Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 25/05/2012, 07:40 (GMT+7)
Lữ đoàn 971 nâng cao chất lượng tổng hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao

Lữ đoàn 971 thuộc Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần được thành lập ngày 27-5-1997 trên cơ sở sáp nhập các trung đoàn vận tải: 681, 682 và 32. Là đơn vị vận tải chiến lược của Quân đội, Lữ đoàn được giao nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đạn, binh khí kỹ thuật, vật chất hậu cần và cơ động bộ đội cho các đơn vị đóng quân trên địa bàn 30 tỉnh, thành phố phía Bắc (từ Quảng Trị trở ra); tổ chức vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt từ các ga phía Bắc vào cho các đơn vị ở miền Trung, miền Nam. Bên cạnh đó, Lữ đoàn còn có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; huấn luyện lực lượng dự bị động viên; tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai và sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ đột xuất.

alt
Nhận nhiệm vụ vận chuyển hàng cứu trợ đồng bào vùng bị  bão lụt
 

Trong suốt chặng đường 15 năm xây dựng, trưởng thành, Lữ đoàn luôn chủ động, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đã có hàng trăm nghìn tấn hàng hoá các loại (trong đó phần lớn hàng hoá có tính chất phức tạp, yêu cầu đảm bảo an toàn cao), hàng chục vạn lượt cán bộ, chiến sĩ được Lữ đoàn vận chuyển đến đích, an toàn tuyệt đối1, góp phần thực hiện tốt công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho toàn quân. Cùng với đó, Lữ đoàn còn tham gia tích cực, có hiệu quả vào việc cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, để lại ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân về hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”. Từ năm 2007 đến nay, Lữ đoàn liên tục là đơn vị lá cờ đầu của ngành Vận tải Quân sự, là một trong những điển hình tiên tiến trong phong trào Thi đua Quyết thắng của toàn quân, được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần… tặng nhiều phần thưởng cao quý. 

Những năm gần đây, trước yêu cầu xây dựng Quân đội trong thời kỳ mới, khối lượng hàng hoá Lữ đoàn phải vận chuyển tăng cao, nhiều nhiệm vụ đột xuất phải giải quyết. Trong khi đó, Lữ đoàn đứng chân và hoạt động trên địa bàn 6 tỉnh, thành phố; nhiều bộ phận lẻ phải canh trực ở các chốt ga, chốt cảng, là nơi nhạy cảm, phức tạp về an ninh, trật tự; lực lượng, phương tiện xe máy thường xuyên hoạt động phân tán, xa sự quản lý trực tiếp của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và chịu nhiều tác động của mặt trái cơ chế thị trường. Mặt khác, tính chất công việc của bộ đội căng thẳng, nhiều áp lực, nhất là phải bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt trong điều kiện giao thông phức tạp, hàng hoá vận chuyển đa dạng, nhiều loại dễ cháy, nổ, có giá trị kinh tế cao nên dễ nảy sinh tiêu cực. Điều đó đã tác động không nhỏ đến công tác lãnh đạo, chỉ huy của Lữ đoàn, đến tư tưởng, ý thức chấp hành kỷ luật, pháp luật của bộ đội, nhất là đội ngũ lái xe và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

alt
Tổ chức vận chuyển binh khí kỹ thuật bằng tàu hoả
 

Trước thực tế đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Lữ đoàn đã tập trung trước hết vào đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, với mục tiêu đặt ra là, xây dựng cho bộ đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, thống nhất cao về nhận thức, quyết tâm và hành động, giữ vững phẩm chất của người chiến sĩ vận tải, không bị cám dỗ, lôi kéo bởi các thế lực thù địch và những tác động tiêu cực ngoài xã hội. Để thực hiện tốt vấn đề này, Lữ đoàn đã kết hợp nhiều biện pháp; trong đó, xác định biện pháp giáo dục là chủ yếu. Theo đó, Lữ đoàn đã triển khai thực hiện tốt kế hoạch giáo dục chính trị hằng năm theo quy định của trên; đồng thời, lựa chọn và tổ chức cho bộ đội học tập các chuyên đề bổ sung có nội dung thiết thực với đơn vị. Trong quá trình thực hiện, Lữ đoàn tích cực đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục theo hướng thiết thực, hiệu quả; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục cơ bản với giáo dục thường xuyên, giáo dục nhiệm vụ với giáo dục truyền thống; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy hiệu quả các thiết chế văn hoá, nâng cao đời sống tinh thần cho bộ đội. Đi đôi với giáo dục, Lữ đoàn tăng cường công tác quản lý, rèn luyện kỷ luật và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; duy trì nền nếp chế độ (định kỳ) lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn xuống các đơn vị trực tiếp đối thoại với bộ đội trong Ngày văn hoá - chính trị - tinh thần; đồng thời, chú trọng phát huy vai trò của Hội đồng quân nhân, Đoàn Thanh niên. Nhờ vậy, cấp uỷ, chỉ huy các cấp đã thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ, kịp thời chỉ đạo xử lý, giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm, đảm bảo giữ vững sự ổn định, đoàn kết, thống nhất cao trong toàn đơn vị. Mặt khác, Lữ đoàn còn tổ chức tốt các phong trào thi đua, nhất là phong trào “Xây dựng đơn vị vận tải chính quy, an toàn, hiệu quả”, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, lấy “Chuẩn mực đạo đức người làm công tác vận tải quân sự của Lữ đoàn” là mục tiêu, yêu cầu để cán bộ, chiến sĩ phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện, nên đã tạo được sức lan toả sâu rộng trong toàn đơn vị, hướng vào xây dựng con người, xây dựng tổ chức vững mạnh.

Các tổ chức đảng có vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng. Vì vậy, cùng với biện pháp giáo dục, quản lý bộ đội, Lữ đoàn đặc biệt chú trọng kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, nhất là ở đơn vị cơ sở, đơn vị đóng quân độc lập, ở xa. Trong 5 năm (2007 - 2011), Lữ đoàn đã kiện toàn 121 lượt cấp uỷ viên các cấp, kết nạp 140 quần chúng ưu tú vào Đảng, nâng tỷ lệ lãnh đạo ở đơn vị cơ sở, đảm bảo 100% các chi bộ đại đội có chi uỷ, Đảng bộ Lữ đoàn liên tục đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh. Đây vừa là kết quả trong công tác xây dựng Đảng, vừa là nhân tố quyết định để Lữ đoàn luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Cùng với coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, Lữ đoàn tập trung đẩy mạnh công tác huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho đội ngũ cán bộ, nhân viên (CB,NV). Đảng uỷ, chỉ huy Lữ đoàn xác định đây là mặt công tác trọng tâm, là khâu then chốt, nhằm bảo đảm cho đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất. Trên cơ sở rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ CB,NV các cấp, Lữ đoàn đã xây dựng kế hoạch huấn luyện, bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng, kết hợp chặt chẽ giữa cử CB,NV đi đào tạo tại các nhà trường với tổ chức tập huấn chuyên môn, huấn luyện tại chức và khuyến khích CB,NV tự học qua thực tế công tác. Trong huấn luyện, các đơn vị luôn bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc, sát nhiệm vụ”, kết hợp hài hoà huấn luyện toàn diện và chuyên sâu. Với đối tượng là cán bộ chỉ huy, Lữ đoàn tập trung bồi dưỡng nâng cao năng lực tham mưu, trình độ quản lý, tổ chức chỉ huy, điều hành vận tải. Đối với đội ngũ lái xe, thợ kỹ thuật, Lữ đoàn chú trọng huấn luyện thực hành, nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng khai thác, sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; huấn luyện nâng cao trình độ cơ động sẵn sàng chiến đấu và các nội dung về bảo đảm an toàn trong vận chuyển... Trong đó, việc bổ túc tay lái cho đội ngũ lái xe là nội dung được Lữ đoàn hết sức chú trọng. Hằng năm, cùng với tổ chức bổ túc tay lái tập trung, nhất là cho các đồng chí tay lái còn yếu, lái xe mới ra trường, Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị coi trọng bổ túc tay lái kết hợp trong vận chuyển; vì đây là hình thức huấn luyện có hiệu quả cao, giúp lái xe không chỉ nâng cao tay nghề mà còn học hỏi, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong xử lý tình huống thực tế trên đường. Bên cạnh đó, Lữ đoàn thường xuyên duy trì các hoạt động hội thao, hội thi kỹ thuật, tổ chức thi nâng bậc, kiểm tra tay nghề, tổ chức trao đổi kinh nghiệm sau mỗi chuyến vận chuyển...; qua đó, tạo điều kiện và động lực để CB,NV củng cố, nâng cao năng lực mọi mặt. Nhờ kết hợp nhiều hình thức, biện pháp và chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện, đến nay, đa số cán bộ, lái xe, thợ kỹ thuật của Lữ đoàn có trình độ chuyên môn vững, đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Là đơn vị kỹ thuật, nên cùng với coi trọng yếu tố con người, Lữ đoàn luôn chú ý làm tốt công tác bảo đảm kỹ thuật cho phương tiện xe máy. Tuy nhiên, thực hiện công tác này trong điều kiện số lượng xe máy mà Lữ đoàn quản lý, khai thác, sử dụng lớn, cường độ hoạt động cao, phần lớn trong đó là xe thế hệ cũ, đã xuống cấp, phụ tùng, vật tư thay thế khan hiếm, thiếu đồng bộ, là việc không đơn giản. Trước thực tế đó, một mặt, Lữ đoàn chỉ đạo đẩy mạnh công tác bảo dưỡng, sữa chữa theo phân cấp tại đơn vị; mặt khác, tăng cường đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng sửa chữa lớn, sửa chữa vừa ở Xưởng của Lữ đoàn và tích cực bảo đảm đủ vật tư dự phòng đồng bộ cần thiết ở các cấp theo quy định. Thời gian qua, cùng với chỉ đạo các đơn vị phát huy hiệu quả các trang, thiết bị hiện có, Lữ đoàn đã từng bước đầu tư, mua sắm, bổ sung cho các đơn vị, Xưởng sửa chữa nhiều trang bị, phương tiện bảo dưỡng, sửa chữa hiện đại, nâng cao năng lực bảo đảm của lực lượng kỹ thuật các cấp. Trên cơ sở đó, Lữ đoàn tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Giữ xe tốt, lái xe an toàn”; duy trì thực hiện nghiêm chế độ giờ kỹ thuật trong ngày, ngày kỹ thuật trong tuần, ngày Hội kỹ thuật tháng và Hội thi Kỹ thuật hằng năm, gắn với thực hiện Cuộc vận động 50; tăng cường việc kiểm tra tình trạng kỹ thuật của xe trước, trong vận chuyển, cũng như kiểm tra, củng cố phương tiện sau vận chuyển, thực hiện đúng quy trình, chế độ bảo dưỡng, sửa chữa và kiểm định kỹ thuật, hạn chế thấp nhất phương tiện hư hỏng trong thực hiện nhiệm vụ. Không chỉ chủ động bảo đảm tốt kỹ thuật cho xe máy ngay tại đơn vị, mà trong quá trình vận chuyển, Lữ đoàn còn coi trọng tổ chức lực lượng bảo đảm kỹ thuật đi cùng để kịp thời xử lý các sự cố kỹ thuật xảy ra trên đường. Do đầu tư hiệu quả và chú trọng đến đội ngũ thợ kỹ thuật, nên năng lực sửa chữa của đơn vị đã được nâng lên rõ rệt. Trong 5 năm qua, Lữ đoàn đã tổ chức bảo dưỡng cấp 1 và cấp 2 cho 4.335 lượt xe, sửa chữa vừa 55 xe, sửa chữa lớn 50 xe, kiểm định kỹ thuật cho 2.519 lượt xe; phương tiện xe máy của Lữ đoàn luôn đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt (hệ số kỹ thuật của nhóm xe sẵn sàng chiến đấu = 1, nhóm xe hoạt động thường xuyên = 0,95), đảm bảo đủ số đầu xe tốt, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ, trong mọi tình huống.

Công tác vận tải nói chung, vận tải quân sự nói riêng là hoạt động mang tính hiệp đồng cao và bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Để hoàn thành nhiệm vụ, cùng với việc tập trung thực hiện tốt các vấn đề trên, Lữ đoàn còn hết sức chú trọng đổi mới công tác quản lý, chỉ huy, điều hành vận tải. Theo đó, Lữ đoàn đẩy mạnh đổi mới công tác quản lý, từ quản lý hành chính sang quản lý bằng chất lượng công việc; tổ chức chỉ huy, điều hành vận tải tập trung, thống nhất thông qua kế hoạch vận chuyển. Mọi nhiệm vụ vận chuyển, Lữ đoàn đều có kế hoạch cụ thể, tỉ mỉ, xác định rõ trách nhiệm của từng bộ phận; quy định rõ cung, chặng, thời gian vận chuyển cùng các biện pháp thực hiện; trong đó, Lữ đoàn coi trọng đề cao tính chuyên nghiệp, chính quy trong vận chuyển, gắn trách nhiệm của cá nhân đối với an toàn hàng hoá. Với nhiệm vụ vận chuyển hàng hoá có khối lượng lớn, tính chất phức tạp, Lữ đoàn đều lựa chọn đội ngũ cán bộ chỉ huy, lái xe, bốc dỡ có bản lĩnh, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn tốt; đồng thời, tăng cường công tác chỉ huy và kiểm tra ở tất cả các khâu trong quy trình vận chuyển, từ tiếp nhận, bốc xếp, vận chuyển đến giao nhận, quyết toán với đơn vị bạn. Khi cơ động vận chuyển, Lữ đoàn quy định: đội hình 3 - 4 xe làm nhiệm vụ phải có cán bộ đại đội chỉ huy; đội hình 5 xe trở lên có cán bộ tiểu đoàn chỉ huy và đội hình trên 10 xe có cán bộ Lữ đoàn chỉ huy. Nhờ tổ chức chỉ huy, điều hành chặt chẽ, nên những năm qua, Lữ đoàn đều hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đảm bảo an toàn tuyệt đối về con người, trang bị, phương tiện và hàng hoá.

Với những kết quả đạt được trên đây, Lữ đoàn 971 đã khẳng định sự trưởng thành của mình. Đó là cơ sở, là động lực để Lữ đoàn tiếp tục xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh, sẵn sàng có lệnh là lên đường, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng là đơn vị vận tải chiến lược của Quân đội.

 Đại tá VŨ DUY KHANH

Lữ đoàn trưởng

                        

1 - Chỉ tính riêng trong 5 năm (2007 - 2011), Lữ đoàn đã vận chuyển 160.093 tấn vũ khí đạn, xăng dầu, quân trang, quân y cho các đơn vị và hơn 3.850 tấn pháo hoa cho các địa phương trong cả nước; đạt trên 3,8 triệu ki-lô-mét an toàn.

 

Ý kiến bạn đọc (0)