Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Tư, 26/06/2019, 07:48 (GMT+7)
Lữ đoàn Công binh 229 nâng cao hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu

Là đơn vị công binh công trình dự bị chiến lược của Bộ, Lữ đoàn Công binh 229 (Đoàn Công binh Quốc phòng Sông Đà, Binh chủng Công binh) có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả sập, đổ công trình, rà phá bom, mìn, vật nổ, làm đường tuần tra biên giới, xây dựng công trình quốc phòng và các nhiệm vụ đột xuất khác, với yêu cầu ngày càng cao. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bên cạnh những thuận lợi, Lữ đoàn còn gặp không ít khó khăn: hoạt động phân tán, đột xuất, tính chất công việc nặng nhọc, độc hại; đối tượng huấn luyện đa dạng (có đối tượng huấn luyện 16 ngày/tháng và 04 ngày/tháng, huấn luyện Đội Công binh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Đội Cứu sập ASEAN,...); thao trường, bãi tập, xe máy, trang bị còn hạn chế. Cùng với đó là sự tác động từ mặt trái của xã hội đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ và quá trình thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Lữ đoàn. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm, Lữ đoàn đã tiến hành đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo; trong đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị là giải pháp quan trọng hàng đầu, nhằm xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, xác định tốt nhiệm vụ, có trách nhiệm, ý chí quyết tâm cao, chủ động, đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Đơn vị.

Hội nghị Đảng ủy Lữ đoàn phiên đầu năm 2019 

Trước hết, Lữ đoàn thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp đối với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc và là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt hoạt động công tác đảng, công tác chính trị. Quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị của trên, trực tiếp là Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, Nghị quyết 274-NQ/ĐU của Đảng ủy Binh chủng Công binh về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo, chỉ lệnh huấn luyện của Bộ và Tư lệnh Binh chủng, hằng năm, Đảng ủy Lữ đoàn và cấp ủy các cấp đã ra nghị quyết, kết luận chuyên đề lãnh đạo nhiệm vụ huấn luyện, xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật. Trong đó, xác định rõ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; trên cơ sở đó đề ra chủ trương, biện pháp, chỉ tiêu, yêu cầu về tư tưởng, tổ chức, công tác đảm bảo, phân công trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tăng cường đổi mới biện pháp tổ chức, phương pháp huấn luyện; lấy huấn luyện, rèn luyện cán bộ chỉ huy, cơ quan là trọng tâm, huấn luyện, rèn luyện cán bộ phân đội làm trọng điểm; huấn luyện sát với nhiệm vụ, thực tế chiến đấu trong điều kiện chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao, bảo đảm phù hợp với tổ chức, biên chế và trang bị của Đơn vị theo hướng nâng cao khả năng cơ động, giỏi bảo đảm công binh theo chức năng, chuyên ngành. Chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp thường xuyên sâu sát, chỉ đạo kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở tất cả các khâu, các bước theo đúng kế hoạch đã đề ra, bảo đảm mọi hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Đơn vị đều có sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, sự quản lý, điều hành của người chỉ huy các cấp.

Trước yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ngày càng cao, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng động cơ, ý thức trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ. Cấp ủy, chi bộ, chính trị viên, người chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo hình thức, biện pháp giáo dục chính trị, có tính khả thi cao, sát đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ, đối tượng, phù hợp với từng nội dung, khoa mục huấn luyện, từng tình huống cụ thể; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục cơ bản với giáo dục thường xuyên, giáo dục chung với giáo dục riêng. Tập trung giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; nắm vững quan điểm, phương châm, nguyên tắc, mối kết hợp, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ huấn luyện; hiểu rõ đối tượng, đối tác, âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, v.v. Nhờ đó, góp phần ổn định tình hình tư tưởng cán bộ, chiến sĩ, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý chí quyết tâm cao cho bộ đội trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nhất là nâng cao ý thức cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, an toàn tuyệt đối trong các ngày lễ, Tết, các sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Tổ chức đọc sách, báo trên thao trường

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ trong công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn luôn lãnh đạo tốt việc kiện toàn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ theo hướng vừa giỏi về trình độ chuyên môn, vừa nâng cao năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị. Đảng ủy Lữ đoàn thường xuyên coi trọng củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu theo Chỉ thị 697-CT/QUTW, ngày 13-10-2014 của Thường vụ Quân ủy Trung ương. Lữ đoàn bố trí đủ cán bộ đại đội, trung đội, tiểu đội theo biên chế cho các đơn vị trực tiếp huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu gắn liền với kiện toàn các tổ chức đảng, giữ vững 100% chi bộ đại đội huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu có chi ủy. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong quá trình thực hiện, Lữ đoàn không chỉ chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực tham mưu, đề xuất, tổ chức hoạt động công tác đảng, công tác chính trị cho đội ngũ chính trị viên, trợ lý chính trị mà còn cả với đội ngũ cán bộ quân sự, hậu cần, kỹ thuật, nhất là về kỹ năng, phương pháp tổ chức huấn luyện của đội ngũ cán bộ trung đội, đại đội. Trong huấn luyện chuyên ngành kỹ thuật, Lữ đoàn tập trung bồi dưỡng khả năng thuyết trình, kết hợp làm mẫu động tác với sử dụng mô hình cụ thể và các phương tiện hiện đại, như: thiết bị trình chiếu, mô phỏng chuyển động,… để bộ đội dễ tiếp thu. Trong huấn luyện chiến thuật, Lữ đoàn coi trọng bồi dưỡng phương pháp xếp quân cờ, làm mẫu là chủ yếu, tổ chức luyện tập gắn với điều kiện địa hình thực tế. Tập trung bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, chỉ huy, điều hành huấn luyện, rèn luyện bản lĩnh, tâm lý, tác phong cho đội ngũ cán bộ, để vừa giỏi về chuyên môn, có phương pháp, tác phong huấn luyện tốt, vừa có năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị giỏi. Đối với đội ngũ cán bộ mới ra trường, cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ quản lý, chỉ huy, tổ chức, phương pháp huấn luyện để nhanh chóng biết vận dụng kiến thức được trang bị ở nhà trường vào thực tiễn, đáp ứng nhiệm vụ, chức trách được giao. Năm 2018, Lữ đoàn tổ chức 07 lớp tập huấn cho 514 lượt cán bộ các cấp, kết quả 100% khá, giỏi. Kiểm tra cán bộ hằng năm, 100% cán bộ trong Lữ đoàn huấn luyện được theo phân cấp; trong đó, có trên 75% khá, giỏi.

Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn chỉ đạo: công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu phải gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), phong trào Thi đua Quyết thắng và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Nội dung tập trung vào phát huy tính nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên; triển khai nhiều mô hình và cách làm hay nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, khắc phục khâu yếu, mặt yếu. Cùng với đó, Lữ đoàn đẩy mạnh thi đua nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện “Ba khâu đột phá” theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ Quân đội; chú trọng đột phá về tổ chức, biên chế, ưu tiên bảo đảm quân số cho đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua: “Cán bộ mẫu mực trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, chế độ công tác”, “Mọi quân nhân gương mẫu chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, bảo đảm an toàn”, hướng vào xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định, quy tắc về bảo đảm an toàn trong huấn luyện; gắn huấn luyện với diễn tập, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật, chấp hành điều lệnh, điều lệ Quân đội, pháp luật Nhà nước, không để xảy ra mất an toàn trong huấn luyện, vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Lữ đoàn yêu cầu các cơ quan, đơn vị duy trì nền nếp chế độ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích tốt và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ, Đảng ủy Lữ đoàn lãnh đạo các đơn vị thường xuyên chăm lo củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân. Trong tổ chức thực hiện, tập trung xây dựng nội dung, chương trình hành động của các tổ chức quần chúng sát với nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; phát huy vai trò, trách nhiệm của đoàn viên, hội viên xung kích vào nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; duy trì nghiêm chế độ sinh hoạt của các tổ chức; thực hiện hiệu quả Quy chế Dân chủ cơ sở, phát huy tốt dân chủ quân sự và dân chủ trên các mặt công tác. Đồng thời, huy động các nguồn lực, đảm bảo cao nhất chế độ, tiêu chuẩn văn hóa tinh thần; nắm và giải quyết tốt những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, chiến sĩ. Qua đó, thống nhất nhận thức, xây dựng mối đoàn kết, tạo sự đồng thuận cao trong đơn vị để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ.

Cùng với đó, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành tốt công tác dân vận, bảo vệ chính trị nội bộ, chủ động phòng ngừa và đấu tranh chống các hoạt động cài cắm, móc lối, lôi kéo, phá hoại của địch, phần tử xấu; những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; không để lộ, lọt thông tin bí mật quân sự, mất vũ khí, vật liệu nổ, v.v. Thường xuyên chăm lo bảo đảm tốt chế độ, chính sách, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe của bộ đội, xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh, tạo môi trường thuận lợi để bộ đội luôn có tinh thần lạc quan, vui tươi, nâng cao ý thức, trách nhiệm, quyết tâm phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Nhờ tiến hành đồng bộ các giải pháp trên, chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu được nâng cao, bảo đảm cho Lữ đoàn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, nhiều năm liền được Bộ Quốc phòng tặng cờ “Đơn vị huấn luyện Giỏi”. Đó là thành tích và kinh nghiệm để Lữ đoàn Công binh 229 tiếp tục phát huy trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng và sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, xứng đáng với truyền thống “Mở đường thắng lợi” của bộ đội Công binh Việt Nam anh hùng.

Thượng tá TRẦN THANH KHÔI, Chính ủy Lữ đoàn

Ý kiến bạn đọc (0)