Thứ Bảy, 23/11/2024, 06:31 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Lữ đoàn Xe tăng 215 thuộc Binh chủng Tăng thiết giáp (TTG) được thành lập ngày 10-4-19731. Ngay sau khi được thành lập, Lữ đoàn đã tập trung khắc phục mọi khó khăn, nhanh chóng ổn định tổ chức biên chế, huấn luyện bổ sung, kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam và tham gia làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Tiểu đoàn 1 của Lữ đoàn phối thuộc cho Quân đoàn 4 tiến công trên hướng Đông Bắc Sài Gòn, chi viện cho Sư đoàn 341 đánh địch ở khu vực Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa, mở đường cho lực lượng thọc sâu đánh chiếm Đài phát thanh và Dinh Tổng thống ngụy; Tiểu đoàn 2 phối thuộc cho Binh đoàn 232 tiến công địch trên hướng Tây và Tây Nam Sài Gòn - Gia Định, đánh chiếm Trạm ra-đa Phú Lâm, Trường đua Phú Thọ, Bộ Tư lệnh Biệt khu thủ đô, Tổng nha Cảnh sát, phối hợp với các cánh quân khác đánh chiếm Dinh Tổng thống ngụy, góp phần cùng các lực lượng kết thúc Chiến dịch, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Cam-pu-chia, Lữ đoàn đã phối hợp với các đơn vị của Quân đoàn 3, Quân đoàn 4, Quân khu 9… tham gia 34 trận, cùng với các đơn vị giải phóng thị xã Công Pông Chàm, Cô Kông và một số địa phương của Bạn. Với những thành tích xuất sắc của chặng đường 40 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Lữ đoàn đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Binh chủng tặng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới và xứng đáng với truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của Bộ đội TTG, những năm qua, Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn đã chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu và có nhiều chủ trương, giải pháp quyết liệt để công tác này ngày càng đi vào nền nếp, thực chất và hiệu quả. Là đơn vị có bề dày thành tích nhiều năm huấn luyện giỏi, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, Lữ đoàn còn không ít khó khăn, bất cập. Đó là, trình độ đội ngũ cán bộ không đồng đều, trải nghiệm thực tiễn chiến đấu ít; điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, kinh phí hạn hẹp; vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) qua sử dụng nhiều năm hiện đã xuống cấp, tính đồng bộ không ổn định. Bên cạnh đó, thao trường, bãi tập ngày càng bị thu hẹp; thời tiết địa bàn đóng quân khắc nghiệt, nắng nóng, hạn hán kéo dài, mưa bão thường xuyên xảy ra… ảnh hưởng không nhỏ tới công tác huấn luyện chiến đấu và đời sống sinh hoạt của bộ đội. Trước tình hình đó, Lữ đoàn đã coi trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác huấn luyện chiến đấu đối với việc hoàn thành nhiệm vụ; đồng thời, đặt ra yêu cầu cao đối với đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ chủ trì, cấp ủy các cấp và cán bộ trực tiếp tham gia huấn luyện.
Thực tế cho thấy, dù công tác huấn luyện chiến đấu được tiến hành nghiêm túc, đúng, đủ nội dung, song nếu việc giáo dục chính trị, tư tưởng không được coi trọng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả huấn luyện. Vì vậy, Lữ đoàn yêu cầu các đơn vị trong quá trình giáo dục phải tập trung làm rõ: đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị; đối tượng tác chiến và những phát triển mới của kỹ thuật, chiến thuật, cách đánh của xe tăng, nhằm đối phó với chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao; những khó khăn, vất vả của Bộ đội TTG trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; từ đó, giúp cán bộ, chiến sĩ nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác huấn luyện - nhiệm vụ trung tâm thường xuyên trong thời bình. Công tác chính trị, tư tưởng cũng cần nêu bật đặc điểm chi phối của đơn vị đóng quân ở khu vực địa hình, thời tiết khắc nghiệt, đó là một trong những yếu tố để rèn luyện ý chí quyết tâm, bản lĩnh chiến đấu, lòng dũng cảm… khi phải đối mặt với các tình huống trong tác chiến; đồng thời, giúp họ thấy được VKTBKT dù hiện đại đến đâu thì con người vẫn là nhân tố quyết định thắng lợi của mỗi trận chiến đấu. Đi vào những nội dung cụ thể, Lữ đoàn tập trung quán triệt sâu sắc Mệnh lệnh huấn luyện của Tư lệnh Binh chủng, các chỉ thị, hướng dẫn của Bộ Tham mưu Binh chủng và các cơ quan cấp trên về công tác huấn luyện chiến đấu; nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy cũng như nghị quyết chuyên đề về công tác huấn luyện đến từng cán bộ, chiến sĩ; đồng thời, xác định rõ nội dung, chỉ tiêu, biện pháp cụ thể trong huấn luyện, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị. Để công tác giáo dục mang lại hiệu quả thiết thực, Lữ đoàn chỉ đạo vận dụng linh hoạt các hình thức, từ tổ chức quán triệt, giáo dục tập trung đến lồng ghép với các hoạt động tập thể, cổ động thao trường; kết hợp với giáo dục trực quan thông qua hệ thống pa-nô, áp phích, bảng tin thi đua… Những hình thức, biện pháp giáo dục đó đã giúp cán bộ, chiến sĩ, nhất là chiến sĩ mới nắm chắc nhiệm vụ, đăng ký giao ước thi đua thực hiện bằng được các chỉ tiêu huấn luyện với quyết tâm cao; từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân, tự hào về truyền thống của đơn vị, tạo động lực phấn đấu vươn lên một cách tự giác.
Cùng với làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, Lữ đoàn coi trọng công tác chuẩn bị huấn luyện, từ chuẩn bị con người, xây dựng kế hoạch, bảo đảm cơ sở vật chất đến chuẩn bị thao trường, bãi tập. Xác định huấn luyện cán bộ là khâu then chốt, quyết định nâng cao chất lượng công tác huấn luyện chiến đấu, Lữ đoàn chú trọng làm tốt việc tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cả về trình độ, tác phong, phương pháp sư phạm, làm cơ sở để tổ chức huấn luyện cho phân đội. Nội dung tập huấn tập trung vào những mặt còn yếu của công tác huấn luyện năm trước, nội dung mới, huấn luyện mẫu nội dung khó, tổ chức phương pháp huấn luyện chuyên môn kỹ thuật binh chủng, diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp, phương pháp soạn giáo án, giảng thử, giảng mẫu… Đối tượng bồi dưỡng chú trọng đến đội ngũ cán bộ đại đội, trung đội, cán bộ là trưởng xe, tiểu đội trưởng, cán bộ mới ra trường còn ít kinh nghiệm thực tiễn huấn luyện. Các tiểu đoàn, đại đội thực hiện nghiêm túc thời gian bồi dưỡng tại chức hằng tuần, hằng tháng theo kế hoạch; động viên đội ngũ cán bộ tận dụng thời gian tự học, nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn kỹ thuật binh chủng. Nhờ kết hợp chặt chẽ nhiều nội dung, hình thức, biện pháp trong huấn luyện, các mặt hạn chế của đội ngũ cán bộ phân đội, như: tổ chức phương pháp còn lúng túng, trình độ sư phạm còn yếu, kỹ năng xử trí trên thao trường, bãi tập chưa linh hoạt… đã cơ bản được khắc phục, chất lượng huấn luyện từng bước được nâng lên. Đến nay, 100% cán bộ của Lữ đoàn có kiến thức toàn diện cả về chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật và huấn luyện được theo phân cấp; trong đó, có trên 90% cán bộ cấp tiểu đoàn, 85% cán bộ cấp đại đội, trung đội đạt trình độ huấn luyện khá, giỏi.
Bên cạnh đó, Lữ đoàn luôn chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch, tiến trình biểu huấn luyện, chế độ soạn và thông qua giáo án, củng cố mô hình học cụ, chuẩn bị thao trường, bãi tập. Lữ đoàn quy định chế độ thông qua giáo án trước ít nhất 03 ngày, không có tình trạng huấn luyện chay, huấn luyện suông. Bằng công sức của cán bộ, chiến sĩ, Lữ đoàn đã đầu tư hàng ngàn ngày công và tận dụng ngày nghỉ, giờ nghỉ để tu sửa, nâng cấp hệ thống thao trường, bãi tập: tuyến bia ở trường bắn Quỳnh Châu, bãi lái 5a, giá rung thủy lực, hầm hào, bãi tập chiến thuật, bãi bắn súng bộ binh, giảng đường, v.v.
Để chất lượng huấn luyện ngày càng nâng lên, Lữ đoàn đã chủ động đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức huấn luyện. Trong đó, chú trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, theo nhiệm vụ, sát đối tượng, địa bàn, tình huống tác chiến, trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Đặc điểm của TTG là chiến đấu bằng phương tiện kỹ thuật, khả năng cơ động cao, hành động đòi hỏi tính hiệp đồng tập thể rất cao, linh hoạt. Do vậy, Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị huấn luyện phải toàn diện, coi trọng cả lý thuyết lẫn thực hành, lấy huấn luyện thực hành trên thao trường, bãi tập là chủ yếu; chú trọng huấn luyện động tác kỹ thuật cá nhân, chiến thuật phân đội và hiệp đồng giữa các thành viên trên xe, giữa các xe tăng trong đội hình chiến đấu, giữa xe tăng với bộ binh và các bộ phận khác; tăng cường huấn luyện cơ động trong các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, ngụy trang, nghi binh và phòng, chống vũ khí công nghệ cao của địch. Các nội dung huấn luyện luôn được các đơn vị thực hiện đầy đủ, không xem nhẹ nội dung nào, ưu tiên các khoa mục trọng tâm, như: lái tổng hợp; lái 5.1 và 5.2; lái hành quân, lái bắn trong đội hình chiến đấu của phân đội; lái xe trinh sát cơ giới ĐM2, lái triển khai xe tổng trạm; huấn luyện bổ sung lái xe phà GPS… Hình thức huấn luyện chú trọng cán bộ cấp trên trực tiếp huấn luyện, bồi dưỡng cho cán bộ cấp dưới, chỉ huy bồi dưỡng cho cơ quan, đơn vị. Trong quá trình điều hành huấn luyện, Lữ đoàn luôn tuân thủ đúng kế hoạch, chủ động điều chỉnh những vấn đề mới nảy sinh, vận dụng linh hoạt các phương pháp, như: huấn luyện xoay vòng, xen kẽ, huấn luyện đi trước… bảo đảm đúng nội dung, thời gian, cả ban ngày và ban đêm. Những nội dung chưa được thực hiện theo kế hoạch do các yếu tố về thời tiết hoặc các nhiệm vụ đột xuất, Lữ đoàn quy định các đơn vị đều phải tổ chức cho bộ đội học bù, học vét trong tuần, trong tháng. Bám sát sự chỉ đạo của Binh chủng, Lữ đoàn tổ chức tăng thời gian huấn luyện dã ngoại kết hợp hành quân xa, mang vác nặng qua các địa hình, trong các điều kiện thời tiết phức tạp; đồng thời, thông qua hoạt động thể thao: vượt vật cản, xà đơn, xà kép, chạy vũ trang, bơi ứng dụng… rèn luyện để bộ đội có nền tảng thể lực tốt, sức khỏe dẻo dai, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Năm 2012, Bộ Tư lệnh Binh chủng kiểm tra toàn diện công tác huấn luyện, Lữ đoàn đạt giỏi; Bộ Quốc phòng tặng cờ Đơn vị huấn luyện giỏi.
Là đơn vị thuộc binh chủng chiến đấu, binh chủng kỹ thuật nên công tác bảo đảm kỹ thuật cho TTG giữ vai trò quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu. Nhận thức rõ điều đó, Lữ đoàn chú trọng duy trì, quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng, tình trạng đồng bộ của VKTBKT, khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn vật tư kỹ thuật, bảo đảm kịp thời, đầy đủ, đồng bộ VKTBKT. Hằng năm, Lữ đoàn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Lữ đoàn cũng đã đầu tư, nâng cấp hệ thống nhà xe, nhà kho theo hướng chính quy, thống nhất. Đến nay, 100% lán xe niêm cất có cửa kiên cố; trạm xưởng đã sửa chữa vừa và nhỏ tại đơn vị được hơn 5.000 lượt VKTBKT, gia công hàng ngàn chi tiết phục vụ công tác sửa chữa và đồng bộ VKTBKT. Vì vậy, qua các lần kiểm tra đột xuất, Lữ đoàn đều được cấp trên đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, tình trạng kỹ thuật tốt, bảo đảm hệ số an toàn; hệ số kỹ thuật nhóm xe sẵn sàng chiến đấu Kt = 1; hệ số kỹ thuật nhóm xe huấn luyện đạt Kt = 0,98; VKTBKT không có hư hỏng lớn, khu xe luôn bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Phát huy truyền thống “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn - Đã ra quân là đánh thắng”, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Xe tăng 215 đang nỗ lực thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xứng đáng với truyền thống 40 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành.
Đại tá NGUYỄN VĂN THUẬT
Lữ đoàn trưởng
________
1 - Ngày 10-4-1973, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 57/QĐ-QP thành lập Trung đoàn Xe tăng 215 trực thuộc Binh chủng Thiết giáp (nay là Binh chủng Tăng thiết giáp); ngày 05-10-1974, theo Quyết định số 150/QĐ-QP, Trung đoàn chuyển thành Lữ đoàn Xe tăng 215.
lữ đoàn 215
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm