Thứ Ba, 26/11/2024, 19:25 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Yên Bái là tỉnh miền núi, tiếp giáp giữa các tỉnh biên giới Tây Bắc với vùng trung du Bắc Bộ, nên được xác định là địa bàn quan trọng của Quân khu 2 trong thế phòng thủ của đất nước. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái đã phát huy vai trò nòng cốt, chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương trên địa bàn, làm tham mưu và tổ chức thực hiện xây dựng khu vực phòng thủ Tỉnh, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là, tiềm lực mọi mặt của khu vực phòng thủ từng bước được tăng cường; thế trận quân sự ở từng khu vực, địa bàn được xây dựng liên hoàn, phù hợp với đặc điểm và điều kiện của từng địa phương. Việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh được thực hiện chặt chẽ; cơ chế lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp được vận hành linh hoạt, hiệu quả. Chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang không ngừng được nâng cao, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để Tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Với những thành tích đạt được, năm 2015, lực lượng vũ trang Yên Bái được Bộ Quốc phòng tặng Cờ Thi đua xuất sắc.
Để đạt được kết quả đó, trên cơ sở quán triệt quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, các chỉ thị của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, của Quân khu về xây dựng khu vực phòng thủ, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, địa phương tham mưu giúp Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo một cách toàn diện việc xây dựng khu vực phòng thủ trên địa bàn. Cơ quan quân sự các cấp đã chủ động nghiên cứu tình hình, tích cực tổng kết thực tiễn, làm cơ sở để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền những vấn đề trọng tâm nhất trong xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ. Trước hết, căn cứ vào thực tiễn địa bàn, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành các văn bản, chương trình, kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo các lực lượng, xây dựng khu vực phòng thủ. Trọng tâm là Chương trình hành động 35-CTr/TU ngày 05-11-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) và Nghị định 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ; Chỉ thị 17-CT/TU về lãnh đạo xây dựng căn cứ hậu phương trong khu vực phòng thủ đến năm 2020, v.v. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, kịp thời để các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Cơ quan quân sự các cấp đã chủ động phối hợp với các lực lượng nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cho ủy ban nhân dân cùng cấp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quốc phòng; coi trọng phối hợp thẩm định, điều chỉnh các dự án trong quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh là một bước tăng cường quốc phòng - an ninh. Những năm gần đây, trước yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chủ động phối hợp, chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng các đề án về bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn cho từng giai đoạn, nhằm từng bước hoàn thiện thế trận khu vực phòng thủ vững chắc. Đến nay, Đề án “Bảo đảm quốc phòng giai đoạn 2014 - 2020” và Đề án “Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ giai đoạn 2010 - 2015” đã được Tỉnh phê duyệt, và triển khai hiệu quả. Nhờ tham mưu đúng, trúng của cơ quan quân sự và sự chỉ đạo có hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, nên các ban, ngành, đoàn thể, địa phương và nhân dân trên địa bàn có sự đồng thuận cao, tích cực vào cuộc, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong quá trình xây dựng khu vực phòng thủ theo chức năng, nhiệm vụ.
Yên Bái là tỉnh miền núi, địa hình bị chia cắt, hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, có 51% đồng bào dân tộc thiểu số, mặt bằng dân trí không đồng đều, kinh tế chậm phát triển, nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự nói chung, xây dựng khu vực phòng thủ nói riêng còn hạn chế. Trước thực tế đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh (cơ quan thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh) đã tham mưu cho Tỉnh đẩy mạnh thực hiện công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, làm cơ sở để xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần vững mạnh trong khu vực phòng thủ. Trong đó, công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp được thực hiện tốt. Tính từ năm 2010 đến nay, Tỉnh đã cử 129 cán bộ thuộc đối tượng 2 đi bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh do trên tổ chức; đồng thời, tổ chức bồi dưỡng theo phân cấp cho 15.961 đồng chí thuộc đối tượng 3,4,5 và hàng trăm chức sắc, chức việc tôn giáo, già làng, trưởng bản trên địa bàn. Công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên được vận dụng linh hoạt, sáng tạo cả nội dung, phương pháp; kết hợp giữa giáo dục chính khóa với các hoạt động ngoại khóa và thực hiện chương trình “Học kỳ Quân đội”. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân. Thông qua đó, nhận thức của hệ thống chính trị, cán bộ, học sinh, sinh viên và toàn dân trên địa bàn về quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới được nâng cao, luôn cảnh giác và tích cực đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh.
Cùng với đó, Tỉnh coi trọng xây dựng địa bàn cơ sở an toàn, vững mạnh, nhất là vững mạnh về quốc phòng - an ninh. Những năm qua, trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 26/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân và Kế hoạch 87/KH-UBND của Ủy ban nhân dân Tỉnh về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020, các đơn vị lực lượng vũ trang của Tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức hành quân dã ngoại giúp chính quyền, nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, như huyện: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, v.v. Quá trình thực hiện, các lực lượng tập trung vào củng cố hệ thống chính trị, xây dựng hệ thống thủy lợi, phát triển các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng đời sống văn hóa mới; thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Đến nay, nhiều mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn đạt hiệu quả cao đã và đang được nhân rộng. Điển hình là mô hình sản xuất lúa ở huyện Trấn Yên và Nghĩa Lộ; trồng dâu nuôi tằm ở xã Tân Đồng (huyện Trấn Yên); sản xuất miến đao ở xã Giới Phiên (thành phố Yên Bái); trang trại chăn nuôi ở xã Bảo Minh (thành phố Yên Bái), xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ), thị trấn Thác Bà (huyện Yên Bình); trồng măng, chè, bưởi, cam, thanh long,… ở các huyện Yên Bình, Văn Chấn, Trấn Yên, v.v. Đây là biện pháp thiết thực, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng tiềm lực kinh tế trong khu vực phòng thủ.
Mặt khác, cơ quan quân sự Tỉnh phối hợp chặt chẽ với ban, ngành, đoàn thể tham mưu cho Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương huy động mọi nguồn lực để xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ. Trọng tâm là xây dựng sở chỉ huy các cấp, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, cụm làng xã chiến đấu và chốt chiến dịch, góp phần xây dựng thế trận quân sự liên hoàn, vững chắc trong khu vực phòng thủ. Cùng với đó, Tỉnh chỉ đạo các đơn vị lực lượng vũ trang duy trì chặt chẽ chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực sẵn sàng chiến đấu; kịp thời điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện quyết tâm, kế hoạch, phương án tác chiến các cấp, bảo đảm phù hợp với sự phát triển của tình hình. Đồng thời, tham mưu cho Tỉnh chỉ đạo thành công các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập phòng chống lụt bão, cháy rừng, bảo vệ rừng, diễn tập tìm kiến cứu nạn (cấp tỉnh, huyện), diễn tập chiến đấu trị an (cấp xã, phường, thị trấn) theo quy định. Ngoài ra, cơ quan quân sự các cấp còn phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an trên địa bàn, thực hiện hiệu quả Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ vững trật tự, an toàn xã hội. Năm 2015, Tỉnh chỉ đạo huyện Yên Bình luyện tập khu vực phòng thủ, huyện Mù Cang Chải diễn tập ứng phó với cháy rừng - tìm kiếm cứu nạn và tổ chức cho 20% các xã (phường, thị trấn) diễn tập chiến đấu trị an; kết quả đạt loại giỏi, được Bộ Quốc phòng, Quân khu 2 và nhân dân đánh giá cao. Qua đó, nâng cao cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức điều hành hoạt động của cấp ủy, chính quyền và trình độ chỉ huy, khả năng hiệp đồng tác chiến của lực lượng vũ trang với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong khu vực phòng thủ, sẵn sàng đối phó hiệu quả với mọi tình huống.
Bên cạnh đó, Tỉnh luôn chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đối với lực lượng thường trực, Tỉnh tập trung kiện toàn tổ chức, biên chế theo hướng “tinh, gọn, mạnh”; tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Quá trình huấn luyện, các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, huấn luyện chiến đấu hiệp đồng và khả năng cơ động phòng tránh, đánh trả; tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện dã ngoại sát nhiệm vụ, phù hợp vũ khí, trang bị hiện có và phương án chiến đấu, đối tượng, địa bàn tác chiến. Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện, diễn tập với rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Với lực lượng dự bị động viên, Tỉnh coi trọng từ khâu tạo nguồn, đăng ký, quản lý, huấn luyện cho đến việc bảo đảm chế độ chính sách; tổ chức, sắp xếp bảo đảm 100% quân số cho các đơn vị động viên; tăng cường huấn luyện chuyển loại chuyên nghiệp quân sự và đào tạo sĩ quan dự bị, tạo nguồn để nâng cao chất lượng lực lượng dự bị động viên. Đồng thời, tăng cường quản lý các phương tiện, vật tư, kỹ thuật của nền kinh tế trong khu vực phòng thủ, sẵn sàng động viên khi có tình huống. Lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng theo hướng “vững mạnh, rộng khắp”; trong đó, Tỉnh hướng mạnh xây dựng và nâng cao chất lượng lực lượng dân quân tự vệ ở cơ sở, xã (phường, thị trấn) và các cơ quan, tổ chức, loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quân sự xã (phường, thị trấn) trình độ trung cấp quân sự cơ sở được thực hiện tốt. Các đơn vị dân quân cơ động được tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện chiến thuật sát các tình huống và đặc thù địa bàn, sẵn sàng bảo vệ địa phương trong mọi tình huống.
Đại tá PHẠM HỒNG CHƯƠNG, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh
khu vực phòng thủ,Yên Bái
Ba đột phá nâng cao sức mạnh chiến đấu của Lữ đoàn 490 25/11/2024
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm
Ba đột phá nâng cao sức mạnh chiến đấu của Lữ đoàn 490