Thứ Sáu, 22/11/2024, 20:35 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Nhà máy Z111 thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng có nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật, phục vụ quốc phòng và tham gia sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng Quân đội trong tình hình mới, nhất là sau khi có Nghị quyết 06-NQ/TW, ngày 16-7-2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy đã quán triệt, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển sản xuất, ban hành Nghị quyết 69-NQ/ĐU, ngày 14-6-2013 về “Lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế đến năm 2015 và những năm tiếp theo”, Nghị quyết 243-NQ/ĐU, ngày 10-7-2019 về “Lãnh đạo nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất kinh tế và xuất khẩu sản phẩm quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo” làm cơ sở định hướng tổ chức thực hiện.
Trong điều kiện chỉ tiêu sản xuất hàng bảo đảm quốc phòng hạn hẹp, nguồn hàng kinh tế chịu áp lực cạnh tranh gay gắt, Nhà máy đã bám sát chủ trương, định hướng của trên, chức năng, nhiệm vụ, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm để duy trì, phát triển sản xuất. Theo đó, một mặt, Nhà máy tích cực tổ chức sản xuất, sửa chữa các sản phẩm quốc phòng theo chỉ tiêu nhiệm vụ; trong đó, tăng cường khai thác các nguồn hàng quốc phòng nhóm II, nguồn hàng từ các chương trình, dự án. Mặt khác, Nhà máy đẩy mạnh hợp tác với Viện Vũ khí, Viện Công nghệ, Học viện Kỹ thuật Quân sự và các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang để nghiên cứu, thiết kế, sản xuất: vũ khí; chi tiết thay thế của vũ khí, trang bị kỹ thuật; mô hình học cụ huấn luyện; các loại phụ tùng, đồng bộ1, v.v. Thực hiện chiến lược lấy sản phẩm cơ khí làm nòng cốt gắn với đa dạng hóa sản phẩm, ngành nghề trong phát triển sản xuất kinh tế, Nhà máy tăng cường hợp tác với các đối tác truyền thống trong ngành mía đường, xi măng, lắp máy,… để sản xuất, cung cấp các sản phẩm cơ khí đặc chủng chất lượng cao. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư các dây chuyền khai thác, chế biến đá; sản xuất nhựa gia dụng và công nghiệp; may và sản xuất sản phẩm tiêu dùng. Nhà máy cũng chủ động khai thác gói thầu cơ khí xây dựng từ Dự án Ba Son; dây chuyền sản xuất ngòi đạn pháo của Nhà máy Z129; nhà ở Viện Công nghệ; dây chuyền may cho Nhà máy Z176, v.v. Để có các hợp đồng, đơn hàng có giá trị lớn, Nhà máy chủ động tiếp xúc với các đối tác trong và ngoài nước2 để giới thiệu năng lực, chào hàng,... tiến tới đàm phán, tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất hàng kinh tế xuất khẩu. Từ năm 2013 đến nay, Nhà máy là đối tác tin cậy của nhiều doanh nghiệp và có nhiều hợp đồng lớn, như: sản xuất thiết bị, kết cấu thép cho Công ty Siemens VAI; sản xuất một số sản phẩm cơ khí cho Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn; sản xuất các loại chi tiết bán thành phẩm vũ khí xuất khẩu,... góp phần phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường, tạo doanh thu ổn định, bảo đảm công ăn, việc làm cho cán bộ, công nhân. Hàng năm, giá trị hàng kinh tế chiếm tỉ trọng từ 30% đến 50% doanh thu của Nhà máy; các sản phẩm từ khai thác, chế biến đá và cơ khí, xây dựng chiếm gần 80% tổng giá trị hàng kinh tế; sản phẩm nhựa gia dụng và công nghiệp có số lượng tăng từ 16 lên 27 loại, có mặt khắp thị trường các tỉnh miền Bắc và một số tỉnh miền Trung.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của cơ chế thị trường, vấn đề thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm là yếu tố quyết định đến kết quả sản xuất, kinh doanh. Do đó, Nhà máy luôn quan tâm áp dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ. Trước hết, Nhà máy đẩy mạnh phong trào “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, khai thác có hiệu quả các trang bị, dây chuyền hiện đại và giữ tốt, dùng bền trang thiết bị công nghệ cũ. Đồng thời, tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa phục hồi, cải tiến các dây truyền công nghệ cũ phù hợp với yêu cầu mới về kỹ thuật, công nghệ và vật tư đầu vào, vừa bảo đảm sản xuất hiện tại, vừa dự trữ sản xuất khi có chiến tranh. Cùng với đó, Nhà máy tập trung xây dựng chiến lược nghiên cứu, áp dụng các giải pháp công nghệ mới; đẩy mạnh khai thác đặc tính công nghệ trên các dây truyền hiện đại, đặc biệt là trên dây chuyền sản xuất súng bộ binh của I-xra-en chuyển giao. Điểm đáng chú ý là, với nền tảng công nghệ từ các đối tác nước ngoài, như: công nghệ sản xuất súng trường tấn công Galil Ace của hãng IWI; công nghệ sản xuất dây băng súng 12,7mm của Công ty Eurolinks,... thời gian qua, Nhà máy đã nghiên cứu làm chủ công nghệ sản xuất các loại vũ khí bộ binh thông dụng giúp Quân đội tự chủ được phần lớn vũ khí bộ binh trong biên chế. Tích cực nghiên cứu, xây dựng quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm cơ khí chất lượng cao, các chi tiết bán thành phẩm của vũ khí để cung cấp cho đối tác trong và ngoài nước; nghiên cứu nâng cao chất lượng và tuổi thọ của các sản phẩm,... vừa mang lại doanh thu, vừa sẵn sàng hợp tác kinh tế.
Thực hiện phương châm “kỹ thuật đi trước một bước”, Nhà máy làm tốt công tác chuẩn bị về: tài liệu thiết kế, quy trình công nghệ, định mức kiểm tra kỹ thuật,... cho các sản phẩm mới, sản phẩm có độ phức tạp cao. Đồng thời, bảo dưỡng máy móc theo đúng tiêu chuẩn quản lý chất lượng; đầu tư mua sắm thêm các thiết bị mới, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, trọng tâm là dự án đầu tư dây chuyền sản xuất súng bộ binh,... khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập trong bảo đảm trang bị công nghệ, dụng cụ phục vụ sản xuất. Tới nay, Nhà máy đã làm chủ nhiều công nghệ khó, khai thác được trên 90% năng lực công nghệ của các dây chuyền sản xuất hiện đại trong lĩnh vực cơ khí chính xác. Từ năm 2013 - 2018, Nhà máy triển khai thành công 32 đề tài, nhiệm vụ khoa học các cấp, như: giá súng 12,7mm lắp trên tàu; súng bắn tỉa 12,7mm-VN; súng ngắn bắn nhanh 9mm TL-K12; nghiên cứu chế thử súng tiểu liên STL-111 Việt Nam; nghiên cứu chế thử súng K54,... và đưa vào sản xuất loạt “0”, khẳng định uy tín, năng lực công nghệ của Nhà máy. Đồng thời, áp dụng 255 sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, làm lợi cho Nhà máy trên 10 tỷ đồng.
Là đơn vị sản xuất nhiều mặt hàng phục vụ quốc phòng và kinh tế trong lĩnh vực cơ khí chính xác, để nâng cao năng lực sản xuất, Nhà máy chú trọng tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng nguồn nhân lực mạnh, nhất là lực lượng kỹ thuật. Theo đó, công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Nhà máy được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, coi trọng phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực, tay nghề; bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu phát triển sản xuất và ổn định đời sống, khuyến khích cán bộ, công nhân cống hiến và gắn bó lâu dài với đơn vị. Thời gian qua, cùng với gửi cán bộ, kỹ thuật viên đi đào tạo, tập huấn tại các nhà trường, cơ sở kỹ thuật trong và ngoài Quân đội, Nhà máy chú trọng mở các lớp huấn luyện, hướng dẫn về: công nghệ mới; cải tiến quy trình sản xuất; bảo hộ, an toàn lao động,... giúp công nhân khai thác có hiệu quả các dây truyền công nghệ, bảo đảm tiến độ sản xuất và giảm tỷ lệ phế phẩm. Đối với các lĩnh vực công nghệ cao, cơ khí chính xác, Nhà máy mạnh dạn cử cán bộ trẻ đi tham quan, nghiên cứu học tập tại các cơ sở có năng lực kỹ thuật, công nghệ mạnh, nhất là tập huấn, tiếp thu công nghệ từ các đối tác nước ngoài. Từ đó, thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh để biến công nghệ tiếp thu được thành các công nghệ có tính riêng biệt, nhanh chóng đưa vào sản xuất; đặc biệt là sáng tạo ra những sản phẩm mới, có hàm lượng chất xám cao, không phụ thuộc vật tư, công nghệ từ nước ngoài. Từ năm 2012 - 2018, Nhà máy đã đào tạo tại chỗ hơn 800 lượt công nhân kỹ thuật các nghề đặc thù; bồi dưỡng nghiệp vụ các lĩnh vực kế toán, quản lý đầu tư xây dựng, đấu thầu cơ bản, giám sát công trình,... cho 146 lượt người; tổ chức ôn luyện, thi nâng bậc thợ cho 780 lượt người; gửi đi đào tạo giám đốc điều hành chuyên nghiệp cho 10 người. Qua đó, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng nhân lực ở các vị trí công tác theo lộ trình phát triển sản xuất, kinh doanh của Nhà máy.
Cùng với các giải pháp trên, Nhà máy tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, xây dựng môi trường lao động chính quy, an toàn, hiệu quả. Thực hiện lộ trình cơ cấu lại doanh nghiệp, Nhà máy đã nghiên cứu điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các phòng, ban: nghiên cứu; phát triển sản xuất; thị trường; sản phẩm mới. Đồng thời, tích cực kiện toàn, tổ chức lại một số phân xưởng, xí nghiệp bảo đảm hợp lý hóa sản xuất; rà soát, sửa đổi bổ sung các quy chế, quy định về: tài chính, lao động, tiền lương, vật tư để triển khai thực hiện hiệu quả. Đặc biệt, Nhà máy thực hiện quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; tăng cường sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong phục vụ sản xuất; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều độ sản xuất; duy trì nghiêm kỷ luật lao động; tổ chức khoán sản phẩm, v.v. Nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi trong sản xuất, Nhà máy phát động phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; tuyên truyền, khuyến khích thi đua nâng cao năng suất lao động; chăm lo đời sống, sức khỏe cho cán bộ, công nhân; tạo điều kiện để mỗi cá nhân đều có cơ hội học tập, thăng tiến; xây dựng môi trường làm việc an toàn, năng động,... đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Với chủ trương đúng, quyết tâm cao, biện pháp phù hợp, năng lực, hiệu quả sản xuất của Nhà máy có bước tăng trưởng ổn định; giai đoạn 2013 - 2018, giá trị sản xuất, kinh doanh tăng trưởng từ 13% đến 16% mỗi năm. So với năm 2013, năm 2018 doanh thu của Nhà máy đạt trên 670 tỷ đồng (tăng 2,7 lần); lợi nhuận đạt 23 tỷ đồng (tăng 2,3 lần); nộp ngân sách đạt trên 20 tỷ đồng (tăng 2,9 lần); thu nhập bình quân đạt gần 10 triệu/người/tháng. Đây là tiền đề quan trọng để Nhà máy tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Trung tá HOÀNG QUỐC VINH, Giám đốc Nhà máy ____________
1 - Tiêu biểu, như: súng AK cho Bộ Công an; súng bắn pháo hiệu cho Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc; súng 12,7mm lắp trên tàu cho lực lượng Hải quân, Biên phòng; hoán cải súng AK cấp 5 cho Cục Dân quân tự vệ, v.v.
2 - Từ năm 2013 đến nay, Nhà máy đã tổ chức 14 đoàn/25 lượt người đi các nước Nhật Bản, Mỹ, Anh, Đức, Pháp,… và đón 37 đoàn/175 lượt người từ các nước I-xra-en, Nhật Bản, Hàn Quốc, I-ta-li-a, Bê-la-rút, Ấn Độ,… để giới thiệu sản phẩm, đàm phán hợp tác kinh tế.
Nhà máy Z111,năng lực sản xuất,sản phẩm quốc phòng
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm