Thứ Bảy, 23/11/2024, 20:45 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Gần 20 năm công tác tại Tạp chí Quốc phòng toàn dân, tôi đã viết, biên tập hàng trăm bài báo; trong đó, nhiều bài được bạn đọc đánh giá cao, đạt giải báo chí toàn quốc. Những năm, tháng vật lộn với nghề, bản thân ít nhiều cũng tích lũy được một số kinh nghiệm, xin cùng chia sẻ.
1. Say mê, gắn bó với nghề. Làm nghề gì, muốn thành “danh” cũng phải say mê nghiên cứu, gắn bó và yêu nghề. Đó là lẽ hiển nhiên, ai cũng biết, nhưng đối với nghề báo lại không dễ chút nào, nhất là làm phóng viên, biên tập viên (PV,BTV) của Tạp chí Quốc phòng toàn dân (QPTD) – Cơ quan lý luận quân sự và chính trị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Do vậy, khi bước vào nghề, chúng tôi tập trung nghiên cứu, tìm hiểu chức trách, nhiệm vụ của PV,BTV; tôn chỉ, mục đích của Tạp chí; đồng thời, học tập kinh nghiệm của các thế hệ đi trước. Trên cơ sở nhận thức đầy đủ đặc trưng, tính chất Tạp chí, cả khó khăn và thuận lợi, chúng tôi suy nghĩ, trăn trở làm thế nào để có đề tài đúng, trúng vấn đề Ban Biên tập đặt ra, hoàn thành bài viết bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, chất lượng, thời gian... Một núi việc hiện ra mà nếu thiếu kiên trì, cố gắng, say mê nghề báo (biên tập và viết bài) thì không thể thành công, thậm chí thất bại (bài không đạt yêu cầu, không được đăng), nảy sinh chán nản. Những lúc như thế, phải coi “thất bại là mẹ thành công” và biết rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc. Chúng tôi luôn tâm niệm rằng, bài viết đạt chất lượng tốt, được dư luận đánh giá cao thì tinh thần được nhân lên. Ở đây, niềm say mê và chất lượng bài luôn đồng hành, biện chứng với nhau. Viết trong tâm trạng nặng nề, khó khăn, bế tắc, chịu áp lực về thời gian thì không thể có được sản phẩm tốt. Ngược lại, viết trong tâm thế say mê, yêu thích, tư tưởng sẽ “thăng hoa”, khả năng sáng tạo dồi dào, sản phẩm ắt sẽ như ý. Khi gặp vấn đề khó, gai góc, khô khan, biên tập viên phải “hóa thân” vào tác giả, đề tài nghiên cứu, viết mới sâu sắc, chất lượng. Có rất nhiều tấm gương nhà báo ở Việt Nam cũng như trên thế giới sẵn sàng có mặt trên các chiến trường, các điểm nóng để tác nghiệp, say mê đến mức “hy sinh cả tính mạng” để làm nên những tác phẩm báo chí “để đời”. Chúng tôi, thuộc thế hệ của “những người muôn năm cũ”, sau mấy chục năm lăn lộn với nghề đã được nghỉ để an nhàn với "tuổi già”, nhưng một số vẫn tham gia nghiên cứu, viết những đề tài yêu thích, được Tạp chí công nhận là “cộng tác viên tích cực” nhiều năm liền. Vì đam mê, nên chúng tôi thường xuyên quan tâm theo dõi tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, nhất là lĩnh vực quốc phòng – an ninh. Khi xuất hiện sự kiện, vấn đề mới, lại nảy ra ý tưởng và “ngứa ngáy” nghề nghiệp. Những suy nghĩ, ý tưởng đó cứ đeo bám, ám ảnh vào cả giấc ngủ. Đôi khi phát hiện vấn đề mới, ba, bốn giờ sáng phải dậy để ghi chép... bởi “máu nghề nhiệp” vẫn “sục sôi”. Bây giờ, chúng tôi viết không phải để “kiếm sống”, mà viết để góp phần xây dựng nền QPTD, chống “diễn biến hòa bình”; cùng “tham chiến” với các đồng nghiệp trên mặt trận tư tưởng, văn hóa.
2. Nắm vững tôn chỉ, mục đích, chức trách, nhiệm vụ. Là PV,BTV Tạp chí QPTD, chúng tôi luôn tự ý thức rằng: phải thường xuyên quán triệt tôn chỉ, mục đích của Tạp chí trong nghiên cứu, biên tập, viết bài nhằm thể hiện đúng đường lối, quan điểm quân sự, quốc phòng của Đảng, bảo đảm trúng vấn đề, sát thực tiễn và đối tượng phục vụ. Thể hiện điều này một cách sâu sắc, có nghệ thuật trong tác phẩm báo chí nói chung đã khó, ở một tạp chí lý luận như Tạp chí QPTD lại càng khó hơn. Điều đó đòi hỏi PV,BTV phải vừa là cán bộ quân sự, chính trị, vừa là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; đồng thời, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ tri thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực quân sự và văn học, nghệ thuật, báo chí. Tuy nhiên, để có được những phẩm chất ấy, không chỉ bằng học tập, tu dưỡng, rèn luyện mà còn phải thông qua sự trải nghiệm thực tiễn của từng nhà báo.
Từ thực tiễn 20 năm công tác tại Tạp chí, tôi nhận thức sâu sắc rằng: bài viết đăng trên Tạp chí QPTD không chỉ là ý kiến của tác giả mà là tiếng nói, quan điểm, đường lối của Đảng, Quân đội; bạn đọc không chỉ là cán bộ trung, cao cấp nước mình, mà độc giả (các cơ quan nghiên cứu chiến lược) nước ngoài cũng đọc, nghiên cứu rất kỹ để tìm hiểu quan điểm của ta về các vấn đề quốc tế; đường lối, chiến lược của Việt Nam. Thực tiễn đó đòi hỏi PV,BTV phải không ngừng học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ lý luận quân sự - chính trị, nghiệp vụ để “đủ tầm” hóa thân vào tác giả, vào vấn đề nghiên cứu. Đó là niềm vinh dự, tự hào, nhưng cũng là trách nhiệm rất nặng nề.
3. Mấy việc “bếp núc” trong nghề. Gần 20 năm trải nghiệm với nghề, bản thân đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm, nhưng chỉ xin nêu hai điểm.
Thứ nhất là, công tác viết bài. Dù đã viết hàng trăm bài, nhưng tôi chưa thấy bài nào dễ, mà đều phải trăn trở, “mang nặng đẻ đau”. Cũng chính vì điều đó, các PV,BTV tiền bối thường nói “Văn của Tạp chí là văn khắc bia”, nên mỗi bài viết không chỉ tổng hợp, khái quát mà còn vận dụng sáng tạo đường lối, quan điểm của Đảng để lý giải sâu sắc vấn đề, kết hợp với nghệ thuật thể hiện sinh động, hấp dẫn nhằm cuốn hút người đọc. Nếu không, bài viết sẽ khô khan, khó đọc, nhất là đối với văn chính luận. Thấu triệt điều đó, PV,BTV phải dồn tâm, sức để nghiên cứu, biên tập cho đúng, trúng vấn đề. Dù phải viết nhiều về một lĩnh vực, vấn đề, như phê phán các quan điểm sai trái,... PV,BTV cũng không được phép lặp lại mà phải tiếp cận vấn đề ở góc nhìn mới, tinh túy hơn; phát hiện, giải quyết theo cách mới, dự báo chính xác, sát hợp tình hình hiện tại và tương lai. Nếu bài viết lặp lại, sao chép của người khác thì đồng nghĩa với “chấm hết” nghề. Mỗi bài báo được ví như một “trận đánh”, “bữa tiệc” mà PV,BTV phải là người tổ chức, chuẩn bị. Theo đó, bài viết phải có bố cục chặt chẽ, ngôn từ trong sáng, lý giải sâu sắc, tư liệu chính xác, dẫn chứng sát hợp...; mở đầu, giải quyết vấn đề và kết thúc bài viết phải hấp dẫn, cuốn hút người đọc. Trong đó, chú trọng nhiều đến việc “rút tít”, chọn luận điểm sao cho không trùng với những vấn đề đã đề cập, nhưng tiếp thu cái tinh túy và phát triển lên tầm cao hơn, bảo đảm bài viết vừa có tính kế thừa, vừa có tính khoa học, sáng tạo. Qua đó, rút ra một số kinh nghiệm: thường xuyên học tập các bậc đàn anh, nghiêm khắc rèn luyện tính tỷ mỷ, thận trọng, đào sâu suy nghĩ, chủ động xây dựng kế hoạch biên tập ngắn hạn, dài hạn, thậm chí ngay trong bài viết cũng phải xác định thời gian cho từng công đoạn chặt chẽ, tránh bị động “nước đến chân mới nhảy”. Mỗi tác phẩm, thường viết đi viết lại nhiều lần, liên tục điều chỉnh, bổ sung cho đến khi hết thời hạn không thể bổ sung được nữa; không được thỏa mãn dừng lại với bài viết của mình, nếu còn thời hạn, vẫn tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, trăn trở từng câu, từng chữ, từng ý, từng lời. Bản thân phải luôn tự đặt câu hỏi: có cần bổ sung không, tại sao? Bổ sung để nâng cao, hay hơn, chứ không phải dài thêm và càng không để tính cẩu thả, dễ dãi xuất hiện. Một điều hiển nhiên là: “có bột mới gột nên hồ”, muốn có tác phẩm tốt, trên cơ sở vốn sống, vốn lý luận cơ bản, còn phải không ngừng tích lũy kiến thức toàn diện và chuyên sâu. Đặc biệt, tích cực làm công tác tư liệu (sưu tầm, sắp xếp, phân loại, sử dụng...) cho bài viết. Từ đó chắt lọc, sắp xếp thông tin theo bố cục của bài; viết ngắn gọn, súc tích, đủ ý, kiệm lời, có tính khái quát, lý luận cao và hấp dẫn. Đó là quan niệm của chúng tôi, những người đi trước. Mặc dù vậy, khi viết vẫn mắc bệnh tham tư liệu, dài dòng kể lể, lập luận ít. Khuyết điểm này “sửa mãi vẫn không xong”.
Thứ hai là, công tác biên tập. Thông thường bài viết của tác giả có hai dạng: tác giả chủ động gửi bài tới Tòa soạn hoặc biên tập viên đặt tác giả viết bài. Dù ở hình thức nào, điều cơ bản là bài viết phải giữ đúng đường lối, quan điểm của Đảng, trúng vấn đề và sát đối tượng phục vụ. Khi biên tập, biên tập viên phải tôn trọng, giữ gìn cách tiếp cận, văn phong của tác giả, nhằm tạo sự đa dạng, phong phú về hình thức, phong cách, nhưng vẫn giữ tôn chỉ, mục đích của Tạp chí. Nếu không, bài viết lại đi theo lối mòn, đơn điệu, nhàm chán. Tác giả ở nhiều lĩnh vực, vị trí và trình độ, người biên tập cũng vậy. Bài viết có nội dung, chất lượng mới biên tập tốt; nhưng cũng không hề đơn giản, đòi hỏi PV,BTV phải có năng lực, trình độ cao, kiến thức sâu, rộng, biên tập mới đảm bảo được chất lượng. Trong nhiều bài, tác giả gửi đến có bài “bỏ thì thương, vương thì tội”, biên tập rất vất vả. Về mặt nào đó, người biên tập có thể là “bà đỡ”, vì phải chỉnh sửa, nâng tầm cho tác phẩm ra đời, nhưng cũng phải thông cảm, quý trọng công sức của tác giả, chỉ bỏ những cái không thể “xài” được. Để biên tập tốt, trước hết phải đọc lướt toàn bài, nắm nội dung, xem tác giả tiếp cận và giải quyết vấn đề ấy như thế nào, có phù hợp với Tạp chí không? Sau đó, suy nghĩ đánh giá toàn bài, đoạn, ý, câu, chữ nào cần chỉnh sửa, nâng cấp và sửa thế nào, có đúng, hay hơn tác giả không. Chỉnh sửa phải từ tổng quan đến chi tiết, dài quá thì cắt, gọt cho vừa, bỏ phần thô lấy phần tinh của tác giả, có thêm chỉ thêm cái tinh túy, không thêm cái vụn vặt, dông dài về ý tứ và tư liệu dẫn chứng. Không nên thấy câu nào, chữ nào, ý nào, đoạn nào không vừa ý, không “hợp gu” cũng đặt bút sửa (ban đầu tôi cũng mắc tật này). Như thế vừa tốn công sức, vừa làm hỏng, giảm chất lượng bài của tác giả. Không nên suy nghĩ bài nào cũng phải sửa để mang “dấu ấn”, “quyền uy” của mình, sửa càng nhiều càng chứng tỏ năng lực của mình. Nghĩ và làm như vậy, tác giả sẽ tự ái, không muốn, hoặc không dám cộng tác nữa. Chỉ sửa những cái cần sửa, đương nhiên hiểu về “cần sửa” cũng khác nhau, do nhận thức của mỗi người, vì văn chương, lý luận cũng là vô cùng, vô tận. Đặc biệt, những tác giả đã thành danh, những nhà lý luận, “cây bút” khó tính, thì khi biên tập lại càng phải thận trọng, có chỗ cần thiết phải hỏi tác giả.
Dù viết hay biên tập cũng đều là những công việc khó khăn, phức tạp, công phu, nhiều công đoạn, thủ thuật. Tôi chỉ xin trao đổi đôi điều để đồng nghiệp cùng tham khảo nhân kỷ niệm 65 năm ngày Tạp chí ta ra số đầu tiên!./.
NGUYỄN TRUNG
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm