Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 13/01/2012, 06:47 (GMT+7)
Nhà máy A42 nâng cao năng lực sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật


Đại tá Hồ Đức Hải, Giám đốc Nhà máy báo cáo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về quy trình sửa chữa hàng không (11-09-2011)
 
Nhà máy A42, thuộc Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) có nhiệm vụ chính trị trung tâm là sửa chữa và đảm bảo kỹ thuật hàng không cho công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và chiến đấu của các đơn vị trong Quân chủng. Ra đời ngay sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng (31-5-1975), những ngày đầu Nhà máy vừa tập trung ổn định tổ chức, vừa thực hiện nhiệm vụ thu gom, phân loại, sửa chữa, phục hồi hàng trăm lượt máy bay, động cơ hàng không và hàng ngàn máy móc, trang, thiết bị thu được của Mỹ - ngụy phục vụ kịp thời cho nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây - Nam của Tổ quốc.

Đầu những năm 80, Nhà máy chuyển hướng nhiệm vụ tiếp thu công nghệ và triển khai đầu tư dây chuyền sửa chữa lớn các loại trực thăng và đã xuất xưởng hàng trăm lần chiếc (Mi-8, Mi-24, Mi-17,…) do Liên Xô sản xuất. Sau khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu thay đổi chế độ, nguồn viện trợ không còn, vũ khí, trang bị kỹ thuật ngày càng xuống cấp, thiếu đồng bộ. Trước thách thức đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy đã đề nghị và được trên cho phép đầu tư dây chuyền sửa chữa động cơ phản lực hàng không dùng cho máy bay MIG-21. Đến nay, Nhà máy đã sửa chữa lớn và xuất xưởng được gần 200 lượt bộ động cơ R25-300, R13-300; sửa chữa tăng giờ, tăng hạn và cục bộ được hàng trăm lượt động cơ các loại R25-300, R13-300, TV2-117, TV3-117, AL-21F, T53-L13B…; nhờ vậy, đã khắc phục kịp thời một phần tình trạng thiếu động cơ, nâng số lượng máy bay tốt bảo đảm cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ của các đơn vị trong Quân chủng. Bên cạnh đó, Nhà máy còn sửa chữa, hồi phục các loại động cơ tua bin khí M-2BE, động cơ phản lực KR-7 cho Quân chủng Hải quân; tham gia phục hồi máy bay thế hệ II làm hiện vật trưng bày tại các bảo tàng, hỗ trợ cho hoạt động chuyên môn của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh thành phố Hồ Chí Minh…


Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng BQP kiểm tra dây chuyền sửa chữa động cơ hàng không

 Trải qua hơn 36 năm xây dựng và trưởng thành, cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân của Nhà máy luôn đoàn kết, chủ động, khắc phục mọi khó khăn, sáng tạo trong công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Ghi nhận những thành tích trên, Nhà máy đã được Nhà nước trao tặng 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng Ba. Đặc biệt, Phân xưởng Sửa chữa trực thăng được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.


Sửa chữa khung vỏ trực thăng
Trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân chủng PK-KQ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới, nhiệm vụ của Nhà máy có sự phát triển mới. Để hoàn thành nhiệm vụ, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng và sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về hiện đại hoá Quân chủng PK-KQ. Theo đó, Nhà máy tập trung nâng cao tính chủ động, năng lực sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật nói chung, động cơ phản lực hàng không và trực thăng thế hệ mới nói riêng; đồng thời, đẩy mạnh khả năng tự sản xuất vật tư, kỹ thuật, nâng cao tỷ trọng phụ tùng được sửa chữa trong nước. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy hết sức chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; trong đó, tập trung nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho cán bộ chủ trì và thợ bậc cao, thợ lành nghề. Sau hơn 10 năm tiếp thu công nghệ và sửa chữa động cơ phản lực hàng không, Nhà máy đã xây dựng được đội ngũ thợ có kinh nghiệm và khả năng tiếp cận công nghệ mới; trong đó, lực lượng thợ của dây chuyền sửa chữa động cơ phản lực hàng không đã cơ bản làm chủ được công nghệ. Tuy nhiên, nhiều người trong đội ngũ cán bộ, kỹ sư và thợ kỹ thuật trình độ cao của Nhà máy tuổi đã cao. Vì vậy, để có nguồn nhân lực chất lượng cao kế tiếp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, Nhà máy luôn coi trọng xây dựng, phát triển đội ngũ thợ trẻ bằng nhiều hình thức, biện pháp. Trong bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, Nhà máy tập trung bồi dưỡng cho những thợ đã qua đào tạo tại Trường Sĩ quan Không quân (lực lượng thợ lành nghề chủ yếu của Nhà máy) để họ vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vừa có năng lực tiếp thu công nghệ mới về sửa chữa kỹ thuật hàng không nói chung và động cơ phản lực hàng không nói riêng. Đặc biệt, việc lựa chọn, cử kỹ sư trẻ, công nhân, thợ kỹ thuật có tay nghề cao làm việc và tiếp thu công nghệ mới từ các chuyên gia nước ngoài là một trong những biện pháp hiệu quả được Đảng uỷ, Ban Giám đốc Nhà máy coi trọng. Bên cạnh đó, Nhà máy còn giao nhiệm vụ, tạo cơ chế nhằm khuyến khích thợ lành nghề trong tổ chức bồi dưỡng, đào tạo thợ trẻ thông qua thực tế sửa chữa các sản phẩm tại Nhà máy. Công tác huấn luyện, bồi dưỡng cho đội ngũ thợ được tiến hành một cách toàn diện, cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, kỷ luật và trình độ chuyên môn. Ngoài ra, Nhà máy còn thường xuyên liên hệ với các đơn vị để phát hiện, xin thợ kỹ thuật có trình độ, kinh nghiệm về khai thác, sử dụng kỹ thuật hàng không; đồng thời, lựa chọn, tiếp nhận thợ cơ khí, thợ mạ… được đào tạo từ các trường để bổ sung vào đội ngũ. Mặt khác, để có lực lượng cán bộ, thợ lành nghề kế cận, Nhà máy đã đề nghị được tuyển dụng và đào tạo đội ngũ thợ trẻ, khoẻ, có nguyện vọng phục vụ lâu dài trong Quân đội, nhất là con em cán bộ, công nhân để gửi đi đào tạo ở các trường, tạo nguồn cơ bản, lâu dài cho Nhà máy.


Gia công cơ khí sửa chữa chi tiết động cơ phản lực hàng không
Công tác sản xuất, sửa chữa phục hồi và tạo nguồn vật tư kỹ thuật giữ vai trò rất quan trọng đối với việc nâng cao năng lực và chất lượng sửa chữa kỹ thuật hàng không. Trong điều kiện nhà xưởng xuống cấp, nhiều máy móc, trang, thiết bị lạc hậu, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Nhà máy thực hiện chủ trương đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất vật tư kỹ thuật, năng lực sửa chữa phụ tùng phức tạp cho các loại trực thăng. Hiện nay, Nhà máy đã sửa chữa theo trạng thái được ổ quay chính, ổ quay đuôi, cánh quay chính và các thiết bị điện, điện tử… cho một số loại trực thăng trong Quân chủng. Trước tình hình phần lớn vật tư kỹ thuật và phụ tùng phục vụ sửa chữa trực thăng, động cơ hàng không phải mua bằng ngoại tệ rất tốn kém và ngày càng khan hiếm, để chủ động trong sản xuất, Nhà máy đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu, liên kết với các cơ sở sản xuất vật tư kim loại và phi kim loại thay thế, nâng cao năng lực sửa chữa phục hồi nhiều chi tiết bằng áp dụng công nghệ mạ phục hồi, phun đắp kim loại và gia công cơ khí... đáp ứng yêu cầu sửa chữa kỹ thuật hàng không.

Quán triệt quan điểm tự lực, tự cường, đẩy mạnh phát triển kinh tế để tạo nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ quốc phòng, Nhà máy đã liên kết với các nhà máy bạn, các cơ sở sản xuất công nghiệp ở khu vực để tận dụng khả năng công nghệ của Nhà máy tham gia các hoạt động kinh tế (hợp đồng sửa chữa với Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Trực thăng Biên hòa; kết hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn Cao su Việt trong chế tạo các loại gioăng cao su; với nhà máy Z.751 để chế tạo các loại đệm bảo hiểm chịu nhiệt cho động cơ hàng không; với Trung tâm đo lường khu vực 2 để kiểm định các phương tiện đo…). Qua đó, vừa tận dụng và nâng cao công nghệ, năng lực thực tế phục vụ tốt hơn cho nhiệm vụ quốc phòng, vừa có điều kiện nâng cao đời sống cán bộ, công nhân của Nhà máy. Hiện nay, sự phát triển nhanh của khoa học - công nghệ nói chung, khoa học - kỹ thuật hàng không nói riêng, đòi hỏi Nhà máy phải thường xuyên coi trọng việc cập nhật và đổi mới công nghệ; trong đó, trọng tâm là chuẩn bị các điều kiện cần thiết, khi cấp trên cho phép là có thể hiện đại hoá các dây chuyền sửa chữa phụ tùng trực thăng và tiếp thu công nghệ sửa chữa động cơ phản lực hàng không thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ của Quân chủng trong thời gian tới.

Thực tiễn quá trình xây dựng và phát triển, Đảng uỷ, Ban Giám đốc Nhà máy đã rút ra bài học lớn: khi nào cấp uỷ, chỉ huy các cấp quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, giữ vững nguyên tắc lãnh đạo, cán bộ, công nhân đoàn kết, thì dù có nhiều khó khăn, thách thức Nhà máy vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; ngược lại, sẽ dẫn đến tình trạng nội bộ mất đoàn kết, cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật và Nhà máy không hoàn nhiệm vụ. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Nhà máy thường xuyên thực hiện tốt là xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà máy vững mạnh toàn diện. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị trung tâm của Nhà máy. Để thực hiện nhiệm vụ đó, Đảng uỷ, Ban Giám đốc Nhà máy luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chỉ huy các cấp, trực tiếp là Đảng uỷ, chỉ huy Cục Kỹ thuật Quân chủng; tập trung xây dựng, kiện toàn các tổ đảng, tổ chức quần chúng vững mạnh, giữ vững nguyên tắc lãnh đạo, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, kết hợp nhuần nhuyễn, hiệu quả giữa tập thể lãnh đạo với phân công cá nhân phụ trách. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp; trọng tâm là đổi mới quy trình xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết lãnh đạo các nhiệm vụ kỹ thuật, công nghệ, vật tư; về quản lý và rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy, khắc phục các khâu yếu, mặt yếu của Nhà máy và từng phân xưởng. Cùng với đó, Nhà máy luôn coi trọng việc phát huy vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo của các tổ chức Công đoàn, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên trong giáo dục, động viên, nâng cao ý thức, trách nhiệm làm chủ của đoàn viên và người lao động, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ của Nhà máy.

Trước tình hình giá cả tăng cao, thu nhập thực tế của người lao động giảm, Nhà máy đã chủ động có biện pháp nhằm góp phần giảm bớt khó khăn, bảo đảm đời sống cho cán bộ, công nhân, nhất là phấn đấu nâng cao mức thu nhập thực tế cho các đối tượng, bảo đảm cao hơn lương quân hàm và bậc thợ. Ngoài ra, Nhà máy có chính sách ưu đãi, động viên thợ lành nghề, tay nghề cao đã đến tuổi nghỉ hưu tiếp tục phục vụ và kèm cặp nâng cao tay nghề, truyền thụ kinh nghiệm cho thợ trẻ của Nhà máy. Việc bảo đảm chế độ chính sách hậu phương cho cán bộ, công nhân luôn được Nhà máy quan tâm chu đáo, nhất là duy trì nền nếp khen thưởng thường xuyên, đột xuất cho những tập thể, cá nhân có thành tích, có sáng kiến làm lợi cho Nhà máy; tổ chức an dưỡng, nghỉ mát hằng năm cho 100% cán bộ, công nhân; có biện pháp giúp đỡ, động viên những gia đình còn khó khăn; chăm sóc, động viên con em cán bộ, công nhân học tập, rèn luyện tốt…; tiến hành xây dựng khu gia đình, tạo điều kiện để cán bộ, công nhân “an cư lạc nghiệp”, gắn bó với Nhà máy.

Những giải pháp chủ yếu, quan trọng này đã góp phần tạo sự ổn định và phát triển bền vững của Nhà máy; là cơ sở để cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân phấn đấu thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang khi đến thăm Nhà máy (ngày 11-9-2011): “…cần tiếp tục lập được nhiều thành tích mới to lớn hơn nữa, đặc biệt là sản xuất được nhiều linh kiện, phụ tùng thay thế cho các loại máy bay, phục vụ chiến đấu”, góp phần xây dựng Quân chủng PK-KQ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đại tá HỒ ĐỨC HẢI

Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Nhà máy

 

Ý kiến bạn đọc (0)