Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 14/10/2022, 05:31 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Kạn phát huy vai trò nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

Bắc Kạn là tỉnh vùng núi cao, giàu truyền thống cách mạng, thuộc căn cứ địa Việt Bắc, với địa hình tương đối hiểm trở, nên có vị trí rất quan trọng trong thế phòng thủ chung của Quân khu 1 và cả nước. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), một số địa phương của Tỉnh được chọn làm ATK bảo vệ các cơ quan đầu não của Trung ương Đảng và Chính phủ. Đây cũng là nơi quân và dân Bắc Kạn phối hợp với bộ đội chủ lực đánh nhiều trận quan trọng, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Phát huy truyền thống đó, những năm qua, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp thiết thực xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Trong đó, tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, phát huy tốt hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo, điều hành của chính quyền, năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện của cơ quan quân sự các cấp; kiện toàn nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, chất lượng công tác của lực lượng vũ trang; xây dựng, quản lý, sắp xếp tốt lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ổn định, làm cơ sở để Tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Thực hiện mục tiêu đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phát huy vai trò nòng cốt tham mưu giúp Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về quốc phòng, quân sự. Trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị và Nghị định số 21/2018/NĐ-CP của Chính phủ về khu vực phòng thủ; Nghị định 164/2018/NĐ-CP về kết hợp quốc phòng với kinh tế, xã hội và các nghị định về phòng thủ dân sự. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tham mưu, giúp Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng, ban hành Chương trình hành động số 10-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 28; Chỉ thị số 12/2010/CT-UBND của Ủy ban nhân dân Tỉnh về xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ tỉnh, huyện. Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, lập quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, tích hợp quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng với hệ thống quy hoạch chung của Tỉnh và vùng; xây dựng quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng và khu vực sơ tán của các bộ, ngành Trung ương kết hợp phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng, triển khai các đề án: bảo đảm quốc phòng; quy hoạch phát triển kinh tế xã hội gắn với quốc phòng, an ninh và các kế hoạch xây dựng khu vực phòng thủ theo từng năm, giai đoạn. Hằng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh cụ thể hóa nội dung xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh. Thường xuyên tham mưu kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ban chỉ đạo, hội đồng về quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ. Tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác quân sự, quốc phòng địa phương thông qua quán triệt văn bản và tổ chức các hội nghị: tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề; sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả theo từng nội dung, giai đoạn,… ở các cấp, ngành và lực lượng vũ trang. Qua đó, giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp nắm chắc nội dung, giải pháp về cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác này cho cấp ủy, chính quyền các cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh giao nhiệm vụ diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho huyện Na Rì (năm 2022)

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, trọng tâm thực hiện tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng. Đáng chú ý, thời gian qua, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phát huy tốt vai trò Cơ quan Thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh, chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh mở rộng đối tượng tham gia giáo dục, bồi dưỡng, nhất là già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ, chủ doanh nghiệp và học sinh, sinh viên; lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh ở cơ sở thông qua nói chuyện thời sự, sinh hoạt, tiếp xúc nhân dân và trong tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày hội quốc phòng toàn dân, như: gặp mặt động viên cựu chiến binh, thanh niên xung phong, gia đình liệt sĩ, tham quan đơn vị Quân đội, biểu diễn văn nghệ,… nhằm cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng, đấu tranh phản bác, ngăn chặn thông tin xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ năm 2009 đến nay, Tỉnh đã xây dựng gần 500 chuyên mục và hàng nghìn tin, bài tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính tự giác của toàn dân trong xây dựng các tiềm lực quốc phòng, nhất là tiềm lực chính trị tinh thần, bảo đảm xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh.

Xây dựng lực lượng vũ trang “tinh, gọn, mạnh”, có sức cơ động, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc là nội dung cốt lõi trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Với nhận thức đó, thời gian qua, cơ quan quân sự các cấp bám sát Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022, của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương về tổ chức Quân đội giai đoạn 2021 – 2030 và những năm tiếp theo. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chủ động nắm chắc tình hình, tích cực tham mưu giúp Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, có cơ cấu hợp lý, chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu cao, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và làm nòng cốt trong phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, cứu hộ, cứu nạn ở địa bàn. Trong đó, ưu tiên quân số cho các đơn vị sẵn sàng chiến đấu; chỉ đạo rà soát, nắm nguồn, sắp xếp các đơn vị dự bị động viên; xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, có cơ cấu, thành phần hợp lý, chất lượng cao, nhất là độ tin cậy về chính trị. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ ngày, tuần; trực sẵn sàng chiến đấu, chấp hành kỷ luật; bảo đảm tốt các mặt hậu cần, kỹ thuật nhất là quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và chú trọng an toàn giao thông. Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện cho lực lượng thường trực phù hợp đối tượng, địa bàn, sát yêu cầu nhiệm vụ. Tập trung vào phương án tác chiến, xử lý tình huống; phòng, chống bão, lũ, cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn; trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng các cuộc diễn tập, hội thi, hội thao. Qua đó, đánh giá, nâng cao trình độ tham mưu, điều hành công tác quốc phòng, chỉ huy tác chiến của cán bộ quân sự các cấp; khả năng phối hợp, hiệp đồng giữa lực lượng vũ trang với cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong thực hiện các phương án, tình huống quốc phòng, an ninh. Chỉ đạo các lực lượng vũ trang phối hợp giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống thiên tai, sự cố, bảo vệ rừng theo các nghị định của Chính phủ,... góp phần giảm thiểu thiệt hại cả về người và tài sản của nhà nước và nhân dân. Cùng với đó, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thực hiện Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Hằng năm, có trên 80% tổ chức đảng quân sự đạt trong sạch, vững mạnh, trên 85% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, 100% cơ quan, đơn vị huấn luyện đạt khá trở lên.

Nhằm tạo nguồn lực vật chất, tăng cường tiềm lực cho xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh, Tỉnh có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. Bám sát chức năng, nhiệm vụ, thời gian qua, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp với các ban, sở, ngành tham mưu, thẩm định các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng, địa phương phù hợp với quyết tâm phòng thủ của Tỉnh, bảo đảm toàn diện, có ưu tiên ngành, lĩnh vực là thế mạnh của địa phương và cần thiết cho nhu cầu quốc phòng; coi trọng đầu tư cho các vùng trọng điểm về quốc phòng, an ninh, các xã vùng CT229. Trong đó, tập trung sử dụng hiệu quả đất đai; phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động tại chỗ; mở rộng mạng điện sinh hoạt, mạng viễn thông; huy động nguồn vốn nhà nước, xã hội hóa để nâng cấp các tuyến giao thông, nhất là đường vành đai, vòng tránh; phổ cập, chuẩn hóa giáo dục, nâng cấp các cơ sở y tế, thực hiện tốt chương trình quân, dân y kết hợp,… nâng cao dân trí, sức khỏe nhân dân bảo đảm nguồn nhân lực cho xây dựng lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ; thiết lập hệ thống giao thông liên hoàn, vững chắc trong khu vực phòng thủ. Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn Tỉnh đã có gần 1.000 doanh nghiệp được thành lập; nông, lâm nghiệp phát triển bền vững, có độ che phủ rừng trên 72%; hoạt động khai khoáng đúng quy định; các khu công nghiệp sớm đi vào hoạt động hiệu quả sẵn sàng huy động sản xuất một số hàng hóa phục vụ quốc phòng, an ninh. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, 87% thôn, bản có đường liên thôn, trên 97% hộ dân có điện, 100% địa phương được phủ sóng di động, v.v. Trong kết hợp quốc phòng với kinh tế, Tỉnh bảo đảm tốt nguồn kinh phí, nhân lực, vật chất cho hoạt động thường xuyên của lực lượng vũ trang, xây dựng các công trình: sở chỉ huy, căn cứ hậu cần - kỹ thuật, căn cứ hậu phương cấp tỉnh, cấp huyện, trường bắn, thao trường huấn luyện tổng hợp và mua sắm trang thiết bị cho lực lượng vũ trang; đồng thời, thực hiện tốt kế hoạch bảo đảm nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh.

Cùng với các giải pháp trên, cơ quan quân sự các cấp chủ động phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan, đoàn thể, địa phương trong xây dựng khu vực phòng thủ và thực hiện công tác quốc phòng, quân sự, như: tuyển quân, giáo dục quốc phòng và an ninh, chính sách hậu phương quân đội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Chủ trì, hướng dẫn cơ quan, đoàn thể, địa phương cụ thể hóa nội dung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vào lĩnh vực hoạt động, công tác; triển khai thống nhất, bảo đảm sự phối hợp giữa cơ quan chuyên môn cấp tỉnh với địa phương và đơn vị bạn, kịp thời điều chỉnh, bổ sung biện pháp thực hiện. Đồng thời, từng địa phương phối hợp tốt với các tỉnh, huyện liền kề, đơn vị đứng chân trên địa bàn để trao đổi thông tin, giao lưu, kết nghĩa, thống nhất phương án kiểm soát; bảo đảm nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời các tình huống an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ rừng, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để vừa phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, vừa phát triển các nguồn lực, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, “thế trận lòng dân” vững chắc, xứng đáng là “An toàn khu” thời kỳ mới.

Đại tá NGUYỄN ĐÌNH HUỲNH, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.