Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 11/12/2014, 13:40 (GMT+7)
Mấy vấn đề về đảm bảo chế độ, chính sách đối với việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn biên giới

Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, là vấn đề quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Tuy nhiên, việc đảm bảo chế độ, chính sách theo quy định cho lực lượng này cần được nghiên cứu kỹ, phù hợp với tính đặc thù của từng địa bàn, nhất là địa bàn biên giới.

Nước ta có đường biên giới quốc gia dài trên 4.610 km, tiếp giáp với các nước: Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia. Khu vực biên giới là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp; phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo không đồng nhất, còn nhiều tập tục, hủ tục, tệ nạn xã hội. Đây cũng là địa bàn trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch. Chúng lợi dụng vấn đề "dân tộc", "tôn giáo" để đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình" kết hợp bạo loạn lật đổ Đảng và chế độ ta. Để khắc phục tình trạng đó, một trong những yếu tố quan trọng là phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trên địa bàn, nhất là lực lượng dân quân tự vệ (DQTV). Bởi DQTV vừa là dân vừa là quân, sinh sống, hoạt động tại cơ sở. Nhưng để xây dựng lực lượng  này vững mạnh, phát huy tốt vai trò trong thực tiễn cần phải giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề, trong đó có việc đảm bảo chế độ chính sách, nhằm tạo điều kiện vật chất, tinh thần để lực lượng DQTV tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới với trách nhiệm cao nhất.

DQTV là lực lượng vũ trang (LLVT) quần chúng, được tổ chức ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, quản lý của chính quyền, sự chỉ huy trực tiếp của Ban Chỉ huy Quân sự các cấp, có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận kẻ địch hung bạo thế nào hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì kẻ địch nào cũng phải tan rã”1.

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của lực lượng DQTV, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, văn bản pháp luật nhằm xây dựng lực lượng này vững mạnh toàn diện. Năm 2009, Quốc hội khóa XII đã ban hành Luật DQTV, xác định rõ vị trí, vai trò và nhiệm vụ của DQTV trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp đó, năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định 58/NĐ-CP, hướng dẫn chi tiết các nội dung của Luật DQTV và việc bảo đảm vật chất huấn luyện, hoạt động, chế độ, chính sách đối với lực lượng này. Hiện nay, các văn bản pháp lý trên đã đi vào cuộc sống, tạo thuận lợi cho việc tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho DQTV. Cơ quan quân sự các cấp đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, phối hợp với ban, ngành, đoàn thể địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai xây dựng, củng cố lực lượng DQTV có cơ cấu, số lượng hợp lý, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật DQTV đang bộc lộ những hạn chế, bất cập, nhất là đảm bảo chế độ, chính sách đối với DQTV ở địa bàn biên giới. Tại các khu vực phía Bắc, việc chi trả của các địa phương không thống nhất, thường chỉ đạt được 50% theo quy định. Các huyện biên giới và một số huyện nội địa do khó khăn về kinh phí, nên chỉ duy trì 50% quân số trực của dân quân thường trực, ngoại trừ 02 tháng huấn luyện tập trung là đảm bảo quân số. Các địa phương hầu như chưa có biện pháp cụ thể hỗ trợ cho gia đình DQTV. Nơi ăn ở của tiểu đội dân quân thường trực của một số xã biên giới còn là nhà tạm, chưa được đầu tư xây dựng,... Ở địa bàn biên giới còn lại, nhìn chung cũng trong hoàn cảnh tương tự, các chế độ, chính sách hỗ trợ khi thân nhân từ trần, trợ cấp khó khăn đột xuất, tạo điều kiện cho con đi học, v.v. còn nhiều hạn chế. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) DQTV nòng cốt đều cho rằng các chế độ, chính sách chưa phù hợp, kể cả chế độ được hưởng khi ốm đau, từ trần,  hy sinh khi làm nhiện vụ. Hiện nay, chỉ có lực lượng DQTV thường trực ở biên giới Tây Nam là thuận lợi hơn cả, được bố trí cùng ăn, cùng ở với Bộ đội Biên phòng, bộ đội địa phương, được đầu tư xây dựng khá cơ bản; việc chi trả, nhất là hỗ trợ ngày công cho DQTV đúng với luật định. Nhiều xã biên giới còn tạo điều kiện việc làm (giao đất, giao rừng để làm kinh tế,...) để thu nhập ổn định cho dân quân thường trực, bổ sung ngân sách hỗ trợ bữa ăn thường xuyên. Nhờ đó, CB,CS rất yên tâm, phấn khởi công tác, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Thực tế trên cho thấy, chính sách hiện hành đối với DQTV dù đã có những bước chuyển tích cực, nhưng còn thiếu đồng bộ, chưa hoàn thiện, tác động không nhỏ đến quá trình xây dựng lực lượng DQTV. Vì thế, việc quan tâm rà soát, bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách đối với DQTV, đặc biệt ở địa bàn biên giới là vấn đề cấp bách hiện nay.

Từ thực tiễn, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, pháp luật hóa đồng bộ cơ chế, chính sách đối với lực lượng DQTV trên địa bàn biên giới. Đây là vấn đề rất quan trọng, nhằm tạo cơ sở pháp lý cao nhất để các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện chế độ, chính sách với DQTV thuận lợi, bảo đảm tính đồng bộ, động viên được tinh thần của DQTV trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Quá trình thể chế hóa cần căn cứ vào tính chất hoạt động đặc thù của lực lượng DQTV biên giới và đặc điểm địa bàn, điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương biên giới để có sự ưu tiên phù hợp, tránh "cào bằng" về đảm bảo chế độ, chính sách. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật cần quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện. Việc luật hóa cơ chế chính sách đối với lực lượng DQTV biên giới phải vừa mang tính định tính nhưng phải vừa đạt đến yêu cầu định lượng tối đa, với các quy định rõ ràng, chặt chẽ. Khắc phục việc xây dựng những điều luật chung chung, có quy định nhưng không hướng dẫn thực hiện hoặc không thể thực hiện được. Trong các văn bản quy phạm pháp luật, cần xác định rõ những nội dung chính sách đãi ngộ chủ yếu, như: bảo đảm sinh hoạt, hoạt động, tiền lương, phụ cấp, khen thưởng, chính sách đãi ngộ đối với CB,CS và gia đình DQTV ở địa bàn biên giới, v.v.

Hai là, đổi mới cơ chế chính sách đối với lực lượng DQTV biên giới. Chính sách đãi ngộ đối với với lực lượng DQTV biên giới không "bất di, bất dịch" mà cần được bổ sung, hoàn thiện phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tình hình cụ thể của địa bàn biên giới. Muốn thế, cần có sự phối hợp liên ngành, nhất là những ngành có chức năng đảm bảo chế độ, chính sách đối với DQTV. Trong đó, Bộ Quốc phòng cần chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát hệ thống chính sách hiện hành đối với với lực lượng DQTV biên giới; qua đó, phát hiện những bất hợp lý, thiếu sót, bấp cập để kịp thời tham mưu đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Quốc hội tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp. Chú trọng nghiên cứu, đề xuất mở rộng vùng, địa bàn được hưởng các chế độ ưu đãi đối với lực lượng DQTV biên giới, đặc biệt là nơi có tính biệt lập xa dân cư, hoạt động khó khăn, nguy hiểm, điều kiện kinh tế - xã hội kém phát triển, v.v. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, bổ sung, sửa đổi các chế độ, chính sách đối với CB,CS lực lượng DQTV biên giới và gia đình, thân nhân khi họ bị suy giảm sức khỏe, bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Trong từng thời gian, các địa phương cần thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến lực lượng DQTV biên giới; kịp thời phát hiện những thiếu sót, bất cập, kiến nghị với các cơ quan chức năng từng bước bổ sung, hoàn thiện chính sách theo hướng đáp ứng yêu cầu hoạt động, sinh hoạt và lợi ích chính đáng của lực lượng DQTV biên giới, nhằm khuyến khích, động viên họ tích cực trong thực thi nhiệm vụ.

Ba là, phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương trong thực hiện chính sách đãi ngộ đối với với lực lượng DQTV biên giới. Cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở ở địa bàn biên giới có trách nhiệm trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chính sách đối với DQTV đã ban hành theo quy định của pháp luật. Để làm được điều đó, cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở ở địa bàn biên giới cần làm tốt việc quán triệt, giáo dục nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân, nhất là Ban Chỉ huy Quân sự huyện - cấp trên trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác chính sách đối với lực lượng DQTV. Tranh thủ sự giúp đỡ cơ quan chức năng cấp trên và phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị LLVT đứng chân trên địa bàn, nhằm thực hiện kịp thời chế độ, chính sách cho DQTV theo quy định của pháp luật, bảo đảm cho họ có mức thu nhập cao hơn so với ngày công lao động phổ thông; gắn trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ với quyền lợi của người tham gia DQTV. Đồng thời, quan tâm tạo điều kiện động viên lực lượng DQTV cả về vật chất và tinh thần, phù hợp cơ chế thị trường và điều kiện ở từng địa phương, như: ưu tiên cấp đất, hỗ trợ làm nhà ở, giao đất, giao rừng, tạo việc làm,… để họ và gia đình yên tâm làm ăn sinh sống, thực sự làm chủ trên mảnh đất quê hương của mình. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm, luôn chuẩn bị sẵn sàng tâm thế cho mọi tình huống, "vững tay cày, chắc tay súng", bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội địa bàn biên giới. Các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các văn bản pháp luật về quân sự, quốc phòng địa phương ở cơ sở; phát hiện, đề xuất, kiến nghị và có biện pháp xử lý kịp thời những bất cập, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Hằng năm, tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện; kịp thời phản ánh, đề đạt lên cấp có thẩm quyền bổ sung, hoàn thiện chính sách đối với lực lượng DQTV, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Cơ chế chính sách phù hợp và triển khai thực hiện tốt sẽ là nguồn động viên lớn lao để lực lượng DQTV vững vàng về tư tưởng, củng cố niềm tin, ý chí quyết tâm, hăng hái trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời, gương mẫu chấp hành và vận động gia đình, người thân, nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, góp phần cùng các lực lượng khác bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn biên giới.

Trung tướng NGUYỄN SĨ THĂNG, Chính ủy Quân khu 1
___________________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG,    H. 2011, tr. 158.

Ý kiến bạn đọc (0)