Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 14/03/2016, 08:17 (GMT+7)
Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội 65 năm đồng hành cùng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân

Là đơn vị làm nhiệm vụ văn hóa nghệ thuật, 65 năm qua, cán bộ, diễn viên, nhân viên Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội luôn nỗ lực, vượt qua khó khăn, đem lời ca, tiếng hát cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu, phục vụ chiến đấu của bộ đội và nhân dân trên mọi miền đất nước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chương trình “Tổ quốc - Quê hương - Người Chiến sĩ”, đạt Huy
chương Vàng tại Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân

Ra đời trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp1, dù tên gọi, nhiệm vụ có sự phát triển, song Nhà hát đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, thực hiện tốt quan điểm, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; bám sát và phản ánh sinh động thực tế cuộc sống, chiến đấu oanh liệt hào hùng của Quân đội và nhân dân. Với tinh thần ở đâu có bộ đội ở đó có lời ca, tiếng hát, những nghệ sĩ - chiến sĩ của Tổng đội Văn công năm xưa đã có mặt ở nhiều chiến dịch để biểu diễn phục vụ bộ đội, nhân dân. Các tác phẩm tuy còn đơn sơ, song là món ăn tinh thần không thể thiếu, nâng bước những người chiến sĩ, dân công quên đau đớn, mệt mỏi, dù vai bầm tím, chân bật máu vẫn quyết tâm kéo pháo, vận tải lương thực, vũ khí vào trận địa,… làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với khẩu hiệu: “Tiếng hát át tiếng bom”, những nghệ sĩ - chiến sĩ của Nhà hát không ngại gian khổ, ác liệt, đã hành quân đến các mặt trận, bên chiến hào, trên mâm pháo, tới mọi nẻo đường hai miền Nam - Bắc, mang lời ca, tiếng hát, điệu múa “tiếp lửa” nhiệt tình, cổ vũ tinh thần yêu nước và tuyên truyền chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho chiến sĩ và đồng bào miền Nam anh dũng chiến đấu, giết giặc lập công, đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trong những năm tháng ấy, nhiều nghệ sĩ của Nhà hát đã anh dũng hy sinh, góp phần quan trọng vào chiến công của quân và dân ta, tô đậm phẩm chất người nghệ sĩ - chiến sĩ trên chiến trường đánh giặc. Hình ảnh của họ, những lời ca, tiếng hát của họ cùng những tác phẩm ngày ấy còn đọng mãi với thời gian.

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bám sát định hướng hoạt động nghệ thuật phải vì chiến sĩ, sát thực tiễn chiến đấu, công tác của Quân đội, Nhà hát đã xây dựng các chương trình lớn, quy mô, với nội dung chủ đề tư tưởng sâu sắc, chất lượng nghệ thuật cao, tiếp tục lên đường đến các đơn vị, vùng sâu, vùng xa, biên cương của Tổ quốc để phục vụ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào. Vượt muôn trùng sóng gió, các nghệ sĩ còn đến các đảo ở Trường Sa, Nhà giàn để hát cho bộ đội nghe, động viên họ yên tâm, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nhà hát còn tích cực dàn dựng các chương trình biểu diễn phục vụ các sự kiện chính trị - xã hội lớn của Đảng, Nhà nước và Quân đội; giao lưu đối ngoại với quân đội và nhân dân nhiều nước, tạo được sự mến mộ, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa Quân đội và nhân dân ta với quân đội và nhân dân các nước bạn, v.v.

Có thể nói, bằng trí tuệ, công sức, sự cống hiến thông qua những tác phẩm nghệ thuật, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội đã góp phần khắc sâu bản chất, hình ảnh người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, dũng cảm trong chiến đấu, hăng say trong công tác; đem ánh sáng văn hóa - văn nghệ cách mạng của Đảng tới quần chúng, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giữ gìn, phát triển nền văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa tiên tiến; đấu tranh bài trừ tiêu cực, lạc hậu, ấn phẩm xấu độc và sự chống phá của các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Cán bộ, diễn viên, nhân viên của Nhà hát luôn được cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, nhân dân khen ngợi, yêu mến. Ghi nhận thành tích đó, Nhà nước đã tặng Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân và Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, v.v.

Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi, song cũng có nhiều khó khăn, thách thức. Sự chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa ngày càng quyết liệt; tác động của mặt trái kinh tế thị trường, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đặt ra yêu cầu cao đối với công tác tư tưởng nói chung, hoạt động văn hóa, văn nghệ nói riêng. Để tiếp tục đưa các giá trị nghệ thuật mang đậm nét tinh hoa văn hóa của dân tộc, nhân loại và hơi thở của đời sống hiện thực đến với bộ đội và nhân dân, động viên họ phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên các lĩnh vực công tác, Nhà hát xác định tiến hành đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp; trong đó, làm tốt mấy nội dung sau:

Một là, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, diễn viên đối với nhiệm vụ được giao. Dưới ánh sáng “Đề cương văn hóa” năm 1943 của Đảng đã giác ngộ, quy tụ các văn nghệ sĩ đi trong hàng ngũ trùng điệp của quần chúng nhân dân làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, trong đó nhiều người đã trở thành nghệ sĩ - chiến sĩ. Họ mong muốn được đem công sức, tài năng, lời ca, tiếng hát của mình phục vụ bộ đội, cống hiến cho cách mạng. Kế thừa kinh nghiệm đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà hát tổ chức tốt công tác giáo dục chính trị, học tập chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về văn hóa, văn nghệ, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 (khoá XI) về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khoá X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, v.v. Qua đó, làm cho mỗi cán bộ, diễn viên, nhân viên thấy được vai trò, tầm quan trọng của hoạt động văn hóa, văn nghệ trong sự nghiệp cách mạng, như lời Bác Hồ dạy: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”2. Trên cơ sở nhận thức đúng, mỗi nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công nêu cao trách nhiệm đối với việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam, đưa văn hóa Đảng đến với cán bộ, chiến sĩ; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, tuyên truyền đặc biệt, không ngừng sáng tạo, yêu mến, gắn bó với nghề, với Nhà hát. Mỗi người tích cực học tập, rèn luyện, xây dựng cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng, không ngả nghiêng, dao động; không bị lôi kéo trước cái xấu, cái sai; không có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kiên quyết đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, mưu đồ “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch.

Hai là, chăm lo xây dựng lực lượng vững mạnh, có trình độ chuyên môn tốt, đảm bảo tính kế tiếp giữa các thế hệ, độ tuổi phù hợp. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản, đảm bảo cho Nhà hát đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao. Để làm được điều đó, căn cứ vào kế hoạch hoạt động, Nhà hát tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho các lực lượng, theo phương châm: thông qua thực tiễn sáng tác, biểu diễn để bồi dưỡng, kết hợp bồi dưỡng tại chỗ với gửi đi đào tạo ở các nhà trường; thực hiện tốt việc quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng. Lãnh đạo, chỉ huy 02 Đoàn Ca múa, các phòng chức năng làm tốt công tác quản lý hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn theo quy chế, quy định của Nhà nước và Quân đội; định kỳ thực hiện đánh giá chuyên môn đối với cán bộ, diễn viên, nhân viên kỹ thuật để có biện pháp bồi dưỡng, đào tạo; khuyến khích họ tự học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ. Hội đồng chuyên môn, lực lượng sáng tác đề cao trách nhiệm, mở rộng cộng tác với các nhạc sĩ, biên đạo trong và ngoài Quân đội để vừa có tác phẩm mới, chất lượng, bổ sung cho các chương trình nghệ thuật, vừa học hỏi nâng cao trình độ nghiệp vụ. Việc tuyển dụng phải bảo đảm đúng quy định, nguyên tắc, chú trọng phát hiện những diễn viên, sinh viên được đào tạo cơ bản, có trình độ, năng lực chuyên môn tốt; những ca sĩ được giải trong các cuộc thi lớn có tâm huyết với nghề, tự nguyện phục vụ trong Quân đội, đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí để tuyển dụng, bổ sung vào lực lượng, nhất là những bộ phận còn thiếu, yếu.

Ba là, đảm bảo tốt chế độ chính sách, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, diễn viên, nhân viên. Một thực tế là, trước sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường, sự phát triển của các phương tiện, hình thức thông tin, giải trí làm thay đổi thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của một bộ phận khán giả và cán bộ, chiến sĩ, nên những nhạc sĩ sáng tác, nghệ sĩ biểu diễn, biên đạo có những trăn trở, giảm cảm xúc trong sáng tác, thiếu gắn bó với nghề, với Nhà hát. Vì vậy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải quan tâm, chăm lo mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, nhân viên, nhất là các đồng chí có hoàn cảnh khó khăn, sao cho đời sống của họ không thua kém nhiều với các nghệ sĩ bên ngoài; đồng thời, làm tốt công tác khen thưởng, biểu dương, động viên những cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác, đạt giải thưởng cao trong các cuộc thi, v.v. Trên cơ sở bảo đảm tốt các chế độ, chính sách hiện có, ở từng Đoàn, cơ quan cần tạo điều kiện để các nghệ sĩ phát huy khả năng trong phạm vi quy định, bảo đảm cho họ vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vừa có thể nâng cao trình độ, đời sống. Cơ quan chức năng cấp trên cần quan tâm, nghiên cứu, xây dựng các chế độ, quy định nhằm tôn vinh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ văn nghệ sĩ nói chung, đội ngũ cán bộ, diễn viên Nhà hát nói riêng, thu hút tài năng trẻ trên lĩnh vực nghệ thuật vào phục vụ trong Quân đội.

Bốn là, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, Nhà hát vững mạnh toàn diện, lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt mọi nhiệm vụ. Trong đó, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt, năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến của các chi bộ; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo phân công cá nhân phụ trách. Các cấp ủy tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý đảng viên; nhất là nắm, quản lý tư tưởng, các mối quan hệ xã hội, kịp thời định hướng, giúp đỡ họ trong thực hiện nhiệm vụ. Hằng năm, phấn đấu bồi dưỡng kết nạp được 3 đến 5 đảng viên từ lực lượng diễn viên mới, trẻ, bổ sung, tạo nguồn phát triển lâu dài. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, tạo phong trào hành động cách mạng sâu rộng để cán bộ, đảng viên, diễn viên tu dưỡng, rèn luyện, chấp hành nghiêm kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, Nhà hát vững mạnh toàn diện.

Phát huy truyền thống 65 năm qua, mỗi cán bộ, diễn viên, nhân viên Nhà hát không ngừng nỗ lực, tiếp tục sáng tạo những tác phẩm có giá trị, nâng cao chất lượng biểu diễn để cổ vũ bộ đội và nhân dân thi đua lập nhiều thành tích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, làm đẹp thêm hình ảnh người nghệ sĩ - chiến sĩ trong thời kỳ mới.

Đại tá, NSƯT. NÔNG THỊ BÍCH KIM, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên
___________________

1 - Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, tiền thân là Tổng đội Văn công (thuộc Tổng cục Chính trị), thành lập ngày 15-3-1951 tại xóm Mè, xã Hạ Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb. CTQG, H. 2011, tr. 246.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.