Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 14/07/2022, 06:53 (GMT+7)
Nhà máy A45 vươn lên làm chủ công nghệ cao đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ

Nhà máy A451 là đơn vị kỹ thuật tổng hợp, cơ sở sửa chữa đầu ngành của Quân chủng Phòng không - Không quân và toàn quân, có nhiệm vụ sửa chữa tên lửa hàng không, các thiết bị kỹ thuật phục vụ hoạt động bay, quản lý bay tại các sân bay của Quân chủng và tên lửa phòng không tầm thấp của toàn quân. Trải qua 45 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, công nhân viên Nhà máy luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhà máy đã sửa chữa hàng chục nghìn phương tiện đo kiểm và các loại vũ khí, thiết bị kỹ thuật hàng không, tên lửa phòng không tầm thấp,… bảo đảm đầy đủ, kịp thời cho các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu; góp phần quan trọng xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc. Ghi nhận những thành tích đó, Nhà máy vinh dự được Nhà nước tặng thưởng 02 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 01 Huân chương Chiến công hạng Ba, 01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, nhiều năm liền được Bộ Quốc phòng, Quân chủng tặng cờ “Đơn vị dẫn đầu cụm các xí nghiệp quốc phòng”.

Những năm gần đây, trước yêu cầu xây dựng Quân chủng tiến lên hiện đại, Nhà máy được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, tham gia thực hiện các dự án lớn, trọng điểm của Quân chủng và Bộ Quốc phòng, với độ phức tạp, yêu cầu rất cao, nên gặp không ít khó khăn, thách thức. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy chủ trương: tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần chủ động sáng tạo, tích cực triển khai toàn diện các mặt công tác, với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, trọng tâm là: xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, hiện đại hóa cơ sở vật chất, đầu tư chiều sâu công nghệ và đổi mới cơ chế quản lý, hợp tác nghiên cứu khoa học với các cơ quan, đơn vị trong nước và quốc tế,... nâng cao năng lực khai thác, làm chủ công nghệ sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại.

Trước thực tế đội ngũ cán bộ còn thiếu, nhất là số chuyên gia đầu ngành, cán bộ kỹ thuật giỏi,... Nhà máy chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật đủ về số lượng, cân đối về chuyên ngành và có chất lượng cao, xác định đây là nhân tố then chốt, có ý nghĩa quyết định kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao và tiến trình hiện đại hóa Quân chủng. Bám sát nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng, hoàn thiện khung tiêu chuẩn về tổ chức, biên chế, công việc và yêu cầu trình độ chuyên môn cho các vị trí, chức danh trên các dây chuyền sửa chữa. Đồng thời, thường xuyên rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật; trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch tạo nguồn, quy hoạch chặt chẽ, đúng nguyên tắc, quy trình và phù hợp với trình độ, năng lực của từng cán bộ, nhân viên kỹ thuật, đảm bảo cân đối, đồng bộ trong từng chuyên ngành. Quá trình triển khai, cùng với cử cán bộ, nhân viên kỹ thuật có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao đi đào tạo chuyên sâu tại các cơ sở đào tạo uy tín trong nước và nước ngoài, Nhà máy chú trọng đào tạo tại chỗ, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với quá trình thực hiện nhiệm vụ. Thời gian qua, Nhà máy đã thành lập nhiều nhóm nghiên cứu - đào tạo trong các cơ quan, phân xưởng và giao nhiệm vụ cụ thể đến từng nhóm, lấy chất lượng sản phẩm để đánh giá năng lực, trình độ của các nhóm; đồng thời, yêu cầu mỗi cán bộ, nhân viên kỹ thuật, hằng năm phải có ít nhất một công trình nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật. Bằng cách làm này, đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Nhà máy vừa phát huy được thế mạnh bản thân, vừa nâng cao các kỹ năng làm việc theo nhóm, đồng tiến về chuyên môn, cũng như phát triển khả năng độc lập trong nghiên cứu. Ngoài ra, Nhà máy tích cực liên kết với các đơn vị triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cải tiến vũ khí, khí tài,… xác định đây là “kênh” quan trọng để bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật. Đến nay, Nhà máy có 57 cán bộ kỹ thuật đạt trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư và nhiều cán bộ, thợ bậc cao đang tiệm cận trình độ chuyên gia đầu ngành về vũ khí, khí tài hàng không, tên lửa tầm thấp của Quân chủng. Đây thực sự là lực lượng nòng cốt trong công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, sửa chữa, cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tương lai của Nhà máy.

Một buổi tự huấn luyện, đào tạo của các kỹ sư trẻ

Khai thác, làm chủ và sửa chữa các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, đặc biệt là các hệ thống máy tính chuyên dụng thuộc bộ phận điều khiển thông minh trên máy bay, tên lửa, bom hàng không,... là nhiệm vụ hết sức khó khăn, do các trang thiết bị này đa phần đều không có, hoặc có nhưng rất ít tài liệu về công nghệ. Trong khi đó, hệ thống dây chuyền hiện có và các trang, thiết bị phục vụ công tác sửa chữa của Nhà máy chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Trước thực trạng đó, cùng với chuẩn bị nguồn nhân lực, Nhà máy tập trung đầu tư chiều sâu công nghệ, hướng tới các sản phẩm mà Quân chủng, Quân đội đang cần cả trước mắt và lâu dài. Theo đó, đối với vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, Nhà máy đi sâu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào phân tích, xây dựng hệ thống tài liệu khai thác chuyên sâu, như: nghiên cứu, thiết kế ngược hệ thống sơ đồ nguyên lý mạch phần cứng, xây dựng hệ thống “tham số chuẩn”, khai thác thuật toán lập trình phần mềm, v.v. Trên cơ sở làm chủ các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, Nhà máy tích cực lựa chọn công nghệ ứng dụng vào thiết kế, chế tạo các trang, thiết bị đo, kiểm tra chuyên dụng phục vụ công tác sửa chữa, đảm bảo vừa kết hợp được với các trang, thiết bị hiện có, vừa phù hợp với trình độ công nghệ trong nước và của Nhà máy. Từ kết quả nghiên cứu đạt được, Nhà máy tập trung thiết kế, chế thử tiến tới xây dựng dây chuyền, quy trình công nghệ sửa chữa, sản xuất loạt. Quá trình triển khai thực hiện, để đạt hiệu quả cao, Nhà máy chỉ đạo phòng Kỹ thuật phối hợp với cơ quan chức năng xây dựng các kế hoạch, phương án và triển khai nghiên cứu một cách đồng bộ, thống nhất. Chú trọng lựa chọn đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có trình độ và tay nghề cao để thành lập các tổ, nhóm chuyên sâu theo các chuyên ngành, như: kỹ thuật mạch điện tử, kỹ thuật điều khiển tự động, lập trình phần mềm,... tính toán, dự trù kinh phí, vật tư, trang thiết bị bảo đảm; lựa chọn các bộ vũ khí, khí tài tốt để nghiên cứu. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các trung tâm, viện nghiên cứu, các nhà máy quốc phòng triển khai thực hiện hiệu quả các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học2. Đến nay, Nhà máy đã biên soạn được 189 bộ quy trình công nghệ, 195 bộ phiếu công nghệ, 37 bộ sơ đồ nguyên lý mạch điện, 55 bộ quy trình kiểm định, 40 bộ hồ sơ thiết kế kỹ thuật; thiết kế, chế tạo được hơn 100 thiết bị đo, kiểm tra phục vụ công tác khai thác, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật; xây dựng được 06 dây chuyền sản xuất, sửa chữa hiện đại, đồng bộ và hoàn toàn làm chủ công nghệ sửa chữa phần điều khiển các loại tên lửa hàng không phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị. Đặc biệt, Nhà máy đã nghiên cứu, làm chủ công nghệ sửa chữa các loại trang bị, khí tài hiện đại mang “thương hiệu Nhà máy A45”, như: máy tính chuyên dụng quân sự A-313-13, BAGET 55-44.02, BSVM-486-2; hệ thống điều khiển hỏa lực, dẫn đường vệ tinh VT-05 trên máy bay Su-30MK2; các loại trạm chuẩn bị tên lửa hàng không; nghiên cứu, thiết kế ngược sơ đồ nguyên lý mạch điện, xây dựng công nghệ sửa chữa các loại tên lửa, bom hiệu chỉnh hàng không thế hệ mới trang bị trên máy bay Su-30MK2 và các loại máy tính chuyên dụng quân sự thuộc ngành Kỹ thuật hàng không, đáp ứng kịp thời nhu cầu sửa chữa, tiến tới sản xuất các loại vũ khí, trang bị công nghệ cao, hiện đại của Quân chủng và toàn quân.

Cùng với đó, Nhà máy đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, điều hành, phương thức tổ chức hoạt động khoa học - công nghệ, đưa hoạt động nghiên cứu khoa học đi vào chiều sâu và thực chất. Với quan điểm đổi mới phương thức quản lý nghiên cứu khoa học từ chiều rộng sang chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, Nhà máy kết hợp chặt chẽ giữa quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Ban Giám đốc với phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tính chuyên nghiệp của các tập thể, cá nhân, nhất là phát huy vai trò của chủ nhiệm đề tài. Theo đó, Nhà máy đã đổi mới quy trình, phương pháp lựa chọn đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu theo hướng “Hiệu quả, tăng tính ứng dụng của đề tài và lấy sản phẩm cuối cùng là mục tiêu, tiêu chí để đánh giá chất lượng nghiên cứu”. Thời gian qua, Nhà máy thực hiện đa dạng các hình thức nghiên cứu, như: tự nghiên cứu, nhóm nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, v.v. Thường xuyên tổ chức rà soát, xét duyệt các chương trình, đề tài khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, lựa chọn các sản phẩm, đề tài có tính ứng dụng cao để đưa vào các chương trình nghiên cứu và tiếp tục phát triển, hỗ trợ kinh phí sản xuất, chế thử. Đặc biệt, đối với các sản phẩm đạt chất lượng, Nhà máy ưu tiên đặt hàng sản xuất với số lượng lớn và đảm bảo quyền lợi cho nhóm tác giả. Mặt khác, Nhà máy ban hành nhiều chế độ, chính sách, tạo điều kiện khuyến khích, động viên cán bộ, nhân viên kỹ thuật tích cực tham gia nghiên cứu khoa học; đưa hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ đi vào thực chất, gắn nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ với thực tế sản xuất, sửa chữa, đem lại hiệu quả kinh tế, khoa học kỹ thuật. Hằng năm, Nhà máy lấy kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân, đơn vị; tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá mức độ hoàn thành kế hoạch của từng đề tài, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Nhờ đó, 05 năm qua, Nhà máy đã thực hiện thành công 46 đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ứng dụng vào sửa chữa, cải tiến, nâng cấp vũ khí, trang bị kỹ thuật và dây chuyền sản xuất góp phần thiết thực nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cùng với các nội dung, giải pháp trên, Nhà máy tích cực huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống nhà xưởng, kho tàng theo hướng chính quy, hiện đại và tổ chức quy hoạch mặt bằng công nghệ bảo đảm công năng phù hợp với nhu cầu, mục đích sử dụng cho các dây chuyền sản xuất, sửa chữa hoạt động; sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phát triển nhiệm vụ. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Quân chủng, Bộ Quốc phòng giao thêm các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực mới và là thế mạnh của Đơn vị, phấn đấu xây dựng Nhà máy trở thành một mắt xích quan trọng trong dây chuyền sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao của Việt Nam.

Đại tá HOÀNG TRUNG KIÊN, Giám đốc Nhà máy
______________

1 - Tiền thân là Trạm Đo lường Không quân A45, thành lập ngày 15/7/1977.

2 - Nhà máy đã chủ trì và tham gia thực hiện 03 dự án cấp Quân chủng, Bộ Quốc phòng; tham gia thực hiện 03 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Quốc phòng với Học viện Kỹ thuật Quân sự, Viện Tên lửa và Viện Công nghệ.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.