kiểm tra trên dây chuyền sản xuất đến kiểm tra nghiệm thu xuất xưởng. Để làm tốt vấn đề này, bên cạnh đẩy mạnh kiện toàn tổ chức, tăng cường đầu tư trang bị đo, kiểm hiện đại cho lực lượng KCS, Nhà máy duy trì nền nếp hoạt động hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008, kiểm định, thử nghiệm đánh giá chất lượng vật tư, bán thành phẩm và sản phẩm quốc phòng theo TCVN/QS 877:2010 và các hoạt động chuẩn mực trong lĩnh vực thử nghiệm đánh giá chất lượng các sản phẩm kinh tế theo TCVN ISO/IEC 17025:2005. Do đó, chất lượng các sản phẩm quốc phòng, kinh tế của Nhà máy ngày càng nâng cao, được tặng nhiều giải thưởng cao quý. Tiêu biểu như: Giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ trong lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo vật liệu nổ (năm 2005); Giải thưởng Sáng tạo khoa học VIFOTEC về công trình nghiên cứu sản xuất kíp nổ vi-sai phi điện (năm 2006); Giải thưởng Quả cầu vàng (năm 2007); Cúp vàng ISO (năm 2006, 2007); Giải thưởng Chất lượng Việt Nam (năm 2006, 2007, 2008).

Cùng với các biện pháp trên, Nhà máy quan tâm thực hiện chính sách tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi xã hội, đầu tư cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động, để họ yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với Nhà máy. Từ năm 2010 đến nay, Nhà máy đã trích trên 50 tỉ đồng chi ăn ca, bồi dưỡng độc hại, an dưỡng, nghỉ mát, khám bệnh định kỳ cho cán bộ, công nhân viên; xây 03 nhà tập thể cao tầng và 01 nhà khám bệnh cho công nhân.

Phát huy truyền thống và kết quả, kinh nghiệm trong những năm qua, Nhà máy đang tập trung thực hiện tốt 03 khâu đột phá: tăng cường công tác đảm bảo an toàn trong sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm; đầu tư nâng cao năng lực công nghệ sản xuất, phát triển sản phẩm mới theo hướng đồng bộ và hiện đại; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, trọng tâm là công tác quản lý vật tư và tài chính. Trên cơ sở đó, phấn đấu nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, kinh tế, vững bước hội nhập, phát triển, góp phần xây dựng, phát triển ngành Công nghiệp Quốc phòng, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá NGUYỄN TRÍ DŨNG, Giám đốc Nhà máy

____________

1 - Hiện nay, tên giao dịch của Nhà máy Z121 là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hóa chất 21.

Ý kiến bạn đọc (0)