Thứ Sáu, 22/11/2024, 16:48 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Tuyên Quang là tỉnh giàu truyền thống cách mạng, được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm An toàn khu, “Thủ đô kháng chiến” trong thời kỳ lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, Tuyên Quang đã có hàng nghìn người con ưu tú tham gia chiến đấu, hy sinh, cống hiến xương máu để giải phóng quê hương, thống nhất đất nước, nên số lượng người có công với cách mạng và đối tượng chính sách đông1. Tuy nhiên, Tuyên Quang là một tỉnh miền núi, kinh tế tăng trưởng chưa vững chắc, hệ thống kết cấu hạ tầng còn thiếu, chưa đồng bộ; đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác chính sách thường xuyên biến động, kinh nghiệm còn hạn chế, nhất là cấp cơ sở, v.v. Thực trạng đó, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội của lực lượng vũ trang Tỉnh.
Để thực hiện tốt mặt công tác quan trọng này, trước hết, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của trên về chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội. Trọng tâm là Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng; Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 15/5/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Kết luận số 63-KL/TW, ngày 27/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020; Chỉ thị số 368-CT/QUTW, ngày 12/6/2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội giai đoạn 2016 - 2020, cùng các thông tư, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, các văn bản của Bộ Tư lệnh, Cục Chính trị Quân khu 2. Trên cơ sở đó, tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh, ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và chỉ đạo các đơn vị thành lập Ban Chỉ đạo các cấp, Hội đồng chính sách cấp xã (phường, thị trấn) để triển khai thực hiện công tác chính sách theo đúng quy định; kịp thời giải đáp các chế độ, chính sách để cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và đối tượng chính sách hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với chính sách hậu phương Quân đội. Đồng thời, tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành các văn bản, chỉ thị, kế hoạch về công tác chính sách đối với hậu phương Quân đội; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho các tầng lớp nhân dân về công tác hậu phương Quân đội, thương binh, liệt sĩ và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Nhờ đó, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị Quân đội, đoàn thể chính trị, xã hội trong thực hiện chính sách hậu phương Quân đội.
Thường xuyên thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công, vừa là trách nhiệm, vừa là đạo lý, tri ân đối với sự hy sinh to lớn của thế hệ ông cha. Đối tượng chính sách của Tỉnh nhiều người là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng, Bộ Chỉ huy Quân sự chủ động tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo về giải quyết chế độ, chính sách với Người có công do đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh làm Trưởng ban, đồng chí Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh làm Phó Trưởng ban Thường trực (Ban Chỉ đạo 24); đồng thời, chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo 24 các huyện, thành phố, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 24, Hội đồng chính sách xã, phường, thị trấn, Tổ tư vấn theo quy định. Ban Chỉ đạo 24 tỉnh, huyện, thành phố tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, quyết định của trên về công tác chính sách người có công. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trên địa bàn Tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện. Hằng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chỉ đạo cơ quan quân sự các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện đồng bộ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, kịp thời, đầy đủ, đúng chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các đối tượng chính sách. Thường xuyên rà soát, giải quyết kịp thời những vướng mắc, không để tồn đọng kéo dài; tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh việc thực hiện chế độ, chính sách đối với Người có công, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, không để xảy ra sai sót, tiêu cực, tạo niềm tin trong nhân dân.
Quan tâm làm tốt công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, góp phần xoa dịu nỗi đau, đáp ứng sự mong mỏi của gia đình thân nhân liệt sĩ. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, nâng cao trách nhiệm ý thức cộng đồng trong việc cung cấp, tiếp thu, tiếp nhận thông tin, xác minh và tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Thực tế hiện nay, toàn Tỉnh vẫn còn gần ba nghìn liệt sĩ mất tin, mất tích chưa xác định được. Để thực hiện tốt nhiệm vụ thiêng liêng này, Bộ Chỉ huy Quân sự đã chủ động tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân Tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (Ban Chỉ đạo 515). Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, nhất là việc tổ chức rút kinh nghiệm lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn Tỉnh. Thường xuyên kiện toàn tổ chức, biên chế lực lượng tham gia tìm kiếm, quy tập; bồi dưỡng về phẩm chất, năng lực, nghiệp vụ để cán bộ, nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của cả Trung ương và địa phương về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; phối hợp với các đơn vị, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương tích cực vận động nhân dân cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ để đưa hài cốt liệt sĩ tìm được vào an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ. Thực hiện tiếp nhận, an táng và tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đúng quy định, phù hợp với phong tục, tập quán địa phương, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Năm 2020, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hàm Yên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đón nhận hài cốt liệt sĩ Hoàng Văn Mạc do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng bàn giao, bảo đảm trang trọng, đúng nghi lễ. Đồng thời, phối hợp với Phòng Người có công, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang xây dựng kế hoạch cất bốc, quy tập, làm lễ truy điệu, an táng mộ liệt sĩ Ma Văn Dưỡng tại huyện Na Hang đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Chiêm Hóa và xác minh ba ngôi mộ tại huyện Hàm Yên bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định2.
Thực hiện tốt các chính sách đối với Quân đội, hậu phương Quân đội. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng và người có công, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng được thụ hưởng đúng, đủ, kịp thời theo quy định; coi trọng hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thực hiện chặt chẽ, đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách hiện hành đối với các lực lượng, nhất là chế độ tiền lương, phụ cấp, trợ cấp; chế độ, chính sách theo Nghị định số 21/2009/NĐ-CP và Nghị định số116/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Kịp thời tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác chính sách, nhất là Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có dưới 20 năm công tác trong Quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc; Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế. Chủ động phối hợp, tổ chức thực hiện chế độ an - điều dưỡng, phục hồi sức khỏe, bảo hiểm y tế theo Luật Bảo hiểm y tế; chính sách về nhà ở cho gia đình quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng tại ngũ; ưu tiên hỗ trợ người có công, người có thu nhập thấp. Thực hiện các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh luôn chủ động phát huy mọi nguồn lực, phối hợp các ban ngành có liên quan của địa phương vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tổ chức chính trị - xã hội tham gia ủng hộ các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, v.v. Tập trung ưu tiên cho các đối tượng người có công, đối tượng chính sách ở căn cứ địa cách mạng, vùng sâu, vùng xa, các xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Năm 2020, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp với các cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn Tỉnh ủng hộ 675 người là đối tượng chính sách, với số tiền 202.893.000 đồng; nhân dịp Tết Nguyên đán, thăm hỏi, tặng quà 290 người, trị giá 127.800.000 đồng; kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, Ngày Thương binh - Liệt sĩ tặng quà các đối tượng chính sách với số tiền 26.100.000 đồng.
Quan tâm, chăm lo thực hiện chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nét đẹp truyền thống, văn hóa của dân tộc Việt Nam. Phát huy truyền thống đó, lực lượng vũ trang tỉnh Tuyên Quang luôn sát cánh cùng với các cấp, các ngành đã và đang tích cực hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chính sách giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện để họ tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống địa phương, gia đình, góp phần xây dựng hậu phương Quân đội, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Đại tá HÀ ĐÌNH KHIÊM, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh __________________
1 - Hiện nay, Tuyên Quang có 7.630 đối tượng là người có công với cách mạng và thân nhân của người có công đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng; có 1.550 cán bộ Quân đội nghỉ hưu và trên 70 nghìn người được hưởng trợ cấp một lần theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
2 - Hiện nay, trên địa bàn Tỉnh quản lý tổng số 4.309 liệt sĩ hy sinh qua các thời kỳ; trong đó, liệt sĩ đã quy tập, có thông tin về nơi an táng ban đầu là 1.494; liệt sĩ mất tin, mất tích chưa rõ là 2.815.
Lực lượng vũ trang tỉnh Tuyên Quang,công tác chính sách
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm