Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 18/09/2014, 21:25 (GMT+7)
Lữ đoàn Tên lửa 490 nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Hợp luyện Đại đội phóng (Ảnh đơn vị cung cấp)

Lữ đoàn 490 thuộc Binh chủng Pháo binh là đơn vị tên lửa chiến lược đầu tiên của Quân đội ta, được trang bị tổ hợp tên lửa, có tầm bắn xa, uy lực lớn và hiện đại nhất của Pháo binh Việt Nam. Đây là vinh dự, song cũng là thách thức lớn đối với cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) Lữ đoàn, bởi yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi rất cao, đặc biệt là về trình độ làm chủ vũ khí, khí tài, bảo dưỡng giữ gìn các thông số về kỹ thuật. Ý thức rõ điều đó, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, sát với đặc điểm, nhiệm vụ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; trong đó, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Nhờ đó, chất lượng tổng hợp, trình độ SSCĐ của Đơn vị không ngừng được nâng lên, kết quả huấn luyện năm sau cao hơn năm trước. Từ năm 2006 đến nay, Lữ đoàn luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào Thi đua Quyết thắng của Binh chủng, Đảng bộ Lữ đoàn đạt trong sạch, vững mạnh; đã có 21 lượt tiểu đoàn, 58 lượt đại đội được Bộ Tư lệnh Binh chủng công nhận là “Đơn vị Huấn luyện Giỏi”. Đặc biệt, năm 2012, Lữ đoàn đạt giải Nhất Hội thi Kỹ thuật tên lửa, khí tài đặc chủng toàn quân và nhận cờ “Đơn vị Huấn luyện Giỏi” 05 năm liền (2007-2012) do Bộ Quốc phòng trao tặng.

Để có được kết quả đó, trước hết, Lữ đoàn luôn quan tâm làm tốt công tác xây dựng, huấn luyện, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp (QNCN), xác định đây là khâu then chốt để nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu, xây dựng đơn vị. Do đặc thù của đơn vị quản lý, khai thác vũ khí, khí tài đặc chủng, hiện đại, yêu cầu chuyên môn hóa cao, đội ngũ sĩ quan, QNCN chiếm hơn 70% quân số. Lữ đoàn xác định đây là một thuận lợi cần phát huy; bởi lẽ, đội ngũ sĩ quan, QNCN là lực lượng nòng cốt quyết định kết quả hoàn thành nhiệm vụ của Đơn vị. Theo đó, Lữ đoàn chú trọng tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng động cơ, ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao; đồng thời, đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, QNCN. Mặt khác, Lữ đoàn chủ động phối hợp, đề xuất với cơ quan chức năng cấp trên bổ sung cán bộ, QNCN, nhất là đối tượng tốt nghiệp giỏi từ các học viện, nhà trường, như: Trường sĩ quan Pháo binh, Học viện Kỹ thuật quân sự,… cho đơn vị. Đồng thời, thường xuyên quan tâm quy hoạch, lựa chọn các đồng chí cán bộ (ưu tiên cán bộ trẻ) có đủ phẩm chất, năng lực gửi đi đào tạo tại các học viện, nhà trường trong nước và nước ngoài; từng bước xây dựng đội ngũ “chuyên gia” trên từng lĩnh vực, chuyên ngành cụ thể, làm nòng cốt trong khai thác, huấn luyện, sử dụng vũ khí, khí tài đặc chủng của đơn vị. Cùng với đó, Lữ đoàn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ cơ quan vững mạnh, có đủ năng lực làm tham mưu, giúp cho Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị huấn luyện, diễn tập, SSCĐ.

Do quy trình khai thác, vận hành tên lửa, mỗi vị trí có chức trách, nhiệm vụ riêng biệt, tương đối độc lập với nhau, nên đối tượng huấn luyện, bồi dưỡng rất đa dạng; hơn nữa, số cán bộ mới được biên chế về đơn vị phần lớn chưa được đào tạo cơ bản về chuyên ngành tên lửa mặt đất. Vì vậy, hằng năm, Lữ đoàn đều tổ chức “đào tạo lại”; chú trọng bồi dưỡng về kỹ thuật chuyên ngành tên lửa theo cương vị, chức trách, nhất là số cán bộ mới về, cán bộ được chuyển đổi vị trí và cán bộ mới được bổ nhiệm (đại đội, tiểu đoàn), với thời gian khoảng 02 tháng (trước khi vào huấn luyện). Nội dung huấn luyện tập trung vào giới thiệu tổ chức biên chế, tính năng công dụng của các loại khí tài, chức trách, nhiệm vụ của từng thành phần: trung đội trưởng chỉ huy, trung đội trưởng phóng, điều khiển, phần tử, kỹ thuật, ra-đa – khí tượng,… Mặt khác, đi sâu vào những nội dung mới, nội dung khó và nội dung còn yếu của năm trước, như: tổ chức phương pháp huấn luyện kỹ thuật chuyên ngành tên lửa, hợp luyện đại đội, diễn tập chỉ huy - cơ quan trên bản đồ, ngoài thực địa, phương pháp soạn thảo giáo án, tổ chức thông qua giáo án, giảng thử, giảng mẫu, v.v.

Để công tác huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ, QNCN đạt hiệu quả cao, Lữ đoàn chú trọng tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Đồng thời, quy định cán bộ chủ trì phải chịu trách nhiệm về kết quả huấn luyện của cán bộ thuộc quyền và lấy kết quả huấn luyện làm tiêu chí cơ bản để bình xét thi đua, khen thưởng, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, đơn vị, cũng như bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Lữ đoàn còn chú trọng xây dựng đội ngũ “chuyên gia” thông qua việc lựa chọn cán bộ giỏi của đơn vị theo từng chuyên ngành để tham gia, làm việc cùng với các chuyên gia nước ngoài trong các đợt kiểm tra, sửa chữa, tăng hạn đồng bộ khí tài của đơn vị theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Binh chủng. Hình thức bồi dưỡng lẫn nhau được Lữ đoàn chú trọng tổ chức và khuyến khích thực hiện, như: cấp trên bồi dưỡng cho cấp dưới; người có kinh nghiệm bồi dưỡng cho người chưa có kinh nghiệm; cán bộ quân sự bồi dưỡng cho cán bộ chính trị về kỹ năng chỉ huy, chuyên môn kỹ thuật tên lửa; cán bộ chính trị lại bồi dưỡng cho cán bộ quân sự về kiến thức, phương pháp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện, SSCĐ,… Từ đó, thúc đẩy phong trào tự học tập, tự nghiên cứu của mỗi cán bộ, QNCN. Đến nay, 100% cán bộ của Lữ đoàn có kiến thức vững vàng, tương đối toàn diện, đủ năng lực huấn luyện theo phân cấp; trong đó, 100% cán bộ tiểu đoàn, trên 80% cán bộ đại đội, trung đội huấn luyện đạt khá, giỏi. Trong 05 năm (2008 - 2013), Lữ đoàn có 178 lượt cán bộ đạt danh hiệu Sĩ quan Pháo binh huấn luyện giỏi.

Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo, Lữ đoàn bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, cụ thể hóa tiêu chí “Đơn vị Huấn luyện Giỏi” phù hợp với điều kiện đặc thù; trong đó, coi trọng huấn luyện chuyên sâu, đồng bộ, nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật theo hướng tiểu đoàn tên lửa đủ sức tác chiến độc lập và tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng trên từng hướng chiến trường. Đây vừa là quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và là khâu đột phá trong huấn luyện chiến đấu của Lữ đoàn. Theo đó, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp huấn luyện; nâng cao chất lượng quản lý, điều hành huấn luyện, xây dựng kế hoạch, tiến trình biểu huấn luyện sát với nhiệm vụ, phương án, chiến trường, đối tượng tác chiến và tổ chức biên chế, vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT). Bám sát nội dung, chương trình quy định, Lữ đoàn tập trung huấn luyện cho bộ đội nắm chắc các quy tắc bảo đảm an toàn, thành thục các yếu lĩnh, thao tác kỹ thuật theo chức trách cá nhân đến hiệp đồng phân đội, trong từng bệ phóng, từng xe chuyên dụng và trong toàn bộ tổ hợp. Trong huấn luyện, Lữ đoàn chú trọng huấn luyện chiến thuật chuyên ngành, tập trung huấn luyện sát với điều kiện tác chiến, lấy tiểu đoàn tên lửa chi viện cho một hướng tác chiến chiến lược làm trung tâm; tăng cường huấn luyện đêm, hành quân dã ngoại, cơ động, dịch chuyển, ngụy trang, nghi trang, nghi binh, phòng tránh địch tiến công bằng hỏa lực,... bảo đảm cơ động, triển khai tên lửa nhanh, tính toán, thao tác chính xác, sát điều kiện tác chiến mới. Cùng với huấn luyện chuyên sâu, Lữ đoàn cũng đặt ra yêu cầu và tổ chức huấn luyện cho CB,CS giỏi chức trách được giao; đồng thời, làm được từ 01 đến 03 chức trách khác (trung đội trưởng điều khiển làm được trắc thủ số 02, 03; đội trưởng phóng làm được trắc thủ số 01, 04; QNCN là lái xe làm được trắc thủ số 07, 08,…), sẵn sàng thay thế, hỗ trợ nhau khi có tình huống.

Để nâng cao chất lượng huấn luyện, cùng với chấp hành nghiêm kế hoạch huấn luyện đã được phê duyệt, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị  kiên quyết tổ chức học bù, học vét đầy đủ các nội dung không thực hiện được vì lý do thời tiết hoặc nhiệm vụ đột xuất trong tuần, tháng. Chế độ thông qua giáo án, bài giảng của cán bộ được thực hiện nghiêm túc; đối với các bài huấn luyện chuyên ngành về thực hành và huấn luyện chiến thuật đều được thông qua bằng giảng thử. Để bảo đảm tính cơ bản, an toàn và tạo sự thống nhất cao trong từng nội dung, khoa mục, Lữ đoàn chú trọng phát huy vai trò trợ giảng là QNCN và vận dụng phương pháp đội mẫu trong quá trình huấn luyện. Ngoài ra, Lữ đoàn tổ chức tốt việc huấn luyện bổ sung trước mỗi nhiệm vụ mới, nhất là trước diễn tập; huấn luyện xoay vòng, đổi tập, tăng thời gian huấn luyện thực hành trên xe máy, khí tài. Thời gian qua, Lữ đoàn đã nghiên cứu, tận dụng khí tài hết hạn sử dụng đưa vào làm mô hình huấn luyện, nâng cao tính trực quan; đồng thời, tích cực kết hợp với diễn tập của cấp trên khi Lữ đoàn được tham gia để huấn luyện, nâng cao khả năng cơ động phương tiện, khí tài. Cùng với các biện pháp trên, Lữ đoàn chú trọng kết hợp huấn luyện với giáo dục chính trị, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy; duy trì nền nếp hội thi, hội thao rộng khắp ở các cấp, tạo động lực nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Bằng nhiều biện pháp đồng bộ nên kết quả kiểm tra huấn luyện hằng năm của Lữ đoàn có 100% các môn kỹ thuật chuyên ngành tên lửa và hợp luyện đại đội đạt giỏi; khoa mục chung đạt khá trở lên. Các năm 2010, 2011, 2012, Binh chủng kiểm tra diễn tập chỉ huy - cơ quan có thực binh ngoại thực địa, Lữ đoàn đều đạt giỏi, đơn vị an toàn tuyệt đối.

Tổ hợp tên lửa mà Lữ đoàn quản lý, khai thác là hệ thống vũ khí, khí tài hiện đại, nên công tác kỹ thuật có vị trí quan trọng, yêu cầu bảo đảm kỹ thuật rất cao. Chính vì vậy, cùng với làm tốt huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, Lữ đoàn coi trọng huấn luyện chuyên môn kỹ thuật. Trong đó, tập trung trọng tâm vào huấn luyện quản lý, bảo quản, bảo dưỡng, khai thác, sử dụng trang bị, khí tài. Theo đó, Lữ đoàn thường xuyên quan tâm kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, bảo đảm đủ về số lượng, chất lượng tốt, làm nòng cốt tiến hành công tác kỹ thuật ở đơn vị. Hằng năm, Lữ đoàn phối hợp với Trường Sĩ quan Pháo binh tổ chức huấn luyện cho 01 đến 02 lớp nhân viên chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành thợ kiểm tra, sửa chữa, bảo quản tên lửa để thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng chính quy ngành Kỹ thuật, duy trì nghiêm chế độ, nền nếp công tác kỹ thuật và thực hiện nghiêm việc kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng tên lửa theo đúng quy trình. Phong trào phát huy sáng kiến, ứng dụng cải tiến kỹ thuật nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm kỹ thuật cũng được Lữ đoàn đẩy mạnh, đã có nhiều sáng kiến được áp dụng vào thực tiễn có hiệu quả, như: sáng kiến hệ thống vi mạch hóa ma-két tên lửa nằm ngang, bộ luyện sĩ quan phóng, dẫn hướng tên lửa, trắc thủ xe đo,… tiết kiệm kinh phí và góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện của Đơn vị. Nhờ làm tốt công tác huấn luyện, bồi dưỡng nên lực lượng cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Lữ đoàn phát triển toàn diện, đủ khả năng phối hợp với cơ quan cấp trên triển khai quy trình công nghệ khai thác, niêm cất, bảo quản cất giữ và đồng bộ các loại tên lửa, khí tài đặc chủng, góp phần nâng cao độ tin cậy hoạt động, tăng hạn sử dụng của VKTBKT. Điển hình là, qua thực hiện Dự án TH-17 (tăng hạn tên lửa), Lữ đoàn đã tăng hạn đồng bộ xe máy, khí tài, sửa chữa, thay thế đúng yêu cầu kỹ thuật, công nghệ. Chất lượng của đồng bộ tổ hợp tên lửa sau khi tăng hạn đã được các chuyên gia đánh giá cao. Đây là cơ sở đảm bảo cho hệ thống VKTBKT của Lữ đoàn đủ điều kiện SSCĐ trong nhiều năm tới, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Lữ đoàn tên lửa 490.

Đại tá VŨ ĐĂNG QUYẾT, Lữ đoàn trưởng

Ý kiến bạn đọc (0)