Thứ Bảy, 23/11/2024, 09:49 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Trong suốt 35 năm (24-3-1979 – 24-3-2014) xây dựng, trưởng thành, các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ngành Kỹ thuật Quân khu 2 luôn đề cao tinh thần “chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường”, nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào thành tích vẻ vang của lực lượng vũ trang Quân khu.
Ngành Kỹ thuật Quân khu 2 có chức năng tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh (BTL) Quân khu 2 và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị về công tác kỹ thuật (CTKT); đồng thời, trực tiếp tổ chức thực hiện các mặt CTKT, là lực lượng nòng cốt bảo đảm kỹ thuật (BĐKT) cho lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu và tham gia nhiệm vụ giúp bạn Lào.
Những năm gần đây, nhiệm vụ của Quân khu có bước phát triển mới, nhu cầu bảo đảm trang bị, BĐKT tăng mạnh, CTKT của Quân khu rất nặng nề và gặp không ít khó khăn do số lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) cần bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp, đồng bộ lớn, yêu cầu đòi hỏi cao,… Trong khi đó, tổ chức lực lượng Ngành, năng lực của hệ thống kho tàng, cơ sở BĐKT các cấp chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Số lượng VKTBKT Quân khu quản lý, sử dụng lớn, đa dạng về chủng loại, phần lớn thuộc thế hệ cũ, đã xuống cấp, hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, mất an toàn cao; phân cấp ở nhiều địa phương, đơn vị; đầu mối phải bảo đảm trên địa bàn rộng, địa hình rừng núi hiểm trở, dễ bị chia cắt, v.v.
Ý thức sâu sắc nhiệm vụ được giao, ngành Kỹ thuật Quân khu đã có những giải pháp mang tính đột phá, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả CTKT, xác định đây vừa là mục tiêu cấp thiết trước mắt, vừa cơ bản lâu dài, nhằm tạo sự chuyển biến về chất trong CTKT, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của LLVT Quân khu trong tình hình mới.
Để thực hiện tốt mục tiêu trên, với vai trò là lực lượng nòng cốt, ngành Kỹ thuật Quân khu đã chỉ đạo và triển khai toàn diện các mặt CTKT, chú trọng phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, đơn vị, địa phương trong thực hiện, bằng nhiều biện pháp đồng bộ, phù hợp. Trong đó, tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:
Một là, chủ động tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CTKT. Ngành Kỹ thuật Quân khu, trước hết là Cục Kỹ thuật luôn quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về CTKT, nhất là Nghị quyết 382-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và bám sát nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của Quân khu, đặc điểm địa bàn, tích cực nghiên cứu, tham mưu cho Đảng ủy, BTL Quân khu và lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị xây dựng nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo CTKT phù hợp, hiệu quả. Nổi bật là, Ngành đã tham mưu cho Quân khu xây dựng, triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 382-NQ/ĐUQSTW và Cuộc vận động 50; tham mưu cho Đảng ủy Quân khu đưa nội dung “Quản lý chặt chẽ vũ khí, trang bị” thành khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân khu (lần thứ VII) và ra Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện nội dung đột phá này trong LLVT Quân khu. Qua đó, tạo bước chuyển biến quan trọng trong công tác quản lý, đảm bảo an toàn VKTBKT ở các địa phương, đơn vị, nâng cao chất lượng CTKT. Cùng với đó, Ngành đã đề xuất các giải pháp đổi mới phương thức BĐKT; quy hoạch sử dụng, đồng bộ VKTBKT hiện có; kiện toàn tổ chức, xây dựng chính quy cơ quan kỹ thuật các cấp; tham mưu cho Quân khu quy hoạch, nâng cấp hệ thống cơ sở BĐKT các cấp, phù hợp với tổ chức lực lượng của Quân khu và quy hoạch xây dựng khu vực phòng thủ, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên từng địa bàn; huy động, khai thác nguồn ngân sách địa phương tăng cường nguồn kinh phí cho CTKT, nhất là bảo đảm cho nâng cấp, cải tiến xe thiết giáp BTR-152, mua sắm bổ sung trang, thiết bị cho hệ thống kho, trạm, xưởng, nâng cao năng lực của các cơ sở BĐKT và điều kiện bảo quản, niêm cất VKTBKT. Xuất phát từ yêu cầu quản lý VKTBKT, đặc thù địa bàn, Ngành đã rà soát, đề nghị đưa ra khỏi biên chế các loại VKTBKT lạc hậu, không còn phụ tùng thay thế, phù hợp với quy hoạch sử dụng trước mắt cũng như lâu dài.
Hai là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật (CB,NVKT) đủ khả năng làm nòng cốt thực hiện CTKT. Đây là nội dung then chốt, có ý nghĩa quyết định hiệu quả CTKT, kết quả hoàn thành nhiệm vụ của Ngành. Nhận thức rõ điều đó, một mặt, Quân khu đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của bộ đội, nhất là đội ngũ CB,NVKT đối với CTKT; mặt khác, chủ động rà soát, kiện toàn hệ thống tổ chức, xây dựng cơ quan, đơn vị kỹ thuật các cấp vững mạnh, chính quy, phù hợp với yêu cầu tổ chức, xây dựng LLVT Quân khu. Trước thực trạng đội ngũ CB,NVKT của Quân khu mất cân đối về lứa, lớp; trình độ, tay nghề nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thợ kỹ thuật có tay nghề cao còn ít; CB,NVKT ở các tỉnh biên giới, đơn vị ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu nhiều,… Ngành đã có các biện pháp đồng bộ về tư tưởng, tổ chức, chính sách và chuyên môn, tập trung xây dựng đội ngũ CB,NVKT có bản lĩnh chính trị vững vàng, từng bước chuẩn hóa về trình độ, tay nghề; chú trọng phát triển đội ngũ thợ đầu ngành ở các cơ sở BĐKT cấp Quân khu, nhân viên, thợ kỹ thuật giỏi ở đơn vị cơ sở, đơn vị ở vùng sâu, vùng xa và thợ sửa chữa VKTBKT thế hệ mới. Thời gian qua, Cục đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng đội ngũ CB,NVKT; thực hiện đa dạng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng; duy trì nền nếp công tác huấn luyện kỹ thuật; đẩy mạnh đổi mới tổ chức, phương pháp, nội dung huấn luyện sát với yêu cầu thực tiễn CTKT. Thực hiện đột phá “Nâng cao chất lượng huấn luyện”, các đơn vị đã bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc, sát nhiệm vụ đơn vị”, kết hợp hài hòa huấn luyện toàn diện và chuyên sâu, huấn luyện kỹ thuật thường xuyên với tập huấn, tổ chức hội thi, hội thao, thi nâng bậc thợ cho các đối tượng,... Đặc biệt, Cục chỉ đạo các đơn vị mạnh dạn bổ nhiệm cán bộ kỹ thuật trẻ đủ tiêu chuẩn; phối hợp với các cơ sở kỹ thuật, dạy nghề trên địa bàn để gửi thợ kỹ thuật thuộc một số chuyên ngành đến làm việc, tạo điều kiện để họ tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao trình độ, tay nghề1. Bằng các biện pháp đó, đến nay, đội ngũ CB,NVKT của Quân khu đã có sự phát triển về mọi mặt. So với năm 2007, bậc thợ trung bình của CB,NVKT tăng 0,5 bậc; số cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học và sau đại học tăng từ 47% lên 51%. Quân khu phấn đấu đến năm 2015, 100% cán bộ kỹ thuật cấp sư đoàn, lữ đoàn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và tương đương có trình độ đại học, chủ nhiệm kỹ thuật các đơn vị nói trên có trình độ sau đại học,… tạo cơ sở để Ngành nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác.
Ba là, tích cực huy động các nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư nâng cấp hệ thống kho kỹ thuật, trạm, xưởng sửa chữa ở các cấp. Trước thực tế hầu hết các kho cất chứa VKTBKT, trạm, xưởng sửa chữa của Quân khu có cơ sở hạ tầng xuống cấp, trang thiết bị, công nghệ phần lớn đã lạc hậu,… ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động CTKT, Ngành đã tham mưu cho BTL Quân khu tiến hành xây dựng Quy hoạch hệ thống kho tàng kỹ thuật giai đoạn 2010 - 2020 và Quy hoạch hệ thống cơ sở trạm, xưởng các cấp theo Chương trình thực hiện Nghị quyết 382-NQ/ĐUQSTW, đảm bảo chính quy, thống nhất, liên hoàn từ cấp Quân khu đến các đơn vị, gắn với thế trận khu vực phòng thủ địa phương. Đồng thời, tích cực huy động các nguồn lực, nhất là phát huy nội lực và khai thác nguồn ngân sách của các địa phương để đầu tư củng cố, nâng cấp toàn diện các cơ sở này. Để đạt hiệu quả cao, Ngành thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, dứt điểm cho từng đơn vị, ưu tiên những hạng mục thiết thực phục vụ CTKT của đơn vị và cơ sở BĐKT trên các hướng chiến dịch, các đơn vị chủ lực, tỉnh biên giới, đơn vị ở địa bàn trọng điểm. Đến nay, hệ thống kho kỹ thuật của toàn Quân khu đã được củng cố một bước; nhiều nhà kho vũ khí, đạn của các đơn vị, huyện (thị xã) được di dời, đầu tư xây mới; gần 80% số nhà kho, nhà che VKTBKT đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Các cơ sở sửa chữa cấp chiến dịch, chiến thuật được đầu tư cơ bản, nâng cấp cả về mặt bằng công nghệ và trang, thiết bị, với hàng nghìn mét vuông mặt bằng công nghệ được làm mới, hàng trăm trang, thiết bị công nghệ được bổ sung cho các trạm, xưởng; trong đó, có nhiều trang, thiết bị bảo dưỡng, sửa chữa chuyên ngành hiện đại. Đặc biệt, Quân khu đã đầu tư chiều sâu công nghệ, nâng cấp Trạm sửa chữa T81 thuộc Kho K79 thành Xưởng sửa chữa tổng hợp, bảo đảm cho hướng Tây của Quân khu; xây dựng và đưa Trung tâm dịch vụ Kỹ thuật ô tô công nghệ cao vào hoạt động, góp phần làm chủ BĐKT cho dòng xe thế hệ mới; mặt khác, ưu tiên đồng bộ các công trình xa để tăng cường khả năng sửa chữa cơ động. Những kết quả đó là bước đầu, quan trọng, giúp nâng cao một bước năng lực, trình độ công nghệ trong sửa chữa, bảo dưỡng VKTBKT của Ngành; cơ sở để Ngành thực hiện tốt phân cấp sửa chữa, kết hợp BĐKT tại chỗ theo khu vực với bảo đảm cơ động, đáp ứng kịp thời cho mọi nhiệm vụ của LLVT Quân khu.
Bốn là, tập trung làm tốt công tác BĐKT cho VKTBKT. Đây là một nhiệm vụ trọng tâm của CTKT được Ngành chú trọng chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Cùng với chỉ đạo làm tốt công tác tiếp nhận, cấp phát, điều chuyển, thu hồi VKTBKT theo quy định, Cục yêu cầu các chuyên ngành, cơ quan, đơn vị kỹ thuật các cấp thực hiện nghiêm chế độ, quy định trong CTKT; đẩy mạnh công tác bảo dưỡng, sửa chữa, đồng bộ VKTBKT theo phân cấp. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng sửa chữa tại đơn vị; phát huy năng lực của các xưởng Quân khu trên các hướng chiến dịch; kết hợp chặt chẽ giữa sửa chữa tại chỗ với sửa chữa cơ động; ưu tiên sửa chữa, đồng bộ VKTBKT cho các đơn vị đủ quân, đơn vị binh chủng, các tỉnh biên giới, đơn vị làm nhiệm vụ trên hướng Tây và VKTBKT làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ cứu nạn. Thực hiện chỉ đạo của Ngành, các đơn vị đã duy trì nghiêm chế độ “Giờ Kỹ thuật”, “Ngày Kỹ thuật”, thực hiện tốt việc bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất, gắn với thực hiện Cuộc vận động 50; đồng thời, tăng cường công tác kiểm định, thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng VKTBKT ở các cấp. Cùng với đó, Quân khu chủ động mua sắm, sản xuất, tạo nguồn phụ tùng, vật tư kỹ thuật đồng bộ phục vụ kịp thời cho công tác BĐKT thường xuyên và dự trữ theo quy định. Nhờ vậy, những năm qua, các chỉ tiêu CTKT của Quân khu luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra; hệ số kỹ thuật của VKTBKT được duy trì vững chắc, chất lượng và độ tin cậy ngày càng cao, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ của LLVT Quân khu.
Đại tá VĂN TIẾN DŨNG
Chủ nhiệm Kỹ thuật Quân khu ______________
1 - Năm 2013, Ngành đã gửi bổ túc nâng cao trình độ cho 02 thợ mài trục cơ tại Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp; 14 thợ sửa chữa xe ô tô thế hệ mới tại các xưởng sửa chữa dân sự.
Kỹ thuật,Quân khu 2
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm