Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 20/04/2017, 18:25 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang tỉnh Thái Bình phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng

Trải qua 70 năm1 xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng vũ trang tỉnh Thái Bình không ngừng lớn mạnh, lập nhiều chiến công vẻ vang, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đã đạt được, Tỉnh có 110 tập thể và 67 cá nhân được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” và hơn 23 vạn người được thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến các loại. Lực lượng vũ trang tỉnh Thái Bình vinh dự được Bác Hồ tặng Cờ “Quân dân một lòng tiêu diệt quân địch”; xã Nguyên Xá được Bác Hồ tặng Cờ “Nguyên Xá làng kiểu mẫu”, v.v.

Những năm gần đây, trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, lực lượng vũ trang Tỉnh đã phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, tập trung xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị tư tưởng, nâng cao khả năng, sức mạnh chiến đấu; chủ động phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Qua đó, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh gắn với thế trận an ninh nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để Tỉnh phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Nhận thức rõ chức năng, nhiệm vụ được giao, trước hết, cơ quan quân sự các cấp tập trung làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, nhất là Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, cơ quan quân sự các cấp đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành trong Tỉnh đề xuất, tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, đề án,... về công tác quân sự, quốc phòng địa phương phù hợp với đặc điểm, thực tiễn địa bàn. Trong đó, chú trọng tham mưu, cụ thể hóa các cơ chế, chế độ, chính sách, nhằm đẩy mạnh xây dựng tiềm lực, thế trận khu vực phòng thủ, thực hiện Luật Quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Luật Nghĩa vụ quân sự, v.v. Đây là những văn bản quan trọng, tạo cơ sở pháp lý, đảm bảo tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương và để cho công tác này tiến hành thống nhất trong toàn Tỉnh. Với sự tham mưu tích cực, hiệu quả của cơ quan quân sự các cấp, thời gian qua, Tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị; Chương trình hành động, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI); Đề án xây dựng lực lượng dân quân tự vệ; Đề án bảo đảm quốc phòng những năm đầu chiến tranh,... đạt kết quả thiết thực; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng được nâng lên. Đến nay, Tỉnh đã xây dựng hoàn chỉnh Đề án xây dựng khu vực phòng thủ giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ giai đoạn 2015 - 2020; triển khai, hướng dẫn các huyện (thành phố) xây dựng Quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng - an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch các công trình phục vụ quốc phòng, v.v. Trên cơ sở Quy hoạch thế trận quân sự đã được phê duyệt, cơ quan quân sự các cấp đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương huy động nguồn ngân sách, từng bước đầu tư xây dựng các công trình quốc phòng, nhất là trong căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương. Mặc dù kinh tế còn khó khăn, nhưng Tỉnh đã hoàn thành việc quy hoạch và triển khai xây dựng một số công trình trọng điểm. Đây là cơ sở để Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 xây dựng xong sở chỉ huy cơ bản thời chiến cấp tỉnh và 55% - 60% các hạng mục công trình của sở chỉ huy cơ bản cấp huyện, thành phố.

Nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn dân đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, cơ quan quân sự các cấp đã chủ động tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương và Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 12/CT-TW của Bộ Chính trị (khóa X); Nghị định 116/2007/NĐ-CP của Chính phủ và Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, đưa công tác này đi vào nền nếp. Trong quá trình thực hiện, có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và toàn dân. Đáng chú ý là, với tinh thần chủ động, sáng tạo, thời gian qua, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã đề xuất đổi mới nội dung, hình thức giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh; mở rộng đối tượng là chức sắc, chức việc các tôn giáo, trưởng các họ đạo; chủ tàu thuyền; chủ trang trại, cơ sở sản xuất làng nghề,... được Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương và Quân khu 3 đánh giá là Tỉnh có nhiều đổi mới sáng tạo, đạt hiệu quả cao trong công tác này. Từ năm 2010 đến nay, ngoài các đối tượng theo quy định, Tỉnh đã tổ chức 12 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho 2.219 cán bộ Mặt trận Tổ quốc cấp xã; 09 lớp cho 2.314 chi hội nông dân tập thể; 02 lớp bồi dưỡng cho 562 chủ hộ tàu thuyền, nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản và kinh doanh vận tải biển của huyện Thái Thụy, Tiền Hải. Đặc biệt, năm 2014, Tỉnh đã chỉ đạo tổ chức 03 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho 118 cán bộ là chủ tịch công đoàn, 112 giám đốc, phó giám đốc các cơ quan, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn và 105 luật sư, phóng viên các báo, đài; tổ chức xây dựng 47 chuyên mục, chuyên trang trên báo, Đài Phát thanh - Truyền hình Tỉnh; 118 chuyên mục trên đài phát thanh các huyện và tiếp âm truyền thanh cấp xã được 4.156 lượt chuyên mục. Qua đó, kịp thời định hướng dư luận trước tình hình phức tạp trên biển Đông, giúp các tầng lớp nhân dân nắm chắc quan điểm, đường lối, chủ trương, đối sách của Đảng, Nhà nước, không mắc mưu kẻ xấu, không tham gia biểu tình, gây rối, gây phương hại đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế của địa phương và hình ảnh đất nước.

Là tỉnh đồng bằng ven biển, có 05 cửa sông lớn với hệ thống sông ngòi khá dày, nên Thái Bình có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế; đồng thời, có vị trí chiến lược trong thế phòng thủ của Quân khu. Ý thức rõ điều đó, lực lượng vũ trang Tỉnh chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Những năm qua, cơ quan quân sự các cấp thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về quốc phòng thông qua việc phối hợp thẩm định các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng và triển khai quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển Thái Bình đến năm 2020; chỉ đạo các địa phương, cơ sở tích cực trồng rừng ngập mặn ven biển, kiên cố hóa đê sông, đê biển, vừa phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản, bảo đảm môi trường, ngăn sóng, bão lũ, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng tác chiến cơ động, phòng tránh và đánh địch khi có tình huống. Song song với đó, lực lượng vũ trang Tỉnh tích cực tham gia xây dựng kinh tế, giúp dân xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, v.v.

Công tác tuyển quân là một trong những nội dung trọng tâm của nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương. Phát huy truyền thống “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, hằng năm, bám sát quyết định, chỉ thị của Bộ Tư lệnh Quân khu và hướng dẫn của cơ quan cấp trên về công tác tuyển quân, cơ quan quân sự các cấp phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tham mưu cho cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyển quân; kiện toàn hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp. Đồng thời, chỉ đạo hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp làm tốt công tác đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ; tổ chức sơ tuyển, khám tuyển chặt chẽ, đúng quy trình, quy định. Song song với đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho các tầng lớp nhân dân trong thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự. Nhờ đó, từ năm 2011 đến nay, số công dân nhập ngũ luôn đạt 100% chỉ tiêu trên giao; trong đó, sức khỏe loại 1 và loại 2 chiếm 78,3%; trình độ văn hóa được nâng lên, có 63,8% tốt nghiệp trung học phổ thông và 36,2% tốt nghiệp trung học cơ sở. Riêng năm 2017, có 10,1% công dân nhập ngũ có trình độ cao đẳng, đại học; 100% tân binh đều tự giác, tích cực rèn luyện, không có trường hợp đào bỏ ngũ, vi phạm kỷ luật, được các đơn vị đánh giá cao.

Cùng với đó, cơ quan quân sự các cấp phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể địa phương thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội và vận động quần chúng xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh. Thái Bình là tỉnh có số thương binh, liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng lớn thứ hai của cả nước. Thời gian qua, lực lượng vũ trang Tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo, giúp đỡ người có công, trọng tâm là phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; chăm lo bố, mẹ liệt sĩ neo đơn; tặng Nhà tình nghĩa, tặng Sổ tiết kiệm cho thương binh và gia đình liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam điôxin còn khó khăn, v.v. Từ năm 2010 đến nay, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Tỉnh tham gia đóng góp vào quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được trên 1,2 tỷ đồng; xây dựng 99 Nhà tình nghĩa, 07 Nhà Đồng đội; giải quyết chế độ cho 141.029 đối tượng chính sách với số tiền trên 532 tỷ đồng, theo các Quyết định: 142, 47, 290 và Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Lực lượng vũ trang địa phương là chủ thể tiến hành công tác quân sự, quốc phòng. Vì vậy, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, có cơ cấu hợp lý, chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu cao là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng. Thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu, chỉ đạo đẩy mạnh kiện toàn tổ chức, biên chế cơ quan quân sự các cấp theo hướng tinh, gọn, mạnh, đảm bảo cân đối giữa lực lượng thường trực, dự bị động viên, dân quân tự vệ. Đến nay, Tỉnh đã xây dựng được gần 4.000 đầu mối dân quân tự vệ; quân số đạt 1,31% so với dân số; số lượng đảng viên trong dân quân tự vệ đạt 19,8%. Lực lượng dự bị động viên được biên chế đạt 100% chỉ tiêu; trong đó, số đúng và gần đúng chuyên nghiệp quân sự đạt 91,8%. Mặt khác, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hiện khâu đột phá “Nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy”; phối hợp chặt chẽ với Công an, Biên phòng Tỉnh thực hiện tốt Nghị định 77 của Chính phủ, Quy chế 870 của Bộ Tư lệnh Quân khu với Bộ Tư lệnh Biên phòng, thường xuyên nắm chắc tình hình cơ sở, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Tỉnh.

Phát huy truyền thống 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng vũ trang Tỉnh tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, góp phần xây dựng quê hương Thái Bình vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh.

Đại tá NGUYỄN ĐỨC DŨNG, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh

________________

1 - Ngày 20-4-1947, Tỉnh đội Dân quân Thái Bình được thành lập với 04 đại đội: Quang Trung, Đề Thám, Lê Lợi và Trần Quốc Tuấn - dấu mốc lịch sử về sự thống nhất các đội vũ trang trong Tỉnh, trở thành Ngày truyền thống của lực lượng vũ trang tỉnh Thái Bình.

Ý kiến bạn đọc (0)