Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Tư, 19/04/2023, 08:32 (GMT+7)
Lữ đoàn Công binh 25 nâng cao hiệu quả xử lý bom, mìn

Đứng chân trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số đảo trong vùng biển phía Nam của Tổ quốc1, Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 9) có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ cứu nạn, xây dựng công trình chiến đấu và dò tìm, thu gom, xử lý bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Trong các nhiệm vụ đó, việc dò tìm, thu gom, xử lý bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh được Lữ đoàn hết sức coi trọng, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và đạt kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương được Bộ Quốc phòng, Quân khu và cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.

Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ có tính đặc thù, với độ nguy hiểm và mất an toàn cao do bom, mìn sót lại có sự thay đổi tính chất hóa, lý theo thời gian nên có thể phát nổ bất cứ lúc nào; thậm chí một số chủng loại còn chứa các chất độc hóa học, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, an toàn các công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân. Thêm vào đó, điều kiện địa hình ở các khu vực bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ rất đa dạng, phức tạp, như: ven bờ biển, hải đảo, trong rừng núi, khu dân cư, dưới đáy sông, hồ, kênh rạch, bùn lầy, ẩn chứa nhiều dị vật, gây khó khăn cho cơ động triển khai lực lượng và phương tiện làm nhiệm vụ. Quá trình tác nghiệp, cán bộ, chiến sĩ phải lặn ngụp trong các vùng nước ô nhiễm, dò tìm trong sình lầy, khiêng vác bom, đạn, vật nổ trên địa hình hiểm trở nên tác động đến tư tưởng, ý chí quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ. Khắc phục những khó khăn, thách thức đó, Lữ đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò của các cơ quan, đơn vị; phát huy sáng kiến, cải tiến các phương tiện dò tìm, vận chuyển, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương, lực lượng chức năng thực hiện thắng lợi “nhiệm vụ chiến đấu thời bình” này.

Tích cực tham gia xử lý bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh

Từ năm 2017 đến nay, Lữ đoàn đã dò tìm, thu gom, xử lý hủy nổ an toàn 93,073 tấn bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh2; trong đó, có 269 quả bom trọng lượng từ 100 đến 1000 LBS, với đủ chủng loại: bom khoan, bom phá, bom bi, bom hóa học,... cùng rất nhiều loại đạn pháo, rốc-két, mìn,... đảm bảo an toàn, làm sạch gần 1.500 ha đất. Đặc biệt, tháng 6/2020, Lữ đoàn tổ chức vận chuyển quả bom hóa học từ tỉnh Đồng Tháp đến bãi hủy tại kho K882 (trên địa bàn huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) theo phương án vận chuyển vũ khí hóa học, đảm bảo an toàn tuyết đối3. Tháng 7/2022, Lữ đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ tìm kiếm, thu hồi hết các mảnh vỡ của máy bay cường kích AD-1 của Mỹ (có quả bom 250 LBS còn nguyên ngòi nổ nằm ở độ sâu 05 m) rơi trong chiến tranh trên địa bàn Phường 1, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh4, được Quân khu, địa phương, văn phòng MIA của Bộ Quốc phòng và cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao đánh giá cao. Cùng với đó, Lữ đoàn còn hoàn thành tốt các nhiệm vụ dò tìm vật nổ bảo đảm an toàn cho các sự kiện chính trị, kinh tế lớn diễn ra trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị, tổ chức dò tìm, di chuyển, phá hủy các loại bom, mìn làm sạch đất cho các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình thực hiện, Lữ đoàn đã rút ra một số kinh nghiệm, đồng thời cũng là những giải pháp đã và đang được Đơn vị vận dụng để hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng này.

Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ xử lý bom, mìn. Đây là giải pháp quan trọng, nguyên tắc chỉ đạo xuyên suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ. Quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị của các cấp về xử lý bom, mìn, trọng tâm là: Chương trình 504 - Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh; Chỉ thị số 427/CT-BTL, ngày 14/3/2018 của Tư lệnh Quân khu 9 về thu gom, xử lý bom mìn, vũ khí đạn và các loại vật liệu nổ trên địa bàn Quân khu, Lữ đoàn cụ thể hóa thành nội dung quan trọng trong nghị quyết Đảng ủy và kế hoạch của người chỉ huy. Với phương châm lãnh đạo toàn diện, chỉ huy thống nhất, hiệp đồng chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc, bảo đảm an toàn tuyệt đối, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ, chủ trương, biện pháp, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Trên cơ sở đó, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ ý nghĩa; đặc thù, tính chất, yêu cầu nhiệm vụ xử lý các loại bom, mìn sau chiến tranh; nắm chắc địa bàn hoạt động. Làm cho cán bộ, chiến sĩ có bàn lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng, lòng dũng cảm, ý chí quyết tâm cao, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các cơ quan, đơn vị kết hợp giáo dục chung với giáo dục riêng, theo từng đợt thực hiện nhiệm vụ, phù hợp với từng đối tượng. Tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ thăm quan nhà truyền thống, khu di tích lịch sử để họ hiểu thêm về truyền thống khắc phục, xử lý bom, mìn của lực lượng Công binh và Quân đội ta, giúp cán bộ, chiến sĩ nhận thức tốt về nhiệm vụ, tin vào khả năng bản thân, phát huy trách nhiệm cao trong quá trình thực hiện.

Hai là, xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt. Khi có tình huống dò tìm, xử lý bom, mìn, Lữ đoàn bám sát sự chỉ đạo của trên, tình hình địa bàn, tiến hành trinh sát, khảo sát, lựa chọn phương án xử lý phù hợp, xây dựng kế hoạch, tổ chức thông qua, phê duyệt đầy đủ ở từng cấp. Đối với kế hoạch hủy nổ bom, mìn, Lữ đoàn xây dựng cụ thể, chi tiết, được các cấp có thẩm quyền phê duyệt mới triển khai thực hiện. Do đặc thù nhiệm vụ, Lữ đoàn không tổ chức, biên chế lực lượng chuyên biệt; các tổ, đội dò tìm, xử lý bom, mìn, vật nổ được thành lập lâm thời do chỉ huy Lữ đoàn trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo; lực lượng là cán bộ, lái xe, vận hành máy, thợ sửa chữa,… đã được huấn luyện, đào tạo, sát hạch, kiểm tra, có chứng chỉ đội trưởng và nhân viên xử lý bom, mìn theo quy định của Bộ Quốc phòng5; định kỳ 03 năm được sát hạch, kiểm tra và cấp lại chứng chỉ. Cùng với đó, Lữ đoàn chỉ đạo sát sao việc tổ chức huấn luyện bổ sung trước mỗi đợt thực hiện nhiệm vụ, nâng cao khả năng nhận biết các chủng loại bom, mìn; trình độ, năng lực sử dụng thành thạo các loại trang bị, phương tiện; thành thục các kỹ năng dò tìm, xử lý; đồng thời, trao đổi, truyền thụ kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Cùng với chuẩn bị tốt về lực lượng, Lữ đoàn yêu cầu các cơ quan, đơn vị chuẩn bị đầy đủ trang bị, phương tiện, vật chất bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi điều kiện.

Ba là, hiệp đồng chặt chẽ với các địa phương, lực lượng có liên quan nâng cao hiệu quả xử lý bom, mìn. Đây là khâu rất quan trọng trong quy trình dò tìm, vận chuyển và xử lý bom, mìn. Sau khi nhận nhiệm vụ, Lữ đoàn chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tổ chức lực lượng khảo sát thực tế nơi phát hiện bom, mìn, vật nổ; thống kê đầy đủ chủng loại; trên cơ sở đó, thống nhất kế hoạch, biện pháp di dời, vận chuyển và các phương án bảo đảm an toàn. Quá trình xử lý, Đơn vị thường phải di dời, vận chuyển bom, mìn trên quãng đường xa, qua nhiều loại địa hình. Vì vậy, các tổ, đội công tác của Lữ đoàn phải hiệp đồng cụ thể, chặt chẽ, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự và nhân dân các địa phương ở địa bàn có bom, mìn cũng như trên các cung, chặng đường vận chuyển. Để đảm bảo an toàn khi vận chuyển, ở các ngã ba, ngã tư đường, Lữ đoàn phối hợp chặt chẽ với cảnh sát giao thông, lực lượng chuyên trách, tổ chức dẫn đường, chặn đường cho đoàn xe lưu thông thuận lợi. Đặc biệt, Lữ đoàn thường xuyên hiệp đồng chặt chẽ với chỉ huy trường bắn của Quân khu, bãi hủy bom tại Kho K882 và địa phương nơi hủy nổ để thông báo trước cho nhân dân, có biện pháp tránh, trú, bảo đảm an toàn. Do đó, đến nay, Đơn vị đã dò tìm, di dời, vận chuyển nhiều loại bom, mìn, vật nổ đảm bảo an toàn tuyệt đối, được các cấp và địa phương trên địa bàn đánh giá cao.

Bốn là, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, quy định bảo đảm an toàn, kịp thời rút kinh nghiệm sau mỗi lần thực hiện nhiệm vụ. Với tính chất nhiệm vụ rất phức tạp, nguy cơ mất an toàn cao, Lữ đoàn yêu cầu lực lượng làm nhiệm vụ luôn phải quán triệt và thực hiện nghiêm ngặt các quy tắc an toàn, tuân thủ quy trình xử lý đối với từng kiểu, loại bom, mìn, vật nổ. Thực tiễn cho thấy, ngoài quy trình xử lý chung: dò tìm, tập kết, vận chuyển và xử lý hủy nổ, mỗi đợt làm nhiệm vụ đều có những vấn đề riêng do điều kiện địa hình, thời tiết, chủng loại bom, mìn chi phối,... nên các tổ, đội phải tính toán, dự liệu chi tiết, không chủ quan, không được bỏ qua bất kỳ khâu, bước nào. Đặc biệt, công tác bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển, tập kết và xử lý luôn được Lữ đoàn đặt lên hàng đầu trong từng khâu, từng việc, từng động tác, nhất là việc sắp xếp, gói buộc; khi di dời, vận chuyển phải chặt chẽ, tỉ mỉ. Quá trình hủy nổ, Lữ đoàn yêu cầu các bộ phận phải tuân thủ đúng các bước, thông báo cho các lực lượng và địa phương trên địa bàn cụ thể về kế hoạch, thời gian, chủng loại bom, mìn và các biện pháp phòng, tránh, đảm bảo an toàn; thực hiện thu gom, xử lý,... không để sót vật liệu nổ.

Trong quá trình xử lý, nếu để xảy ra sai sót thì có thể phải trả bằng đổ máu, thương vong; vì vậy, Lữ đoàn thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm sau mỗi lần thực hiện nhiệm vụ. Sau từng khâu, bước (dò tìm, thu gom, vận chuyển, hủy nổ) các tổ, đội tổ chức rút kinh nghiệm để kịp thời khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả xử lý, đảm bảo an toàn. Tập trung rà soát, đánh giá một cách nghiêm túc, tỉ mỉ quy trình thực hiện ở tất cả các khâu, các giai đoạn; từ lãnh đạo, chỉ huy đến triển khai thực hiện; từ hành động của tổ, đội đến việc thực hiện của từng cá nhân. Chú trọng làm rõ nguyên nhân của những hạn chế, thiếu sót, quy trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân, kịp thời nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ tiếp theo. Đồng thời, làm tốt công tác động viên, khen thưởng và các chế độ đãi ngộ với lực lượng làm nhiệm vụ xử lý bom, mìn.

Kết quả và kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ dò tìm, thu gom, xử lý bom, mìn, vật nổ trong thời gian qua đã góp phần quan trọng để Lữ đoàn Công binh 25 tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong xử lý bom, mìn, làm sạch địa bàn Quân khu, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Thượng tá VI ĐỨC HÂN, Lữ đoàn trưởng
_____________________

1 - Các đảo Thổ Chu và Hải Tặc thuộc tỉnh Kiên Giang và Hòn Khoai thuộc tỉnh Cà Mau.

2 - Năm 2017: 20,137 tấn; năm 2018: 36,361 tấn; năm 2019: 6,99 tấn; năm 2020: 12,734 tấn; năm 2021: 9,451 tấn; 2022: 7,6 tấn.

3 - Hơn 07 giờ hành quân ban đêm với quãng đường gần 500 km, giao thông phức tạp, qua nhiều vùng đô thị đông dân cư.

4 - Máy bay bị vỡ nát nằm rải rác trên diện tích rộng khoảng gần 4.000 m2, địa hình bùn lầy với các vật thể sắc nhọn, bom, đạn 20 mm vẫn còn nguyên cơ cấu, có thể gây nổ.

5 - Được đào tạo tại Trường Sĩ quan Công binh.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.