Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 17/12/2018, 09:38 (GMT+7)
Lữ đoàn Phòng không 673 tập trung nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu

Lữ đoàn Phòng không 673 là đơn vị pháo phòng không chiến dịch của Quân đoàn 2, thực hiện nhiều nhiệm vụ đan xen, trọng tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Những năm gần đây, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ quân sự, nhất là về phương tiện, phương thức tác chiến đường không của địch, đặt ra cho các đơn vị phòng không nói chung, Lữ đoàn nói riêng những yêu cầu mới rất cao. Nhận thức rõ điều đó, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã có nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các mặt công tác, nhiều khâu đột phá, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Trước hết, Lữ đoàn tập trung thực hiện tốt công tác quán triệt, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Trong đó, làm cho cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn nhận thức sâu sắc rằng, trong tác chiến đối không, tình huống có thể đến bất kỳ lúc nào, tính thời cơ rất cao. Bởi vậy, dù trong thời bình, nhưng Lữ đoàn luôn phải sẵn sàng chiến đấu cao, yêu cầu canh trực hết sức nghiêm ngặt, khắt khe. Trong khi đó, quân số của Đơn vị phần lớn là quân nhân chuyên nghiệp, nhiều đồng chí có hoàn cảnh gia đình khó khăn; nhiệm vụ hết sức nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ tới tư tưởng, tình cảm, sức khỏe của bộ đội. Do đó, việc nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thực hiện vấn đề này, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn tăng cường quán triệt, phổ biến cho bộ đội nắm vững các quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng; điều lệnh, điều lệ, các chế độ, quy định về sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh đổi mới hình thức, phương pháp, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ở đơn vị cơ sở; đi sâu thông tin, tuyên truyền để bộ đội nhận thức đúng tình hình, đối tượng tác chiến, âm mưu, thủ đoạn, tính chất, đặc điểm tác chiến đường không, nhất là khi địch sử dụng vũ khí công nghệ cao; yêu cầu, nhiệm vụ của Lữ đoàn, Quân đoàn trong tình hình mới, v.v. Qua đó, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, nêu cao cảnh giác cách mạng, tinh thần chiến đấu, tin tưởng vào cách đánh và vũ khí, trang bị khí tài được biên chế, có ý chí “dám đánh, quyết đánh và quyết thắng”, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trước mỗi giai đoạn, nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu cao điểm, Lữ đoàn đều tổ chức phát động các đợt thi đua đột kích, tập trung đột phá thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trung tâm; đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Cùng với đó, Lữ đoàn chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, đẩy mạnh thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, nhất là dân chủ quân sự trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ và chiến sĩ, quân với dân, tinh thần hiệp đồng chiến đấu, lập công tập thể, tạo sự thống nhất cao trong Đơn vị.

Trên cơ sở nhận thức đúng, Lữ đoàn đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện; xác định đây là khâu then chốt, nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, có ý nghĩa quyết định nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của Đơn vị. Do đặc thù tổ chức biên chế nên đối tượng huấn luyện của Lữ đoàn đa dạng, gồm nhiều lực lượng, với các chuyên ngành khác nhau (trinh sát, thông tin, tiêu đồ, pháo thủ, lái xe,...); cùng lúc vừa huấn luyện, vừa phải canh trực sẵn sàng chiến đấu và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác, v.v. Trước thực tế đó, Lữ đoàn chú trọng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị huấn luyện cả về con người, cơ sở vật chất, thao trường, vũ khí, trang bị; lấy huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ là khâu then chốt, huấn luyện nhân viên chuyên môn kỹ thuật là trọng tâm. Hằng năm, trước khi huấn luyện, Lữ đoàn tổ chức rà soát điều chỉnh, kiện toàn tổ chức biên chế, trang bị, ưu tiên các đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới, phân đội làm nhiệm vụ canh trực sẵn sàng chiến đấu và trực A2. Công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ được Lữ đoàn đổi mới toàn diện, thực hiện theo phân cấp; tập trung vào những khâu yếu, mặt yếu, nội dung chưa thống nhất, nhiệm vụ mới, khó khăn, phức tạp. Đối với chỉ huy, cơ quan, Lữ đoàn yêu cầu phải huấn luyện nâng cao trình độ chỉ huy tham mưu tác chiến, huấn luyện, nội dung, phương pháp tổ chức chỉ đạo, huấn luyện diễn tập chỉ huy - cơ quan trên bản đồ, ngoài thực địa, diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp, v.v. Đối với cán bộ phân đội, Lữ đoàn chú trọng bồi dưỡng, luyện tập đánh địch sở chỉ huy, trên trận địa, sa bàn; phương pháp huấn luyện, soạn thảo giáo án, thông qua giáo án, giảng thử, v.v. Đến nay, 100% cán bộ của Lữ đoàn có kiến thức vững toàn diện, đủ năng lực huấn luyện theo phân cấp; trong đó, có 100% cán bộ tiểu đoàn và 75% cán bộ đại đội, trung đội huấn luyện khá, giỏi (giỏi trên 50%). Đối với phân đội, Lữ đoàn bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện toàn diện, chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm, sát với đặc điểm, nhiệm vụ của từng lực lượng, lấy sẵn sàng đánh địch trong mọi tình huống trên không làm mục tiêu cao nhất. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị bám sát nội dung, chương trình quy định, xây dựng kế hoạch khoa học, phù hợp, tập trung huấn luyện để bộ đội khai thác, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật có trong biên chế. Đồng thời, tăng cường huấn luyện đêm, thực hành trên khí tài, huấn luyện cơ động nhanh, phát hiện và bám sát mục tiêu; huấn luyện, luyện tập theo các phương án, tình huống và nâng cao khả năng hiệp đồng chiến đấu giữa các thành phần, lực lượng trong điều kiện địch tập kích đường không bằng vũ khí công nghệ cao, v.v.

Cùng với đó, Lữ đoàn tích cực huy động các nguồn lực, đầu tư hàng trăm triệu đồng, hàng ngàn ngày công để tu sửa, nâng cấp hệ thống thao trường, bãi tập, tổ chức hội thi mô hình học cụ, đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Trong quá trình huấn luyện, Lữ đoàn yêu cầu các cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm kế hoạch huấn luyện đã được phê duyệt; tổ chức học bù, học vét đầy đủ các nội dung chưa thực hiện được (vì lý do thời tiết hoặc nhiệm vụ đột xuất) ngay trong tuần, tháng. Cán bộ huấn luyện các cấp phải thông qua giáo án, bài giảng trước đó ít nhất 03 đến 05 ngày; các bài huấn luyện chuyên ngành về thực hành và huấn luyện chiến thuật phải được thông qua bằng giảng thử; duy trì nền nếp chế độ hội thao, hội thi theo phân cấp. Từ năm 2013 đến nay, Lữ đoàn đã tổ chức thành công hơn 10 lần hội thi và tham gia nhiều hội thi do cấp trên tổ chức đều đạt thành tích cao1. Nhờ có các biện pháp phù hợp, hiệu quả, chất lượng huấn luyện của Lữ đoàn được nâng lên; trình độ, năng lực tổ chức chỉ huy, tác chiến của cán bộ, chiến sĩ, khả năng cơ động, hiệp đồng chiến đấu của các đơn vị tiến bộ rõ rệt. Qua các lần diễn tập, báo động kiểm tra sẵn sàng chiến đấu của Quân đoàn và Bộ Quốc phòng, Lữ đoàn đều đạt loại Giỏi.

Để đảm bảo cho Đơn vị luôn sẵn sàng chiến đấu cao, phản ứng nhanh, chính xác trước mọi tình huống, Lữ đoàn duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu; phối hợp với các lực lượng trên địa bàn xây dựng thế trận trên không vững chắc. Bám sát chỉ thị, mệnh lệnh, kế hoạch sẵn sàng chiến đấu đã được phê duyệt, Lữ đoàn tập trung xây dựng, kiện toàn tổ chức lực lượng theo h­ướng “gọn, mạnh”, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; ưu tiên quân số, vũ khí, trang bị kỹ thuật cho các cơ quan, đơn vị trọng điểm, như: sở chỉ huy, phân đội trực chiến và các đơn vị độc lập. Đồng thời, duy trì nghiêm 10 chế độ sẵn sàng chiến đấu; chế độ kiểm tra trước, trong, sau mỗi ca trực, chế độ báo động luyện tập chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, chuyển các phân đội từ trực ban dự bị lên trực ban chính thức, v.v. Hằng năm, Lữ đoàn thường xuyên kiểm tra, bổ sung, hoàn thiện văn kiện chiến đấu ở các cấp phù hợp với sự phát triển của tình hình, ý định tác chiến của Quân đoàn; củng cố hầm hào, công sự trận địa, đường cơ động, đảm bảo chuyển hóa thế trận linh hoạt. Qua đó, kịp thời rút kinh nghiệm và điều chỉnh, bổ sung vào phương án chiến đấu của Đơn vị.

Để nâng cao hiệu quả phối hợp, hiệp đồng chiến đấu, Lữ đoàn chú trọng phối hợp với Sư đoàn Phòng không 365, Trung đoàn Không quân 927 và lực lượng phòng không trên địa bàn tổ chức nghiên cứu, triển khai hệ thống trận địa ở các địa hình thuận lợi, bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ; tổ chức bố trí hệ thống trinh sát, cảnh giới liên hoàn, hiệp đồng thu tin, phát hiện địch từ xa, nắm chắc địch trên không, mặt đất, làm cơ sở để chỉ huy các cấp kịp thời xử lý các tình huống. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân nắm chắc tình hình mọi mặt có liên quan, xây dựng phương án hiệp đồng chiến đấu tại chỗ và kế hoạch bảo vệ trận địa, vũ khí, khí tài, kho, trạm, v.v. Lữ đoàn đã khảo sát, nghiên cứu và thiết kế xây dựng mô hình “Trận địa Thanh niên Quyết thắng”, với đầy đủ nhà học tập, sinh hoạt tập trung, nơi ăn, ở và khu sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, đem lại hiệu quả tích cực; qua đó, rút ngắn thời gian chuyển về trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp 1 (chỉ còn 10 giây (ban ngày) và 30 giây (ban đêm), đáp ứng yêu cầu xử lý kịp thời các tình huống tác chiến.

Là đơn vị chiến đấu, đơn vị kỹ thuật, nên trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của Lữ đoàn phụ thuộc không nhỏ vào công tác bảo đảm kỹ thuật. Trước thực tế số lượng xe, pháo, khí tài, trang bị quản lý, sử dụng lớn; đã qua sử dụng nhiều năm, tính đồng bộ, ổn định không cao, khả năng cơ động còn hạn chế, Lữ đoàn chú trọng chỉ đạo làm tốt công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa theo phân cấp tại đơn vị. Đồng thời, tích cực đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng sửa chữa ở Xưởng sửa chữa của Lữ đoàn, gắn với tăng cường bồi dưỡng, huấn luyện nâng cao tay nghề, kỹ năng khai thác, sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa trang bị, khí tài, kỹ năng xử lý các tình huống kỹ thuật trong cơ động tác chiến,... cho đội ngũ nhân viên chuyên môn kỹ thuật các cấp.

Cùng với các nội dung, giải pháp trên, Lữ đoàn chú trọng làm tốt công tác dân vận, xây dựng nền nếp chính quy, quản lý, rèn luyện kỷ luật; tích cực tu sửa, cải tạo cảnh quan môi trường “sáng, xanh, sạch, đẹp”, làm tốt công tác hậu cần, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống “Thần tốc - Táo bạo - Quyết chiến - Toàn thắng”.

Thượng tá NGUYỄN HUY CƯỜNG, Lữ đoàn trưởng
____________

1 - Năm 2017, Lữ đoàn đạt giải Nhất Hội thi tiểu đoàn trưởng, chính trị viên giỏi và Hội thi cán bộ đại đội súng, pháo phòng không giỏi cấp Quân đoàn. Năm 2018, đạt giải Nhì Hội thi tiểu đoàn trưởng súng pháo phòng không; giải Nhì pháo 37mm Hội thi diễn tập chiến thuật, bắn đạn thật lực lượng Phòng không lục quân khu vực phía Bắc do Cục Phòng không Lục quân tổ chức.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.