Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 29/01/2016, 15:36 (GMT+7)
Nhà máy A31 nâng cao năng lực sửa chữa, sản xuất khí tài, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ
Hóa nghiệm nhiên liệu tên lửa

Nhà máy sửa chữa tên lửa phòng không A31 (Cục Kỹ thuật, Quân chủng Phòng không - Không quân) thành lập ngày 24-01-1966. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nhà máy vừa tổ chức sửa chữa tại chỗ, vừa tham gia các đội sửa chữa cơ động tại các đơn vị chiến đấu, góp phần vào chiến thắng của Bộ đội Tên lửa Phòng không anh hùng. Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với vai trò là cơ sở sửa chữa tên lửa đầu ngành của toàn quân, Nhà máy được giao nhiệm vụ sửa chữa, đồng bộ các tổ hợp tên lửa phòng không (C-125M, C-75M); hóa nghiệm, phục hồi, sản xuất nhiên liệu tên lửa; nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mới vào sản xuất, sửa chữa và thực hiện các chương trình, dự án cải tiến, nâng cấp vũ khí, trang bị kỹ thuật phục vụ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của Quân chủng. Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Nhà máy đã sửa chữa vừa được gần 4.000 lượt bộ khí tài tên lửa phòng không; sửa chữa, hiệu chỉnh hàng chục nghìn lượt trạm nguồn điện, máy đo, đạn tên lửa, v.v. Ghi nhận những thành tích đó, Đảng, Nhà nước đã trao tặng Nhà máy danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trước yêu cầu xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc, từ năm 2010, Nhà máy được đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị, công nghệ sửa chữa, cải tiến tổ hợp tên lửa và nâng cấp hệ thống nhà xưởng, làm cơ sở nâng cao năng lực hoạt động. Ý thức rõ vinh dự, nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy đã quán triệt sâu sắc nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy Quân chủng, trực tiếp là Đảng ủy Cục Kỹ thuật, tập trung lãnh đạo nâng cao năng lực sửa chữa, sản xuất, phục hồi vật tư, khí tài với nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, Nhà máy chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Thực tế, sau nhiều năm tiếp nhận, vận hành dây chuyền công nghệ sửa chữa các tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung từ chuyên gia nước ngoài, Nhà máy đã đào tạo, xây dựng được đội ngũ thợ lành nghề giàu kinh nghiệm, làm chủ các dây chuyền sửa chữa hiện có và đủ khả năng tiếp cận công nghệ sửa chữa, cải tiến tên lửa thế hệ mới. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, kỹ sư và thợ kỹ thuật trình độ cao của Nhà máy phần nhiều đã lớn tuổi. Vì vậy, để có nguồn nhân lực chất lượng cao kế tiếp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Nhà máy coi trọng xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, kỹ sư, thợ trẻ có chất lượng cao, chuẩn hóa về trình độ, tay nghề, đảm bảo cân đối giữa các chuyên ngành. Đồng thời, tăng cường công tác huấn luyện, đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề cho đội ngũ này với nhiều hình thức, biện pháp phù hợp thực tế sản xuất, sửa chữa của Nhà máy. Trong đó, đi sâu huấn luyện khai thác, sử dụng công nghệ mới, các trang thiết bị hiện đại để tăng “độ sâu” sửa chữa, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, Nhà máy nhận đăng cai và cử những cán bộ, kỹ sư trẻ, công nhân, thợ kỹ thuật có tay nghề cao tham gia các lớp huấn luyện thực hành chuyển loại khí tài, tiếp thu công nghệ mới từ các chuyên gia nước ngoài, coi đây là một biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Mặt khác, Nhà máy hiệp đồng với các trung tâm khoa học, các học viện, nhà trường trong và ngoài nước, cử cán bộ, kỹ sư, công nhân đi tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức toàn diện. Nhà máy còn tạo cơ chế nhằm khuyến khích đội ngũ thợ lành nghề bồi dưỡng, kèm cặp thợ trẻ thông qua thực tế sửa chữa các sản phẩm tại các phân xưởng. Những năm gần đây, Nhà máy tổ chức chặt chẽ thi nâng bậc cho nhân viên, thợ kỹ thuật các chuyên ngành; tổ chức 45 lớp huấn luyện, đào tạo cho gần 700 lượt người; đăng cai, tham gia 05 lớp huấn luyện chuyển loại khí tài đạt kết quả tốt.

Để có lực lượng cán bộ, thợ lành nghề kế cận tạo nguồn cơ bản, lâu dài, Nhà máy đề nghị cấp trên có chính sách ưu tiên tuyển dụng nguồn nhân lực, đội ngũ thợ trẻ có nguyện vọng phục vụ lâu dài trong Quân đội, nhất là con em cán bộ, công nhân, gửi đi đào tạo ở các trường trong và ngoài Quân đội.

Song song với xây dựng nguồn nhân lực, Nhà máy đẩy mạnh ứng dụng dây chuyền công nghệ mới vào sửa chữa, cải tiến và sản xuất, phục hồi vật tư kỹ thuật và xác định đây là yếu tố rất quan trọng để nâng cao năng lực, chất lượng sửa chữa các tổ hợp tên lửa. Thời gian qua, bên cạnh việc sửa chữa, sản xuất các loại vật tư, khí tài tên lửa truyền thống, Nhà máy chủ động đầu tư nâng cấp hệ thống nhà xưởng, hiện đại hóa các trang thiết bị và tích cực tham gia thực hiện các chương trình, dự án nâng cấp sửa chữa, cải tiến tổ hợp tên lửa thế hệ mới. Theo đó, Nhà máy được Quân chủng đầu tư xây dựng “Nhà công nghệ cao” và các dây chuyền công nghệ mới, trang thiết bị hiện đại để chẩn đoán, sửa chữa và sản xuất các mô-đun, bảng mạch điện tử, nhằm chủ động công tác bảo đảm kỹ thuật cho các tổ hợp tên lửa thế hệ mới có sử dụng công nghệ cao của Quân chủng. Quán triệt chủ trương đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nếu thực hiện tốt sẽ tạo nền tảng để tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ của Nhà máy. Trên cơ sở đó, Nhà máy chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của Cục Kỹ thuật Quân chủng xây dựng kế hoạch thực hiện và chuẩn bị chu đáo, từ con người đến cơ sở hạ tầng, mặt bằng công nghệ để triển khai các chương trình, dự án. Hiện nay, Dự án “Cải tiến tổ hợp tên lửa phòng không C-125M thành C-125-2TM” được triển khai đạt kết quả tốt; đội ngũ kỹ thuật của Nhà máy đã nắm vững, thành thạo quy trình công nghệ cải tiến tên lửa C-125-2TM ở mức độ IKD, sẵn sàng thực hiện các giai đoạn cải tiến tiếp theo và tiếp thu công nghệ tổng hiệu chỉnh khi được chuyển giao. Các bộ khí tài sau cải tiến đều được nghiệm thu đạt kết quả tốt, được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân chủng đánh giá cao.

Để nâng cao năng lực sản xuất, sửa chữa, phục hồi vật tư, khí tài, tiết kiệm chi phí, Nhà máy tạo điều kiện, động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, kỹ sư, thợ kỹ thuật tích cực nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sửa chữa, sản xuất và triển khai biên soạn, biên dịch tài liệu phục vụ công tác sửa chữa, nghiên cứu khoa học. Cán bộ, kỹ sư, công nhân của Nhà máy đã nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều thiết bị, bảng mạch điện tử, mô-đun kỹ thuật công nghệ cao; sửa chữa, phục hồi nhiều linh kiện, vật tư phục vụ sửa chữa khí tài và cung cấp cho các đơn vị, góp phần khắc phục khó khăn về khan hiếm vật tư, chủ động đảm bảo tiến độ sản xuất, chất lượng sản phẩm, làm lợi cho ngân sách hàng tỷ đồng. Nhờ đó, năng lực sửa chữa, sản xuất, chất lượng sản phẩm xuất xưởng của Nhà máy được nâng lên; giá trị sản lượng hàng hóa hằng năm đều vượt từ 10,6% đến 16,4%. Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, Nhà máy đã thực hiện 40 đề tài nghiên cứu khoa học và sáng kiến cải tiến kỹ thuật; biên soạn, biên dịch hơn 13.000 trang tài liệu công nghệ; tiêu biểu là đề tài: Nghiên cứu thiết kế, chế tạo bộ nguồn cơ động cung cấp cho khối YP-20 phục vụ hiệu chỉnh khí tài tên lửa phòng không C125-2TM và C125-M; Sáng kiến nghiên cứu khôi phục khối truyền tín hiệu cao tần trụ giao liên YB-110-2 (đài điều khiển tên lửa C125-M), được áp dụng có hiệu quả vào sửa chữa, cải tiến vũ khí, trang bị kỹ thuật tại Nhà máy.

Để có được kết quả đó, một trong những yếu tố quan trọng, quyết định là Nhà máy luôn coi trọng xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà máy vững mạnh toàn diện. Thực tiễn quá trình xây dựng và phát triển, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy đã rút ra bài học: khi nào cấp ủy, chỉ huy các cấp quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, giữ vững nguyên tắc lãnh đạo, cán bộ, công nhân đoàn kết, thì dù có nhiều khó khăn, thách thức, Nhà máy vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đảng uỷ, Ban Giám đốc luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chỉ huy các cấp, trực tiếp là Đảng ủy, chỉ huy Cục Kỹ thuật Quân chủng; tập trung xây dựng, kiện toàn các tổ đảng, tổ chức quần chúng vững mạnh, giữ vững nguyên tắc lãnh đạo, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, kết hợp nhuần nhuyễn, hiệu quả giữa tập thể lãnh đạo với phân công cá nhân phụ trách. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; trọng tâm là đổi mới quy trình xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết lãnh đạo các nhiệm vụ kỹ thuật, tiếp nhận dây chuyền công nghệ, sản xuất vật tư và xây dựng nền nếp chính quy, quản lý, rèn luyện kỷ luật, khắc phục các khâu yếu, mặt yếu. Cùng với đó, Nhà máy luôn coi trọng việc phát huy vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo của tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn trong giáo dục, động viên, nâng cao ý thức, trách nhiệm làm chủ của đoàn viên, hội viên và người lao động; thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm.

Trước tình hình giá cả tăng cao trong cơ chế thị trường, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động, Nhà máy đã chủ động đề ra biện pháp đồng bộ về sản xuất, tiết kiệm chi phí,… nhằm góp phần giảm bớt khó khăn, bảo đảm đời sống cho cán bộ, công nhân, phấn đấu nâng cao mức thu nhập thực tế cho các đối tượng, bảo đảm cao hơn lương quân hàm và bậc thợ. Nhà máy đã khai thác, sửa chữa một số vũ khí, trang bị kỹ thuật cho các quân chủng, binh chủng vừa để phát huy năng lực công nghệ hiện có, vừa góp phần ổn định việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người lao động. Việc bảo đảm chế độ chính sách hậu phương cho cán bộ, công nhân luôn được Nhà máy quan tâm chu đáo, nhất là duy trì chế độ khen thưởng thường xuyên, đột xuất cho những tập thể, cá nhân có thành tích, có sáng kiến làm lợi cho Nhà máy; có biện pháp giúp đỡ, động viên những gia đình khó khăn; chăm sóc, động viên con em cán bộ, công nhân có thành tích trong học tập, rèn luyện. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện dự án nhà ở, đất ở khu gia đình, nhà công vụ, tạo điều kiện để cán bộ, công nhân yên tâm công tác, gắn bó với Nhà máy.

Những giải pháp trên đã góp phần nâng cao năng lực sửa chữa, sản xuất khí tài, tạo sự ổn định và phát triển bền vững của Nhà máy. Đây là cơ sở để xây dựng Nhà máy A31 trở thành trung tâm dịch vụ tư vấn, sửa chữa, bảo dưỡng kỹ thuật tên lửa hàng đầu của Quân đội, góp phần xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tá TRƯƠNG XUÂN BÁCH, Giám đốc Nhà máy

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.