Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 17/03/2014, 16:30 (GMT+7)
Lữ đoàn Pháo binh 454 xây dựng “Đơn vị huấn luyện giỏi”

Lữ đoàn Pháo binh 454 (Quân khu 3) được thành lập ngày 14-3-1979, trên cơ sở Trung đoàn Pháo binh 572B (Quân khu 5). Trải qua 35 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Lữ đoàn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; trong đó, có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, từ năm 2005 đến nay, Lữ đoàn luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào Thi đua Quyết thắng của Quân khu, Đảng bộ Lữ đoàn đạt trong sạch, vững mạnh; có 28 lượt đại đội, 09 lượt tiểu đoàn được Quân khu công nhận là “Đơn vị huấn luyện giỏi”. Năm 2012, Lữ đoàn được Bộ Quốc phòng tặng Cờ “Đơn vị huấn luyện giỏi” 05 năm (2007 - 2012). Lữ đoàn có 14 lần đạt giải Nhất, 07 lần đạt giải Nhì, 14 lần đạt giải Ba trong các hội thi do Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Pháo binh và Quân khu tổ chức.

Nhận cờ "Đơn vị huấn luyện giỏi"

Từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong công tác huấn luyện, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng “Đơn vị huấn luyện giỏi”, Lữ đoàn đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Trong đó, bài học tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng và phát huy tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên là quan trọng hàng đầu. Nhận thức rõ huấn luyện chiến đấu là nhiệm vụ chính trị trung tâm, xuyên suốt mọi hoạt động của đơn vị, Lữ đoàn đã tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về công tác huấn luyện, nhất là Chỉ lệnh công tác quân sự, quốc phòng của Tổng Tham mưu trưởng, Mệnh lệnh công tác quân sự, quốc phòng của Tư lệnh Quân khu và hướng dẫn của cơ quan cấp trên. Trên cơ sở đó, hằng năm, Đảng ủy Lữ đoàn ra nghị quyết chuyên đề về nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu và chỉ đạo các đơn vị xây dựng nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch, chương trình hành động của cấp ủy, người chỉ huy, trong đó xác định rõ chỉ tiêu phấn đấu xây dựng đơn vị huấn luyện giỏi để tổ chức thực hiện. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được Lữ đoàn coi trọng đẩy mạnh, nhằm làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức đầy đủ vị trí, ý nghĩa của nhiệm vụ huấn luyện, nắm vững nội dung, chỉ tiêu, yêu cầu huấn luyện, đặc biệt là các tiêu chuẩn “Đơn vị huấn luyện giỏi”, cùng những khó khăn, thách thức; từ đó, xây dựng bộ đội có quyết tâm cao trong huấn luyện, tự giác phấn đấu để đạt được danh hiệu này một cách vững chắc.

Xây dựng đơn vị huấn luyện giỏi là nhiệm vụ không đơn giản, nhất là trong điều kiện Lữ đoàn còn nhiều khó khăn. Để thực hiện vấn đề này, Lữ đoàn xác định phải triển khai đồng bộ các biện pháp, mà trước hết là phải coi trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác huấn luyện của đội ngũ cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp. Theo đó, công tác huấn luyện ở các đơn vị luôn được đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ của cấp ủy các cấp. Lữ đoàn yêu cầu, các vấn đề quan trọng của công tác huấn luyện, như: nội dung, chương trình, kế hoạch huấn luyện, ý định diễn tập,… phải được cấp ủy trực tiếp chỉ đạo, thông qua; cán bộ, đảng viên phải đăng ký phấn đấu đạt tiêu chuẩn sĩ quan giỏi. Để tạo động lực cho các tập thể, cá nhân phấn đấu, Lữ đoàn lấy kết quả huấn luyện và thành tích trong hội thi, hội thao hằng năm làm tiêu chí để bình xét thi đua, khen thưởng, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, đơn vị và mỗi cán bộ; đồng thời, làm cơ sở để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm,... Mặt khác, Lữ đoàn chú trọng chỉ đạo xây dựng điểm đại đội, tiểu đoàn pháo binh huấn luyện giỏi, trong đó hướng vào các đơn vị chưa đạt giỏi, đơn vị còn khâu yếu, mặt yếu; qua đó, rút kinh nghiệm, nhân rộng. Song song với đó, Lữ đoàn coi trọng việc phát hiện và kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện chủ quan, thỏa mãn dừng lại, hoặc ngại khó, ngại khổ, hạ thấp yêu cầu huấn luyện, khoán trắng cho cấp dưới, v.v.

Tiêu chuẩn Đơn vị huấn luyện giỏi gồm hệ thống các tiêu chí, chỉ tiêu rất cao và toàn diện, nhất là các nội dung thuộc chuyên ngành pháo binh. Nhận rõ điều đó, Lữ đoàn chỉ đạo tổ chức huấn luyện toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, trước hết là huấn luyện chuyên ngành, huấn luyện chỉ huy - cơ quan và huấn luyện cán bộ, lấy huấn luyện cán bộ, nhất là cán bộ cấp phân đội làm khâu then chốt. Để thực hiện vấn đề này, Lữ đoàn chú trọng duy trì nền nếp công tác tập huấn và kế hoạch huấn luyện tuần, tháng cho cán bộ các cấp. Nội dung huấn luyện đi sâu vào những điểm còn yếu của năm trước, nội dung mới, sửa đổi, tổ chức phương pháp huấn luyện kỹ thuật chuyên ngành binh chủng, bắn pháo sa bàn, diễn tập chỉ huy - cơ quan trên bản đồ, ngoài thực địa, diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp, phương pháp soạn thảo giáo án, tổ chức thông qua giáo án, giảng thử, giảng mẫu,… Chú trọng đối tượng bồi dưỡng là cán bộ đại đội, trung đội, cán bộ mới ra trường, còn ít kinh nghiệm thực tiễn. Trong huấn luyện, Lữ đoàn thực hiện phân cấp, phân nhóm đối tượng (cán bộ đài, trận địa, cán bộ chính trị, hậu cần, kỹ thuật); kết hợp bồi dưỡng nhiều nội dung trong một bài tập, như: gắn bắn pháo ở sa bàn với các hình thức chiến thuật, trận đánh,… Qua đó, nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật chuyên ngành, năng lực xử trí tình huống, trình độ chỉ huy, hiệp đồng tác chiến của cán bộ.

Cùng với tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ, Lữ đoàn còn tổ chức tốt Hội thi cán bộ huấn luyện giỏi, nhất là đối tượng cấp trung đội, đại đội. Từ năm 2006 đến nay, Lữ đoàn đã tổ chức hơn 10 lần hội thi; trong đó, có 04 Hội thi cán bộ Trung đội Pháo binh huấn luyện giỏi, 03 Hội thi cán bộ Đại đội Pháo binh huấn luyện giỏi. Để đạt hiệu quả, Lữ đoàn yêu cầu 100% cán bộ trung đội, đại đội và tương đương tham gia thi; nội dung thi toàn diện, ngoài các nội dung theo chức trách, như: kỹ thuật chuyên ngành, bắn pháo sa bàn, làm kế hoạch chiến đấu trên bản đồ, phương pháp huấn luyện, Lữ đoàn còn đưa các nội dung về chính trị, điều lệnh, bắn súng K54, tin học, sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ,… Qua các hội thi, không chỉ giúp nâng cao năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ trung đội, đại đội, mà còn tạo điều kiện để chỉ huy, cơ quan Lữ đoàn rèn luyện, nâng cao trình độ mọi mặt, phong trào tự học tập, tự nghiên cứu cập nhật kiến thức mới, nhất là khai thác sử dụng khí tài mới của đội ngũ cán bộ trở thành tự giác. Đến nay, 100% cán bộ của Lữ đoàn có kiến thức vững toàn diện cả về chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật, đủ năng lực huấn luyện theo phân cấp; trong đó, có trên 80% cán bộ huấn luyện đạt khá, giỏi.

Xây dựng Kế hoạch chiến đấu trong Hội thi Cán bộ
đại đội Pháo binh giỏi năm 2013

Cùng với huấn luyện cán bộ, Lữ đoàn luôn bám sát tiêu chuẩn “Đơn vị huấn luyện giỏi” để tổ chức huấn luyện phân đội. Do đặc thù tổ chức của đơn vị gồm nhiều lực lượng, với các chuyên ngành khác nhau và đặc điểm huấn luyện là bộ đội phải mang vác, thao tác nặng, cường độ lao động cao,… nên để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, Lữ đoàn chú trọng làm tốt công tác chuẩn bị, từ con người, xây dựng kế hoạch, bảo đảm cơ sở vật chất đến chuẩn bị thao trường, bãi tập. Hằng năm, trước khi bước vào huấn luyện, Lữ đoàn tổ chức rà soát điều chỉnh, kiện toàn tổ chức biên chế, trang bị của các đơn vị, ưu tiên các đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới, trực sẵn sàng chiến đấu và diễn tập bắn đạn thật. Nhiều năm qua, Lữ đoàn đã làm tốt việc hiệp đồng với cấp ủy, chính quyền, trực tiếp là cơ quan quân sự địa phương giao quân, lựa chọn thanh niên có trình độ văn hóa và sức khỏe tốt. Sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, Lữ đoàn tiếp tục sàng lọc, biên chế những chiến sĩ có sức khỏe và trình độ văn hóa phù hợp với từng chuyên ngành; ưu tiên các chuyên ngành khó, như: trinh sát pháo binh, kế toán, đo đạc. Đây là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng huấn luyện chuyên ngành. Cùng với chuẩn bị về con người, Lữ đoàn đã đầu tư hàng trăm triệu đồng, hàng ngàn ngày công để tu sửa, nâng cấp hệ thống thao trường, bãi tập, tổ chức các Hội thi mô hình học cụ, đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Đến nay, 100% các đầu mối tiểu đoàn, đại đội trực thuộc có thao trường huấn luyện chuyên ngành. Lữ đoàn có thao trường huấn luyện binh chủng hợp thành, trường bắn súng tiểu liên AK, K54 và Sa bàn bắn Pháo binh mặt đất, đúng tiêu chuẩn của Bộ.

Quán triệt quan điểm cơ bản, toàn diện, Lữ đoàn luôn coi trọng tính thiết thực, vững chắc trong huấn luyện. Theo đó, Lữ đoàn chỉ đạo cơ quan, đơn vị bám sát nội dung, chương trình quy định; đồng thời, huấn luyện có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tế chiến đấu, đối tượng tác chiến, lấy các nội dung, tiêu chuẩn “Đơn vị huấn luyện giỏi” làm mục tiêu huấn luyện. Cụ thể, Bộ phận trận địa, tập trung huấn luyện nâng cao kỹ năng thao tác trên pháo, chiếm lĩnh trận địa nhanh, thực hiện tốt công tác ngụy trang, nghi trang, cơ động phòng tránh đánh trả,... Bộ phận trinh sát, kế toán, đo đạc tập trung huấn luyện nâng cao kỹ năng phát hiện, xác định mục tiêu, chuẩn bị phần tử bắn, quan sát nắm kết quả bắn nhanh, chính xác,... Bộ phận thông tin tập trung nâng cao kỹ năng truyền, nhận mã dịch điện, v.v.

Trong quá trình huấn luyện, Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị thực hiện nguyên tắc lấy huấn luyện kỹ thuật làm cơ sở, huấn luyện chiến thuật làm trung tâm, coi trọng cả huấn luyện lý thuyết và thực hành, lấy thực hành trên pháo, khí tài là chính. Việc huấn luyện kỹ thuật được tiến hành theo trình tự từ dễ đến khó, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Huấn luyện chiến thuật được tiến hành từ chiến thuật khẩu đội (tiểu đội), trung đội đến chiến thuật đại đội, tiểu đoàn; từ hiệp đồng trong nội bộ pháo binh (giữa đài quan sát với sở chỉ huy và trận địa bắn) đến hiệp đồng giữa pháo binh với bộ binh, xe tăng, phòng không,... Để đạt hiệu quả, Lữ đoàn quán triệt, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm kế hoạch huấn luyện đã được phê duyệt, kiên quyết tổ chức học bù, học vét đầy đủ các nội dung không thực hiện được vì lý do thời tiết hoặc nhiệm vụ đột xuất ngay trong tuần, tháng. Cán bộ huấn luyện các cấp phải thông qua giáo án, bài giảng trước đó ít nhất 03 đến 05 ngày, các bài huấn luyện chuyên ngành về thực hành và huấn luyện chiến thuật phải được thông qua bằng giảng thử. Thực hiện chỉ đạo của Lữ đoàn, các đơn vị chú trọng vận dụng phương pháp đội mẫu, tạo sự thống nhất cao trong từng nội dung, khoa mục; tổ chức huấn luyện xoay vòng, đổi tập hợp lý,… tăng thời gian huấn luyện thực hành trên súng, pháo và khí tài, tăng cường huấn luyện đêm. Mặt khác, chỉ huy các cấp thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra huấn luyện, kịp thời phát hiện và rút kinh nghiệm, khắc phục những khâu yếu, mặt yếu.

Cùng với các biện pháp trên, Lữ đoàn coi trọng kết hợp huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy; tích cực tu sửa, cải tạo cảnh quan môi trường “chính quy, xanh, sạch, đẹp”, làm tốt công tác hậu cần, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện.

Phát huy kết quả và kinh nghiệm đã đạt được, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Pháo binh 454 tiếp tục nỗ lực phấn đấu, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ xây dựng “Đơn vị huấn luyện giỏi”, xứng đáng với truyền thống “Đoàn kết tốt, cơ động nhanh, luyện hay, bắn giỏi”, góp phần cùng lực lượng vũ trang Quân khu 3 hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Đại tá TRẦN QUỐC PHÁN, Lữ đoàn trưởng

Ý kiến bạn đọc (1)

Tìm hiểu về lữ đoàn 454 nơi tôi đã đóng quân
26/01/2017 21:10
Vào đầu tháng 6 năm 2010 d/c đồng văn đức đọc lễ tuyên thệ chiến sỹ mới sao không thấy lữ đoàn 454 đăng
Đồng văn đức