Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 15/08/2011, 03:36 (GMT+7)
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hậu cần ở Quân khu 2

Quân khu 2 bao gồm 9 tỉnh khu vực Tây Bắc, địa hình chủ yếu là rừng núi, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, giao thông khó khăn, kinh tế các địa phương chậm phát triển, nguồn khai thác hậu cần tại chỗ hạn chế, giá các mặt hàng có sự chênh lệch lớn giữa các vùng. Những năm gần đây, giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm, xăng dầu..., tăng cao; bên cạnh đó, thời tiết trên địa bàn diễn biến phức tạp, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm bùng phát mạnh ở một số địa phương... Những đặc điểm đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác hậu cần (CTHC) của Quân khu.


Thu hoạch cá ở Sư đoàn 316, Quân khu 2.
(Ảnh: Báo QĐND)

Trước những khó khăn đó, cơ quan hậu cần các cấp, trước hết là Cục Hậu cần, đã bám sát nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của Quân khu, đặc điểm địa bàn, chủ động làm tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu và cấp uỷ, chỉ huy cùng cấp xây dựng nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo CTHC phù hợp; đồng thời, tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp cả về tổ chức và chuyên môn nghiệp vụ, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này. Nhờ đó, CTHC của Quân khu đã đạt được kết quả toàn diện: tiềm lực, thế trận hậu cần khu vực phòng thủ (KVPT) của Quân khu được tăng cường một bước; hệ thống cơ sở bảo đảm hậu cần (BĐHC) các cấp được xây dựng, củng cố tương đối vững chắc; chế độ CTHC đi vào nền nếp, chính quy; chất lượng BĐHC ngày càng được nâng cao, công tác bảo đảm có nhiều đổi mới, sát với yêu cầu, nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị; đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu hậu cần cho các lực lượng trong Quân khu, nhất là lực lượng làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), đời sống của bộ đội được giữ vững ổn định và từng bước cải thiện...

Có được kết quả trên là do nhiều yếu tố; trong đó, ngành Hậu cần Quân khu với vai trò là lực lượng nòng cốt đã chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt những giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tập trung ưu tiên bảo đảm cho nhiệm vụ SSCĐ và các nhiệm vụ đột xuất của Quân khu. Theo đó, ngành Hậu cần Quân khu luôn đặc biệt quan tâm ưu tiên bảo đảm đầy đủ, kịp thời cho các đơn vị làm nhiệm vụ trên hướng, khu vực, địa bàn trọng điểm và các nhiệm vụ đột xuất khác. Cùng với việc chỉ đạo các đơn vị duy trì thực hiện nghiêm chế độ trực SSCĐ về hậu cần, tổ chức quản lý tốt các loại vật chất hậu cần dự trữ SSCĐ theo quy định, Cục Hậu cần Quân khu còn chỉ đạo hậu cần các đơn vị thực hiện rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn kiện hậu cần SSCĐ và chủ động dự kiến phương án BĐHC cho các tình huống đột xuất, cho phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn... sát với yêu cầu nhiệm vụ, phương án của từng lực lượng và đặc điểm địa bàn để chủ động bảo đảm. Bên cạnh việc tham mưu cho Quân khu điều chỉnh phân cấp dự trữ vật chất hậu cần SSCĐ phù hợp với nhiệm vụ của các đơn vị, Cục đã ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất về chủng loại, số lượng vật chất mang theo của đơn vị các cấp và cá nhân khi làm nhiệm vụ dã ngoại, tạo cơ sở để các đơn vị chủ động chuẩn bị, cơ động bảo đảm nhanh trong mọi tình huống. Trên cơ sở đó, cơ quan hậu cần các cấp đã tăng cường tổ chức huấn luyện, luyện tập BĐHC theo các phương án, tình huống đã xác định; trong đó, chú trọng huấn luyện nâng cao khả năng cơ động, kỹ năng thực hành bảo đảm của cơ quan, phân đội hậu cần ở địa hình rừng núi, khả năng tự bảo đảm của các đơn vị khi làm nhiệm vụ phân tán, nhỏ lẻ. Mặt khác, cơ quan hậu cần các cấp còn thường xuyên phối hợp, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các địa phương đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần KVPT, nhất là trong quy hoạch, xây dựng các căn cứ hậu cần, thực hiện kết hợp quân - dân y... Nhờ đó, khả năng BĐHC cho nhiệm vụ SSCĐ và xử lý các tình huống đột xuất của ngành Hậu cần Quân khu được nâng lên rõ rệt. Trong những năm qua, Ngành luôn bảo đảm kịp thời, có hiệu quả cho các lực lượng của Quân khu thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, tham gia phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn (điển hình là: khắc phục hậu quả lũ quét, sạt lở đất vào năm 2007, 2008 ở các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Hà Giang,... chống cháy rừng ở Lào Cai, Sơn La vào năm 2010), di dân giải phóng mặt bằng hồ thuỷ điện Sơn La và bảo đảm cho hàng ngàn lượt tổ, đội công tác làm nhiệm vụ vận động quần chúng trên các địa bàn.

Hai là, tổ chức phân cấp bảo đảm hợp lý, phát huy nội lực đẩy mạnh tăng gia sản xuất (TGSX), chủ động tạo nguồn tại chỗ vững chắc, ổn định lâu dài. Do địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, nên việc phân cấp tạo nguồn được Quân khu nghiên cứu rất kỹ lưỡng và phân cấp hợp lý cho đơn vị cấp trung đoàn, sư đoàn và tương đương tổ chức khai thác, bảo đảm tập trung. Để thực hiện có hiệu quả phương thức BĐHC trong điều kiện cơ chế thị trường, Cục chỉ đạo các đơn vị nắm chắc quy luật thị trường, chủ động tạo nguồn ở thời điểm có lợi; đồng thời, chỉ đạo các ngành nghiệp vụ phối hợp với ngành Tài chính, với Hội đồng giá Quân khu, Ban giá của các đơn vị, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động thu mua, khai thác.

Cùng với chủ động tạo nguồn từ các đối tác bên ngoài, Ngành đặc biệt coi trọng chỉ đạo đẩy mạnh TGSX nhằm tạo nguồn thực phẩm tại chỗ. Cơ quan Hậu cần Quân khu đã tham mưu cho Bộ Tư lệnh ban hành Chỉ thị số 43/CT-BTL về công tác TGSX và tham mưu cho cấp uỷ, chỉ huy các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Công tác TGSX được Quân khu tổ chức đồng bộ ở cả 3 cấp (cấp tiểu đoàn gắn với bếp ăn tập trung; cấp trung đoàn gắn với vườn rau chuyên canh, trại chăn nuôi, trạm chế biến, giết mổ tập trung; cấp sư đoàn, bộ chỉ huy quân sự tỉnh gắn với căn cứ hậu cần KVPT), thống nhất trong các loại hình đơn vị (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương) theo hướng tập trung, khép kín, bền vững, ổn định lâu dài. Trong quá trình thực hiện, Cục đã chủ động bảo đảm đủ nguồn vốn cho đơn vị; đồng thời, tích cực đầu tư xây dựng các mô hình điểm về TGSX phù hợp với từng loại hình đơn vị và địa bàn để tổ chức rút kinh nghiệm và nhân rộng. Những năm qua, Quân khu đã xây dựng thành công nhiều mô hình điểm về TGSX; tiêu biểu là mô hình TGSX của Trung đoàn 174 (Sư đoàn 316) đã được Tổng cục Hậu cần chọn làm điểm cho Hội nghị tập huấn Hậu cần chiến dịch toàn quân (năm 2011) tham quan, học tập. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả TGSX, Ngành chỉ đạo các đơn vị chú trọng lựa chọn cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện địa bàn; tăng cường đầu tư xây dựng, duy trì và phát huy hiệu quả các điểm TGSX, chăn nuôi tập trung; đẩy mạnh tự túc sản xuất cây, con giống; tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; kết hợp chặt chẽ giữa đẩy mạnh TGSX với nâng cao hiệu quả hoạt động xay xát, chế biến, thực hiện khép kín từ sản xuất đến sử dụng sản phẩm. Bên cạnh đó, Quân khu còn mạnh dạn thí điểm một số mô hình TGSX mới, như: nuôi ba ba, cá sấu, nhím, lợn rừng, nuôi lợn theo phương pháp sinh học; đầu tư dây chuyền sản xuất thịt hộp mini, sản xuất bánh mì... bước đầu cho hiệu quả tốt. Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 10/CT-BQP của Bộ Quốc phòng, từ đầu năm 2011 đến nay, công tác TGSX, tạo nguồn của Quân khu đã phát triển lên một bước mới, mang lại hiệu quả thiết thực. Kết quả 6 tháng đầu năm 2011, Quân khu đã tự túc được 100% định lượng rau xanh, 68,5% định lượng thịt, 21% định lượng cá. Qua đó, giúp các đơn vị đảm bảo ổn định và cải thiện một bước chất lượng bữa ăn của bộ đội; đồng thời, góp phần tích cực vào việc bình ổn giá cả thị trường, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Ba là, tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, tham nhũng, lãng phí trong CTHC. Đây là giải pháp quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả CTHC; đồng thời, là một nội dung trọng tâm trong Chương trình hành động của Quân khu thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ và Chỉ thị số 10/CT-BQP của Bộ Quốc phòng. Theo đó, Ngành đã thực hiện kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm và quản lý; duy trì nghiêm các nguyên tắc, chế độ quy định trong CTHC; tổ chức mở rộng đấu thầu trong sản xuất, mua sắm theo đúng quy chế, quy định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí ở tất cả các khâu trong quy trình BĐHC. Thời gian qua, Quân khu đã tập trung quản lý chặt chẽ hạn mức sử dụng xăng dầu, ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản, kinh phí tiền ăn, các hoạt động TGSX, tạo nguồn,... bằng nhiều biện pháp đồng bộ, đặc biệt là thông qua duyệt giá và kiểm soát giá. Hội đồng giá Quân khu, Ban giá của các đơn vị thường xuyên được kiện toàn, duy trì hoạt động có nền nếp, cùng với cơ quan hậu cần, tài chính các cấp thống nhất và quản lý chặt chẽ giá trong toàn Quân khu. Mặt khác, các cấp đã đẩy mạnh thực hiện dân chủ, công khai các tiêu chuẩn, chế độ; tham mưu cho chỉ huy đơn vị ban hành hệ thống quy chế quản lý, sử dụng xăng dầu, điện, nước, doanh cụ, doanh trại..., thực hiện giao chỉ tiêu, định mức sử dụng cho từng nhiệm vụ, từng đầu mối đơn vị. Trước tình hình giá lương thực, thực phẩm tăng cao, Ngành đã tăng cường kiểm tra đột xuất, kiểm tra chéo giữa các bếp ăn, tổ chức nấu mẫu, nấu đối chứng, nhất là thời điểm giá tăng đột biến và khi có sự điều chỉnh mức tiền ăn cơ bản, nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng nuôi dưỡng bộ đội. Cùng với đó, Ngành tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho cán bộ, chiến sĩ và triển khai thực hiện nhiều biện pháp để tiết kiệm kinh phí, vật tư, tài sản, công sức bộ đội trong hoạt động CTHC. Các đơn vị trong Quân khu đã thực hiện tốt chỉ tiêu tiết kiệm 10% điện năng, 20% hạn mức xăng dầu, tiết kiệm chất đốt...; riêng 6 tháng đầu năm 2011, toàn Quân khu đã tiết kiệm được trên 50 tấn than, giúp giảm tối đa chi phí chất đốt trong tiền ăn, nâng cao đời sống của bộ đội.

Bốn là, đẩy mạnh xây dựng cơ quan, đơn vị hậu cần vững mạnh toàn diện, trước hết là về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, tạo cơ sở thực hiện thắng lợi nhiệm vụ CTHC. Đây là giải pháp cơ bản, then chốt, quyết định hiệu quả CTHC, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Ngành. Nhận thức rõ điều đó, Quân khu luôn chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức, trách nhiệm, quan điểm phục vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ hậu cần. Các cơ quan, đơn vị đã chủ động rà soát, kiện toàn hệ thống tổ chức, biên chế theo đúng quy định của Bộ, phù hợp với yêu cầu tổ chức, xây dựng lực lượng của Quân khu trong tình hình mới; đồng thời, coi trọng tổ chức thực hiện kế hoạch huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ hằng năm. Nội dung huấn luyện của Ngành luôn bám sát yêu cầu thực tiễn, đặc điểm nhiệm vụ của địa phương, đơn vị; trong đó, tập trung vào nâng cao năng lực và chất lượng làm tham mưu, điều hành BĐHC của cán bộ, cơ quan hậu cần các cấp. Cùng với xây dựng lực lượng thường trực, các đơn vị còn thường xuyên phối hợp với địa phương xây dựng, huấn luyện và quản lý chặt chẽ lực lượng hậu cần dự bị động viên, xây dựng lực lượng, cơ sở hậu cần tại chỗ, nhất là trên các địa bàn trọng điểm, tuyến biên giới, để sẵn sàng huy động thực hiện nhiệm vụ khi cần thiết. Bên cạnh đó, Ngành đã đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” gắn với các cuộc vận động, phong trào Thi đua Quyết thắng và các hoạt động hội thi, hội thao của các ngành nghiệp vụ. Hiện nay, Quân khu đang đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 86/CT-BQP, ngày 23-5-2011 của Bộ Quốc phòng, kết hợp chặt chẽ phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” với việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhằm tạo động lực xây dựng Ngành vững mạnh toàn diện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hậu cần cho các lực lượng của Quân khu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong giai đoạn mới của cách mạng.

Đại tá NGUYỄN TIẾN PHƯƠNG

Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.