Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 22/01/2024, 07:38 (GMT+7)
Lữ đoàn 972 tập trung nâng cao năng lực vận tải quân sự

Lữ đoàn Vận tải 972 (Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần) là đơn vị vận tải chiến lược, có nhiệm vụ vận chuyển vật chất hậu cần, vũ khí, trang bị kỹ thuật và vận chuyển quân,... cho các đơn vị đứng chân trên địa bàn các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên; thực hiện các nhiệm vụ liên quan trên tuyến vận tải chiến lược Bắc - Nam; tổ chức huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện lực lượng dự bị động viên, tham gia tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19, Lữ đoàn đã tham gia hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển vaccine, các loại thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam1.

Lữ đoàn tiếp nhận vaccine ngừa Covid-19 tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: hc.qdnd.vn

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung của toàn quân, Lữ đoàn được trang bị nhiều phương tiện vận tải thế hệ mới, hiện đại, với trọng tải lớn, tính việt giã cao. Cán bộ, chiến sĩ được đào tạo, huấn luyện cơ bản, tích lũy nhiều kinh nghiệm vận tải trong điều kiện môi trường hoạt động phức tạp. Đây là những thuận lợi cơ bản góp phần bảo đảm cho Lữ đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống. Tuy nhiên, do đặc thù, yêu cầu nhiệm vụ vận tải ngày càng cao, khối lượng vận chuyển lớn, đa dạng, nhiều loại dễ cháy, nổ; Lữ đoàn đóng quân phân tán, trên địa bàn rộng, nhiều bộ phận, chốt lẻ, thường xuyên thực hiện nhiệm vụ xa sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn; tính chất công việc của bộ đội căng thẳng, nhất là phải bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt trong điều kiện mật độ giao thông lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Từ thực tế đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm không ngừng nâng cao năng lực vận tải, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; trong đó, tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:

Trước hết, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng nâng cao bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm cho bộ đội - yếu tố tiền đề, quyết định đến kết quả thực hiện nhiệm vụ và xác định đó là nội dung cốt lõi để xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị. Để đạt chiều sâu vững chắc, Đảng ủy Lữ đoàn lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện tốt Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”; trong đó, trọng tâm hướng vào quán triệt nhiệm vụ, học tập các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của cấp trên. Đồng thời, triển khai cho Phòng Chính trị biên soạn các chuyên đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Lữ đoàn và tổ chức giáo dục với các hình thức, phương pháp phù hợp với từng đối tượng. Để cán bộ, nhân viên, chiến sĩ có lập trường, bản lĩnh chính trị vững vàng, Lữ đoàn coi trọng quán triệt, giáo dục cho bộ đội nhận thức rõ vị trí, vai trò, nhiệm vụ của đơn vị vận tải quân sự cấp chiến lược; kết hợp giáo dục nhiệm vụ với giáo dục truyền thống Bộ đội Vận tải anh hùng và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là Luật Giao thông đường bộ; đồng thời, làm rõ những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ vận chuyển mà mỗi cán bộ, chiễn sĩ phải khắc phục, vượt qua. Trên cơ sở đó, định hướng về nhận thức, tư tưởng và hành động; xây dựng thái độ, động cơ đúng đắn, ý chí khắc phục khó khăn, quyết tâm giữ vững phẩm chất của người chiến sĩ vận tải, “miễn dịch” trước những cám dỗ, tác động tiêu cực ngoài xã hội, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Quá trình thực hiện, Lữ đoàn thực hiện đúng các khâu, các bước: “dự báo, nắm, quản lý, định hướng, giải quyết tư tưởng” và các biện pháp tâm lý trong giải quyết tư tưởng theo phương châm: “gần bộ đội, hiểu bộ đội, tin bộ đội” để chủ động nắm, quản lý và kịp thời xử lý dứt điểm, không để nảy sinh tư tưởng tiêu cực, kéo dài. Đặc biệt, Lữ đoàn tích cực chăm lo xây dựng Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chú trọng phát triển đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng; đồng thời, đẩy mạnh các phong trào thi đua, nhất là phong trào “Xây dựng đơn vị vận tải chính quy, an toàn, hiệu quả” gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, nên đã tạo sự lan tỏa sâu rộng toàn đơn vị. Bên cạnh đó, Lữ đoàn thường xuyên quan tâm chăm lo về vật chất, tinh thần, thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội. Nhờ đó, 100% cán bộ, nhân viên, chiến sĩ có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng; có phẩm chất đạo đức cách mạng, cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Đội ngũ lái xe, lái tàu, thợ sửa chữa là lực lượng trực tiếp quyết định đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Vì vậy, cùng với coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, Lữ đoàn đẩy mạnh huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho lực lượng này. Để đạt hiệu quả, Lữ đoàn rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ lái xe, thợ sửa chữa, xây dựng kế hoạch huấn luyện, bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng. Chỉ đạo thực hiện đa dạng hình thức, kết hợp giữa chọn cán bộ, nhân viên gửi đi đào tạo tại các trường với tổ chức tập huấn tại đơn vị, khuyến khích đội ngũ cán bộ, nhân viên tự học qua thực tiễn công tác. Trong huấn luyện, Lữ đoàn thực hiện tốt phương châm: cơ bản, thiết thực, vững chắc; quản lý, điều hành huấn luyện theo hướng “tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo”; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với vận chuyển; lấy huấn luyện cán bộ làm then chốt, huấn luyện về kỹ thuật lái xe, tàu thuyền, bảo đảm an toàn làm trung tâm. Nội dung huấn luyện tập trung vào công tác tham mưu, chỉ huy, điều hành, hiệp đồng vận tải cho các nhiệm vụ; quy trình kỹ thuật trong bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, tàu, thuyền; phương thức, hình thức vận chuyển trên các loại địa hình; quy trình giao, nhận, bốc xếp hàng hóa; kỹ thuật lái xe ban đêm; các biện pháp bảo đảm an toàn trong vận chuyển; kỹ năng xử lý tình huống khi tham gia giao thông đường bộ, đường thủy; kỹ thuật, chiến thuật vận tải cho các loại hình chiến đấu trong tác chiến, vận tải trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, v.v. Đối với đội ngũ lái xe, lái tàu, Lữ đoàn chỉ đạo tổ chức bồi dưỡng, bổ túc tay lái tập trung kết hợp với bồi dưỡng trong thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, chú trọng các đồng chí tay lái còn yếu, mới ra trường. Đối với đội ngũ thợ sửa chữa, chủ yếu bồi dưỡng tay nghề thông qua thực hành theo phương pháp thế hệ đi trước truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ đi sau. Đồng thời, tổ chức tốt hội thi, hội thao kỹ thuật nội bộ và tích cực tham gia các hội thi, hội thao do Tổng cục Hậu cần và Bộ Quốc phòng tổ chức. Nhờ đó, đến nay, đa số cán bộ, lái xe, lái tàu, thợ kỹ thuật của Lữ đoàn có trình độ chuyên môn, tay nghề vững, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.

Là đơn vị kỹ thuật có tính đặc thù cao, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của Lữ đoàn phụ thuộc rất lớn vào yếu tố bảo đảm an toàn tuyệt đối, nhất là trên các tuyến, cung đường vận chuyển. Đây cũng là mục tiêu xuyên suốt, hàng đầu trong hoạt động vận tải mà Lữ đoàn hết sức coi trọng. Để các chuyến vận chuyển bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, phương tiện, hàng hoá và an toàn giao thông; 100% cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn “Đơn vị an toàn”, “Đơn vị an toàn tuyệt đối”, không có vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật và mất an toàn khi tham gia giao thông, Lữ đoàn đặc biệt coi trọng giáo dục, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ về công tác an toàn trong vận chuyển. Nội dung tập trung vào những vấn đề cơ bản của Luật Giao thông đường bộ; Luật Giao thông đường thủy nội địa; Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” và các quy trình, quy định trong vận tải quân sự. Việc thực hiện được tiến hành thông qua nhiều hình thức, như: học tập trung; panô, áp phích; hệ thống truyền thanh nội bộ; tọa đàm; hội thi bằng hình thức sân khấu hóa, phát huy tủ sách pháp luật ở đơn vị. Cùng với giáo dục, quán triệt, Lữ đoàn duy trì nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn, nhất là an toàn giao thông; duy trì nền nếp kiểm tra kỹ thuật phương tiện trước và sau mỗi chuyến vận chuyển; nghiêm cấm lái xe uống rượu, bia khi làm nhiệm vụ; có biện pháp xử lý nghiêm minh các trường hợp để mất an toàn do lỗi chủ quan gây ra, v.v. Trong vận chuyển, Lữ đoàn phân công chỉ huy, quản lý, điều hành vận chuyển chặt chẽ, khoa học, linh hoạt. Trước mỗi nhiệm vụ vận chuyển, đơn vị đều tổ chức quán triệt, giao nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân; có phương án lựa chọn đội ngũ cán bộ, chỉ huy, lái xe phù hợp với từng nhiệm vụ. Trên mỗi cung, chặng vận tải, Lữ đoàn quy định chặt chẽ về cự ly, khoảng cách giữa các xe; xác định cụ thể các đoạn đổi tay lái, điểm dừng, đỗ. Trong vận chuyển quân, ưu tiên sử dụng xe mới, xe có tình trạng kỹ thuật tốt để đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe bộ đội. Khi vận chuyển hàng hóa có khối lượng lớn, tính chất phức tạp, cự ly xa, dài ngày, các đơn vị đều lựa chọn đội ngũ cán bộ chỉ huy, lái xe có bản lĩnh, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn tốt; đồng thời, tăng cường công tác chỉ huy và kiểm tra ở tất cả các khâu trong quy trình vận chuyển.

Trước yêu cầu cao của nhiệm vụ vận chuyển và thực trạng các loại xe, tàu thuyền đã qua nhiều năm khai thác sử dụng, đã xuống cấp, tính đồng bộ không cao, để hoàn thành tốt chỉ tiêu, Lữ đoàn luôn quan tâm làm tốt công tác bảo đảm kỹ thuật; tăng cường quản lý số lượng, chất lượng xe máy, tàu thuyền; thực hiện nghiêm nền nếp, chế độ công tác kỹ thuật. Những năm qua, Lữ đoàn luôn thực hiện tốt Cuộc vận động 50; duy trì nền nếp, chất lượng chế độ giờ kỹ thuật trong ngày, ngày kỹ thuật trong tuần. Các đơn vị đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, phương châm “yêu xe như con”, phát huy nội lực, đẩy mạnh công tác bảo dưỡng, sửa chữa theo phân cấp. Bên cạnh đó, Lữ đoàn tích cực huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa của các trạm, xưởng, nâng cao một bước năng lực bảo đảm kỹ thuật của các cấp. Do đó, Lữ đoàn luôn đảm bảo tốt tình trạng kỹ thuật của phương tiện xe - máy, tàu thuyền; hệ số kỹ thuật luôn đạt và vượt quy định, sẵn sàng đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ trong mọi tình huống. Trong 05 năm qua, Lữ đoàn đều hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ vận tải, được Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần và các đơn vị ghi nhận, đánh giá cao; Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen trong phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo Lời Bác Hồ dạy” năm 2023; Cờ thi đua của Tổng cục Hậu cần trong phong trào Thi đua Quyết thắng, Đơn vị huấn luyện Giỏi v.v.

Nhờ thực hiện đồng bộ và hiệu quả các biện pháp trên, năng lực vận tải của Lữ đoàn ngày càng được nâng cao. Đây là tiền đề vững chắc để Lữ đoàn xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” và “chính quy, an toàn, hiệu quả”, sẵn sàng hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, xứng đáng là đơn vị vận tải chiến lược của Quân đội.

Đại tá ĐINH HOÀNG HUYÊN, Lữ đoàn trưởng
____________________
        

1 - Vận chuyển 28.286.560 liều Vaccine Covid-19, khối lượng gần 220 tấn từ Sân bay Tân Sơn Nhất về các kho của Bộ Y tế; 330 tấn trang thiết bị y tế; 600 tấn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ lực lượng vũ trang và nhân dân, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, phương tiện; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.