Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Tư, 16/05/2012, 16:46 (GMT+7)
Một số bài học kinh nghiệm trong xây dựng và huấn luyện của Lữ đoàn 490

alt
Lãnh đạo Binh chủng Pháo binh kiểm tra công tác SSCĐ và chụp ảnh với cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn
 

Lữ đoàn Tên lửa 490 thuộc Binh chủng Pháo binh thành lập ngày 24-5-1982. Được quản lý một khối lượng lớn vũ khí, trang bị kỹ thuật (VK,TBKT) đặc chủng, hiện đại, Lữ đoàn trở thành đơn vị tên lửa chiến lược đất đối đất đầu tiên của Quân đội ta, với nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ). Đó là một vinh dự đặc biệt, nhưng cũng là nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn, bởi yêu cầu nhiệm vụ rất cao, đòi hỏi nhiều cán bộ có trình độ đại học, trong khi đó, hầu hết cán bộ của Lữ đoàn chưa từng được trang bị kiến thức về chuyên ngành tên lửa. Do phát huy tốt truyền thống của Bộ đội Pháo binh anh hùng, cùng với sự quan tâm sâu sát của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Binh chủng, Lữ đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện và bước đầu làm chủ VK,TBKT được giao. Từ đó đến nay, chất lượng huấn luyện và trình độ SSCĐ của Lữ đoàn ngày càng được nâng lên vững chắc. Lữ đoàn không chỉ đạt danh hiệu “Đơn vị pháo binh huấn luyện giỏi”, mà còn dẫn đầu phong trào “Xây dựng đơn vị pháo binh huấn luyện giỏi” của Binh chủng và pháo binh toàn quân. Đó là kết quả của quyết tâm xây dựng đơn vị vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Từ thực tiễn xây dựng, huấn luyện và SSCĐ, Lữ đoàn đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích, trong đó có một số bài học chủ yếu sau đây:

Một là, phải thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo đơn vị hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Do yêu cầu chuyên nghiệp hóa cao và do tính chất nhiệm vụ, 95% quân số của Lữ đoàn là sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp, trên 60% quân số đơn vị là đảng viên. Với đặc điểm này, Lữ đoàn là một trong các đơn vị cùng khối có tỷ lệ đảng viên cao nhất. Đó là mặt thuận lợi lớn, song chưa đồng nghĩa với một đảng bộ mạnh. Nhận thức được điều đó, Đảng ủy Lữ đoàn đã thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, coi đó là điều kiện tiên quyết để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Căn cứ vào tình hình đơn vị, Đảng ủy Lữ đoàn chỉ đạo các cấp ủy tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho mọi đảng viên, cán bộ nhận thức sâu sắc nhiệm vụ được giao, đặc biệt là những thuận lợi, khó khăn của đơn vị; từ đó, xây dựng ý chí quyết tâm, trách nhiệm, đoàn kết để vượt qua khó khăn, thách thức. Do số đảng viên của Đảng bộ là quân nhân chuyên nghiệp chiếm tỷ lệ lớn (đây cũng là đối tượng cán bộ có thu nhập thấp) nên Đảng ủy coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo các cấp làm tốt công tác tư tưởng; đồng thời, thực hiện tốt công tác chính sách; qua đó, giáo dục cho cán bộ, đảng viên lòng yêu nghề, yên tâm với nhiệm vụ và gắn bó với đơn vị. Việc nâng cao chất lượng hoạt động lãnh đạo của các tổ chức đảng cũng được Đảng ủy Lữ đoàn thường xuyên quan tâm; trong đó, việc tổ chức giao ban bí thư chi bộ hằng tháng, để vừa nắm hiệu quả công tác lãnh đạo, vừa kịp thời triển khai nghị quyết của Đảng ủy, được thực hiện thành nền nếp.

Cùng với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, Đảng ủy Lữ đoàn luôn coi trọng việc kiện toàn cấp ủy các cấp, gắn kiện toàn cấp ủy với kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ trì; tích cực phát hiện, bồi dưỡng cán bộ và mạnh dạn đề bạt cán bộ trẻ vào cương vị lãnh đạo, chỉ huy. Đi đôi với kiện toàn cấp ủy, Đảng ủy Lữ đoàn chú trọng lãnh đạo làm tốt công tác phát triển đảng để nâng cao tỷ lệ lãnh đạo ở các cấp. Trong công tác kiểm tra, giám sát, Đảng ủy Lữ đoàn phân công các đồng chí đảng ủy viên giám sát đảng bộ bộ phận và tham gia sinh hoạt với tổ chức đảng cấp dưới; qua đó, có điều kiện chỉ đạo kịp thời, hướng dẫn và giúp đỡ cấp dưới triển khai nghị quyết, nhất là giúp đơn vị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Ở từng chi bộ, Đảng ủy Lữ đoàn chỉ đạo các cấp ủy phân công từng chi ủy viên giám sát, quản lý, giáo dục các đảng viên (mỗi chi ủy viên giám sát 3 đến 5 đảng viên) và chịu trách nhiệm về kết quả hoàn thành nhiệm vụ của từng đảng viên. Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp, cùng với thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, các tổ chức đảng trong Đảng bộ Lữ đoàn đều phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo. Đó là yếu tố quyết định, đảm bảo cho Đảng bộ luôn đạt trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo đơn vị thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất.

alt
Huấn luyện tổ hợp tên lửa
 

Hai là, tích cực, chủ động nâng cao chất lượng công tác huấn luyện để nhanh chóng làm chủ VK,TBKT gắn với nhiệm vụ xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật.

Xác định huấn luyện, SSCĐ là nhiệm vụ trọng tâm, Lữ đoàn luôn coi trọng việc giáo dục, quán triệt nhiệm vụ đến từng cán bộ, chiến sĩ; chủ động tổ chức huấn luyện cả về kỹ thuật, chiến thuật, phương pháp tổ chức huấn luyện và các biện pháp bảo đảm kỹ thuật.

Để nâng cao chất lượng huấn luyện, Lữ đoàn phát động rộng khắp các phong trào thi đua: “Trắc thủ toàn năng”, “Thi đua dạy hay, học giỏi”, “Học để làm chủ vũ khí trang bị”, với khẩu hiệu “Vượt nắng, thắng mưa, say sưa huấn luyện”, “Một người biết nhiều chức trách”. Các phong trào này được cán bộ, chiến sĩ hưởng ứng mạnh mẽ, làm cho không khí thi đua học ngày, học đêm tràn ngập trong đơn vị. Trong quá trình huấn luyện, Lữ đoàn luôn quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, mệnh lệnh huấn luyện của cấp trên, thường xuyên bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện chuyên sâu gắn với huấn luyện đồng bộ tổ hợp tên lửa. Lữ đoàn chủ động lựa chọn và xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật; thực hiện “Việt hóa” toàn bộ giáo trình huấn luyện; đồng thời, tích cực nghiên cứu, áp dụng vũ khí hiện đại được trang bị vào điều kiện Việt Nam, phù hợp với nghệ thuật sử dụng pháo binh và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Là đơn vị chiến đấu bằng binh khí kỹ thuật hiện đại, Lữ đoàn luôn chú ý giáo dục, rèn luyện nhằm hình thành tác phong chính quy, khoa học, ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội trên tất cả các mặt công tác, nhất là trong huấn luyện, SSCĐ cho từng cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, chiến sĩ của đơn vị. Lữ đoàn yêu cầu chỉ huy các đơn vị thường xuyên theo sát hoạt động của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền, huấn luyện cho bộ đội nắm chắc các quy tắc bảo đảm an toàn, thành thục các yếu lĩnh, thao tác kỹ thuật, hiệp đồng trong từng bệ phóng, từng xe chuyên dụng và trong toàn bộ tổ hợp tên lửa. Trong quá trình đó, cán bộ huấn luyện nghiêm khắc chỉ ra hậu quả của tính bất cẩn để bộ đội thấy rõ hơn vai trò của huấn luyện cơ bản, cũng như của việc xây dựng chính quy và rèn luyện kỷ luật.

Đi đôi với huấn luyện, Lữ đoàn duy trì chặt chẽ các chế độ SSCĐ, thường xuyên củng cố các phương án tác chiến và từng bước nâng cao khả năng cơ động; đảm bảo trong bất luận hoàn cảnh nào, người và VK,TBKT cũng sẵn sàng bước vào chiến đấu và chiến đấu thắng lợi.

alt
Giúp dân thu hoạch lúa trong mùa mưa lũ
 

Ba là, thường xuyên chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm của toàn đơn vị đối với công tác bảo đảm kỹ thuật, hậu cần, đời sống.

Bảo đảm kỹ thuật là nhiệm vụ chiếm phần lớn thời gian công sức, trí tuệ của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn. Khối lượng bảo đảm rất lớn, yêu cầu của việc bảo đảm kỹ thuật lại rất nghiêm ngặt và hoạt động của một tổ hợp tên lửa liên quan đến nhiều người, nên chỉ có phát huy cao độ tinh thần, trách nhiệm của toàn đơn vị thì Lữ đoàn mới hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ. Trước thực tế đó, Lữ đoàn luôn chỉ đạo các cấp chú ý làm tốt công tác giáo dục để bộ đội thấy được công tác bảo đảm kỹ thuật là nhiệm vụ của mọi cán bộ, chiến sĩ; từ đó, xây dựng ý thức tự giác của từng người trong việc chấp hành các chế độ công tác kỹ thuật, nhất là những nội dung, yêu cầu của Cuộc vận động 50. Từ kết quả giáo dục, nhận thức của hầu hết cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn về vai trò của công tác bảo đảm kỹ thuật được nâng cao; biểu hiện bằng việc cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn đã đóng góp hàng vạn ngày công để xây dựng, củng cố hệ thống kho tàng, trạm xưởng, hệ thống phòng chống cháy nổ, hệ thống thao trường, bãi tập; bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên vũ khí, khí tài và các loại xe chuyên dụng. Trong phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, Lữ đoàn đã nhận được hàng chục sáng kiến có giá trị đối với công tác bảo đảm kỹ thuật, điển hình như: giá đỡ tháo lốp xe bệ, hệ thống vi mạch hóa ma-két tên lửa nằm ngang, bơm hút lọc nhiên liệu tự động, mô hình hoạt động hệ thống thủy khí tên lửa, xe đẩy tên lửa, hệ thống thông gió cưỡng bức, bộ luyện trắc thủ xe đo,… Từ năm 2005 đến năm 2010, Lữ đoàn tham gia Dự án TH-17 về tăng hạn tên lửa và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này. Kết quả là, hàng chục quả tên lửa được nâng hạn, hàng chục xe chuyên dụng, thiết bị, phụ tùng được sửa chữa, thay thế đúng yêu cầu kỹ thuật, công nghệ. Chất lượng của các tổ hợp tên lửa sau khi tăng hạn và phóng thử nghiệm đã được các chuyên gia đánh giá cao và khẳng định hệ thống VK,TBKT của Lữ đoàn đủ điều kiện bảo đảm SSCĐ trong nhiều năm tới. Đó là bước đột phá mới, tạo cơ sở quan trọng để đơn vị từng bước làm chủ về công tác bảo đảm kỹ thuật.

alt
Giờ tăng gia sản xuất của Hội Phụ nữ
 

Việc phát huy nội lực của toàn đơn vị còn được thể hiện sinh động trong công tác bảo đảm hậu cần, đời sống. Bằng quản lý chặt chẽ các nguồn tài chính, Lữ đoàn đã hoàn thành tốt công tác bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ và sinh hoạt của bộ đội. Ngoài các nguồn trên cấp, Lữ đoàn còn tận dụng các nguồn lực tại chỗ để xây dựng các khu thể thao, văn hóa liên hoàn, các khu tăng gia, sản xuất tập trung với hệ thống tưới tiêu hiện đại. Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn còn tham gia hàng nghìn ngày công lao động để cải tạo đất, sản xuất chuyên canh và phát triển chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm có hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, đến nay, Lữ đoàn đã tự túc được 100% rau xanh và 60% thịt, cá, với giá trị tăng gia, sản xuất đạt gần một triệu đồng/người/năm. Từ kết quả của công tác quản lý tài chính, từ thành quả lao động sản xuất kết hợp với việc thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, khám và điều trị, Lữ đoàn đã bảo đảm quân số khỏe thường xuyên đạt 98,9%.

Kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống, những bài học kinh nghiệm nói trên đang được cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn tiếp tục vận dụng, phát huy nhằm đảm bảo cho đơn vị đủ sức hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Đại tá VŨ ĐĂNG TRUNG

Lữ đoàn trưởng

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.