Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 16/01/2012, 16:15 (GMT+7)
Ngành Kỹ thuật Binh đoàn Hương Giang đẩy mạnh nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật

Binh đoàn Hương Giang là đơn vị chủ lực, cơ động. Vì vậy, công tác bảo đảm kỹ thuật cho các nhiệm vụ giữ vai trò hết sức quan trọng. Hiểu rõ điều đó, ngành Kỹ thuật Binh đoàn đã thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm kỹ thuật; trong đó, đẩy mạnh nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật là một trong những giải pháp đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo đảm cho các lực lượng của Binh đoàn sẵn sàng cơ động chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống.

alt

Phòng Mô hình huấn luyện của Tiểu đoàn Sửa chữa tổng hợp 51, Cục Kỹ thuật, Quân đoàn 2. (nguồn: qdnd.vn)


Hiện nay, tình trạng vũ khí, trang bị kỹ thuật (VK,TBKT) do Binh đoàn quản lý phần lớn đã qua nhiều năm khai thác, thiếu đồng bộ, vật tư kỹ thuật thay thế ngày càng khan hiếm; trong khi yêu cầu nhiệm vụ của Binh đoàn đòi hỏi các loại VK,TBKT phải luôn có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao. Trước tình hình đó, cùng với các giải pháp về xây dựng tổ chức, nâng cao trình độ của cán bộ, chiến sĩ..., Đảng ủy, chỉ huy Cục Kỹ thuật Binh đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật (SK,CTKT) trong toàn Binh đoàn với lực lượng nòng cốt là các cơ quan, đơn vị kỹ thuật. Những năm qua, phong trào phát huy SK,CTKT đã phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, thu hút được đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia. Các sản phẩm từ phong trào phát huy SK,CTKT đa dạng, phong phú; sau khi nghiệm thu, ứng dụng vào thực tiễn đã góp phần thiết thực duy trì và nâng cao hệ số kỹ thuật cho VK,TBKT, góp phần bảo đảm cho Binh đoàn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, như: nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập thực binh có sử dụng VK,TBKT, hành quân cơ động đường dài ở nhiều loại địa hình, phòng chống giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ các sự kiện chính trị… Đặc biệt, có nhiều SK,CTKT góp phần trực tiếp nâng cao khả năng cơ động của Binh đoàn, như: “Máy nén khí cơ động dùng để nạp cho bình khởi động xe tăng, thiết giáp”; “Cần cẩu hộp số, ly hợp chính cơ cấu hướng xe tăng T-54B trong dã ngoại”; “Cẩu mi-ni trong tháo lắp hộp số xe ô tô”; “Kích quay xe tại chỗ”; “Thiết bị nâng, hạ, xếp dỡ hòm đạn trong kho”; “Trụ kê hạ kích nhanh”; “Giá nâng hạ lốp đặc chủng xe, pháo”; “Thiết bị ép tuy-ô cao su đa năng”;… Trong giai đoạn 2006 – 2011, đã có 08 SK,CTKT được công nhận cấp Bộ, trong đó có 02 SK,CTKT đạt giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo. Tại Hội thi SK,CTKT Binh đoàn lần thứ 6 (tháng 8-2011), ngành Kỹ thuật Binh đoàn có 41 SK,CTKT được công nhận; trong đó, có 18 sáng kiến đạt tiêu biểu xuất sắc.

Từ kết quả đạt được, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu sau: 

Một là, phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, coi hoạt động SK,CTKT là nhiệm vụ thường xuyên của các ngành, các cấp trong toàn Binh đoàn. Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trong Binh đoàn đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về mục đích, ý nghĩa của phong trào phát huy SK,CTKT; trong đó, tập trung giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng của hoạt động SK,CTKT, xác định đó là một nội dung hoạt động của công tác khoa học - công nghệ (KH-CN) trong Quân đội và là nội dung quan trọng để thực hiện Cuộc vận động 50. Trong tình hình hiện nay, hoạt động SK,CTKT còn là hành động thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Thông qua tuyên truyền, giáo dục đã khơi dậy ý thức, trách nhiệm, tinh thần phấn đấu, niềm đam mê sáng tạo trong công tác của mỗi người. Nhờ vậy, phong trào phát huy SK,CTKT trong các cơ quan, đơn vị của Binh đoàn đã phát triển rộng khắp, đa dạng về lĩnh vực, có chất lượng tốt, hiệu quả ứng dụng cao trong thực tiễn huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu, phòng chống thiên tai. Nội dung nghiên cứu đã hướng vào mục tiêu giảm sức người, tăng năng suất lao động, tăng độ an toàn hoặc nâng cao tính năng kỹ thuật, chiến thuật của VK,TBKT trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.

Hai là, cơ quan kỹ thuật các cấp thực hiện tốt chức năng tham mưu; đi đầu trong phong trào phát huy SK,CTKT. Thời gian qua, Cục Kỹ thuật Binh đoàn đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý KH-CN, đề xuất với Hội đồng KH-CN về định hướng nghiên cứu SK,CTKT phù hợp với từng giai đoạn; đặc biệt, ưu tiên nghiên cứu các giải pháp bảo đảm kỹ thuật, nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của vũ khí, trang bị (VK,TB). Trên cơ sở nhiệm vụ, khả năng, thế mạnh của từng đơn vị, Cục Kỹ thuật Binh đoàn chỉ đạo cơ quan kỹ thuật các cấp phát huy vai trò nòng cốt trong hoạt động SK,CTKT, xác định nội dung nghiên cứu theo từng chuyên ngành. Trong đó, tập trung nghiên cứu về cơ động VK,TBKT và xếp dỡ hàng hóa nhanh nhất; sản xuất trang bị, thiết bị phục vụ cho sửa chữa cơ động, dã ngoại... Ngoài ra, còn nghiên cứu chế tạo các mô hình học cụ phục vụ cho huấn luyện, khôi phục các trang bị, thiết bị, hợp lý hóa dây chuyền công nghệ trong bảo đảm kỹ thuật; nghiên cứu sản xuất các thiết bị bảo đảm an toàn lao động và giữ vệ sinh môi trường...

Để đẩy mạnh phong trào phát huy SK,CTKT, Cục thành lập tổ trung tâm nghiên cứu SK,CTKT gồm các đồng chí có trình độ chuyên môn cao, am hiểu các lĩnh vực và có nhiều ý tưởng sáng tạo. Ngoài nhiệm vụ tự nghiên cứu SK,CTKT, tổ này, còn chịu trách nhiệm thẩm định, sơ tuyển các SK,CTKT của Ngành, giúp tác giả làm hồ sơ và định hướng phát triển của sáng kiến (nếu thấy cần thiết). Những đề án đăng ký có tính khả thi cao, ngay từ đầu năm, Cục trích một phần kinh phí hỗ trợ, tạo thuận lợi cho việc triển khai nghiên cứu. Nhờ đó, liên tục trong các hội thi gần đây do Binh đoàn tổ chức, ngành Kỹ thuật đã đóng góp nhiều SK,CTKT đạt chất lượng lượng tốt, được Hội đồng KH-CN đánh giá cao.

Ba là, phải thường xuyên củng cố, kiện toàn hội đồng khoa học các cấp; đồng thời, quan tâm bồi dưỡng và phát huy trách nhiệm, sự sáng tạo của cán bộ kiêm nhiệm về công tác KH-CN và môi trường ở đơn vị cơ sở. Đây chính là bộ phận có nhiệm vụ tư vấn cho người chỉ huy về các vấn đề thuộc lĩnh vực KH-CN, trong đó có các hoạt động nghiên cứu SK,CTKT trong đơn vị. Những năm qua, Hội đồng KH-CN của Binh đoàn thường xuyên được kiện toàn, đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, từng bước đưa công tác quản lý hoạt động SK,CTKT đi vào nền nếp. Cùng với đó, một số đơn vị còn thành lập tổ nghiên cứu khoa học, do cán bộ kiêm nhiệm KH-CN phụ trách để giúp Hội đồng KH-CN về hoạt động SK,CTKT. Tổ nghiên cứu khoa học sẽ trực tiếp trao đổi với các cá nhân, tập thể về những ý tưởng, giải pháp triển khai SK,CTKT của họ và đưa ra ý kiến đóng góp, tư vấn, nhằm tìm ra giải pháp tối ưu. Đối với những giải pháp có tính khả thi và đem lại hiệu quả thiết thực sẽ được báo cáo với Hội đồng KH-CN để triển khai thực hiện; đồng thời, hướng dẫn tác giả làm hồ sơ đăng ký, phương pháp thuyết trình; sau đó tổng hợp xây dựng kế hoạch nghiên cứu SK,CTKT theo đúng quy chế, hướng dẫn và làm văn bản báo cáo với cơ quan chuyên môn cấp trên. Ngoài ra, tổ nghiên cứu khoa học sẽ chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra quá trình thực hiện; theo dõi, nhận xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu SK,CTKT của các cá nhân, tập thể. Hằng năm, các đơn vị lấy đó làm căn cứ để đưa vào nhận xét, đánh giá trong phong trào Thi đua Quyết thắng; khen thưởng cho cá nhân xuất sắc bằng những phần thưởng tương xứng.

Thực tế cho thấy, các SK,CTKT thường tập trung giải quyết một vấn đề cụ thể trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, tuy không đòi hỏi nhiều về kinh phí, nhưng vẫn cần phải có sự đầu tư để chế thử (có thể nhiều lần mới hoàn chỉnh). Vì vậy, khi giải pháp được xét duyệt sơ bộ là SK,CTKT, các đơn vị cần quan tâm đầu tư cả về nhân lực và vật lực, tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tác giả thực hiện.

Bốn là, phải chú trọng các hoạt động thông tin khoa học - kỹ thuật quân sự cho mọi đối tượng. Đây cũng là một nội dung của công tác kỹ thuật, nếu quan tâm thực hiện tốt, không những ngành Kỹ thuật hoàn thành nhiệm vụ công tác kỹ thuật mà còn giúp cho bộ đội có điều kiện tiếp cận kiến thức, công nghệ mới, qua đó sẽ nảy sinh ý tưởng mới trong hoạt động SK,CTKT. Có thể khẳng định rằng, mỗi SK,CTKT đều chứa đựng trong đó những hiểu biết sâu sắc của tác giả về tính năng, tác dụng, phương thức vận hành để đạt hiệu quả cao nhất. Điều đó chỉ có ở những người say mê công việc với tinh thần tự lực, tự cường, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hoặc cũng có trường hợp đã nung nấu những ý tưởng hay, nhưng lúng túng trong triển khai vì thiếu kiến thức và kinh nghiệm, nếu nhận được lượng thông tin đang cần sẽ là nhân tố kích thích, gợi mở cho họ cách thức giải quyết hợp lý. Hiểu rõ điều đó, thời gian qua, cùng với thực hiện tốt công tác huấn luyện kỹ thuật, ngành Kỹ thuật Binh đoàn còn thường xuyên phổ biến rộng rãi, kịp thời những thông tin mới về khoa học - kỹ thuật quân sự tới mọi đối tượng trong đơn vị. Đồng thời, Ngành còn tích cực biên soạn, in ấn nhiều tài liệu kỹ thuật để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống của Ngành, trong đó có thành tích về phát huy SK,CTKT.

Năm là, định kỳ tổ chức hội thi SK,CTKT. Hội thi luôn là động lực thúc đẩy phong trào thi đua, là sự tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động; đồng thời, là nơi trao đổi, học hỏi kinh nghiệm tốt nhất. Tuy nhiên, nếu tổ chức hội thi SK,CTKT dày quá thì gây mệt mỏi cho các đối tượng dự thi và sẽ có ít sản phẩm tham gia; nếu thưa quá thì lại không kích thích được phong trào, dễ bị quên lãng. Kinh nghiệm từ 6 lần tổ chức hội thi của Binh đoàn cho thấy: đối với cấp sư đoàn, lữ đoàn nên tổ chức 2 năm 1 lần, cấp Binh đoàn 4 năm 1 lần là phù hợp.

Để bảo đảm cho hội thi thành công, điều quan trọng nhất là phải chuẩn bị chu đáo, tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ. Mỗi cấp tổ chức hội thi phải chú trọng thành lập ban giám khảo và thư ký hội thi; đồng thời, triển khai sớm các văn bản chỉ đạo thực hiện, như: soạn thảo quy chế, kế hoạch và hướng dẫn tổ chức hội thi, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tác giả có thêm thời gian làm tốt công tác chuẩn bị. Trước khi bước vào hội thi, tổ thư ký phải chuẩn bị đầy đủ các văn bản, hồ sơ, thủ tục của hội thi báo cáo ban chỉ đạo. Ban chỉ đạo tổ chức họp với chỉ huy các đầu mối để chốt số lượng SK,CTKT; thống nhất thời gian, địa điểm, quy cách trưng bày; cách thức chấm điểm, phương pháp báo cáo thuyết minh và phổ biến các quy định trong quá trình hội thi. Trong quá trình diễn ra hội thi SK,CTKT, ban chỉ đạo phải thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình, tổ chức điều hành hội thi khoa học, sát với điều kiện thực tế của đơn vị. Ban giám khảo được tổ chức theo các chuyên ngành, chấm điểm chặt chẽ, đúng quy chế hội thi, bảo đảm chính xác, khách quan, công bằng. Sau hội thi ở từng cấp, các đơn vị đều phải tổ chức rút kinh nghiệm, đánh giá ưu điểm, khuyết điểm, đề ra chủ trương, biện pháp khắc phục khâu yếu, mặt yếu; động viên, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể và cá nhân có thành tích trong hội thi. Đặc biệt, phải tiếp tục củng cố, hoàn thiện và có kế hoạch ứng dụng vào thực tiễn hoạt động ở đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị; nhất là, đối với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá NGHIÊM ĐÌNH TRUNG

Cục trưởng Cục Kỹ thuật

 
Ý kiến bạn đọc (0)