Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 30/03/2023, 07:45 (GMT+7)
Lữ đoàn Xe tăng 215 nâng cao sức mạnh đột kích

Bước vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trước yêu cầu cấp thiết về xây dựng, phát triển lực lượng, kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam, Trung đoàn Xe tăng 215 (nay là Lữ đoàn Xe tăng 215) được thành lập1, trực thuộc Binh chủng Tăng thiết giáp, đảm nhiệm lực lượng dự bị cơ động chiến lược của Bộ. Ngay sau khi thành lập, Lữ đoàn đã chủ động khắc phục khó khăn, nhanh chóng ổn định tổ chức, biên chế, kiện toàn hệ thống tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy các cấp; tiếp nhận lực lượng, vũ khí, trang bị, phương tiện, vật chất; tổ chức huấn luyện nâng cao khả năng cơ động, sức mạnh đột kích, sẵn sàng tham gia chiến đấu.

Thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng: tập trung lực lượng xe tăng, thiết giáp đủ mạnh, tạo “quả đấm thép” cho các binh đoàn chủ lực tổ chức các chiến dịch quyết chiến chiến lược, đòn đánh hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, tháng 02/1975, Lữ đoàn được giao nhiệm vụ sử dụng phần lớn lực lượng cơ động tham gia chiến trường miền Đông Nam Bộ và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Xác định rõ trách nhiệm chính trị đối với Quân đội, Tổ quốc, đặc biệt là nhân dân miền Nam ruột thịt, Lữ đoàn khẩn trương làm công tác chuẩn bị chiến đấu, vừa huấn luyện bổ sung, nghiên cứu cách đánh hiệp đồng binh chủng, vừa trinh sát, khắc phục địa hình, bảo đảm kỹ thuật, hành quân thần tốc rút ngắn thời gian vào cùng với Đoàn 26 (Tăng thiết giáp Miền) phối thuộc cho Quân đoàn 4, Đoàn 232,… tham gia tiến công Sài Gòn trên hướng Đông Bắc và Tây Tây Nam. Trong thực hành chiến dịch, Lữ đoàn phát huy sức mạnh đột kích, hiệp đồng chặt chẽ với bộ binh, các binh chủng tổ chức thành các thê đội, chiến đấu mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, táo bạo thọc sâu tiến công tiêu diệt nhiều lực lượng, phương tiện của địch tại Sở chỉ huy Chiến đoàn 48, làm chủ căn cứ Trảng Bom; đánh chiếm điểm cao 130, Hưng Nghĩa, trạm rađa Phú Lâm; chi viện cho Sư đoàn 1, Sư đoàn 9 tiến công địch ở suối Đỉa, Vĩnh Lộc; mở đường cho Sư đoàn 6 tiến công Long Lạc; hợp điểm với lực lượng Tăng thiết giáp Quân đoàn 3 tiến công Biệt khu Thủ đô, Tổng Nha cảnh sát, Dinh Độc Lập; hội quân cùng Quân đoàn 2 tiêu diệt sào huyệt cuối cùng của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, ghi thêm trang sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ đội Tăng thiết giáp. Sau năm 1975, Lữ đoàn nằm trong đội hình các đơn vị binh chủng hợp thành tham gia 34 trận chiến đấu trên đất bạn Campuchia, hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ quốc tế.

Lữ đoàn thực hành diễn tập chiến thuật bắn đạn thật

Suốt nửa thế kỷ qua, dù chiến đấu trên chiến trường trong nước hay trên đất Bạn, Lữ đoàn đều phát huy sức cơ động thần tốc, táo bạo, xung phong đột kích, thọc sâu vào đội hình địch làm chủ chiến trường, tiêu diệt nhiều sinh lực địch và giành thắng lợi, góp phần xây đắp nên truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của Bộ đội Tăng thiết giáp. Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, đặc biệt những năm gần đây, Lữ đoàn luôn hoàn thành xuất sắc các mặt công tác. Cán bộ, chiến sĩ luôn kiên định, vững vàng; tổ chức, biên chế từng bước tinh, gọn, mạnh; công tác huấn luyện được quan tâm, đổi mới; trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu ngày càng được nâng cao; kỷ luật, nền nếp chính quy được duy trì nghiêm túc; thực hiện tốt các mặt bảo đảm hậu cần, kỹ thuật; nội bộ đoàn kết, thống nhất, đơn vị ổn định, phát triển; hoàn thành tốt và xuất sắc các nhiệm vụ đột xuất, luôn là lá cờ đầu trong phong trào Thi đua Quyết thắng của Binh chủng. Ghi nhận những chiến công và thành tích đặc biệt trong xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Lữ đoàn được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới” (năm 2004); Bộ Quốc phòng, Binh chủng và địa phương tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Những kết quả trên là do Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã thực hiện đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp khoa học, phù hợp.

Trước hết, tập trung xây dựng Đơn vị vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh đột kích. Đây là giải pháp có tính nền tảng bảo đảm cho Lữ đoàn hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trung tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Với nhận thức đó, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ cho bộ đội. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, đa dạng hóa mô hình giáo dục; vận dụng sáng tạo, phù hợp, hiệu quả Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”; kết hợp giáo dục chính trị, quán triệt nhiệm vụ với giáo dục truyền thống, phổ biến kiến thức quân sự, pháp luật và tổ chức sinh hoạt chính trị chuyên đề; chú trọng giáo dục, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần thép, sẵn sàng vượt qua khó khăn, thử thách, vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Kết quả giáo dục chính trị hằng năm của Lữ đoàn đều bảo đảm 100% đạt yêu cầu, trong đó có trên 85% khá, giỏi; tư tưởng cán bộ, chiến sĩ ổn định, an tâm công tác, xác định tốt nhiệm vụ.

Cùng với đó, Lữ đoàn chú trọng xây dựng các tổ chức (đảng, chỉ huy, quần chúng,…) vững mạnh; kết hợp chặt chẽ giữa kiện toàn tổ chức, biên chế theo kế hoạch, lộ trình điều chỉnh lực lượng của Binh chủng với tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở; phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp trong lãnh đạo, quản lý, chỉ huy đơn vị. Kết quả bình xét hằng năm, Lữ đoàn có 100% tổ chức đảng, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có 78% hoàn thành tốt và xuất sắc, đơn vị phát triển vững chắc. Hoạt động thi đua được đổi mới, sáng tạo, kết hợp chặt chẽ giữa thi đua với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng đều về chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị. Công tác chính sách, dân vận, bảo vệ chính trị nội bộ, đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch được quan tâm, góp phần xây dựng địa bàn an toàn, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ.

Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ, khả năng đột kích, đáp ứng yêu cầu chiến tranh hiện đại. Đây là giải pháp quyết định sức mạnh chiến đấu nên được Lữ đoàn hết sức coi trọng. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh về công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, trọng tâm là Nghị quyết số 438-NQ/ĐU, ngày 06/01/2013 của Đảng ủy Binh chủng về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”; Mệnh lệnh huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Tư lệnh Binh chủng, Lữ đoàn chủ động triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, thiết thực, với các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, tạo bước đột phá toàn diện, vững chắc trong huấn luyện. Theo đó, Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác chuẩn bị, chú trọng tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia huấn luyện. Hiện nay, 100% cán bộ huấn luyện được theo phân cấp, trên 90% cán bộ tiểu đoàn, 80% cán bộ đại đội, trung đội huấn luyện khá, giỏi có trên 35% giỏi. Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, phương pháp quản lý, điều hành huấn luyện theo hướng linh hoạt theo nhiệm vụ và yêu cầu thực tiễn đặt ra; kết hợp huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, huấn luyện kỹ thuật với chiến thuật, huấn luyện với truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu và rèn luyện chính quy, xây dựng đơn vị an toàn. Hằng năm, Lữ đoàn tổ chức huấn luyện đầy đủ nội dung, thời gian cho các đối tượng, trọng tâm vào huấn luyện nâng cao kỹ năng sử dụng vũ khí; trang bị cho thành viên kíp xe; trình độ kỹ thuật, chiến thuật, khả năng hiệp đồng, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ; kết quả huấn luyện các đơn vị tương đối đồng đều, vững chắc, bảo đảm 100% đạt yêu cầu, có trên 80% khá, giỏi. Duy trì chặt chẽ, hiệu quả nền nếp, chế độ trong huấn luyện, coi trọng chế độ kiểm tra, hội thi, hội thao, nhất là hội thi “Kíp xe tăng giỏi”, kịp thời rút kinh nghiệm nâng cao chất lượng huấn luyện. Tăng cường huấn luyện, diễn tập chiến thuật binh chủng đến cấp tiểu đoàn xe tăng, huấn luyện cơ động bắn, lái tổng hợp trong đội hình chiến đấu binh chủng hợp thành và kỹ năng khai thác, làm chủ các trang, thiết bị trên xe tăng,... đáp ứng yêu cầu chiến tranh hiện đại.

Ba lànâng cao chất lượng rèn luyện kỷ luật, thực hiện chính quy, xây dựng đơn vị an toàn. Kỷ luật là sức mạnh của toàn quân nói chung, Lữ đoàn nói riêng, nhất là đối với một đơn vị binh chủng chiến đấu, trực tiếp quản lý, sử dụng và vận hành nhiều vũ, khí tài, phương tiện kỹ thuật hiện đại thì lại càng có ý nghĩa quan trọng. Nhận thức rõ điều đó, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục với đẩy mạnh xây dựng đơn vị “điểm” về “chính quy, kỷ luật, an toàn”. Tập trung giáo dục, quán triệt cho bộ đội nắm, vận dụng sáng tạo, hiệu quả các nội dung quy định của pháp luật, Điều lệnh Quản lý bộ đội, nhất là các chỉ thị, văn bản mới về chấp hành kỷ luật, xây dựng đơn vị, bảo đảm an toàn trong Quân đội. Trên cơ sở đó, xây dựng cho mỗi quân nhân ý thức, trách nhiệm, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng nghị quyết, kế hoạch, chương trình thực hiện với mục tiêu, chỉ tiêu, biện pháp cụ thể trong từng tháng, quý, năm, bảo đảm phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ, đối tượng quản lý và chỉ tiêu chung của Binh chủng; tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời khâu yếu, mặt yếu. Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp trong giáo dục, quản lý tư tưởng, duy trì kỷ luật theo tinh thần “tự giác, nghiêm minh”; mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên phải được tổ chức thực hiện một cách nhanh chóng, chính xác, đồng bộ, triệt để từ trên xuống dưới, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn đơn vị.

Bốn là, chú trọng bảo đảm tốt công tác kỹ thuật, hậu cần. Lữ đoàn thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nâng cao chất lượng quản lý, khai thác, sử dụng, vũ khí, trang bị kỹ thuật theo nội dung, quy định của Ban chỉ đạo 50 Bộ Quốc phòng và Binh chủng; tập trung bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật, đạn các loại cho huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ đột xuất. Kết hợp duy trì nghiêm nền nếp, chế độ công tác kỹ thuật với nghiên cứu, phát huy sáng kiến cải tiến, nâng cao năng lực vận chuyển, sữa chữa, bảo quản, bảo dưỡng đồng bộ xe tăng, thiết giáp; thường xuyên bảo đảm hệ số kỹ thuật sẵn sàng chiến đấu (Kt =1), huấn luyện chiến đấu (Kt = 0,95 - 1,0), đủ sức hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Cùng với làm tốt công tác kỹ thuật, Lữ đoàn chỉ đạo cơ quan hậu cần chủ động phối hợp với các đơn vị xây dựng hệ thống văn kiện hậu cần, bảo đảm tốt lượng dự trữ vật chất hậu cần sẵn sàng chiến đấu và phục vụ cả nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất; ưu tiên nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập. Tăng cường xây dựng, củng cố doanh trại chính quy “sáng, xanh, sạch, đẹp”; đẩy mạnh tăng gia, chăn nuôi, xây dựng bếp nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt gắn với phong trào Thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, xứng đáng với truyền thống Đơn vị “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới”.

Thượng tá LÊ HẢI ĐĂNG, Lữ đoàn trưởng
__________________

1 - Trung đoàn Xe tăng 215 thành lập ngày 10/4/1973, quyết định nâng lên Lữ đoàn ngày 05/10/1974.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.