Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 22/06/2020, 08:37 (GMT+7)
Nâng cao chất lượng quản lý công nghệ trong công nghiệp quốc phòng

Quản lý công nghệ trong công nghiệp quốc phòng là công tác quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao cho Tổng cục Công nghiệp quốc phòng thực hiện, gồm: quản lý nhà nước về kỹ thuật an toàn trong sản xuất, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; quản lý thiết kế sản phẩm quốc phòng; quản lý kỹ thuật công nghệ, kỹ thuật an toàn và chất lượng sản phẩm các dây chuyền động viên công nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, chấn chỉnh việc đảm bảo kỹ thuật - công nghệ cho sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật và nghiên cứu thiết kế, chế thử các sản phẩm vũ khí, trang bị kỹ thuật mới phục vụ trực tiếp cho sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật tại các nhà máy của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Ý thức sâu sắc chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục Quản lý công nghệ, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng thường xuyên quán triệt hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý công nghệ. Trên cơ sở đó, tham mưu giúp Tổng cục ban hành các quy định, quy chế,… áp dụng vào các lĩnh vực hoạt động cụ thể trong Tổng cục; chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành chức năng chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện, kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc, chấn chỉnh hoạt động công nghệ tại các đơn vị, thu được kết quả tích cực.

Trong 05 năm qua, Cục đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng xây dựng và ban hành 02 thông tư, 06 quy chế, quy định về công tác bảo đảm công nghệ cho sản xuất quốc phòng và nghiên cứu chế tạo vũ khí, 78 thông tư về tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng và 116 tiêu chuẩn cơ sở về sản phẩm quốc phòng. Đồng thời, cấp giấy chứng nhận kết quả huấn luyện kiểm tra an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho 16.173 lượt đối tượng trong toàn quân; tập huấn về kiểm tra an toàn trong sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho 1.170 đối tượng là chỉ huy, quản lý; thẩm định đủ điều kiện sản xuất loạt cho 1.283 lượt sản phẩm quốc phòng; thẩm định, cấp giấy chứng nhận thiết kế sản phẩm quốc phòng cho 44 sản phẩm quốc phòng; chủ trì và tham gia nghiệm thu kết quả sản xuất loạt “O” của 21 sản phẩm quốc phòng do các đơn vị trong toàn quân sản xuất. Cùng với đó, Cục phối hợp khảo sát, đánh giá năng lực, chỉ đạo triển khai thực hiện 04 dây chuyền động viên công nghiệp tại các quân khu, quân đoàn; đảm bảo kỹ thuật - công nghệ cho sản xuất hàng trăm loại vũ khí, trang bị kỹ thuật tại các nhà máy, đảm bảo an toàn, chất lượng; triển khai thực hiện 197 đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ các cấp, kết quả của 90% số đề tài khoa học công nghệ trên đủ điều kiện áp dụng vào sản xuất loạt, trong đó có 56 loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới được đưa vào sản xuất loạt, trang bị trong Quân đội.

Thượng tướng Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thăm, kiểm tra phân xưởng lắp giáp ngòi của Nhà máy Z129

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý công nghệ trong công nghiệp quốc phòng vẫn còn những hạn chế cần sớm được khắc phục.

Trước yêu cầu xây dựng Quân đội theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; nhất là, thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển nền công nghiệp quốc phòng tự chủ, tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, là mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, trong bối cảnh khoa học công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, tác động không nhỏ đến nền công nghiệp quốc phòng, đòi hỏi phải nhanh chóng đổi mới công nghệ, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại. Trong khi đó, nguồn lực nội tại, nhất là nhân lực và tài chính để đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ của ta còn hạn chế; công nghiệp quốc gia thiếu nhiều yếu tố để hỗ trợ công nghiệp quốc phòng. Việc sắp xếp, tái cơ cấu các doanh nghiệp quân đội, nâng cao hiệu quả hoạt động đến năm 2020 và những năm tới theo Nghị quyết số 425-NQ/QUTW, ngày 18/5/2017 của Quân ủy Trung ương cũng đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh quy hoạch công nghệ, sắp xếp, tái bố trí các dây chuyền công nghệ phù hợp với cơ cấu tổ chức mới và thế bố trí của hệ thống phòng thủ chiến lược quốc gia.

Vì vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Cục chủ trương triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý công nghệ trong công nghiệp quốc phòng.

Trước hết, làm tốt chức năng tham mưu cho Tổng cục và Bộ Quốc phòng về quản lý nhà nước đối với công nghiệp quốc phòng và thực hiện khâu đột phá về nâng cao năng lực nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, tạo cơ sở pháp lý nâng cao chất lượng công tác quản lý công nghệ trong công nghiệp quốc phòng. Quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng về xây dựng nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến, hiện đại, lưỡng dụng, trực tiếp là: Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 16/7/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng; Nghị quyết số 791-NQ/QUTW, ngày 20/12/2012 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác khoa học công nghệ và môi trường trong Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 425-NQ/QUTW, ngày 18/5/2017 của Quân ủy Trung ương về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp quân đội đến năm 2020 và các năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, Cục tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giúp Tổng cục và Bộ Quốc phòng hoàn thiện, ban hành khung pháp lý chỉ đạo công tác quản lý công nghệ trong công nghiệp quốc phòng; tổng kết Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng, Pháp lệnh động viên công nghiệp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiến tới xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng. Đẩy nhanh tiến độ rà soát, hoàn thiện, ban hành mới các thông tư hướng dẫn thực hiện công tác quản lý công nghệ trong Tổng cục, chú trọng nâng cao năng lực đảm bảo vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao. Hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Bộ Quốc Phòng, Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Khoa học công nghệ trong tổ chức thực hiện các nội dung công tác quản lý công nghệ.

Cùng với đó, Cục tập trung nghiên cứu, tham mưu giúp Tổng cục đề xuất với Bộ quốc phòng hoạch định các quy hoạch, kế hoạch, chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ, phát triển các sản phẩm mới, nhất là vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao; đẩy mạnh hợp tác khoa học công nghệ trong và ngoài ngành, với các đối tác truyền thống, đối tác chiến lược để phát triển công nghệ mũi nhọn, tạo tiền đề phát triển vũ khí công nghệ cao. Trong đó, chú trọng đầu tư công nghệ nền và công nghệ cốt lõi để phát triển các loại vũ khí công nghệ cao, vũ khí răn đe chiến lược, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc. Kiện toàn thế bố trí công nghiệp quốc phòng trên các hướng, khu vực theo thế bố trí chiến lược của hệ thống phòng thủ quốc gia. Phối hợp chặt chẽ các ban, bộ, ngành để khai thác, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao, sản xuất các khối, linh kiện phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại. Sắp xếp doanh nghiệp quân đội gắn với quy hoạch công nghệ, sản phẩm, đảm bảo tập trung, chuyên môn hóa, tinh gọn bộ máy, tăng cường chủ động cho doanh nghiệp, gắn nghiên cứu với sản xuất.

Hai là, tăng cường công tác quản lý trong đảm bảo kỹ thuật - công nghệ cho sản xuất quốc phòng - kinh tế và nghiên cứu khoa học, chế thử sản phẩm mới. Theo đó, Cục tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện, đảm bảo đầy đủ tài liệu kỹ thuật cho sản xuất quốc phòng, nhất là các sản phẩm sản xuất loạt “O” và sản phẩm mới được Bộ Quốc phòng giao. Tăng cường tổ chức chấn chỉnh công nghệ sản xuất, đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm quốc phòng, trọng tâm là vũ khí hỏa lực, ngòi nổ và khí tài quang học. Đẩy mạnh đổi mới công tác quản lý khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng tuyển chọn cá nhân và đơn vị chủ trì đề tài, chất lượng xét thuyết minh đầu vào các đề tài khoa học công nghệ; đổi mới hoạt động của Hội đồng khoa học các cấp, gắn trách nhiệm các thành viên hội đồng với kết quả của các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ. Trước mắt, Cục tập trung chỉ đạo hoàn thành các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ các cấp giai đoạn 2015 - 2020 thuộc các đề án khoa học công nghệ để hoàn thiện vũ khí, trang bị kỹ thuật cho sư đoàn bộ binh và tạo tiền đề đảm bảo vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao, chuẩn bị đầy đủ các yếu tố để triển khai thực hiện tốt các quy hoạch, chương trình, đề án khoa học công nghệ khi được phê duyệt. Đẩy mạnh nghiên cứu, chế thử vũ khí có điều khiển thế hệ mới, vũ khí có điều khiển trên cơ sở vũ khí thông thường hiện có để lắp đặt lên các phương tiện cơ giới, tàu thuyền, v.v.

Cục tập trung nâng cao chất lượng công tác đảm bảo sản xuất quốc phòng trên các mặt: tài liệu kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ; an toàn vệ sinh công nghiệp, phòng, chống cháy nổ, v.v. Rà soát các yếu tố ảnh hưởng, tăng cường áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, khắc phục vướng mắc kỹ thuật trong nghiên cứu khoa học và sản xuất quốc phòng. Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Tổng cục Kỹ thuật về khắc phục, xử lý vướng mắc chất lượng sản phẩm quốc phòng trong quá trình khai thác, sử dụng.

Ba là, kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực quản lý công nghệ. Trước mắt, Cục tập trung nghiên cứu đề xuất với Bộ Quốc phòng và Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, bộ máy cơ quan Cục Quản lý công nghệ theo hướng tinh, gọn, mạnh, đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, thực hiện tốt chức năng tham mưu xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tại các đơn vị. Đẩy mạnh đổi mới công tác quản lý công nghệ; trong đó, tập trung xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu, số liệu thống kê phục vụ công tác quản lý công nghệ công nghiệp quốc phòng; số hóa dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng phần mềm xử lý thông tin và hỗ trợ ra quyết định trong công tác quản lý. Xây dựng, hoàn thiện năng lực quản lý công nghệ, thẩm định tài liệu kỹ thuật, xây dựng hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật công nghệ đóng tàu, từng bước làm chủ và nâng cao năng lực thiết kế tàu quân sự, v.v.

Cùng với các nội dung, giải pháp trên, Cục tăng cường công tác công nghệ thông tin và bảo đảm công nghệ trong thực hiện các dự án. Đối với các dự án đầu tư mở mới, Cục tập trung đảm bảo kỹ thuật công nghệ ngay từ giai đoạn đề xuất mục tiêu, nội dung và sản phẩm của từng dự án, bảo đảm tính khả thi của dự án và các hợp đồng nhận chuyển giao công nghệ. Đối với các dự án chuyển tiếp, đặc biệt là các dự án trọng điểm, Cục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ chế tạo, kiểm tra, thử nghiệm, nghiệm thu sản phẩm, tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, TS. DƯƠNG VĂN YÊN, Cục trưởng Cục Quản lý công nghệ, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.