Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 20/05/2019, 07:49 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang tỉnh Phú Thọ thực hiện chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội

Phú Thọ là tỉnh miền núi trung du phía Bắc, vùng đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam, có 34 dân tộc, dân số 1,4 triệu người. Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và làm nhiệm vụ quốc tế, tỉnh Phú Thọ đã có hàng vạn người con ưu tú tham gia chiến đấu, hy sinh, cống hiến xương máu vì mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, nên số lượng người có công với cách mạng và đối tượng chính sách của Tỉnh rất lớn (hơn 265.000 người)1. Trong khi đó, địa bàn rộng, giao thông khó khăn; đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách còn thiếu, phải kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn không đồng đều, v.v. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội của lực lượng vũ trang Tỉnh.

Để thực hiện hiệu quả mặt công tác quan trọng này, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên làm tốt việc quán triệt, tuyên truyền về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công. Trọng tâm là Pháp lệnh Người có công với cách mạng; Chỉ thị 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng; Chỉ thị 368-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội giai đoạn 2016 - 2020, cùng các thông tư, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, các văn bản của Bộ Tư lệnh, Cục Chính trị Quân khu 2. Đồng thời, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, kế hoạch về công tác chính sách đối với hậu phương Quân đội; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Tỉnh và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, thực hiện tốt công tác hậu phương Quân đội, thương binh, liệt sĩ và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; coi đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là đạo lý, tri ân đối với sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh.

Đại tá Đinh Quốc Hùng động viên thanh niên của Tỉnh lên đường nhập ngũ, ngày 20-2-2019

Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo các cấp, Hội đồng chính sách cấp xã (phường, thị trấn) để triển khai thực hiện công tác chính sách theo đúng quy định, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả. Đối với chính sách người có công, cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước; kịp thời ban hành nghị quyết, xây dựng chương trình, kế hoạch, xác định mục tiêu, giải pháp thực hiện sát với đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị và thực tiễn của từng địa phương. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu, đề xuất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo về giải quyết chế độ chính sách với người có công theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Ban Chỉ đạo 24), Ban Chỉ đạo về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (Ban Chỉ đạo 515); đồng thời, quyết định thành lập Hội đồng kiểm tra vết thương thực thể, làm cơ sở để thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công do Quân đội đảm nhiệm. Hằng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự các huyện (thành phố, thị xã) phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện đồng bộ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, kịp thời, đầy đủ và đúng chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các đối tượng chính sách; phát huy sức mạnh của các tổ chức quần chúng tham gia phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” ở địa phương2.

Trong công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã triển khai thực hiện tốt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn, chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể, quản lý chặt chẽ; thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ, không để xảy ra tình trạng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng biện pháp ngoại cảm, mê tín, dị đoan. Thực hiện tiếp nhận, an táng và tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ đúng quy định, phù hợp với phong tục, tập quán địa phương, được nhân dân đồng tình ủng hộ3. Công tác hậu phương Quân đội và hoạt động đền ơn đáp nghĩa được thực hiện theo đúng Quyết định 15/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết hưởng chế độ phụ cấp đặc thù quân sự và Quyết định 1183/QĐ-BQP của Bộ Quốc phòng về phụ cấp độc hại, nguy hiểm cho các đồng chí biên chế thuộc danh mục được hưởng. Thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà các đối tượng chính sách nhân dịp lễ, Tết; phụng dưỡng suốt đời 11 Mẹ Việt Nam anh hùng, với số tiền 1.000.000/Mẹ/tháng. Các đơn vị trong lực lượng vũ trang Tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong thăm hỏi, tặng quà gia đình quân nhân đang công tác ở biên giới, hải đảo4, v.v. Kết quả đó khẳng định, lực lượng vũ trang tỉnh Phú Thọ cùng với các cấp, các ngành đã và đang tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chính sách xoa dịu nỗi đau, giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện để họ tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống địa phương, gia đình, góp phần xây dựng quê hương đất Tổ ngày càng giàu mạnh.

Hiện nay, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của lực lượng vũ trang Tỉnh không ngừng phát triển, có những nhiệm vụ mới; nhiều vấn đề về chế độ, chính sách hậu phương Quân đội chưa theo kịp tình hình thực tiễn, còn tồn đọng, vướng mắc, phức tạp. Để thực hiện tốt hơn nữa chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội ở tỉnh Phú Thọ, lực lượng vũ trang Tỉnh xác định tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

1. Thường xuyên quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Cấp ủy, chỉ huy các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, lực lượng, nhất là với lãnh đạo, chỉ huy và đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp làm công tác chính sách về chính sách người có công. Thực hiện theo phương châm: “Thường xuyên, liên tục, hướng về cơ sở”, phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền gắn với tổ chức thực hiện, phù hợp với thực tiễn của từng đơn vị, địa phương. Đồng thời, hướng dẫn, giải đáp các chế độ, chính sách để cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và đối tượng chính sách hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chế độ, chính sách mới ban hành. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị Quân đội, sự vào cuộc của các đoàn thể chính trị, xã hội trong thực hiện chính sách hậu phương Quân đội.

2. Tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng và người có công, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng được thụ hưởng đúng, đủ, kịp thời theo quy định; chú trọng hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thực hiện chặt chẽ, đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách hiện hành đối với các lực lượng, nhất là chế độ tiền lương, phụ cấp, trợ cấp; chế độ, chính sách theo Nghị định 21/2009/NĐ-CP và Nghị định 116/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và cán bộ Quân đội nghỉ hưu. Chủ động phối hợp, tổ chức thực hiện chế độ an - điều dưỡng, phục hồi sức khỏe, bảo hiểm y tế theo Luật Bảo hiểm y tế; chính sách về nhà ở cho gia đình quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng tại ngũ; ưu tiên hỗ trợ người có công, người có thu nhập thấp, đặc biệt khó khăn về nhà ở. Phấn đấu mỗi năm xây dựng được từ 02 đến 03 Nhà Tình nghĩa, Nhà Đồng đội cho đối tượng chính sách, quân nhân tại ngũ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Thường xuyên thực hiện nghiêm các chế độ, chính sách đối với người có công theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Chỉ thị 02/CT-TTg, ngày 25-01-2016 của Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp với các cơ quan chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát, giải quyết những vướng mắc còn tồn đọng sau chiến tranh. Tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, không để xảy ra sai sót, tiêu cực.

3. Đẩy mạnh thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, cung cấp thông tin liệt sĩ, mộ liệt sĩ và sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm kịp thời. Tăng cường công tác phối hợp, thu thập thông tin phục vụ công tác giải mã phiên hiệu, ký hiệu đơn vị; trả lời thư, đơn, đón tiếp tận tình, chu đáo thân nhân đến tra cứu, tìm kiếm thông tin về liệt sĩ. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp, động viên và kết hợp các nguồn lực trong nhân dân để đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, góp phần nâng cao đời sống cho các gia đình chính sách; kịp thời đề ra các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội. Chú trọng củng cố, kiện toàn cơ quan Chính sách phù hợp với thực tiễn, nâng cao năng lực tham mưu, đề xuất của đội ngũ cán bộ chính sách; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện công tác chính sách.

Quan tâm, chăm lo thực hiện chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nét đẹp truyền thống, văn hóa của dân tộc Việt Nam. Qua đó, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân”, khu vực phòng thủ vững chắc, xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh Phú Thọ ngày càng vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Đại tá ĐINH QUỐC HÙNG, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh

____________

1 - Trong đó: 1.134 Mẹ Việt Nam anh hùng; 18.289 liệt sĩ; 11.307 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 4.646 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; hơn 170.000 người hưởng chế độ trợ cấp một lần theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

2 - Từ năm 2016 đến năm 2018, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tiếp nhận, xét duyệt và đề nghị giám định thương tật cho 183 trường hợp, trong đó giám định 83 người; giải quyết trợ cấp một lần 37.592 đối tượng theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg, với số tiền là 161.795.900.000 đồng; 52.495 đối tượng theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg, với số tiền là 218.699.200.000 đồng; 63.746 đối tượng theo Quyết định 49/2011/QĐ-TTg, với số tiền là 135.427.500.000 đồng.

3 - Từ năm 2013 đến nay, đã xác minh thông tin và tổ chức tìm kiếm 02 khu vực có thông tin về liệt sĩ hy sinh trên địa bàn Tỉnh; tiếp nhận và phối hợp tổ chức an táng 239 hài cốt liệt sĩ; tổ chức rà soát, hoàn thiện hồ sơ danh sách liệt sĩ; xác minh, bổ sung hoàn thiện thông tin 214 trường hợp liệt sĩ.

4 - Riêng năm 2018, lực lượng vũ trang Tỉnh đã tham mưu đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tặng 177 xuất quà cho gia đình quân nhân đang làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo, với số tiền là 106.200.000 đồng; Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tặng 241 xuất quà nhân dịp Tết Nguyên đán cho các đối tượng chính sách, với số tiền là 383.500.000 đồng, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.