Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 29/06/2023, 09:56 (GMT+7)
Nhà máy Z111 đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực sản xuất

Hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Nhà máy Z111 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) luôn là đơn vị dẫn đầu về công nghệ gia công cơ khí chính xác trong Quân đội. Đặc biệt, sau khi có Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 16/7/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Nhà máy được đầu tư dây chuyền tự động hóa sản xuất chi tiết cơ khí, vũ khí, súng bộ binh thế hệ mới, hiện đại ngang tầm khu vực, tạo tiềm năng, lợi thế trong sản xuất hàng quốc phòng đáp ứng yêu cầu xây dựng, chiến đấu của Quân đội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bên cạnh thuận lợi, Nhà máy gặp không ít khó khăn trong quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động theo sự phát triển của cơ chế thị trường, nổi lên là: bảo đảm việc làm, đời sống cán bộ, công nhân viên; tái cơ cấu tổ chức; đổi mới tư duy, nâng cao trình độ cán bộ, công nhân viên trong sản xuất, kinh doanh; xây dựng cơ chế hợp tác sản xuất, xuất khẩu sản phẩm đặc thù, v.v. Nhận thức rõ điều đó, những năm gần đây, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy triển khai nhiều biện pháp khắc phục khó khăn, tận dụng thời cơ, vượt lên thách thức, tập trung nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ năm 2015 đến nay, doanh thu tăng trưởng bình quân đạt gần 18%/năm. Năm 2022, doanh thu đạt trên 788 tỉ đồng, xuất khẩu trên 60 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt trên 32 tỉ đồng, nộp ngân sách gần 30 tỉ đồng; thu nhập bình quân đạt 16 triệu đồng/người/tháng.

Để có được kết quả đó, trước hết, Nhà máy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động khoa học, công nghệ. Quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết số 791-NQ/QUTW, ngày 30/12/2012 của Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo công tác khoa học, công nghệ, môi trường trong Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Đảng ủy Nhà máy xây dựng nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động đẩy mạnh nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại. Trong đó, tập trung tham mưu hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nghiên cứu, chế tạo; tổ chức, xây dựng lực lượng khoa học và chính sách thu hút nhân tài, khuyến khích cán bộ tham gia nghiên cứu; cơ chế hợp tác để huy động tiềm lực công nghệ trong và ngoài đơn vị. Nhà máy xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc. Tích cực huy động các nguồn kinh phí bảo đảm, tăng cường trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ, ưu tiên sử dụng quỹ cho công tác nghiên cứu, thiết kế, chế thử; tập trung đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; ứng dụng các thành tựu mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là trong thiết kế, chế tạo vũ khí mới, công nghệ cao. Đồng thời, chỉ đạo Phòng Kỹ thuật công nghệ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, cụ thể hóa chỉ tiêu nghiên cứu khoa học phù hợp chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận, đưa vào trong nghị quyết thường kỳ, kế hoạch công tác và định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động khoa học, công nghệ của Nhà máy.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động khoa học, công nghệ và đẩy mạnh tổ chức thực hiện sẽ tạo động lực lớn cho sản xuất. Với nhận thức đó, Nhà máy tập trung quán triệt các thông tư của Bộ Quốc phòng quy định về: quản lý, thiết kế, tên gọi, mã hiệu sản phẩm quốc phòng; sử dụng vũ khí, khí tài, đạn dược sản xuất loạt “O”. Trên cơ sở đó, ban hành các quy chế, quy định1 làm cơ sở cho phân cấp trách nhiệm quản lý, phối hợp thực hiện giữa các bộ phận. Hằng năm, Hội đồng khoa học Nhà máy xây dựng kế hoạch, tổ chức cho cá nhân, bộ phận đăng ký đề tài, sáng kiến; tiến hành thẩm định, giao nhiệm vụ chính thức; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giúp đỡ và triển khai thêm các đề tài mới, phát sinh trong quá trình thực hiện. Đồng thời, xây dựng nhóm nghiên cứu cho các đề tài cùng chuyên ngành, cùng chuỗi sản xuất, chuỗi công nghệ để phối hợp thực hiện, giúp tiết kiệm vật tư, thời gian, dễ dàng hỗ trợ tri thức. Để đạt hiệu quả, tiến độ, Nhà máy tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề tài, nhiệm vụ khoa học được giao, nhất là sản xuất sản phẩm quốc phòng nhóm I. Chỉ đạo các bộ phận, cá nhân nghiên cứu, phát huy sáng kiến hướng vào cải tiến kỹ thuật, công nghệ, tối ưu hóa dây chuyền, thiết bị và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhiệm vụ và nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, Nhà máy tăng cường phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, đơn vị tiêu thụ sản phẩm, như: Viện Vũ khí, Viện Công nghệ, Học viện Kỹ thuật quân sự, các nhà máy,… để trao đổi kết quả nghiên cứu, tìm giải pháp tối ưu cho thiết kế, sản xuất trang bị, sản phẩm, hoàn thành tốt các đề tài, nhiệm vụ. Đẩy mạnh các phong trào thi đua: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Cơ khí hóa, tự động hóa”; “Doanh nghiệp quân đội hội nhập và phát triển”,… để thúc đẩy hoạt động khoa học, sản xuất gắn với nâng cao đời sống người lao động. Nhờ đó, Nhà máy đã làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất súng bộ binh thế hệ mới; sản xuất được tất cả các loại súng bộ binh nòng rãnh xoắn, các sản phẩm truyền thống đáp ứng nhu cầu vũ khí, trang bị toàn quân; khai thác hiệu quả năng lực thiết bị đã đầu tư để sản xuất loạt “O”; sản xuất được các chi tiết khó, độ phức tạp cao cho các dự án về trang bị; các chi tiết cơ khí, bán thành phẩm vũ khí xuất khẩu. Từ năm 2011 đến nay, Nhà máy đã hoàn thành 12 đề tài cấp Tổng cục, 52 đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở, áp dụng vào sản xuất 654 sáng kiến cải tiến kỹ thuật,… hình thành các sản phẩm, tiêu biểu là: súng máy PKT; giá súng 12,7 mm; súng canh gác STV022; súng bắn tỉa 7,62 mm và 12,7 mm; tiểu liên 9 mm, K12,… và các chi tiết bán thành phẩm vũ khí xuất khẩu.

Cùng với đó, Nhà máy quan tâm xây dựng và phát huy tốt nguồn nhân lực khoa học, công nghệ trên cơ sở sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật hiện có. Trong đó, Nhà máy bố trí lao động trong từng lĩnh vực, khâu sản xuất, sửa chữa theo năng lực, sở trường, chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; ưu tiên nhân lực chất lượng cao cho bộ phận nghiên cứu phát triển và kiểm chuẩn, nghiệm thu sản phẩm. Lấy trình độ, năng lực, tay nghề và đạo đức làm tiêu chuẩn trong tuyển dụng lao động, bổ nhiệm cán bộ; bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh và sự ổn định. Bên cạnh việc cử cán bộ, kỹ thuật viên đi đào tạo, Nhà máy thường xuyên tổ chức tham quan, nghiên cứu, học tập tại các cơ sở có năng lực kỹ thuật, công nghệ mạnh, nhất là từ các đối tác nước ngoài, lĩnh vực công nghệ cao, cơ khí chính xác. Phối hợp nghiên cứu với các đơn vị khoa học để trao đổi kinh nghiệm, tiếp thu, kế thừa thành tựu công nghệ. Từ đó, thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh để biến công nghệ tiếp thu được thành các công nghệ có tính riêng biệt, nhanh chóng đưa vào sản xuất; đặc biệt là sáng tạo ra những sản phẩm mới, có hàm lượng chất xám cao, không phụ thuộc vật tư, công nghệ từ nước ngoài. Bên cạnh đó, Nhà máy coi trọng tổ chức tập huấn nội bộ về công nghệ mới; cải tiến quy trình sản xuất; bảo hộ, an toàn lao động, vệ sinh môi trường; lập trình gia công CNC,... giúp công nhân kỹ thuật khai thác có hiệu quả các dây truyền công nghệ, bảo đảm tiến độ sản xuất và giảm tỷ lệ phế phẩm. Trong công tác huấn luyện, Nhà máy quán triệt phương châm “thiết thực, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả”, chỉ huấn luyện theo nhiệm vụ khoa học, công nghệ, nhiệm vụ sản xuất; kịp thời rút kinh nghiệm và huấn luyện bổ sung khi có sai sót kỹ thuật. Đối với thợ kỹ thuật, huấn luyện theo nguyên công, vừa học vừa vận hành trang thiết bị bảo đảm mỗi người giỏi một nguyên công, biết nhiều nguyên công khác, sẵn sàng thay thế, không để đứt gãy chuỗi công việc khi có biến động nhân sự. Đối với cán bộ, khuyến khích tự nghiên cứu tài liệu, tiếp thu công nghệ mới, phối hợp với công nhân kỹ thuật đi sâu thực hành các nội dung công việc phức tạp, đòi hỏi tư duy phân tích cao. Kết hợp huấn luyện với thường xuyên tổ chức  các hội thi, hội thao kiểm tra năng lực độc lập khai thác trang thiết bị công nghệ và cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định. Từ năm 2015 - 2020, Nhà máy tuyển dụng gần 300 người; gửi đi đào tạo ngoài nước 160 người; huấn luyện nâng cao tay nghề hơn 900 lượt công nhân kỹ thuật; nên đã bảo đảm đủ số lượng, chất lượng nhân lực ở các vị trí công tác theo lộ trình phát triển sản xuất, kinh doanh.

Để thuận lợi cho nghiên cứu, ứng dụng, Nhà máy đẩy mạnh xây dựng nền tảng vật chất phục vụ sản xuất và nghiên cứu khoa học, công nghệ. Trước hết, Nhà máy tập trung xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế ISO 9001:2018, tiêu chuẩn về môi trường ISO 14001:2015, tiêu chuẩn về an toàn sức khỏe nghề nghiệp ISO 45001:2018; các bộ quy trình công nghệ, quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn cơ sở. Thu thập thông tin, kinh nghiệm từ hoạt động sản xuất để hiệu chỉnh, chuẩn hóa, lưu trữ hệ thống tài liệu kỹ thuật, công nghệ về: sản xuất các loại súng bộ binh và phụ tùng đồng bộ; phục vụ hoạt động các dây chuyền: khai thác, chế biến đá, sản xuất nhựa gia dụng, may công nghiệp, sản xuất sản phẩm tiêu dùng; khai thác, bảo quản, bảo dưỡng hệ thống máy móc hiện có. Đẩy mạnh chuyển giao tài liệu công nghệ chế tạo vũ khí, trang bị mới, công nghệ cao từ các đối tác nước ngoài; tài liệu phục vụ sản xuất chi tiết cơ khí, máy móc theo đơn hàng của các đối tác kinh tế. Vừa sản xuất, vừa nghiên cứu, thảo luận để hoàn thiện các quy trình công nghệ; biên soạn thành các tài liệu: công nghệ sản xuất, sử dụng dụng cụ, trang bị, đồ gá, hướng dẫn sử dụng sản phẩm,... phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam. Ngoài ra, Nhà máy chú trọng cải tạo, nâng cấp nhà xưởng; mua sắm thiết bị nâng cao năng lực thiết kế, thử nghiệm và giải quyết khâu thắt trong sản xuất. Từ năm 2011 đến nay, Nhà máy cải tạo, nâng cấp, lắp đặt hệ thống điều hòa toàn bộ nhà xưởng sản xuất; mua 307 thiết bị nâng cao năng lực sản xuất; 55 thiết bị đo lường, kiểm chuẩn. Chủ trì xây dựng các tài liệu: sửa chữa súng RPD, sản xuất súng bắn đạn tín hiệu, thiết kế súng tiểu liên AKN; phối hợp xây dựng tài liệu thiết kế súng: K14VN, K54M, STV215, STV380; sửa đổi tài liệu thiết kế súng: PKMS, 12,7VN, v.v.

Phát huy truyền thống và thành tựu đã đạt được, thời gian tới, Nhà máy tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, ưu tiên phát triển sản phẩm mới, chất lượng cao. Tập trung sản xuất loạt O” các loại vũ khí, trang bị đã nghiên cứu, thiết kế, chế thử; nghiên cứu, thử nghiệm các loại súng bộ binh thế hệ mới, các tổ hợp vũ khí lắp trên xe quân sự, tàu chiến, các loại vũ khí công nghệ cao, vũ khí tích hợp hệ thống điều khiển; sản xuất sản phẩm kinh tế, quốc phòng chất lượng cao,... đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và đơn hàng của đối tác, bảo đảm tốt đời sống người lao động, góp phần xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại.

Trung tá ĐẶNG DUY THÁI, Giám đốc Nhà máy
_____________________

1 - Điển hình như: quản lý sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất; nghiệm thu thiết bị tự chế tạo; xây dựng, đăng ký, thực hiện các đề tài và nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; quản lý thành phẩm, bán thành phẩm vũ khí, đạn dược, công cụ hỗ trợ, vật tư hàng hóa, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)