Thứ Năm, 24/04/2025, 18:29 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Lữ đoàn Công binh 239 (tiền thân là Tiểu đoàn Công binh 333) thuộc Binh chủng Công Binh - Đơn vị công binh vượt sông dự bị chiến lược của Bộ. Trong suốt chặng đường 64 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, chủ động, sáng tạo khắc phục khó khăn, gian khổ, vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm “mở đường, mở bến, phá bom” trên các dòng sông lịch sử, bảo đảm cho người, xe, vũ khí, trang bị kỹ thuật của các quân chủng, binh chủng vượt sông an toàn, chiến đấu thắng lợi. Ghi nhận những thành tích đó, năm 1998, Lữ đoàn vinh dự được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới.
Trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ của Lữ đoàn có sự phát triển1; trong khi tổ chức biên chế của Đơn vị có nhiều biến động; thao trường, bãi tập bị thu hẹp, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu huấn luyện, v.v. Nhận rõ điều đó, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung vào khâu đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu của Đơn vị.
Thực hiện khâu đột phá này, trước hết, Lữ đoàn chú trọng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác huấn luyện; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trung tâm, thường xuyên, phải được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp. Thực tế trong Lữ đoàn cho thấy, nơi nào cấp ủy, chỉ huy đơn vị quan tâm đến công tác huấn luyện, phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thì đơn vị đó có kết quả huấn luyện tốt và ngược lại. Vì vậy, hằng năm, Đảng ủy Lữ đoàn, cấp ủy các cấp đều quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, của cấp trên về công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (nhất là Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, Nghị quyết 274-NQ/ĐU của Đảng ủy Binh chủng về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”), Mệnh lệnh huấn luyện chiến đấu của Tư lệnh Binh chủng, cùng các hướng dẫn của cơ quan cấp trên. Trên cơ sở đó, ban hành Nghị quyết chuyên đề, người chỉ huy xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện với nhiều chủ trương, biện pháp phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị.
Để bảo đảm phát huy cao nhất vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy trong huấn luyện, Lữ đoàn yêu cầu, các vấn đề quan trọng, như: nội dung, chương trình, kế hoạch huấn luyện, ý định diễn tập,... phải được cấp ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, thông qua; đồng thời, chú trọng phát huy vai trò trách nhiệm của chỉ huy, cơ quan trong kiểm tra, giám sát, nắm tình hình, tham mưu đề xuất, giúp Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành huấn luyện sát thực tế, phù hợp với từng đối tượng; chủ động phát hiện, đấu tranh kiên quyết với các biểu hiện chủ quan, thỏa mãn dừng lại, hoặc ngại khó, ngại khổ, hạ thấp yêu cầu trong huấn luyện, khoán trắng cho cấp dưới. Cùng với đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cũng tập trung làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức đầy đủ vị trí, ý nghĩa của công tác huấn luyện, nắm vững nội dung, chỉ tiêu, yêu cầu huấn luyện, những khó khăn, thách thức; từ đó, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ ý chí quyết tâm cao, tự giác phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Cùng với tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành huấn luyện, Lữ đoàn đặc biệt coi trọng nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trực tiếp tham gia huấn luyện và xác định đây là khâu then chốt. Theo đó, Lữ đoàn chú trọng duy trì nền nếp công tác tập huấn, thực hiện kế hoạch huấn luyện tuần, tháng cho cán bộ các cấp. Nội dung huấn luyện đi sâu vào những điểm còn yếu, những hạn chế trong huấn luyện của cán bộ các cấp, nội dung mới, sửa đổi. Đối với chỉ huy - cơ quan, Lữ đoàn tập trung huấn luyện nâng cao trình độ chỉ huy tham mưu tác chiến, tham mưu huấn luyện, nội dung, phương pháp tổ chức chỉ đạo, huấn luyện diễn tập chỉ huy - cơ quan trên bản đồ, ngoài thực địa, diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp, v.v. Đối với cán bộ phân đội, Lữ đoàn chú trọng bồi dưỡng về kỹ thuật chuyên ngành công binh vượt sông; tổ chức, phương pháp huấn luyện, phương pháp soạn thảo giáo án, tổ chức thông qua giáo án và giảng thử, v.v. Về phương pháp, Lữ đoàn thực hiện theo phân cấp, phân nhóm đối tượng phù hợp với từng chuyên ngành, kết hợp nhiều nội dung trong một bài tập; đồng thời, duy trì có hiệu quả việc trao đổi kinh nghiệm trong huấn luyện giữa các cá nhân, phân đội sau mỗi ngày huấn luyện, nhất là đối với các vấn đề khó, khoa mục có nguy cơ mất an toàn cao. Qua đó, rèn luyện, nâng cao năng lực tư duy, tính độc lập, quyết đoán trong xử trí các tình huống phức tạp của cán bộ chỉ huy. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, Lữ đoàn đã chủ động liên hệ với các Nhà trường Quân đội, lựa chọn các giảng viên giàu kinh nghiệm để bồi dưỡng phương pháp sư phạm cho đội ngũ cán bộ thông qua giảng mẫu các bài giảng lý thuyết, thực hành cho phân đội, hướng dẫn biên soạn giáo án mẫu, bài giảng mẫu, giáo án điện tử; tổ chức tham quan học tập, rút kinh nghiệm huấn luyện của các đơn vị bạn, v.v. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ của Lữ đoàn tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý, góp phần nâng cao chất lượng từng bài giảng, buổi giảng.
Cùng với tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ, hằng năm, Lữ đoàn duy trì tổ chức Hội thi cán bộ huấn luyện giỏi các cấp. Từ năm 2009 đến nay, Lữ đoàn đã tổ chức 10 hội thi về công tác quân sự; trong đó, có 03 Hội thi công tác Tham mưu tác chiến cấp trung đội, đại đội; 02 Hội thi “Phà trưởng giỏi”, 02 Hội thi công tác Hậu cần; 03 Hội thi Kỹ thuật chuyên ngành Công binh giỏi. Để nâng cao hiệu quả các hội thi, hội thao, Lữ đoàn yêu cầu 100% cán bộ trung đội, đại đội và tương đương tham gia; nội dung thi đảm bảo toàn diện, cả kỹ thuật, chiến thuật chuyên ngành, nhận thức chính trị, điều lệnh, bắn súng K54, tin học. Các hội thi được tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ, đánh giá chính xác, trung thực, trở thành một hướng quan trọng để đội ngũ cán bộ tự học, tự rèn nâng cao trình độ mọi mặt. Đến nay, 100% cán bộ của Lữ đoàn có kiến thức vững toàn diện cả về quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, đủ năng lực huấn luyện theo phân cấp; trong đó, có trên 90% cán bộ tiểu đoàn và 80% cán bộ đại đội, trung đội huấn luyện khá, giỏi.
Do đặc thù tổ chức của đơn vị gồm nhiều lực lượng, chuyên ngành khác nhau, trang bị nhiều loại phương tiện khí tài đặc chủng, có loại trang bị nặng hàng chục tấn, quy trình khai thác, sử dụng phức tạp, nên Lữ đoàn chú trọng huấn luyện toàn diện, chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm, sát với đặc điểm, nhiệm vụ của từng lực lượng, lấy bảo đảm vượt sông an toàn trong mọi tình huống làm mục tiêu cao nhất. Lữ đoàn yêu cầu các cơ quan, đơn vị bám sát nội dung, chương trình quy định, tập trung huấn luyện để bộ đội khai thác, sử dụng thành thạo các loại trang bị kỹ thuật công binh có trong biên chế. Đồng thời, biết sử dụng 01 đến 02 trang bị khác và các trang bị mới, hiệp đồng giữa các số, các tổ, triển khai lắp ghép phà nhanh; tăng cường huấn luyện dã ngoại, huấn luyện đêm, nâng cao khả năng cơ động, bảo đảm vượt sông trong các loại hình tác chiến, địa hình khó khăn, phức tạp. Thực hiện nội dung này, Lữ đoàn chú trọng làm tốt công tác chuẩn bị, từ con người, xây dựng kế hoạch, bảo đảm cơ sở vật chất đến chuẩn bị thao trường, bãi tập; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động lựa chọn, bố trí huấn luyện các nội dung bảo đảm vượt sông, tìm kiếm cứu nạn,… vào mùa mưa bão; thời điểm khó khăn, đảm bảo vừa nâng cao tính thực sự, thực tế, gắn huấn luyện chuyên ngành công binh vượt sông với thực hiện nhiệm vụ phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng cơ động trong mùa mưa, bão. Lữ đoàn cũng chủ động huy động các nguồn lực đầu tư củng cố, nâng cấp thao trường, giảng đường huấn luyện chuyên dùng, như: phòng học kỹ thuật chuyên ngành, phòng học giáo dục chính trị,... tăng tính trực quan, nâng cao chất lượng bài giảng, giờ giảng.
Trong quá trình huấn luyện, Lữ đoàn thực hiện nguyên tắc lấy huấn luyện kỹ thuật làm cơ sở, huấn luyện chiến thuật làm trung tâm, coi trọng cả huấn luyện lý thuyết và thực hành, lấy thực hành trên xe máy, khí tài là chính; kiên quyết tổ chức huấn luyện bù vét các nội dung chưa thực hiện được do thời tiết hay nhiệm vụ đột xuất. Trước mỗi nhiệm vụ mới, quan trọng, Lữ đoàn chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường cán bộ, tổ chức huấn luyện bổ sung đầy đủ, chu đáo. Đồng thời, lấy diễn tập, thực hành nhiệm vụ bắc cầu phao để huấn luyện, rèn luyện nâng cao bản lĩnh, tác phong, phương pháp công tác của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật. Với các biện pháp tích cực, chủ động trên, Lữ đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bắc cầu phao, bảo đảm giao thông tại bến Khuyến Lương (năm 2003), bến Chèm (năm 2009), được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Chính phủ tặng Bằng khen. Tiểu đoàn Công binh cầu phà 1 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và Huân chương Chiến công hạng Ba. Năm 2014, Lữ đoàn tham gia Diễn tập PK-14, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm vượt sông cho các quân chủng, binh chủng trong điều kiện đêm tối, thời tiết mưa bão, được thủ trưởng Bộ Quốc phòng và Binh chủng đánh giá cao. Thông qua thực hiện nhiệm vụ, diễn tập, trình độ của cán bộ, chiến sĩ và phân đội được nâng lên, việc khai thác, sử dụng các loại vũ khí, khí tài trang bị, hiệp đồng giữa công binh với lái xe, lái máy nhuần nhuyễn, nhịp nhàng, thống nhất; khả năng xử lý tình huống của phà trưởng và các kíp trực được nâng lên rõ rệt.
Cùng với đó, Lữ đoàn chú trọng nâng cao hệ số bảo đảm kỹ thuật xe máy, trang bị, khí tài vượt sông gắn với bồi dưỡng, huấn luyện nâng cao tay nghề cho đội ngũ nhân viên chuyên môn kỹ thuật, nhất là lái xe, lái máy, thợ kỹ thuật. Trong đó, Lữ đoàn chỉ đạo quyết liệt việc cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật có trình độ, tay nghề cao kèm cặp, bồi dưỡng nhân viên mới, đội ngũ kế cận. Lữ đoàn rà soát và đề nghị cấp trên có chế độ phù hợp đối với thợ đầu đàn, thợ sửa chữa các trang bị quý hiếm. Bên cạnh đó, để bảo đảm chất lượng huấn luyện vững chắc, Lữ đoàn coi trọng kết hợp huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy; tích cực tu sửa, cải tạo cảnh quan môi trường chính quy, “xanh, sạch, đẹp”, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ. Năm 2013, 100% đầu mối đơn vị của Lữ đoàn đạt tiêu chuẩn “Đơn vị Huấn luyện Giỏi”. Lữ đoàn được Bộ Quốc phòng tặng Cờ “Đơn vị Huấn luyện Giỏi” 05 năm liền (2009 - 2013). Tham gia Hội thi Lữ đoàn trưởng, chính ủy, cơ quan lữ đoàn giỏi cấp Binh chủng, Lữ đoàn đạt 01 giải Nhất, 01 giải Nhì.
Hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Đơn vị (01-01-1950 – 01-01-2015), cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh vượt sông 239 tiếp tục nỗ lực phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng huấn luyện chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống “Mở đường thắng lợi”.
Đại tá PHAN NGỌC TỊNH, Lữ đoàn trưởng ________________
1 - Cùng với nhiệm vụ chính trị trung tâm, thường xuyên là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Lữ đoàn còn tham gia làm nhiệm vụ phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, rà phá bom mìn, vật nổ, làm đường tuần tra biên giới và các nhiệm vụ đột xuất khác.
Lữ đoàn 239,huấn luyện,chiến đấu
Đảng bộ Quân sự thành phố Hải Phòng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự 24/04/2025
Lữ đoàn Pháo binh 454 xây dựng doanh trại chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp 21/04/2025
Học viện Hải quân nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị 14/04/2025
Trung tâm Kỹ thuật thông tin công nghệ cao đột phá đổi mới sáng tạo 10/04/2025
Một số kinh nghiệm trong diễn tập phòng thủ dân sự tỉnh Thái Bình năm 2024 08/04/2025
Lữ đoàn Tác chiến điện tử 96 đẩy mạnh xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” 28/03/2025
Lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Giang phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện công tác quốc phòng, quân sự 20/03/2025
Sư đoàn 316 nâng cao chất lượng huấn luyện chiến sĩ mới 17/03/2025
Bệnh viện Quân y 7A xây dựng đội ngũ thầy thuốc “vừa hồng, vừa chuyên” 13/03/2025
Lữ đoàn 147 nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu 10/03/2025
Lữ đoàn Tác chiến điện tử 96 đẩy mạnh xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”
Một số kinh nghiệm trong diễn tập phòng thủ dân sự tỉnh Thái Bình năm 2024
Trung tâm Kỹ thuật thông tin công nghệ cao đột phá đổi mới sáng tạo
Học viện Hải quân nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị
Lữ đoàn Pháo binh 454 xây dựng doanh trại chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp
Đảng bộ Quân sự thành phố Hải Phòng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự