Thứ Bảy, 23/11/2024, 05:21 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Doanh trại, cảnh quan môi trường là bộ mặt của mỗi cơ quan, đơn vị; điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm cho sinh hoạt, học tập, công tác của cán bộ, chiến sĩ - một trong những yếu tố quan trọng trong xây dựng chính quy. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn Công binh 575 (Quân khu 1) luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng doanh trại “chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp” và nhất quán chủ trương: dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào cũng quyết tâm thực hiện tốt vấn đề này, xác định đây là một nội dung quan trọng trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; nội dung cụ thể hóa phong trào Thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”. Mục tiêu của nội dung này là tạo diện mạo, cảnh quan môi trường đơn vị khang trang, không gian sống lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt, công tác, đời sống văn hóa, tinh thần của bộ đội, làm nền tảng xây dựng chính quy, động lực để cán bộ, chiến sĩ yêu mến, gắn bó xây dựng đơn vị, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, trước hết, Lữ đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, quản lý chặt chẽ đất quốc phòng và làm tốt công tác quy hoạch doanh trại. Đặc biệt, thực hiện quyết định về việc sáp nhập và tổ chức lại Đơn vị1, Lữ đoàn phải đóng quân phân tán trên phạm vi 02 tỉnh, với 17 điểm đứng chân, đặt ra không ít khó khăn trong quản lý, xây dựng doanh trại. Trước thực tế đó, Lữ đoàn đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác doanh trại với chức năng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên ngành cấp trên, đơn vị và chính quyền địa phương có liên quan để rà soát, đánh giá đúng hiện trạng của từng điểm đất, liên thẩm chặt chẽ số liệu đất để phân loại, lập hồ sơ quản lý chặt chẽ, đúng pháp luật về đất đai, quy định của Bộ Quốc phòng. Cùng với đó, Lữ đoàn thường xuyên nắm vị trí đóng quân từng cơ quan, đơn vị trong tổng thể quy hoạch chung của địa phương; tổng hợp, thống kê, phân loại chi tiết các mẫu doanh trại,... làm cơ sở để báo cáo, tham mưu, đề xuất với Quân khu phương án quy hoạch lại tổng thể mặt bằng doanh trại, từ vị trí sở chỉ huy, khối cơ quan Lữ đoàn đến các đơn vị, đầu mối trực thuộc. Đến nay, 100% các đơn vị trong Lữ đoàn đều có quyết định phê duyệt vị trí đóng quân của cấp có thẩm quyền; tổ chức đào hào, xây tường bao phân định ranh giới, cắm mốc giới, quản lý chặt chẽ, không để xảy ra lấn chiếm, tranh chấp, góp phần quan trọng vào xây dựng đơn vị an toàn, địa bàn an toàn.
Xây dựng doanh trại chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp là quá trình thường xuyên, lâu dài, cần nhiều kinh phí, nhân lực. Trong khi đó, do yêu cầu nhiệm vụ, đơn vị thường xuyên phải phân tán lực lượng, thực hiện nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, để đạt mục tiêu đề ra, Lữ đoàn huy động sự vào cuộc của mọi tổ chức, cá nhân trong thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp”. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 05/CT-BQP, ngày 06/3/2012 của Bộ Quốc phòng về đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”, Lữ đoàn đã cụ thể hóa 06 nội dung thi đua2 gắn với lộ trình thực hiện Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về công tác hậu cần Quân đội đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Trong đó, xác định rõ những trọng tâm, trọng điểm, phân kỳ xây dựng; quy trình sơ kết, rút kinh nghiệm, khắc phục những khó khăn, vướng mắc; đề ra biện pháp thực hiện phù hợp với nguồn vốn, đặc thù nhiệm vụ, quy hoạch tổng thể doanh trại và quy hoạch dân cư của địa phương khu vực đóng quân. Để đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, Lữ đoàn thành lập Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp” và phân công ủy viên phụ trách theo đầu mối đơn vị; phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể của các cơ quan, đơn vị, nòng cốt là cơ quan hậu cần - kỹ thuật trong tham mưu, xây dựng kế hoạch, đề xuất mô hình, lộ trình triển khai và hướng dẫn thực hiện. Trên cơ sở đó, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể đến từng cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân để triển khai thống nhất, đồng bộ. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ phong trào thi đua xây dựng, củng cố doanh trại với phong trào Thi đua Quyết thắng, để tạo sức lan toả, khơi dậy ý thức tự giác, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong quản lý, sử dụng doanh trại, doanh cụ, điện, nước, giữ gìn vệ sinh, môi trường. Nhờ đó, cán bộ, chiến sĩ nhiệt tình tham gia, đưa phong trào thi đua phát triển cả bề rộng và chiều sâu, theo hướng thiết thực, hiệu quả. Năm 2023, cùng nguồn kinh phí thường xuyên, Lữ đoàn đã phát huy, tận dụng khả năng chuyên môn của mình, huy động hơn 3.600 ngày công bộ đội và 1,5 tỉ đồng để xây mới, sửa chữa, cải tạo nhiều hạng mục công trình, như: trạm chế biến tập trung, mái che sân nhà ăn,... với tổng diện tích trên 4.200m2.
Thực hiện phương châm: xây dựng, quản lý doanh trại, sử dụng doanh cụ, điện, nước theo hướng thiết thực, chính quy, thống nhất, tiết kiệm, Lữ đoàn bám sát quy hoạch tổng thể và các tiêu chí về xây dựng doanh trại chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp để cân đối, tính toán xây dựng, triển khai phương án kế thừa, củng cố, sửa chữa, cải tạo, xây mới hợp lý; kết hợp quy hoạch doanh trại với quy hoạch cảnh quan môi trường, phân rõ các khu chức năng,... bảo đảm liên hoàn, thống nhất, không chồng chéo, thuận tiện cho sinh hoạt, quản lý và huấn luyện bộ đội. Đồng thời, thực hiện nghiêm quy chế, quy trình trong đầu tư xây dựng cơ bản; tích cực triển khai các công trình, dự án doanh trại đã được phê duyệt; tăng cường quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, từ khâu khảo sát, thiết kế đến thi công, nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng, nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí, v.v.
Trước thực tế hệ thống doanh trại bao gồm cả mẫu cũ, mới đan xen, nhiều công trình đã xuống cấp do đã sử dụng nhiều năm, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo đảm an toàn, chính quy, thống nhất, Lữ đoàn yêu cầu cơ quan hậu cần - kỹ thuật thường xuyên rà soát, thống kê, phân loại chất lượng công trình doanh trại, niên hạn sử dụng. Trên cơ sở đó, chủ động lập kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, đề xuất đầu tư xây dựng trung hạn, dài hạn và tham mưu cho Lữ đoàn huy động nguồn lực, đề nghị cấp trên đầu tư kinh phí để triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu sử dụng, ưu tiên nhà ở của bộ đội, nhà làm việc của cán bộ và hệ thống kho kỹ thuật, nhà để xe, khí tài. Để đảm bảo chính quy, thống nhất, Lữ đoàn chú trọng nghiên cứu, hợp lý hóa giữa thiết kế xây dựng nhà với việc bảo đảm doanh cụ, bố trí khánh tiết, bảng, biển; xây dựng công trình với trồng cây xanh, thảm cỏ bảo đảm hợp lý, hài hòa.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra trong điều kiện nguồn kinh phí cấp trên bảo đảm có hạn, biện pháp và cũng là kinh nghiệm của Lữ đoàn là phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tích cực huy động tổng hợp các nguồn lực, phát huy thế mạnh về chuyên môn, tay nghề của đội ngũ kỹ sư, thợ kỹ thuật trong tu bổ, củng cố, xây dựng doanh trại. Theo đó, Lữ đoàn chỉ đạo cơ quan, đơn vị tiết kiệm chi tiêu, cân đối nguồn thu từ tăng gia sản xuất để đầu tư củng cố, sửa chữa doanh trại, làm sân, đường nội bộ. Đặc biệt, phát huy trình độ của đội ngũ kỹ sư, nhân viên kỹ thuật công binh trong quy hoạch, thiết kế bản vẽ và thi công công trình, như: cổng chào, khu nhà xe, hệ thống đường nội bộ, vườn cây, tiểu cảnh, v.v. Đồng thời, động viên cán bộ, chiến sĩ tích cực củng cố biển, bảng, xây dựng khuôn viên; sửa chữa, củng cố những hư hỏng nhỏ của doanh cụ, điện, nước, hệ thống treo, phơi, v.v. Phát huy vai trò xung kích của Đoàn Thanh niên, sĩ quan trẻ trong phát huy sáng kiến, xây dựng các mô hình: Đường thanh niên tự quản, Vườn hoa phụ nữ, Vọng gác kiểu mẫu,… để nhân rộng, lan tỏa trong đơn vị, tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện.
Với chủ trương nâng cao hơn nữa đời sống bộ đội, Lữ đoàn tổ chức xây dựng công trình nước tắm nóng cho bộ đội vào mùa đông và áp dụng nhiều biện pháp quản lý, thực hiện giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm trong sử dụng doanh cụ, điện, nước. Các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát quy chế sử dụng doanh cụ, điện, nước; tăng cường đồng hồ đo điện, nước riêng tới các bộ phận, phòng ở để theo dõi sử dụng; lắp hệ thống chiếu sáng công cộng dùng năng lượng mặt trời; phân tách mạng điện, nước dùng cho sinh hoạt, làm việc và cho các nhiệm vụ khác.
Cùng với đó, Lữ đoàn quan tâm làm tốt công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm vệ sinh, an toàn. Theo đó, ngay từ khâu quy hoạch, Lữ đoàn coi trọng xây dựng các công trình vệ sinh, chăn nuôi tách riêng xa nơi ở; quy định các khu vực thu gom, phân loại xử lý riêng rác thải hữu cơ, y tế. Hoạt động tăng gia, chăn nuôi thực hiện khép kín theo mô hình VAC; sử dụng hóa chất xử lý môi trường, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc hữu cơ, ít độc hại. Thường xuyên duy trì nghiêm chế độ vệ sinh doanh trại ngày, tuần, thu gom, xử lý rác thải theo quy định; quan tâm, chú ý vệ sinh khu chăn nuôi, khu chế biến thực phẩm tập trung và nhà ăn, nhà bếp ở các đơn vị,... bảo đảm cảnh quan môi trường đơn vị luôn xanh, sạch, đẹp, hợp vệ sinh.
Mặc dù gặp không ít khó khăn trong triển khai thực hiện, song với nỗ lực, quyết tâm cao của cấp ủy, chỉ huy các cấp, sự thống nhất về nhận thức và hành động của cán bộ, chiến sĩ, Lữ đoàn đã hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phong trào thi đua “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp”. Đến nay, Lữ đoàn đã cơ bản hoàn thành quy hoạch tổng thể mặt bằng doanh trại; thực hiện nghiêm công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng; các cơ quan, đơn vị có doanh trại khang trang, chính quy, cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; điều kiện sinh hoạt của bộ đội được cải thiện rõ nét, 100% đầu mối đơn vị được sử dụng nước sạch và có điểm tắm nước nóng,… được Quân khu tặng Bằng khen.
Phát huy kết quả đạt được, Lữ đoàn Công binh 575 tiếp tục đẩy mạnh và đưa phong trào thi đua “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” đi vào chiều sâu, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác doanh trại, góp phần xây dựng Đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao trong giai đoạn mới.
Đại tá NÔNG VĂN ĐĂNG, Lữ đoàn trưởng _________________
1 - Quyết định số 1520/QĐ-BQP, ngày 18/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc sáp nhập Lữ đoàn Công binh 219 thuộc Quân đoàn 2 vào Lữ đoàn Công binh 575 và tổ chức lại Lữ đoàn Công binh 575 (thời bình) thuộc Quân khu 1.
2 - 1. Tổ chức thực hiện quy hoạch doanh trại hợp lý, chính quy, quản lý đất quốc phòng theo đúng pháp luật; 2. Xây dựng và quản lý doanh trại đúng chế độ quy định; 3. Quản lý, sử dụng điện, nước bảo đảm an toàn, tiết kiệm; 4. Quản lý, sử dụng tốt doanh cụ, bảo đảm thống nhất về quy cách; 5. Bảo đảm vệ sinh môi trường doanh trại xanh, sạch, đẹp; 6. Phát huy tinh thần tự lực tự cường, nội lực đơn vị.
Lữ đoàn Công binh 575,doanh trại,môi trường,quy hoạch,cơ sở vật chất
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm