Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 24/05/2013, 15:16 (GMT+7)
Ngành Hậu cần Quân đoàn 1 tập trung nâng cao chất lượng công tác

Thấu suốt phương châm “thực túc binh cường”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh (BTL) Quân đoàn 1 và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong thực hiện công tác hậu cần (CTHC), xác định đây là một mặt công tác quan trọng, góp phần quyết định hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Vì vậy, công tác hậu cần của Quân đoàn đã đạt nhiều kết quả tích cực, được Tổng cục Hậu cần và các đơn vị trong toàn quân đánh giá cao.

Những năm gần đây, do giá các loại hàng hóa thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm (LTTP), xăng dầu tăng cao; tình hình thời tiết, bão, lũ diễn biến phức tạp, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có thời điểm bùng phát mạnh… đã gây nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến CTHC, đời sống bộ đội. Trong bối cảnh đó, ngành Hậu cần Quân đoàn, trước hết là Cục Hậu cần đã chủ động nắm chắc tình hình, bám sát nhiệm vụ của Quân đoàn và các chỉ thị, hướng dẫn của Tổng cục Hậu cần, kịp thời tham mưu cho Đảng ủy, BTL Quân đoàn và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị xây dựng chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo CTHC phù hợp; đồng thời, phát huy vai trò nòng cốt, triển khai nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả, coi trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác, nhất là chất lượng các mặt bảo đảm hậu cần (BĐHC), quyết tâm giữ ổn định đời sống bộ đội.

Kiểm tra chất lượng bữa ăn của bộ đội tại Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, Quân đoàn 1 (Nguồn: qdnd.vn)

Thực hiện mục tiêu trên, Ngành tập trung trước hết vào xây dựng cơ quan, đơn vị hậu cần các cấp vững mạnh về mọi mặt, đủ khả năng làm nòng cốt trong tổ chức, thực hiện CTHC. Theo đó, Đảng ủy, Chỉ huy Cục đã tham mưu cho Đảng ủy, BTL Quân đoàn kiện toàn tổ chức, biên chế của Ngành phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ ở từng cấp. Đồng thời, chỉ đạo các chuyên ngành, đơn vị tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, quan điểm phục vụ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần. Công tác tập huấn, huấn luyện hậu cần được Cục chỉ đạo tiến hành chặt chẽ, duy trì thành nền nếp, đảm bảo thiết thực, sát với tình hình thực tiễn, đặc thù nhiệm vụ của một đơn vị chủ lực, cơ động chiến lược. Cơ quan hậu cần các cấp đã đẩy mạnh đổi mới phương pháp công tác, xây dựng chính quy trong hoạt động CTHC; trong đó, tập trung vào duy trì nền nếp các chế độ CTHC; nâng cao chất lượng công tác kế hoạch, năng lực tham mưu, chỉ huy, điều hành BĐHC và cải cách hành chính trong lĩnh vực chuyên môn. Ngành đã triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; coi trọng và có nhiều biện pháp tích cực trong xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng ở các cơ quan, đơn vị hậu cần trong sạch, vững mạnh. Bên cạnh đó, Ngành duy trì, đẩy mạnh các phong trào thi đua, hoạt động hội thao, hội thi hậu cần; tích cực phát hiện, xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm về CTHC... trọng tâm hướng vào thực hiện tốt phong trào thi đua ‘‘Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy’’ gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Những việc làm trên đã tạo động lực xây dựng các cơ quan, phân đội hậu cần vững mạnh toàn diện - cơ sở để Ngành nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác.

Tập trung giữ ổn định và nâng cao chất lượng bảo đảm đời sống, sức khỏe bộ đội, với mục tiêu “ba ngon, hai đẹp”1, là một khâu đột phá, nội dung trọng tâm của Ngành trong cụ thể hóa chủ trương của Đảng ủy, BTL Quân đoàn về thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Để thực hiện tốt đột phá này, vấn đề mấu chốt là phải tạo được nguồn bảo đảm vững chắc, ổn định. Từ nhận thức đó, cùng với đẩy mạnh phân cấp bảo đảm, tạo nguồn từ các đối tác bên ngoài, phát huy hiệu quả của phương thức BĐHC theo cơ chế thị trường, Ngành coi trọng tạo nguồn tại chỗ, bằng cách tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tăng gia sản xuất (TGSX). Đảng ủy Quân đoàn và cấp ủy các đơn vị đã ban hành quy chế lãnh đạo công tác TGSX và dịch vụ; trong đó, gắn trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ chủ trì với kết quả TGSX của đơn vị; gắn kết quả TGSX với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bình xét thi đua khen thưởng của các tập thể, cá nhân, đánh giá đơn vị vững mạnh toàn diện. Vì vậy, phong trào TGSX của Quân đoàn ngày càng đi vào chiều sâu, đồng bộ ở cả ba cấp.

Trong quá trình thực hiện, Cục chỉ đạo các đơn vị tận dụng tối đa các nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, tổ chức TGSX phù hợp với điều kiện thực tế; đồng thời, tích cực xây dựng các mô hình điểm về TGSX để tổ chức rút kinh nghiệm, nhân rộng. Theo chỉ đạo của Ngành, các đơn vị đã tăng cường đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả các điểm TGSX tập trung; đẩy mạnh TGSX ở cấp tiểu đoàn theo mô hình “vườn - ao - chuồng - giàn”; tích cực đa dạng hóa vật nuôi, cây trồng; tổ chức trồng trọt theo hướng chuyên canh, thâm canh, đẩy mạnh xen canh, gối vụ; kết hợp chăn nuôi tập trung với phân tán, nuôi công nghiệp với truyền thống và tích cực áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ hiện đại vào TGSX. Điểm nổi bật trong TGSX, là Quân đoàn tập trung đẩy mạnh sản xuất tự túc cây, con giống và phát triển các mô hình tăng gia, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Năm 2012, Ngành đã tổ chức thi “Đơn vị TGSX giỏi”, tập trung vào ba đột phá: phát triển chăn nuôi lợn nái, nuôi cá và giàn cây leo. Hiện nay, các trại chăn nuôi tập trung cấp trung đoàn, lữ đoàn đều tổ chức nuôi lợn nái; các đơn vị chuyển hướng từ thả cá sang chăn nuôi cá. Nhiều mô hình TGSX mới, như: nuôi ếch, cá quả, cá sấu, cá diêu hồng, đà điểu, lợn lửng, bò sữa, gà Ai-cập… đã và đang phát huy hiệu quả tốt. Gắn với đẩy mạnh TGSX, Quân đoàn chú trọng đầu tư hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trạm chế biến, giết mổ tập trung, thực hiện khép kín từ sản xuất đến sử dụng sản phẩm. Với nỗ lực của toàn thể cán bộ, chiến sĩ, Quân đoàn đã xây dựng được hệ thống vườn, ao, chuồng, giàn, trạm chế biến cơ bản; duy trì thường xuyên trên 8.500 con lợn thịt, hàng trăm con lợn nái và 180 nghìn con gia cầm. Giá trị thu từ TGSX và dịch vụ (đã trừ chi phí) năm 2012 đạt trên 16 tỷ đồng. Quân đoàn đã tự túc được 100% nhu cầu rau xanh, thịt, trứng gia cầm, 82% nhu cầu cá tươi, hơn 60% nhu cầu lợn giống; qua đó, chủ động nguồn thực phẩm tươi, ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá rẻ hơn thị trường cùng thời điểm từ 05% - 20% (tùy từng loại), giúp giữ ổn định và cải thiện một bước chất lượng bữa ăn của bộ đội; đồng thời, góp phần tích cực vào việc bình ổn giá thị trường, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đóng quân.

Cùng với chủ động tạo nguồn, Ngành chú trọng nâng cao hiệu quả các mặt BĐHC bằng nhiều biện pháp thiết thực. Cơ quan hậu cần các cấp đã thực hiện đồng bộ các biện pháp để bảo đảm đúng, đủ tiêu chuẩn, định lượng ăn cho các đối tượng. Công tác quản lý, kiểm tra ăn uống được tiến hành chặt chẽ ở tất cả các khâu, từ nhập, xuất, chế biến đến chia ăn. Phong trào cải tiến, chế biến món ăn được các đơn vị đẩy mạnh. Quân đoàn đã kết hợp sử dụng nguồn kinh phí trên cấp với phát huy nội lực đầu tư đổi mới trang bị, thiết bị nhà ăn, nhà bếp, đảm bảo chính quy, thống nhất. Đến nay, Quân đoàn đã lắp đặt cho các đơn vị 79 bếp lò hơi, 120 tủ bảo quản thực phẩm, 118 bồn rửa i-nốc; đầu tư trang bị 580 máy lọc nước R.O tới đầu mối cấp trung đội; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bếp ăn... Do đó, chất lượng bảo đảm ăn, uống của bộ đội được nâng lên rõ rệt, định lượng, nhiệt lượng đều đạt và vượt quy định; hằng năm, 100% bếp ăn thuộc Quân đoàn đạt tiêu chuẩn “Bếp nuôi quân giỏi, quản lý tốt”. Thực hiện chủ trương “Xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội”, Cục đã chủ động khảo sát, đề xuất phương án xã hội hóa bếp ăn của 04 cơ quan Quân đoàn, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ. Công tác bảo đảm mặc luôn được Ngành gắn liền với công tác quản lý, hướng dẫn sử dụng, kiểm tra điểm nghiệm, nhất là với đối tượng chiến sĩ mới và các loại quân trang dùng chung, góp phần xây dựng chính quy trong toàn Quân đoàn.

Đối với công tác quân y, Ngành chỉ đạo hướng vào nâng cao chất lượng chuyên môn của quân y các tuyến; quản lý, bảo vệ, chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho bộ đội ngay từ tuyến cơ sở. Theo đó, hệ thống quân y các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn về nhân lực và trang bị, thiết bị2. Công tác giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, y đức cho đội ngũ thầy thuốc được Ngành đặc biệt chú trọng. Quân y các đơn vị đã chủ động phối hợp với hệ thống y tế dự phòng các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; tăng cường tuyên truyền, kiểm tra việc thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà ăn, nhà bếp; kết hợp y học hiện đại với y học dân tộc trong điều trị và phòng bệnh cho bộ đội. Vì vậy, tỷ lệ quân số khỏe của Quân đoàn luôn đạt cao (năm 2012, đạt 98,92%); tỷ lệ các bệnh ngoài da, lỏng lỵ… đều dưới mức cho phép. Mặt khác, Ngành tích cực triển khai hoạt động kết hợp quân - dân y, tổ chức tốt việc khám, chữa bệnh cho các đối tượng theo quy định; trong đó, có khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách trên địa bàn khó khăn. Qua đó, góp phần đáng kể vào việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tăng cường đoàn kết quân - dân.

Bảo đảm điều kiện ở và sinh hoạt của bộ đội được Ngành gắn với phong trào thi đua “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp”. Công tác xây dựng cơ bản được triển khai theo hướng tập trung, thống nhất, cơ bản, lâu dài; thực hiện đúng quy hoạch, quy chế, quy trình đầu tư và thứ tự ưu tiên. Cùng với đầu tư của cấp trên, Ngành tham mưu cho Quân đoàn huy động nội lực, đẩy mạnh tu bổ doanh trại, chống dột, chống sập, chống sét, cải tạo hệ thống lưới điện, bê-tông hóa sân, đường nội bộ; gia công, sửa chữa doanh cụ… Đến nay, Quân đoàn không còn nhà cấp bốn diện nguy hiểm và hố xí hở; 100% nhà cấp bốn còn nhu cầu sử dụng đã được tôn hóa; các tiêu chuẩn doanh cụ, điện, nước được bảo đảm đúng quy định; các đơn vị đều có đủ nước sạch sinh hoạt và nước tắm nóng cho bộ đội vào mùa đông.

Tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí là hành động thiết thực của ngành Hậu cần Quân đoàn trong “làm theo” tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây cũng là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả CTHC. Nhận thức sâu sắc điều đó, Ngành tích cực tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tiết kiệm, giữ tốt, dùng bền, chống lãng phí cho cán bộ, chiến sĩ và triển khai nhiều biện pháp thực hành tiết kiệm, nhất là trong đầu tư xây dựng cơ bản, TGSX, tạo nguồn, sử dụng xăng dầu, điện, nước… Cơ quan hậu cần các cấp đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động bảo đảm, kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm và quản lý; duy trì nghiêm các nguyên tắc, chế độ quy định trong CTHC; mở rộng đấu thầu trong mua sắm, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Mặt khác, Ngành thực hiện công khai các tiêu chuẩn, chế độ hậu cần; tham mưu cho các đơn vị ban hành hệ thống quy chế quản lý, sử dụng xăng dầu, điện, nước, doanh cụ…, thực hiện giao chỉ tiêu, định mức sử dụng cho từng nhiệm vụ, đầu mối đơn vị. Chỉ đạo các đơn vị phát huy vai trò của Hội đồng giá, thực hiện tốt việc duyệt giá, kiểm soát giá; đồng thời, đẩy mạnh các biện pháp tiết kiệm, như: hạn chế thải bỏ trong chế biến, nấu ăn; đầu tư thay thế, sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, tiết kiệm chất đốt; kết hợp vận chuyển hai chiều, kết hợp nhiều nhiệm vụ cho một chuyến xe… Với các biện pháp trên, nhiều năm qua, Quân đoàn không có hiện tượng tham ô, lãng phí, thâm hụt về tài chính. Năm 2012, Quân đoàn đã tiết kiệm được gần 12 tỷ đồng (ngoài số tiết kiệm 10% hạn mức xăng dầu, 10% điện năng). Từ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các đơn vị đã bổ sung kinh phí đưa vào ăn thêm, củng cố doanh trại, mua sắm doanh cụ, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội.

Phát huy kết quả đạt được, ngành Hậu cần Quân đoàn đang đẩy mạnh quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 623-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo CTHC Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả CTHC, thiết thực chào mừng 40 năm Ngày thành lập Quân đoàn, bảo đảm cho Quân đoàn hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

 

Thượng tá HÀ NHƯ LỢI

Chủ nhiệm Hậu cần Quân đoàn

 

 

___________

1 - Ba ngon: ăn ngon, uống ngon, ngủ ngon và hai đẹp: mặc đẹp, ở đẹp.

2- Riêng trong năm 2012, Quân đoàn đã đầu tư mua 05 máy nội soi tai, mũi, họng; 06 máy huyết học; 05 máy sinh hóa bán tự động và 05 máy xét nghiệm nước tiểu, trang bị cho bệnh xá của các đơn vị.

 

Ý kiến bạn đọc (0)