Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 15/09/2022, 09:28 (GMT+7)
Nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Thủ đô

Trong những năm qua, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nói chung, trên địa bàn Thủ đô nói riêng có sự phát triển, với nhiều nhiệm vụ đột xuất, đặc thù. Đặc biệt, Hà Nội được xác định là một trong những địa bàn trọng điểm về bảo đảm an toàn cho các sự kiện; phòng, chống cháy, nổ; phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện giãn cách xã hội; tổ chức nhiều trung tâm cách ly, điều trị y tế và vận chuyển người bệnh,... cho khu vực phía Bắc và cả nước, nên nhu cầu bảo đảm kỹ thuật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và phục vụ các nhiệm vụ đột xuất khác của lực lượng vũ trang Thủ đô tăng mạnh. Trong khi đó, tình hình vật tư, phương tiện, vũ khí, trang bị kỹ thuật của các đơn vị bao gồm nhiều chủng loại, chất lượng không cao, thiếu đồng bộ; trang thiết bị trạm xưởng, kho tàng chưa đạt chuẩn, hành lang an toàn thu hẹp; ngân sách, vật tư bảo đảm khó khăn, giá cả biến động lớn; tổ chức, năng lực cán bộ, nhân viên kỹ thuật còn bất cập, v.v. Trước tình hình đó, Cục Kỹ thuật, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội phát huy vai trò nòng cốt, đổi mới, sáng tạo, triển khai đồng bộ, hiệu quả, chính quy các mặt công tác kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần hoàn thành thắng lợi công tác quân sự, quốc phòng, phòng, chống dịch hiệu quả, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Trước hết, Ngành tham mưu cho Đảng ủy, thủ trưởng Bộ Tư lệnh và cấp ủy, chỉ huy các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện các mặt công tác kỹ thuật. Trên cơ sở nắm chắc tình hình nhiệm vụ, lực lượng, phương tiện, năng lực bảo đảm kỹ thuật và quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên, Đảng ủy, chỉ huy Cục Kỹ thuật đã cụ thể hóa các chỉ tiêu nhiệm vụ, xây dựng lộ trình, phân cấp, phân quyền tổ chức thực hiện; chỉ đạo cơ quan kỹ thuật các cấp tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch kỹ thuật cho các nhiệm vụ khoa học, sát thực tế, bảo đảm sự phối hợp, thống nhất, liên thông giữa các cơ quan, đơn vị. Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị phát huy vai trò nòng cốt của ngành Kỹ thuật, huy động tối đa lực lượng, tập trung đột phá vào các nội dung trọng tâm, làm chuyển biến căn bản khâu yếu, mặt yếu trong công tác kỹ thuật. Đáng chú ý, thời gian qua, Cục đã tham mưu cho Bộ Tư lệnh quy hoạch tổng thể và lập dự án xây dựng hệ thống kho tàng; quy hoạch sử dụng, loại khỏi biên chế, thanh lý, xử lý vũ khí, trang bị; xây dựng Chương trình số 06-CTr/ĐU, ngày 23/3/2016 của Đảng uỷ Bộ Tư lệnh về nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Thủ đô trong tình hình mới. Tham mưu xây dựng và thực hiện hiệu quả các chương trình, mục tiêu giai đoạn 2016 - 2021, như: đồng bộ vũ khí trang bị; củng cố, nâng cấp kho; nâng cao năng lực trạm xưởng; khai thác làm chủ trang bị kỹ thuật mới; bảo đảm an toàn kho, phòng, chống cháy nổ, bảo đảm an toàn giao thông và Đề án 04 số 1385/ĐA-BTL, ngày 21/10/2016 về đổi mới và nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật trong lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội. Cùng với đó, Ngành tập trung quản lý kỹ thuật bảo đảm chính quy, khoa học; cụ thể hóa công việc đến từng chức danh nhân viên kỹ thuật; bổ sung quy trình quản lý; kế hoạch hóa mọi hoạt động; thống nhất hệ thống mẫu biểu; ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý vũ khí, trang bị, vật tư và điều hành công tác; kiểm kê chặt chẽ vũ khí, trang bị,... bảo đảm mọi hoạt động liên thông, liên hoàn, số liệu chính xác, thuận lợi nhất cho việc kiểm tra, điều hành của người chỉ huy.

Cùng với đó, Ngành chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chỉ huy các cấp quy hoạch, xếp cán bộ, nhân viên kỹ thuật đủ số lượng theo biên chế, đúng chuyên môn; đổi mới, nội dung, phương pháp huấn luyện kỹ thuật gắn với bồi dưỡng phẩm chất đạo đức. Thời gian qua, đi liền việc tuyển chọn, cử cán bộ, nhân viên kỹ thuật đi đào tạo, bồi dưỡng trong các nhà trường Quân đội, tập huấn do trên tổ chức, Ngành chú trọng tăng cường bồi dưỡng tại chỗ phù hợp từng đối tượng và hướng sử dụng. Trong đó, đi sâu bồi dưỡng cho cán bộ kỹ thuật về nghiệp vụ chỉ huy, quản lý, quy trình lập kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác kỹ thuật, nhất là năng lực dự báo, tham mưu cho người chỉ huy theo chức trách. Đối với nhân viên kỹ thuật, tập trung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, thống kê vũ khí, trang bị; quy trình công nghệ bảo dưỡng, sửa chữa, nhất là các hỏng hóc thường gặp trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; công tác an toàn trong tiếp xúc, sử dụng vũ khí, trang bị; an toàn, bảo hộ lao động, phòng, chống cháy nổ, v.v. Đồng thời, coi trọng huấn luyện nâng cao trình độ khai thác làm chủ phần mềm quản lý; huấn luyện cho các đối tượng làm nhiệm vụ trái chuyên môn và lực lượng khai thác trang bị kỹ thuật mới mua sắm, như: xe thang, xe chống khủng bố, hệ thống máy tiện tự động (CNC), v.v. Để đạt hiệu quả cao, Ngành chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kết hợp huấn luyện với thực hiện nhiệm vụ, lấy cọ xát thực tế để nâng cao tay nghề, đúc kết kinh nghiệm, tăng cường kỹ năng. Trong tất cả các nhiệm vụ, theo cương vị chức trách được giao, cán bộ kỹ thuật phải xây dựng kịch bản hành động cho cá nhân, phân đội thuộc quyền; huấn luyện bổ sung; bám phân đội, sửa sai tại chỗ trong thực hiện; rút kinh nghiệm, hoàn thiện giáo án huấn luyện cho các nhiệm vụ tiếp theo.

Song song với đó, Ngành chú trọng khuyến khích cán bộ, nhân viên kỹ thuật tự học tập và tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ về mọi mặt, khai thác hiệu quả vũ khí, trang bị có trong biên chế, nhất là vũ khí trang bị mới. Đồng thời, từng cá nhân tăng cường tu dưỡng, rèn luyện; đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chủ động, khắc phục khó khăn trong công tác; qua đó, làm cho mọi nhân viên kỹ thuật thường xuyên nêu cao trách nhiệm và luôn gắn bó với đơn vị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, Ngành tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp gắn đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch, sắp xếp nhân sự hợp lý; cân đối tốt vị trí công tác theo chuyên môn và điều kiện, hoàn cảnh cá nhân; không để một người quản lý quá nhiều nhà kho, nhiều loại vũ khí, trang bị. Ngành tích cực tổ chức và tham gia hội thi kỹ thuật do cấp trên tổ chức, như: Chính quy công tác kỹ thuật; Kho kỹ thuật; Công tác kỹ thuật và lái xe an toàn, v.v. Giai đoạn 2019 - 2022, Ngành tổ chức hàng chục lớp tập huấn, trên 20 hội thi, huấn luyện thi nâng bậc cho 304 lượt người,… góp phần quan trọng nâng cao trình độ, năng lực cán bộ, nhân viên kỹ thuật. Hiện nay, số thợ bậc cao đạt gần 17%, nhân viên kỹ thuật làm đúng chuyên môn đạt 98%; hằng năm, 100% luôn yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Để bảo đảm sẵn sàng cho mọi nhiệm vụ, Ngành triển khai đồng bộ hoạt động bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất, duy trì hệ số kỹ thuật. Các cơ quan, đơn vị duy trì chất lượng chế độ bảo quản ngày, tuần; tích cực huy động lực lượng, vật chất cao nhất thực hiện hiệu quả ngày kỹ thuật; tăng cường kiểm tra kỹ thuật, kịp thời sửa chữa các hư hỏng phát sinh; quản lý tốt trang cụ, quân cụ, vật tư, đồng bộ của vũ khí, trang bị; luân phiên, đổi hạt vật chất dự trữ,... với ưu tiên cao cho nhóm trang bị sẵn sàng chiến đấu. Duy trì bảo dưỡng, sửa chữa theo phân cấp, đúng chu kỳ, nhất là trang bị huấn luyện; thực hiện hiệu quả các chương trình đồng bộ của Tổng cục Kỹ thuật; khai thác và bảo đảm kỹ thuật đúng chế độ cho trang bị mới, hiện đại. Để nâng cao chất lượng bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất, Ngành chú trọng tiếp thu công nghệ mới, bổ sung trang thiết bị cho xưởng sửa chữa bảo đảm sửa chữa 100% vũ khí, trang bị theo phân cấp và sửa chữa được một số cụm khối cấp cao hơn, nhất là sửa chữa xe ô tô thế hệ mới và có năng lực dự phòng cho các tình huống. Đồng thời, tích cực huy động các nguồn lực củng cố hệ thống kho hiện có, đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng kho mới đã được quy hoạch và đầu tư, nâng cao quy chuẩn cất, chứa vũ khí, trang bị. Duy trì nghiêm chế độ khai thác, hoạt động, điều độ sản xuất của trang thiết bị trạm, xưởng, kho để phát huy hiệu quả vốn đầu tư. Đẩy mạnh phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; triển khai nền nếp, rộng rãi các khâu: đăng ký, thẩm định, phê duyệt, hỗ trợ,... các đề tài nghiên cứu kết hợp với tổ chức tốt hội thi sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Phối hợp với các nhà trường, viện nghiên cứu, cơ sở bảo đảm kỹ thuật để ứng dụng công nghệ mới, chia sẻ năng lực trong sản xuất vật tư, sửa chữa, niêm cất, khai thác trang bị mới. Từ năm 2019 đến nay, Ngành thực hiện 14 đề tài cấp Bộ Quốc phòng và cấp Thành phố; xây dựng 04 nhà để xe; 01 trạm sửa chữa tổng hợp; 01 trạm kiểm định,... với đầy đủ trang, thiết bị công nghệ mới; bảo quản, sửa chữa hàng trăm nghìn lượt vũ khí, trang bị, đồng bộ 88 lượt xe ôtô,... duy trì hệ số kỹ thuật nhóm sẵn sàng chiến đấu bằng 1, nhóm huấn luyện từ 0,85 - 1 và nhóm thường xuyên là 0,94.

Để phát huy sức mạnh của mọi lực lượng trong bảo đảm kỹ thuật, Cục tham mưu giúp Bộ Tư lệnh chỉ đạo kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động 50 các cấp và đẩy mạnh tuyên tuyền, thực hiện Cuộc vận động. Nội dung tuyên truyền tập trung vào mục tiêu, chỉ tiêu Cuộc vận động; hướng dẫn của Ban Chỉ đạo 50 Bộ Quốc phòng; các chỉ thị, nghị quyết về chương trình hành động phòng, chống tai nạn và tăng cường trật tự, an toàn giao thông,... nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi lực lượng trong quản lý, khai thác vũ khí, trang bị tốt, bền. Các cơ quan, đơn vị huấn luyện bộ đội nắm chắc, thực hiện nghiêm, đúng thao tác binh khí, quy tắc an toàn khi tiếp xúc với vũ khí, trang bị; thường xuyên kiểm tra chống sét, nhiệt độ, độ ẩm doanh trại, kho, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho vũ khí, đạn dược, vật tư, vật liệu dễ cháy; phân loại, thu gom, dồn dịch vũ khí, trang bị, thuận lợi trong quản lý, bảo quản và kịp thời xử lý đạn dược cấp 5 nguy hiểm. Ngành tham mưu xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch thực hành tiết kiệm, bảo đảm an toàn kho, vũ khí, trang bị, an toàn thông tin, nhất là an toàn giao thông. Đồng thời, kết hợp thực hiện Cuộc vận động với thực hiện: Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; nhiệm vụ chính trị; phong trào thi đua quyết thắng; chương trình giáo dục pháp luật; các chương trình tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng và trong hoạt động văn nghệ quần chúng,... làm cho Cuộc vận động trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục của lực lượng vũ trang Thủ đô.

Nhờ tham mưu đúng, quản lý “chính quy, an toàn”; linh hoạt phân bổ nguồn lực giữa nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất; sáng tạo, tự cường trong bảo dưỡng, sửa chữa; huy động tối đa nguồn lực vật chất, con người,... Ngành luôn bảo đảm vũ khí, trang bị, vật chất, tình trạng kỹ thuật đúng tiêu chuẩn, đủ số lượng và kịp thời cho mọi nhiệm vụ, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang Thủ đô, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

Đại tá MAI TRUNG TUYẾN, Chủ nhiệm Kỹ thuật, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.