Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 12/04/2012, 15:12 (GMT+7)
Một số bài học kinh nghiệm trong xây dựng đơn vị và thực hiện nhiệm vụ của Lữ đoàn Công binh 414


Dò tìm, phát hiện có bom dưới lòng đất

Lữ đoàn Công binh 414 (tiền thân là Trung đoàn Công binh 414) là đơn vị công binh chủ lực của Quân khu 4, ra đời ngày 19-5-1972, mang tên Đoàn Hải Vân. Ngay sau khi được thành lập, phát huy truyền thống “Mở đường thắng lợi” của Bộ đội Công binh, Lữ đoàn đã chủ động, sáng tạo khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và chiến đấu. Những chiến công thầm lặng của Lữ đoàn luôn gắn liền với trang sử hào hùng của quân và dân Trị - Thiên trong những năm cuối hết sức khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau khi nước nhà thống nhất, Lữ đoàn được giao nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật nổ, khắc phục hậu quả chiến tranh; làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào; xây dựng các công trình quốc phòng, kinh tế - quốc phòng, công trình văn hóa, xã hội và nhiều nhiệm vụ khác. Điểm nổi bật là, bất cứ nhiệm vụ gì dù khó khăn đến đâu, Lữ đoàn cũng đều hoàn thành tốt, có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Từ đầu những năm Đổi mới đến nay, Lữ đoàn luôn là một trong những lá cờ đầu trong phong trào Thi đua Quyết thắng của Quân khu, được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân khu tặng nhiều cờ thưởng. Đặc biệt, năm 1998, Lữ đoàn được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới. Đó là phần thưởng cao quý dành cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn - những người luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, chăm lo xây dựng đơn vị vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Từ những thành tích, kết quả đạt được, có thể rút ra mấy bài học kinh nghiệm chủ yếu về xây dựng đơn vị, thực hiện nhiệm vụ của Lữ đoàn.

1- Luôn coi trọng xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự tiền phong, gương mẫu.

Vững mạnh về chính trị, tư tưởng là yếu tố tiên quyết để Lữ đoàn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Từ nhận thức đó, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn luôn coi trọng xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng, với yêu cầu đặt ra là, mọi cán bộ, chiến sĩ quán triệt sâu sắc về nhiệm vụ, tạo sự thống nhất cao cả về nhận thức, quyết tâm và hành động cho mọi quân nhân, biến chủ trương của lãnh đạo, chỉ huy thành hiện thực. Để đạt yêu cầu đó, từ Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đến cấp ủy, chỉ huy các cấp tổ chức quán triệt nhiều lần, kết hợp quán triệt với giáo dục, thuyết phục và động viên bộ đội. Trước những nhiệm vụ mới, nhiệm vụ quan trọng, Đảng ủy Lữ đoàn phân công trong Thường vụ, chỉ huy trực tiếp xuống đơn vị hoặc đến nơi làm nhiệm vụ để chỉ đạo, động viên bộ đội. Cấp ủy, chỉ huy đơn vị cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bộ đội và cùng tháo gỡ vướng mắc, khắc phục kịp thời các biểu hiện ngại khó, ngại khổ, sợ nguy hiểm, hoặc chủ quan, đơn giản, ỷ lại trong đơn vị. Hơn lúc nào hết, những lúc nhiệm vụ của đơn vị gặp khó khăn, nguy hiểm, phức tạp, thì phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ của chiến sĩ Công binh Hải Vân càng tỏa sáng.

Trách nhiệm chính trị của Lữ đoàn là tổ chức thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Trong đó, cán bộ, đảng viên phải là người gương mẫu, tiên phong, có trách nhiệm cao nhất. Tuy nhiên, cán bộ, đảng viên cũng như mọi người khác, đều có ưu điểm và khuyết điểm, cái tốt và cái xấu đan xen. Để cái tốt thắng cái xấu, cái năng động thắng cái trì trệ thì phải giáo dục, phải đấu tranh. Cách làm của Lữ đoàn là, thực hiện tự phê bình và phê bình nghiêm túc đối với cán bộ, đảng viên; lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị làm thước đo phẩm chất, năng lực của cán bộ, làm cơ sở để đề bạt quân hàm và bổ nhiệm cán bộ. Trong điều kiện đơn vị thường xuyên hoạt động phân tán, để đảm bảo các tổ chức đảng đủ khả năng độc lập lãnh đạo đơn vị, Đảng ủy Lữ đoàn luôn chú trọng công tác phát triển đảng viên để 100% chi bộ có đủ đảng viên thành lập cấp ủy; thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên trẻ về phẩm chất đạo đức lối sống, năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn cũng luôn đặt ra yêu cầu: trước những tình huống khó khăn, nguy hiểm thì cán bộ, đảng viên phải tiền phong, gương mẫu đi trước, làm trước; giáo dục, thuyết phục quần chúng bằng lời nói, bằng hành động, tự giác, trách nhiệm của mình. Nhờ vậy, hiện nay, Lữ đoàn có được một đội ngũ cán bộ, đảng viên phát huy tốt vai trò trách nhiệm, có năng lực lãnh đạo, chỉ huy, biết kế thừa và phát huy truyền thống “Mở đường để đánh địch, đánh địch để mở đường” trong chiến tranh giải phóng vào huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và thực hiện các nhiệm vụ khác. Đó là yếu tố quan trọng đảm bảo cho Đảng bộ Lữ đoàn liên tục đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu nhiều năm liền. Đó cũng là câu trả lời vì sao Bộ Tư lệnh Quân khu luôn yên tâm, tin tưởng giao cho Lữ đoàn nhiều nhiệm vụ quan trọng không chỉ về quốc phòng, mà còn có ý nghĩa về văn hóa, kinh tế, xã hội.


Tháo gỡ, vô hiệu hóa và phân loại bom, đạn

2- Kết hợp chặt chẽ và thường xuyên nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ với các nhiệm vụ khác.

Hiện nay, Lữ đoàn cùng lúc triển khai nhiều nhiệm vụ, vừa huấn luyện, SSCĐ, vừa xây dựng công trình chiến đấu, làm đường tuần tra biên giới, rà phá bom mìn, vật nổ, sẵn sàng cơ động khắc phục hậu quả thiên tai và chống khủng bố. Đó đều là những nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm, đòi hỏi bộ đội phải được huấn luyện công phu, đạt trình độ chuyên môn thuần thục. Vì vậy, chủ trương xuyên suốt của Lữ đoàn là kết hợp chặt chẽ huấn luyện, SSCĐ với thực hiện các nhiệm vụ khác. Thực hiện chủ trương này, Đoàn vận dụng sáng tạo phương châm huấn luyện “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu theo chức năng, nhiệm vụ, sát với phương án tác chiến của từng đơn vị và gắn với thực hiện các nhiệm vụ khác. Với đặc thù của nhiệm vụ được giao, công tác huấn luyện ở các đơn vị xây dựng công trình, làm đường tuần tra biên giới được tổ chức đan xen trong quá trình đơn vị làm nhiệm vụ, thậm chí huấn luyện ngay tại nơi thi công công trình, hoặc trong lúc đơn vị khắc phục vật cản, vật nổ, v.v. Để vừa huấn luyện, vừa thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao, ở một số khoa mục, chuyên ngành Công binh, đơn vị đã tổ chức huấn luyện theo ca kíp, bố trí xoay vòng đổi tập hợp lý. Trong huấn luyện, đã thường xuyên tiến hành trao đổi rút kinh nghiệm “đầu bờ” kịp thời; tổ chức hội thao, hội thi sau từng khoa mục và sau khi kết thúc giai đoạn huấn luyện; từng hạng mục thi công công trình.

Xuất phát từ việc phải đồng thời đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ, trong điều kiện tổ chức biên chế đơn vị có mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Lữ đoàn đặc biệt chú trọng huấn luyện, bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ theo phương châm: giỏi chuyên ngành mình, biết các chuyên ngành khác và tích cực áp dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, các giải pháp tiên tiến, sáng tạo, hiệu quả trong quá trình huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ. Trong 5 năm (2006 - 2010), Lữ đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, nhiều năm liên tục là đơn vị huấn luyện giỏi; đồng thời, xây dựng được 7 công trình chiến đấu, 23 ki-lô-mét đường tuần tra biên giới, đảm bảo an toàn, đúng tiến độ, chất lượng, kỹ, mỹ thuật; rà phá hàng nghìn quả bom, mìn. Ngoài ra, Lữ đoàn còn tham gia cứu nạn vụ sập, lở núi tại công trình Thủy điện Bản Vẽ (12-2007), sập núi Lèn Cờ (4-2011) ở Nghệ An; thực hiện hàng trăm lần cơ động chữa cháy rừng, vận chuyển cứu trợ hàng trăm tấn lương thực, cứu hàng nghìn lượt người thoát khỏi lũ dữ,… Bằng những việc làm và hình ảnh sinh động đó, Lữ đoàn đã để lại trong nhân dân ấn tượng đẹp về “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình.

3- Chú trọng xây dựng nền nếp chính quy và rèn luyện kỷ luật.

Đối với Bộ đội Công binh, đôi khi chỉ một sơ xuất nhỏ cũng có thể để lại hậu quả khôn lường, thậm chí không thể sửa chữa được. Do đó, việc xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, rèn luyện phương pháp, tác phong làm việc chính quy, khoa học, sáng tạo, chặt chẽ, cụ thể,… phải được quán triệt và thực hiện nghiêm túc ở mọi lúc, mọi nơi. Vì vậy, dù phải cơ động liên tục, chủ yếu đóng quân ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, song lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn luôn yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các đơn vị quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm  các chỉ thị, nghị quyết,... của cấp trên về xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật; đồng thời xác định xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật là một trong những nội dung quan trọng để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Cùng với đó, lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn và các cơ quan thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị soạn thảo, triển khai thực hiện kế hoạch đồng bộ, thống nhất, chính quy từ trên xuống dưới để nâng cao chất lượng, hiệu quả huấn luyện, SSCĐ và thực hiện các nhiệm vụ.

Xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật ở Lữ đoàn được thực hiện bằng nhiều biện pháp cụ thể. Trước hết, Lữ đoàn thực hiện việc quản lý cả về con người và tài sản, trong đó quản lý con người chặt chẽ cả trong sinh hoạt, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, trong tham gia giao thông và trong các mối quan hệ. Đặc biệt, trong huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ của Lữ đoàn luôn theo sát hoạt động của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền, hướng dẫn cho bộ đội nắm chắc các quy tắc bảo đảm an toàn, gắn an toàn của từng cá nhân, từng phương tiện trang bị với an toàn của đơn vị. Đội ngũ cán bộ trong quá trình huấn luyện hoặc trong quá trình chỉ huy bộ đội thực hiện các nhiệm vụ luôn chú trọng truyền thụ những kinh nghiệm hay, mô hình tốt, song cũng kiên quyết, nghiêm khắc xử lý các vi phạm, chỉ ra hậu quả của tính bất cẩn, chủ quan, làm tắt, làm ẩu để bộ đội khắc phục sữa chữa.

4- Thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống của cán bộ, chiến sĩ và thực hiện tốt công tác dân vận.

Bằng phát huy nội lực, kết hợp với nguồn vốn của trên, Lữ đoàn đã xây dựng doanh trại khang trang, sạch, đẹp, với hệ thống nhà làm việc, nhà ở, nhà ăn, nhà xe, khu thể thao, văn hóa liên hoàn. Thực hiện phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, Lữ đoàn đầu tư xây dựng các mô hình mới về tăng gia, sản xuất tập trung; qua đó, tự túc được 100% rau xanh, 80 - 90% thịt, cá; nâng cấp trạm xá, nâng cao chất lượng khám và điều trị, góp phần bảo đảm quân số khỏe của Lữ đoàn thường xuyên đạt 99,8%.

Công tác dân vận được Lữ đoàn xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Thực hiện nhiệm vụ này, trong 5 năm qua, Lữ đoàn đã phối hợp với địa phương tổ chức hàng chục buổi nói chuyện thời sự, tuyên truyền pháp luật, giao lưu, kết nghĩa. Không dừng lại ở đó, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn còn đóng góp hơn 2.000 ngày công làm hàng chục ki-lô-mét đường liên thôn, kênh mương thủy lợi, xây dựng trường học, tu sửa Nghĩa trang liệt sĩ…; ủng hộ hàng trăm triệu đồng xây dựng Nhà tình nghĩa và phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bằng những việc làm cụ thể như thế, mối quan hệ tốt đẹp giữa Lữ đoàn với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương càng ngày càng gắn bó mật thiết. Đó là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho Lữ đoàn hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ có quyền tự hào về những thành tích của Lữ đoàn. Song không thỏa mãn với những gì đã đạt được, Lữ đoàn đang phát huy những bài học kinh nghiệm nói trên để phấn đấu khi kết thúc nhiệm kỳ 2010 - 2015 đạt mục tiêu: được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai. Đó là cách tốt nhất để Lữ đoàn viết tiếp truyền thống: “Trung thành tuyệt đối - Liên tục tiến công - Dân mến, Đảng tin - Vượt mọi khó khăn - Mở đường thắng lợi”, xứng đáng với sự tin yêu, đùm bọc của chính quyền và nhân dân trên quê hương Bác Hồ kính yêu.

Thượng tá NGUYỄN ANH TUẤN

Lữ đoàn trưởng

 

Ý kiến bạn đọc (0)