Thứ Bảy, 23/11/2024, 03:03 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Những năm qua, vượt qua những khó khăn do tác động của thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường biến động,… công tác hậu cần Quân khu 5 tiếp tục đạt được kết quả quan trọng, toàn diện, góp phần bảo đảm cho Quân khu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Nổi bật là, ngành Hậu cần đã chủ động tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai các biện pháp thực hiện công tác bảo đảm hậu cần đầy đủ, kịp thời cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ khác, cả thường xuyên và đột xuất. Định kỳ rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn kiện và bảo đảm dự trữ vật chất, trang bị hậu cần cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu theo quy định; trọng tâm là bảo đảm cho các đơn vị bộ binh đủ quân, lực lượng làm nhiệm vụ ở các địa bàn trọng điểm, biên giới, biển, đảo, nhiệm vụ quốc tế, v.v. Đồng thời, tham mưu, phối hợp với các địa phương xây dựng tiềm lực và thế trận hậu cần phòng thủ Quân khu, khu vực phòng thủ các cấp vững mạnh; kịp thời kiện toàn Hội đồng cung cấp khu vực phòng thủ các cấp (sau đại hội Đảng), bổ sung quy chế hoạt động, bảo đảm phát huy tốt vai trò của Hội đồng trong bảo đảm hậu cần khu vực phòng thủ, nhất là trong diễn tập khu vực phòng thủ các địa phương.
Trong điều kiện khó khăn bởi tác động của dịch Covid-19, công tác hậu cần thường xuyên của Quân khu có sự điều chỉnh kịp thời, thích ứng an toàn với dịch bệnh và bảo đảm tốt đời sống, chăm sóc sức khỏe của bộ đội. Tích cực, chủ động tạo nguồn lương thực, thực phẩm; đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với nhiều mô hình mới đạt hiệu quả cao; phát huy hiệu quả hoạt động của trạm xay xát, sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng bữa ăn, giữ ổn định đời sống bộ đội. Đồng thời, chủ động khắc phục khó khăn, tập trung ngân sách đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản, bảo đảm đồng bộ về doanh trại, doanh cụ, điện, nước sinh hoạt cho bộ đội; bảo đảm xăng dầu cho các nhiệm vụ và công tác vận tải hằng năm.
Cùng với đó, ngành Hậu cần Quân khu đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, bảo đảm hậu cần kịp thời cho các nhiệm vụ đột xuất, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn. Năm 2020, mưa bão kéo dài gây ngập lụt, sạt lở đất tại nhiều nơi trên địa bàn Quân khu, ngành Hậu cần đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều phương án bảo đảm hậu cần cho các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả sạt lở đất tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My và xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành Hậu cần Quân khu đã nhanh chóng thích ứng, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch. Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 4 tại tỉnh Khánh Hòa; hoàn tất công tác chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng triển khai bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 3, số 7 và bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ tại 11 tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu. Đầu tư nâng cấp phòng xét nghiệm của Đội Y học dự phòng và Bệnh viện Quân y 13 đạt chuẩn an toàn sinh học cấp 2; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tốt việc lấy mẫu, xét nghiệm cho cán bộ, chiến sĩ Quân khu, các đơn vị của Bộ đứng chân trên địa bàn và nhân dân. Hoàn thiện kho bảo quản vắc xin của Quân khu đạt tiêu chuẩn GSP, tổ chức tiếp nhận, vận chuyển hơn 12 triệu liều vaccine cho các địa phương theo kế hoạch của Bộ Y tế; tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các đơn vị thuộc quyền và các đơn vị của Bộ đứng chân trên địa bàn, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Hướng dẫn, chỉ đạo bảo đảm hậu cần kịp thời, chu đáo cho nhiệm vụ tiếp nhận, cách ly công dân tập trung với hơn 70.000 lượt người. Đồng thời, tổ chức tốt việc tiếp nhận, cấp phát lương khô hỗ trợ cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương trên địa bàn phòng, chống dịch, cứu hộ, cứu nạn; tăng cường lực lượng, phương tiện, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho Quân khu 7, Bệnh viện Quân y 175, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch. Tích cực tham gia công tác đối ngoại quốc phòng, nhất là trong xây dựng các công trình hữu nghị; hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế trong phòng, chống dịch Covid-19 cho nước bạn Lào, Campuchia; sẵn sàng tăng cường lực lượng, phương tiện giúp nước bạn Lào phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm hậu cần Quân khu vẫn còn những mặt hạn chế, như: công tác tham mưu huy động các nguồn lực để quy hoạch, đầu tư xây dựng một số công trình thiết yếu trong căn cứ hậu cần gắn với khu vực phòng thủ của các địa phương còn chậm; việc tăng gia sản xuất ở một số đơn vị có bước phát triển nhưng chưa bền vững; công tác chăm sóc, quản lý sức khỏe bộ đội, hướng dẫn điều trị bệnh mãn tính ở một số đơn vị hiệu quả chưa cao. Từ thực tiễn công tác và kết quả đạt được, ngành Hậu cần Quân khu 5 rút ra một số kinh nghiệm quý; đồng thời, đó cũng là những giải pháp hiệu quả mà Quân khu tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy các cấp đối với công tác bảo đảm hậu cần. Đây là điều kiện cơ bản quyết định đến khả năng động viên, sử dụng hợp lý nhân lực, phương tiện, vật chất,… để công tác bảo đảm hậu cần đạt hiệu quả thiết thực. Để thực hiện tốt điều đó, trên cơ sở quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 623-NQ/QUTW, ngày 29/10/2012 của Quân ủy Trung ương “Về công tác Hậu cần Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Đảng ủy Quân khu, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp ra nghị quyết chuyên đề; cụ thể hóa thành chủ trương, giải pháp lãnh đạo hiệu quả. Trọng tâm là lãnh đạo thực hiện kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, giữa phát triển sản xuất với xây dựng, củng cố tiềm lực, thế trận hậu cần của khu vực phòng thủ ở từng địa phương, nhằm tạo nguồn hậu cần dồi dào, sẵn sàng được huy động, bảo đảm cho mọi hoạt động quân sự, quốc phòng của Quân khu.
Hai là, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, phát huy nội lực; tích cực đổi mới phương thức bảo đảm hậu cần gắn với đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong Quân đội. Trong đó, chú trọng đổi mới phương thức tạo nguồn, bảo đảm hậu cần theo hướng tập trung, thống nhất, phù hợp với đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ của đơn vị. Với địa bàn trải rộng trên 11 tỉnh, thành phố của vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, nhu cầu hậu cần bảo đảm cho các nhiệm vụ lớn, ngành Hậu cần Quân khu phát huy phương châm “4 tại chỗ”; chú trọng chuẩn bị tạo nguồn, dự trữ vật chất, trang bị hậu cần của địa phương và các đơn vị; mở rộng cả về số lượng mặt hàng và giao đơn vị trực tiếp tạo nguồn để vừa phát huy tối đa hậu cần tại chỗ, vừa đáp ứng yêu cầu bảo đảm kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, chính quy; chủ động khai thác, huy động mọi nguồn lực hậu cần nhanh nhất, kịp thời nhất bảo đảm cho bộ đội. Chỉ đạo công tác tăng gia sản xuất, chế biến theo mô hình bốn cấp kết hợp với duy trì có hiệu quả hoạt động của Hội đồng giá trong công tác tạo nguồn lương thực, thực phẩm.
Song song với đó, Ngành tích cực đổi mới phương thức dự trữ hậu cần cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Trong đó, coi trọng việc dự trữ vật tư, hàng hóa phù hợp với tình hình thực tế các cơ quan, đơn vị trên từng địa bàn; điều chỉnh tăng dự trữ một số loại vật chất thông thường trên các địa bàn dễ bị chia cắt để chủ động bảo đảm khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện quản lý quy hoạch doanh trại bảo đảm ổn định, bền vững, chính quy, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thẩm định hồ sơ dự án, thiết kế - dự toán, báo cáo cấp trên đúng quy trình; kết hợp đấu thầu rộng rãi và chỉ định thầu theo quy định của pháp luật.
Ba là, phát huy vai trò của cơ quan hậu cần, đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác hậu cần các cấp. Đây là một trong những bài học quý, nhằm phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt, quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm hậu cần. Do đó, Quân khu luôn chú trọng kiện toàn tổ chức biên chế ngành Hậu cần theo đúng quyết định của Bộ Quốc phòng; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Cùng với thực hiện tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo cán bộ hậu cần theo tiêu chuẩn, chỉ tiêu, Quân khu luôn coi trọng nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ tại chỗ; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần nhanh, nhạy trong tham mưu, giỏi nghiệp vụ, mẫu mực về đạo đức, lối sống “cần, kiệm, liêm, chính”; đẩy mạnh đổi mới lề lối, tác phong công tác theo hướng sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ, khoa học, quyết liệt, hiệu quả.
Bốn là, xây dựng nền nếp, tác phong chính quy trên các mặt công tác hậu cần; trước hết là trong thực hiện kế hoạch, chế độ chuyên môn, nghiệp vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính trong mọi lĩnh vực công tác, giảm bớt các thủ tục hành chính, tăng phân cấp, nâng cao trách nhiệm của cấp dưới. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tránh thất thoát, trọng tâm là trong các khâu mua sắm, tạo nguồn, đầu tư xây dựng cơ bản, v.v. Cấp ủy, chỉ huy các cấp coi trọng việc lồng ghép các nội dung công tác với các chỉ tiêu của phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” và phong trào Thi đua Quyết thắng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy xây dựng ngành Hậu cần Quân khu vững mạnh toàn diện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Bám sát nội dung, yêu cầu đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng cụ thể hóa thành các tiêu chí cho từng tập thể và cá nhân. Kịp thời sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích tốt, mô hình mới để nhân rộng điển hình tiên tiến.
Những kinh nghiệm trên là sự đúc kết những nỗ lực vượt qua khó khăn của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, mà nòng cốt là ngành Hậu cần của Quân khu trong quá trình thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những kinh nghiệm, bài học đó cần tiếp tục được vận dụng sáng tạo, phát triển, không ngừng nâng cao chất lượng công tác bảo đảm hậu cần, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của Quân khu 5 trong tình hình mới.
Đại tá NGÔ TIẾN SỸ, Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu
Quân khu 5,bảo đảm hậu cần,kinh nghiệm,Nghị quyết số 623-NQ/QUTW
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm